Đề xuất các biện pháp hạn chế sử dụng thuốc lá

Những giải pháp đẩy mạnh thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

01/09/2015

TS. BÀNH QUỐC TUẤN

Khoa Luật, Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Từ viết tắt In trang Gửi tới bạn

1. Kết quả đạt được trong việc thực thi pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Việt Nam là quốc gia thứ 47 đã phê chuẩn Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới từ năm 2004 [Công ước khung] và đồng thời cũng là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại [PCTH] của thuốc lá vào năm 2013. Sau 10 năm thực hiện Công ước khung và gần ba năm áp dụng Luật PCTH của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần quan trọng trong việc tạo lập hành lang pháp lý cho các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để PCTH của thuốc lá. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã triển khai thực hiện phần lớn các biện pháp do Công ước khung khuyến nghị nhằm PCTH của thuốc lá. Những kết quả đạt được trên thực tế là rất đáng khích lệ xuất phát từ việc áp dụng có hiệu quả các quy định của pháp luật nhằm thực hiện các cam kết trong Hiệp định khung. Cụ thể[1]:

Thứ nhất, đối với việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá: Thống kê đến thời điểm cuối năm 2014 tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành đã giảm từ 56,1% năm 2001 xuống 47,4% năm 2010. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên [từ 13-15 tuổi] giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% vào năm 2014. Nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá được nâng cao, 95% người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây bệnh tật, 87% người trưởng thành tin rằng người hút thuốc thụ động cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Hành vi hút thuốc lá tại nơi làm việc, trường học đã giảm, hành vi hút thuốc không còn là hành vi phổ biến được chấp nhận như trước.

Thứ hai, đối với việc xây dựng và mở rộng các mô hình môi trường không khói thuốc lá: Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, nơi làm việc, phương tiện giao thông công cộng đều đã triển khai đồng bộ mô hình môi trường không khói thuốc lá và các mô hình này đang được nhiều tỉnh, thành phố tích cực hưởng ứng. Trong giai đoạn sắp tới, phạm vi áp dụng các mô hình này sẽ được mở rộng đến các không gian công cộng như bến xe, sân bay, nhà hát… nhằm tiến tới việc xây dựng một môi trường hoàn toàn không khói thuốc lá.

Thứ ba, kiện toàn nhân lực và nâng cao năng lực của bộ máy hoạt động PCTH của thuốc lá: Xây dựng và củng cố Ban chủ nhiệm Chương trình quốc gia PCTH của thuốc lá với sự tham gia của các bộ, ngành và tổ chức xã hội. Mở rộng, tăng cường mạng lưới hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố. Một trong những công việc quan trọng là việc bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho công tác PCTH của thuốc lá. Quỹ PCTH của thuốc lá đã được thành lập, trực thuộc Bộ Y tế, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng huy động, cung cấp và điều phối nguồn lực tài chính của Quỹ cho các hoạt động PCTH của thuốc lá trên phạm vi toàn quốc.

Thứ tư, quy định cấm quảng cáo thuốc lá, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức được quy định trong Luật PCTH của thuốc lá đã được thực thi nghiêm túc trên thực tế. Các hoạt động tài trợ của các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc lá chỉ được thực hiện cho các hoạt động vì mục đích xóa đói giảm nghèo, thiên tai nhưng không được thông báo trên các phương tiện giao thông công cộng. Việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá chiếm diện tích 50% cả mặt trước và mặt sau của vỏ bao thuốc lá được thực hiện tại Việt Nam với 6 mẫu cảnh báo…

