Giải thưởng điện ảnh cành cọ vàng của nước nào năm 2024

Liên Hoan Phim Quốc Tế Cannes lần thứ 69 sẽ diễn ra từ ngày 11 đến ngày 22/05/2016. Hơn 80 bộ phim sẽ được trình chiếu trong suốt thời gian diễn ra sự kiện nổi tiếng này, trong đó có 21 phim tranh giải Cành Cọ Vàng (La Palme d’Or). Hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về trị giá của giải thưởng cao quý này.

Năm 2015, Cành Cọ Vàng, biểu tượng của Liên Hoan Phim Cannes, đã tròn 60 tuổi. Nhưng thật ra, Cành Cọ Vàng chỉ được trao 55 lần kể từ lần trao giải đầu tiên vào năm 1955 cho bộ phim Marty của đạo diễn người Mỹ Delbert Mann.

Cho đến năm 1954, bộ phim hay nhất ở Cannes được trao "Giải Thưởng Lớn của Liên Hoan Phim Quốc Tế". Đạo diễn có phim đoạt giải chỉ được cấp một giấy chứng nhận và một tác phẩm nghệ thuật của một nghệ sĩ đương đại ký tặng.

Khi giữ vai trò đại diện của Liên Hoan Phim Cannes (1952-1972), ông Robert Favre Le Bret mời nhiều thợ kim hoàn thiết kế các mẫu cành cọ, xuất hiện trên huy hiệu của thành phố Cannes. Theo lời nhiều người kể lại, nhờ sự giúp đỡ của nhà văn Jean Cocteau, năm đó giữ chức chủ tịch ban giám khảo, nhà thiết kế trang sức Lucienne Lazon đã giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế mẫu cho Cành Cọ Vàng.

Thế nhưng, tượng Cành Cọ Vàng đã không nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của mọi người. Sau giải thưởng năm 1963, Cành Cọ Vàng lại bị gác lại và chỉ trở lại Liên Hoan Phim vào năm 1975.

Cành Cọ Vàng nặng 118 gam vàng

Mẫu Cành Cọ Vàng hiện nay được bà Caroline Scheufele thiết kế năm 1998. Bà là đồng chủ tịch công ty Thụy Sĩ Chopard. Thương hiệu trang sức hàng đầu thế giới hàng năm vẫn tài trợ tượng Cành Cọ Vàng trị giá hơn 20.000 euro để trở thành đối tác chính thức của Liên Hoan Phim Cannes.

Đường sống lá được khéo léo uốn cong và được gắn 19 chiếc lá vàng làm thủ công. Trọng lượng của Cành Cọ Vàng là 118 gam vàng 18 carat. Vàng được đổ vào các rãnh của khuôn sáp, sau đó cành cọ được đánh bóng trước khi được gắn trên một giá đỡ bằng pha lê có nguồn gốc từ Đức. Toàn bộ công việc cần tới 40 giờ làm việc và cần tới 7 người thợ và nghệ nhân kim hoàn. Riêng giá đỡ nặng 1 kg và được gọt dũa theo hình một viên kim cương mà mẫu mã luôn thay đổi.

Từ năm 2013, Cành Cọ Vàng được gắn nhãn hiệu quốc tế "Fairmined". Nhãn hiệu này được tổ chức phi chính phủ "Alliance" thành lập năm 2004 tại Colombia và có hiệu lực tại Nam Mỹ, châu Á và châu Phi để chứng nhận vàng được khai thác bằng phương pháp truyền thống, tuân theo các tiêu chí tôn trọng môi trường và quyền lợi xã hội của thợ đãi vàng. Công ty Chopard sử dụng vàng của một hợp tác xã Colombia nằm tại La Llanada, một thành phố nhỏ ở miền bắc dãy núi Andes.

Trong trường hợp có đồng giải thưởng, hay xảy ra bất kỳ sự cố nào, ban tổ chức luôn có một tượng Cành Cọ Vàng dự phòng. Từ năm 2000, hai tượng “Cành Cọ Vàng” nhỏ hơn được trao cho cho nữ diễn viên và nam diễn viên xuất sắc nhất. Vì lý do an ninh, các giải thưởng chỉ được chuyển đến hội trường vài giờ trước buổi lễ bế mạc.

