Đây là một trong những quan điểm và nguyên tắc xây dựng Luật giáo dục quốc phòng và an ninh

QPTD -Thứ Năm, 25/07/2013, 09:10 [GMT+7]

Luật Giáo dục Quốc phòng và an ninh - bước phát triển mới góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Ngày 19-6-2013, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giáo dục Quốc phòng và an ninh. Theo đó, Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01-01-2014. Đây là bước phát triển mới, góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Quang cảnh Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa VII, thảo luận dự thảo Luật Giáo dục Quốc phòng và an ninh [Ảnh: in-tơ-nét]

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh [GDQPAN] trong chiến lược giáo dục, đào tạo, nhằm phát triển con người một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc [BVTQ], từ năm 2001 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 02 chỉ thị [Chỉ thị 62-CT/TW, Chỉ thị 12-CT/TW]; Chính phủ ban hành 02 nghị định [Nghị định 15/2001/NĐ-CP và Nghị định 116/2007/NĐ-CP].

Thực hiện các chỉ thị, nghị định trên, công tác GDQPAN đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngày càng nền nếp, hiệu quả; tạo được sự chuyển biến quan trọng cả về nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với nhiệm vụ xây dựng và BVTQ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng và an ninh [QPAN]. Tuy nhiên, do tính pháp lý của các văn bản này chưa cao, phạm vi điều chỉnh chưa bao trùm hết đối tượng, các giải pháp thực hiện chưa thật đầy đủ, đồng bộ... nên quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác GDQPAN.

Trước tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định; nước ta tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Điều đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ BVTQ. Vì vậy, việc ban hành Luật GDQPAN là hết sức cần thiết, góp phần thể chế hóa công tác này trên phạm vi toàn quốc. Đây là bước phát triển mới về tư duy của Đảng, trước hết là tư duy về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Luật GDQPAN là cơ sở quan trọng để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước về QPAN nói chung, GDQPAN nói riêng; góp phần đào tạo, bồi dưỡng con người Việt Nam phát triển toàn diện: vừa có kiến thức chuyên môn, vừa có lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức cảnh giác cách mạng, có kiến thức cơ bản về QPAN và những kỹ năng quân sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu BVTQ.

Luật GDQPAN gồm 08 chương, 47 điều. Trong đó, Chương I nêu những quy định chung; Chương VIII nêu điều khoản thi hành. Từ Chương II đến Chương IV quy định về ba mặt công tác quan trọng nhất và cũng là nhiệm vụ chủ yếu của công tác GDQPAN [GDQPAN trong nhà trường, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng và phổ biến kiến thức QPAN cho toàn dân]. Từ Chương V đến Chương VII quy định về: giáo viên, giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên GDQPAN; kinh phí GDQPAN; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về GDQPAN. Đây chính là sự bổ sung, phát triển toàn diện của Luật GDQPAN so với các nghị định của Chính phủ nhằm đảm bảo cho công tác này được thực hiện nghiêm túc, thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc.

Sự phát triển đó được thể hiện ở các nội dung sau: Chương I. Những quy định chung, xác định rõ về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục tiêu, nguyên tắc, chính sách, quyền lợi, trách nhiệm của công dân về GDQPAN. Trong đó, Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, quy định về nguyên tắc, chính sách, nội dung cơ bản, hình thức; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, quyền và trách nhiệm của công dân về GDQPAN. Đối tượng điều chỉnh của Luật không chỉ là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, mà còn cả tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam [Điều 2]. Để bảo đảm sự gắn kết hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của công dân, Điều 7 quy định: “Công dân có quyền và trách nhiệm học tập, nghiên cứu để nắm vững kiến thức QPAN. Người tham gia GDQPAN được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật”. Xuất phát từ hiệu quả hoạt động của hệ thống trung tâm GDQPAN trong những năm qua, Luật quy định Trung tâm GDQPAN là cơ sở giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QPAN, kỹ năng quân sự cho các đối tượng. Hệ thống này gồm: Trung tâm GDQPAN thuộc các nhà trường Quân đội và Trung tâm thuộc các cơ sở giáo dục đại học. Quy định này không mới, nhưng nội hàm của nó đã có sự phát triển theo hướng “mở”, là cơ sở để Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục đẩy mạnh việc củng cố, xây dựng hệ thống Trung tâm GDQPAN đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, bảo đảm đặc thù của GDQPAN.