Thứ năm, Việt Nam đã không ngừng kiện toàn các quy định của pháp luật về PCTH của thuốc lá. Bên cạnh việc ban hành Luật PCTH của thuốc lá ngày 18/6/2012 [văn bản pháp lý cao nhất và toàn diện về PCTH của thuốc lá], Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 229/QĐ - TTg ngày 25/1/2013 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về PCTH của thuốc lá đến năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTH của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá, Nghị định số 77/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 quy định chi tiết thi hành Luật PCTH của thuốc lá về một số biện pháp PCTH của thuốc lá… Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật có liên quan cũng được kiện toàn để đảm bảo tính đồng bộ. Cụ thể: thuế thuốc lá đã tăng theo lộ trình kể từ ngày 01/01/2016. Theo đó, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá sẽ tăng thêm 5%, từ 65% lên mức 70% và từ ngày 01/01/2019 sẽ tăng từ 70% lên 75%. Việt Nam cũng luôn tuân thủ báo cáo thực hiện Công ước khung theo quy định thông qua hệ thống giám sát quốc gia và toàn cầu, triển khai các nghiên cứu đánh giá quốc tế nhằm hỗ trợ bằng chứng xây dựng và đánh giá chính sách phù hợp, tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin, chuyển giao kỹ thuật và nâng cao năng lực, nghiên cứu và đánh giá với Ban Thư ký Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Ngoài ra, Việt Nam còn mở rộng hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN và các tổ chức quốc tế, trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về PCTH của thuốc lá.

2. Những vấn đề phát sinh và giải pháp để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong giai đoạn tới

Những thành tựu đạt được trong việc PCTH của thuốc lá trong thời gian qua là rất khả quan và được sự đánh giá cao của WHO. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định của Luật PCTH của thuốc lá vẫn chưa phát huy hiệu quả điều chỉnh trên thực tế và cần phải có sự đánh giá một cách toàn diện nhằm đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng trong thời gian tới.

2.1. Về nguyên tắc PCTH của thuốc lá

Điều 3 Luật PCTH của thuốc lá quy định 4 nguyên tắc PCTH của thuốc lá, tập trung vào công tác thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá nhằm giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tác hại do thuốc lá gây ra. Đây cũng là một biện pháp trong gói 6 biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả do Công ước khung đưa ra[2]. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền đạt hiệu quả không cao. Trong thời gian qua, việc triển khai các hình thức tuyên truyền để người dân nhận thức được tác hại của việc sử dụng thuốc lá đã được triển khai rất tốt. Tuy nhiên, việc yêu cầu người dân phải hiểu và tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật là điều khó thực hiện được trong thời gian ngắn, bởi lẽ trong xã hội Việt Nam, tại các nơi sinh hoạt cộng đồng thì vấn đề sử dụng thuốc lá, uống rượu, bia đôi khi thuộc về hoạt động văn hóa và được gắn với đời sống văn hóa cộng đồng. Đây là những thói quen hình thành trong thời gian lâu dài và được mặc nhiên chấp nhận. Chính vì vậy, quan điểm của nhà lập pháp cho rằng, không thể cấm mà chỉ có thể khuyến khích và tuyên truyền người dân hạn chế hút thuốc lá, uống rượu, bia để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Và điều này được thể hiện trong quy định của Luật PCTH của thuốc lá chỉ cấm hút thuốc lá ở các địa điểm công cộng trong nhà và một số địa điểm có ảnh hưởng đến sức khỏe như trong khuôn viên bệnh viện, trường học... còn các hoạt động ngoài trời, người dân vẫn được hút thuốc và vẫn hút thuốc. Một kết quả điều tra năm 2014 về tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên từ 13 đến 15 tuổi cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên ở độ tuổi này hút thuốc lá là 2,5%, giảm 0,8% so với năm 2007. Tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà của học sinh là 47,7%. Tỷ lệ học sinh bị phơi nhiễm với khói thuốc ở nơi công cộng là trên 66%. Những con số này có giảm nhưng không đáng kể so với trước khi Luật PCTH của thuốc lá có hiệu lực thi hành. Việc hút thuốc lá tại các điểm công cộng lại càng khó kiểm soát hơn[3].