Cho tới hiện nay có sáu đạo diễn từng hai lần được nhận giải thưởng cao quý này : Francis Coppola (1974 và 1979), Shoei Imamura (1983 và 1997), Bille August (1988 và 1992), Emir Kusturica (1985 và 1995), hai anh em Jean-Pierre và Luc Dardenne (1999 và 2005) và Michael Haneke (2009 và 2012).

Hôm nay, ngày 16/5/2013, Liên hoan phim Cannes lần thứ 66, một trong những hoạt động nghệ thuật lớn nhất tại Pháp chính thức khai mạc. Nước Pháp chuẩn bị cho ngày hội điện ảnh này chu đáo, cẩn thận và chuyên nghiệp hơn bất kì một nơi nào trên thế giới. Tôi chưa có điều kiện được tham dự nhiều Liên hoan phim, nhưng chí ít cũng đã có may mắn được đặt chân tới hai kinh đô điện ảnh được coi là lớn nhất, đó là Los Angeles, nơi trao giải Oscar hàng năm của điện ảnh Mĩ, và Cannes, nơi trao giải Cành Cọ Vàng hàng năm tại Pháp.

Được bắt đầu từ năm 1946, đến nay, Cannes đã trải qua 65 lần tổ chức liên hoan phim, một hoạt động nghệ thuật – thương mại có thể nói ồn ào nhất trong các hoạt động văn hoá trong năm của giới nghệ thuật thứ bảy từ khắp mọi nơi trên thế giới. Người Pháp đã có thừa sự khôn ngoan để chọn Cannes, chứ không phải chỗ nào khác trên mảnh đất hình lục giác (tôi chợt nghĩ tại sao Việt Nam lại không chọn Hạ Long hay Đồ Sơn?) để tổ chức ngày hội lớn nhất cho bộ môn nghệ thuật quyến rũ và hấp dẫn này. Bởi Cannes, với đường bờ biển dài 9 km, bãi cát vàng mịn, còn đẹp hơn cả Nice, thành phố biển cũng hết sức nổi tiếng, vùng Provence, cách đó chừng 20 km.

Thật khó so sánh hai địa danh nổi tiếng của thế giới màn bạc ở hai cường quốc phim ảnh Pháp và Hoa Kì. Bởi trong khi Los Angeles là một thành phố lớn, mênh mông là rộng, thì Cannes, trái lại chỉ là một thị trấn nhỏ thơ mộng nằm bên bờ Địa Trung Hải, vùng Côte d’Azur. Los Angeles với kinh đô Hollywood có tới hàng chục phim trường, vừa là nơi làm phim, vừa là nơi diễn ra lễ trao giải, còn Cannes, có lẽ chủ yếu chỉ là nơi tổ chức Liên hoan phim mà thôi.

Liên hoan Phim Cannes khác với Lễ trao giải Oscar như thế nào? Quả là khó, vì mọi sự so sánh đều khập khiễng. Chúng ta chỉ có thể biết rằng, Cannes hay Oscar có thể khác nhau về hình thức tổ chức, nhưng mục đích chung của cả hai đều nhằm tôn vinh vẻ đẹp, tài năng của những tác phẩm, đạo diễn, diễn viên và hàng loạt các hạng mục khác của một tập thể khổng lồ làm nên một bộ phim. Nếu như Oscar chỉ đơn thuần là một Lễ trao giải với đúng nghĩa của nó, thì Cannes, ngoài hoạt động trên còn là một hội chợ sôi nổi và náo nhiệt. Đến Liên hoan phim Cannes, người ta có thể tham gia vào nhiều hoạt động: xem phim, gặp gỡ và giao lưu với êkíp làm phim, trao đổi mua bán phim, gặp gỡ giữa các nhà làm phim trẻ với các nhà tài trợ, dự lễ trao giải; tại Oscar, chỉ duy nhất có một hoạt động trao giải, người đến dự chỉ có thể nhìn ngắm từ xa các tài tử, giai nhân, chứ không có cơ hội được giao lưu, đối thoại trực tiếp với họ.