Với thực tế như trên, trong giai đoạn sắp tới, việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức được tác hại của việc sử dụng thuốc lá vẫn tiếp tục là một trong những giải pháp cơ bản để đưa các quy định của pháp luật về PCTH của thuốc lá đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, việc thay đổi một thói quen được xem như là nét sinh hoạt văn hóa của cộng đồng là điều không dễ thực hiện được trong thời gian ngắn. Vì vậy, trong giai đoạn sắp tới, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cần mở rộng phạm vi những địa điểm cấm hút thuốc, đặc biệt là những địa điểm công cộng thuộc nơi sinh sống của cộng đồng dân cư. Giải pháp được đề xuất phù hợp với tập quán, lối sống của người Việt Nam chính là khuyến khích các địa phương đưa quy định cấm hút thuốc ở những nơi này vào hương ước, nội quy của cộng đồng dân cư. Giải pháp này một mặt tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, mặt khác dễ dàng được người dân chấp nhận và thực hiện một cách tự giác bởi vì hương ước, nội quy của cộng đồng dân cư giữ một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của người Việt Nam, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn, trình độ văn hóa pháp lý của người dân chưa cao.

Bên cạnh đó, để người dân thực hiện nghiêm túc các quy định trong Luật PCTH của thuốc lá thì bên cạnh việc tuyên truyền, việc áp dụng chế tài của pháp luật vẫn là cần thiết. Đây là giải pháp góp phần giải quyết triệt để việc sử dụng thuốc lá trên thực tế, đặc biệt là ở những nơi công cộng. Để thực hiện được điều này, cần phải bổ sung nguyên tắc xử phạt hành chính vào Điều 3 Luật PCTH của thuốc lá để đảm bảo những quy định của Luật được thực thi nghiêm túc trên thực tế. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, xử phạt hành chính không phải là giải pháp đảm bảo thực thi hiệu quả nhất đối với lĩnh vực pháp luật này mà tuyên truyền, nhắc nhở để người vi phạm hiểu được tác hại của thuốc lá và tự nguyện không sử dụng nữa vẫn là giải pháp cơ bản và phù hợp nhất. Trong giai đoạn sắp tới, cần tăng cường thẩm quyền xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng của Ủy ban nhân dân các cấp, mà đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Về đối tượng bị xử phạt, cần xử phạt cả những người đứng đầu các địa điểm công cộng để xảy ra các tình trạng vi phạm. Điều này sẽ góp phần tăng cường các điều kiện thực thi của pháp luật trên thực tế.

Tóm lại, để tăng cường hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật về PCTH của thuốc lá trên thực tế trong giai đoạn sắp tới, việc tuyên truyền cho người dân về tác hại của thuốc lá vẫn là giải pháp cơ bản. Tuy nhiên, cần thiết phải tăng cường các biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm như là một trong những nguyên tắc PCTH của thuốc lá để đảm bảo tính răn đe của pháp luật trên thực tế.

2.2. Chính sách của Nhà nước về PCTH của thuốc lá

Theo khoản 2 Điều 4 Luật PCTH của thuốc lá và Công ước khung, một trong những giải pháp để giảm sức mua thuốc lá là tăng giá bán thông qua tăng thuế. Việt Nam đã có lộ trình tăng thuế thuốc lá nhưng theo các chuyên gia, mức tăng này vẫn chưa đủ để đạt mục tiêu. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trung bình, khi tăng thuế để giá thuốc lá tăng thêm 10% thì mức tiêu dùng sẽ giảm từ 4 đến 8%, còn doanh thu từ thuốc lá sẽ tăng khoảng 7%. Mức thuế thuốc lá tối ưu khi thuế chiếm tỷ lệ 65% đến 80% giá bán lẻ. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam vẫn còn ở rất xa con số này. Mức thuế tiêu thu đặc biệt của thuốc lá theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 là 65% giá xuất xưởng. Trên thực tế, thuế thuốc lá [đã bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng], khi tính ra tỷ lệ phần trăm giá bán lẻ chỉ chiếm 41,6%. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của WHO. Với mức 41,6%, Việt Nam hiện là một trong hai quốc gia có mức thuế thuốc lá thấp nhất trong khu vực ASEAN và rất thấp so với các nước phát triển [Pháp 80%, Đức 73%, Australia 60%]. Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, kể từ ngày 01/01/2016, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá sẽ tăng thêm 5%, từ 65% lên 70%; từ ngày 01/01/2019 sẽ tăng từ 70% lên 75%. Tuy nhiên, tính toán của Bộ Y tế cho thấy, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tăng lên 5% thì giá bán lẻ sẽ tăng hơn 2%. So với mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 5%, sức mua đối với các sản phẩm thuốc lá vẫn tăng. Như vậy, Việt Nam khó đáp ứng được mục tiêu theo Công ước khung là dùng biện pháp thuế để giảm hút thuốc.

Có thể nhận thấy, Công ước khung hướng đến mục tiêu dùng biện pháp tài chính để tác động vào việc hút thuốc nhằm làm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, số lượng thuốc lá hút, qua đó sẽ giảm tác hại của thuốc lá là giải pháp phù hợp với lĩnh vực pháp luật này và càng phù hợp hơn với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Tuy nhiên, do biện pháp thực hiện chưa quyết liệt, chưa tương xứng với mục tiêu đề ra nên kết quả thực tế vẫn còn rất hạn chế. Và để thực hiện tốt hơn nữa việc PCTH của thuốc lá, WHO khuyến nghị Việt Nam phải tăng cường thực thi Luật, tăng thuế thuốc lá và thay đổi cấu trúc thuế, đẩy mạnh hoạt động của Quỹ PCTH của thuốc lá và thành lập dịch vụ cai nghiện thuốc lá. Một trong những giải pháp đề xuất là tăng thuế thuốc lá lên 100%. Với mức thuế này, mỗi năm Việt Nam có thể cứu được 16.000 sinh mạng khỏi tử vong do thuốc lá[4].

Xuất phát từ thực tế này, trong giai đoạn sắp tới, việc tăng thuế đánh vào thuốc lá là biện pháp bắt buộc phải thực hiện bên cạnh các biện pháp đã phân tích trên. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế phù hợp nhất để hiện thực hóa mục đích sử dụng công cụ tài chính làm giảm lượng thuốc lá tiêu thụ, đồng thời có thể sử dụng một phần số tiền thuế thu được để triển khai các công việc nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá trên thực tế. So với thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt của những hàng hóa, dịch vụ được quy định theo Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt [sửa đổi, bổ sung năm 2014] thì thuế suất của thuốc lá là cao nhất nhưng vẫn còn thấp hơn thuế suất của một số hàng hóa đã từng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong quá khứ khi Nhà nước muốn hạn chế sự tiêu thụ như ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống là 100% theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1998, pháo là 100% theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1990, sửa đổi, bổ sung năm 1993… Như vậy, hoàn toàn có cơ sở pháp lý và thực tiễn để tiếp tục nâng mức thuế suất của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trong giai đoạn sắp tới theo khuyến nghị của WHO. Và giải pháp tăng mức thuế suất lên 100% là hoàn toàn có thể chấp nhận được, nhằm tiếp tục tăng giá bán thuốc lá để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, số lượng thuốc lá hút, qua đó sẽ giảm tác hại của thuốc lá.

Tóm lại, bên cạnh việc gia tăng các biện pháp chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuốc lá, việc sử dụng biện pháp tăng thuế sẽ là một trong những biện pháp tài chính hữu hiệu nhất để hạn chế việc hút thuốc, qua đó góp phần thực thi có hiệu quả các quy định của Luật PCTH của thuốc lá trên thực tế. Giải pháp này cũng phù hợp với các khuyến nghị của Công ước khung cũng như khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Vì vậy, cần tiếp tục sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng tăng thuế suất đối với thuốc lá lên 100% thay vì 70% trong giai đoạn từ 01/01/2016.