Tôi không biết thật chính xác tại thủ đô điện ảnh Hollywood có bao nhiêu rạp chiếu phim, nhưng ở Cannes, một thành phố rất nhỏ, thậm chí chỉ như một thị trấn, vậy mà nhan nhản khắp nơi là các rạp chiếu phim. Đó là chưa kể vào những ngày diễn ra liên hoan, ngay tại Cung Hội chợ, xung quanh Nhà hát Lumière, còn có tới hàng chục rạp chiếu phim vệ tinh đủ cỡ, có thể chứa được khoảng từ mười lăm đến cỡ ba bốn trăm khán giả, được dựng lên để kịp phục vụ người xem. Những ai đã từng có cơ hội đến Cannes với tư cách một khách mời, có nghĩa là được cấp riêng một thẻ thành viên (tuỳ từng loại), say mê với nghệ thuật thứ bảy, muốn tranh thủ trong mười mấy ngày ngắn ngủi của Liên hoan phim, xem được nhiều nhất những tác phẩm được trình chiếu, thì chả khác nào một vận động viên marathon, sau một ngày chân cẳng mỏi rã rời cũng giống như vận động viên ở cuối đường chạy vậy (khác với Oscar, phim đã được chiếu rải rác trong năm, người xem thậm chí có thể mua đĩa về xem trước khi tới rạp thưởng thức và chỉ chờ đến lễ trao giải để hồi hộp được so sánh quyết định của Ban giám khảo có giống dự đoán của mình không?).

Để có được cơ hội bước chân vào Nhà hát Kodax chứng kiến lễ trao giải Oscar (từ năm 2013, do sự phá sản của hãng phim nhựa Kodax, lễ trao giải Oscar đã được chuyển sang nhà hát Dolby), chỉ có thể là những nhân vật có tiếng trong làng điện ảnh và giới báo chí, nhưng để có được một vé mời vào xem phim tại Nhà hát Lumière, chắc sẽ dễ dàng hơn. Bởi vì trong khoảng từ 12 đến 15 ngày diễn ra Liên hoan phim, tại Nhà hát sang trọng này, ngoài buổi trao giải cuối cùng chắc chắn khó kiếm vé nhất, còn lại các buổi chiếu phim tranh giải, chỉ cần là thành viên được mời chính thức, hoặc quen biết một vị thành viên ban giám khảo hay Ban tổ chức nào, là ta có thể có vé. Tất nhiên, để được chấp nhận vào xem phim ở rạp chiếu này, để không bị “cháy túi”, phải hết sức chú ý đến trang phục. Người Pháp vốn “sành điệu”, nên cái “khoản ăn mặc” nếu không đủ lịch sự chắc chắn bộ phận bảo vệ sẽ không cho ta vào cửa. Chính bản thân tôi và một vài người bạn có dịp vào rạp Lumière hồi năm 2008 đã bị “trả giá” cho điều này. Để được bước chân trên thảm đỏ, phải có một bộ complet đen, cà vạt, áo sơ mi trắng, giày da đen (chứ không nhất thiết phải là một khách mời ‘to tát” nào). Do không chuẩn bị đầy đủ, chúng tôi đã phải thuê mỗi người chỉ một bộ đồ mặc trong vài tiếng đồng hồ mà phải trả tới hơn một trăm euro. Tính ra tiền Việt, mất đứt khoảng nửa tháng lương của chúng tôi hồi ấy. Và với số tiền ấy, ở Việt Nam, người ta có thể mua được hẳn một bộ complet “xịn” giống như bộ chúng tôi thuê từ cửa hàng dành cho các “siêu sao” như bảng hiệu phô trương, loè loẹt của các ông chủ hiệu Pháp (mà sau lần ấy chúng tôi cay cú gọi là “Thénardier đời mới”).