2.3. Về hợp tác quốc tế trong PCTH của thuốc lá

Một trong những nội dung quan trọng của hợp tác quốc tế trong PCTH của thuốc lá được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Luật PCTH của thuốc lá là “Hợp tác trong phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả”. Chức năng chống buôn lậu hànghóa nói chung, thuốc lá nói riêng được giao cho nhiều cơ quan như quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển…Chính phủ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả [gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389] để tổ chức các lực lượng, triển khai các biện pháp chống buôn lậu thuốc lá. Bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được thì nạn buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp với số lượng ngày càng lớn. Những khu vực sôi động như biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc địa bàn các tỉnh Tây Ninh, Long An luôn là điểm nóng về việc buôn lậu và chống buôn lậu thuốc lá. Đáng chú ý, sau khi các cơ quan chức năng Việt Nam tập trung triệt phá quyết liệt việc buôn lậu thuốc lá qua biên giới, thì buôn lậu thuốc lá chuyển địa bàn hoạt động xuống đường biển. Điển hình là vụ bắt giữ container hơn 100.000 bao thuốc lá ở cảng Phước Long [Thành phố Hồ Chí Minh], vụ bắt giữ container hơn 200.000 bao thuốc lá tại cảng Hải Phòng... [5]

Những số liệu trên cho thấy, việc triển khai trên thực tế các biện pháp tăng cường hợp tác quốc tế trong PCTH của thuốc lá theo Điều 8 Luật PCTH của thuốc lá gặp rất nhiều khó khăn và Việt Nam khó hoàn thành các cam kết được quy định trong Công ước khung. Nạn buôn lậu thuốc lá không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam mà là vấn nạn chung của thế giới. Ngày 01/6/2015, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki moon đã lên tiếng kêu gọi các nước nỗ lực hơn nữa để chấm dứt tình trạng buôn lậu các sản phẩm thuốc lá giá rẻ, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo phát triển bền vững. Từ nhiều góc độ, buôn lậu các sản phẩm thuốc lá là một trong những mối lo ngại chính trên toàn cầu liên quan đến sức khỏe, luật pháp và kinh tế. Các nghiên cứu về thị trường thuốc lá cho thấy, nếu kiểm soát và ngăn chặn thật tốt nguồn thuốc lá lậu, các quốc gia sẽ thu thêm hàng tỷ USD tiền thuế của mặt hàng này mỗi năm. Theo thống kê, buôn bán thuốc lá phi pháp mỗi năm lên tới 580 tỷ điếu thuốc, chiếm 10% tổng lượng cung ứng thuốc lá trên thị trường[6]. Như vậy, trong giai đoạn sắp tới, việc quyết liệt chống nạn buôn lậu thuốc lá là biện pháp bắt buộc phải tăng cường áp dụng để đảm bảo thực thi các quy định của Luật PCTH của thuốc lá trên thực tế. Điều này còn góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam đối với Công ước khung cũng như xây dựng môi trường minh bạch đối với việc sản xuất, kinh doanh thuốc lá nói riêng, hàng hóa dịch vụ nói chung./.

* TS. Khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

[1] Xem: 10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam. Nguồn: //www.baomoi.com/10-nam-thuc-hien-Cong-uoc-khung-ve-kiem-soat-thuoc-la-tai-VietNam/144/16873126.epi

[2] 6 biện pháp này được gọi tắt là MPOWER, bao gồm: Monitoring [Giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách kiểm soát thuốc lá]; Protecting [Bảo vệ con người khỏi khói thuốc thụ động]; Offering [Cung cấp trợ giúp để cai thuốc lá]; Warning [Cảnh báo mọi người về tác hại của thuốc lá]; Enforcing [Thực thi quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá]; Raising [Tăng thuế thuốc lá].

[3] Xem thêm: Sau hai năm Luật PCTH của thuốc lá vẫn nằm trên giấy. Nguồn: //www.baomoi.com/Sau-hai-nam-Luat-Phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la-van-nam-tren-giay/45/16732137.epi

[4] Xem thêm: Sau hai năm Luật PCTH của thuốc lá vẫn nằm trên giấy, Tlđd.

[5] Xem thêm: Buôn lậu thuốc lá chuyển địa bàn ra biển. Nguồn: //nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/buon-lau-thuoc-la-chuyen-dia-ban-ra-bien-20150521215811993.htm

[6] Xem thêm: Liên hiệp quốc kêu gọi chấm dứt tình trạng buôn lậu thuốc lá. Nguồn: //www.vietnamplus.vn/lien-hop-quoc-keu-goi-cham-dut-tinh-trang-buon-lau-thuoc-la/325659.vnp

[Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 17[297], tháng 9/2015]

Video liên quan

Chủ Đề