Dành hẳn một thành phố (dù nhỏ, và thường mỗi năm chỉ tổ chức một lần) cho một hoạt động nghệ thuật được coi là “quan trọng nhất trong các nghệ thuật”, tất nhiên, người Pháp không chỉ có duy nhất hoạt động chiếu phim. Là một thành phố biển thơ mộng nằm bên bờ Địa Trung Hải, Cannes còn là một địa điểm hấp dẫn và quyến rũ với hàng triệu khách du lịch hàng năm trên thế giới. Với bãi cát dài trắng mịn, làn nước trong xanh và một nhiệt độ lí tưởng quanh năm trên dưới 20 độ C, với hàng trăm du thuyền đủ các sắc màu trang trọng và lịch sự, với hàng ngàn những nam thanh nữ tú, Cannes thực sự là một địa chỉ lí tưởng cho những người trong túi luôn “rủng rỉnh” tiền.

Về chất lượng nghệ thuật các bộ phim tham gia Liên hoan phim Cannes và tranh giải Oscar tại Hollywood, tôi từng được nghe rất nhiều băn khoăn của khá nhiều người, thậm chí cả các nhà chuyên môn điện ảnh: Cành cọ vàng so với Oscar, cái nào có tính nghệ thuật hơn? Và người ta trao giải dựa trên tiêu chí gì? Quả thật rất khó phân biệt và đánh giá một cách rạch ròi chất lượng nghệ thuật của một bộ phim đoạt giải Oscar của Hollywood hay Cành Cọ Vàng của Cannes. Cả hai kinh đô điện ảnh này, tôi nghĩ đều rất chú trọng tới chất lượng nghệ thuật của một tác phẩm điện ảnh. Cannes thì có hẳn một Ban giám khảo gồm đại diện những nhà điện ảnh được coi là xuất sắc nhất xem và chấm giải ngay trong những ngày diễn ra liên hoan. Oscar thì có một ban giám khảo tới hàng trăm người được mời từ nhiều trung tâm điện ảnh cùng bộ phận chuyên gia của Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kì xem và chấm điểm trước khi diễn ra lễ trao giải. Tuy nhiên, qua ý kiến của một vài chuyên gia trong nghề, người ta vẫn cứ cho rằng, Cành Cọ Vàng đánh giá cao hơn sự khám phá, tính mới mẻ và khác lạ của một bộ phim; trong khi Oscar thì sự hấp dẫn và doanh thu chiếu rạp có vẻ như được ưu tiên hàng đầu. Tất nhiên, tôi nghĩ rằng, điều đó chỉ là tương đối, vì qua thực tế trao giải những năm gần đây, không ít bộ phim Oscar đã bị người ta quên ngay sau khi trao giải (và cũng không có kỉ lục về doanh thu), và cũng có những phim Cành Cọ Vàng không để lại được mấy dấu ấn nghệ thuật với người xem và giới chuyên môn. Gần đây, người ta còn bình luận rằng, Oscar đã bị “chính trị hoá” (ví dụ Argo năm 2013), còn Cannes thì bị “hình thức hoá” (quá chú ý tới nghệ thuật thể hiện mà ít chú ý tới tính giải trí, ví dụ như Uncle Boonmee năm 2010 của đạo diễn Thái Lan Apichatpong). Oscar dành nhiều hạng mục giải thưởng hơn cho các bộ phim và thành phần làm phim, Cannes thì chắt lọc hơn. Oscar chủ yếu dành cho phim Mĩ (chỉ có một giải cho phim nước ngoài), còn Cannes thì không có sự phân biệt nào: bất cứ bộ phim xuất sắc của nước nào tham gia cũng đều có cơ hội nhận giải. Và một điều lạ nữa: kể từ khi Cành Cọ Vàng chính thức trao giải đến nay (65 năm), nước Mĩ chắc chắn đoạt nhiều giải hơn so với nước chủ nhà Pháp (chỉ tính từ khoảng 1946 đến 1996, Mĩ đoạt 14, trong khi Pháp chỉ có 7). Vậy xem ra người Pháp hoàn toàn khách quan chứ không hề có bất cứ sự thiên vị nào. Phải chăng vì thế mà, dù không có sự công khai chính thức, nhưng bấy lâu nay người ta vẫn cứ “ngấm ngầm” khẳng định rằng: Cành Cọ Vàng “nghệ thuật” hơn Oscar?