Chương II. GDQPAN trong các nhà trường. Bên cạnh việc tiếp tục xác định GDQPAN cho học sinh và sinh viên, lần đầu tiên nhiệm vụ GDQPAN cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở được luật hóa [Điều 10]. Quy định này chủ yếu nhằm bảo đảm tính lôgíc, hệ thống, thống nhất và hướng phát triển của công tác GDQPAN. Chương III. Bồi dưỡng kiến thức QPAN. So với Nghị định 116/2007/NĐ-CP, đối tượng bồi dưỡng kiến thức QPAN có phạm vi điều chỉnh đầy đủ, cụ thể hơn. Để thực hiện bồi dưỡng kiến thức QPAN trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, Luật xác định rõ đối tượng bồi dưỡng gồm: cán bộ, công chức; viên chức quản lý; đại biểu dân cử; người quản lý các doanh nghiệp nhà nước; những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; trưởng thôn và trưởng đoàn thể ở thôn, bản, ấp, tổ dân phố; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tế, Luật quy định bồi dưỡng kiến thức QPAN cho người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước [doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên; doanh nghiệp phục vụ QPAN; doanh nghiệp hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo] và người quản lý đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Việc bồi dưỡng kiến thức QPAN đối với cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư đã được Luật điều chỉnh, gồm: chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng họ tộc, nhà hoạt động văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật.

Chương IV. Phổ biến kiến thức QPAN cho toàn dân. Cùng với quy định về nội dung, hình thức phổ biến kiến thức QPAN cho toàn dân, chương này còn xác định nhiệm vụ phổ biến kiến thức QPAN cho người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa [Điều 21]. Đây là những địa bàn trọng điểm về QPAN, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ với giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, Luật còn mở rộng phạm vi điều chỉnh phổ biến kiến thức QPAN cho người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Quy định này nhằm gắn kết giữa quyền, nghĩa vụ của người lao động với người sử dụng lao động, bảo đảm sự bình đẳng của công dân trước pháp luật.

Đội ngũ giáo viên, giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức QPAN. Để thực hiện nhiệm vụ này, Chương V quy định rõ về công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, tuyển dụng và trách nhiệm, quyền lợi của giáo viên, giảng viên. Báo cáo viên GDQPAN là những người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mời tham gia bồi dưỡng kiến thức QPAN [lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo tổng cục, quân khu, quân chủng, binh chủng và tương đương của Bộ Quốc phòng; tổng cục, cục, vụ và tương đương của Bộ Công an, bộ, ngành liên quan; lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã; lãnh đạo sở, ban, ngành cấp tỉnh; phòng thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh và phòng, ban cấp huyện; các chuyên gia, nhà khoa học]. Riêng đội ngũ tuyên truyền viên GDQPAN, tiêu chuẩn do Bộ Quốc phòng quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định công nhận.

Kinh phí GDQPAN do ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp bảo đảm và các khoản thu hợp pháp khác; nội dung chi được quy định toàn diện hơn, gồm chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật [Điều 29, 30 - Chương VI]. Đây là quy định hết sức cần thiết, kịp thời, góp phần tháo gỡ một trong những khó khăn, bất cập lớn nhất của công tác GDQPAN trong thời gian qua. Cùng với quy định về nội dung quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước về GDQPAN, Luật đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông; nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức Trung ương. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Hội đồng GDQPAN và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đối với công tác GDQPAN [Chương VII]. Những quy định này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và cá nhân, là cơ sở quan trọng cho việc phối hợp, tổ chức thực hiện, khắc phục sự chồng chéo và những biểu hiện dựa dẫm, ỷ lại vào cơ quan quân sự, bảo đảm cho Luật GDQPAN được thực thi có hiệu quả cao.

Luật GDQPAN đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về QPAN bằng hệ thống cơ chế, chính sách; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với các luật đã được ban hành và Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam [năm 1992]. Luật kế thừa, phát triển những tinh hoa, truyền thống quý báu của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những bài học kinh nghiệm trong công tác GDQPAN những năm qua, nhất là Tổng kết 10 năm thực hiện công tác GDQPAN [2001 - 2010]. So với Nghị định 116/2007/NĐ-CP, Luật GDQPAN đã phát triển cả về nội hàm và tính pháp lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ QPAN và phù hợp với sự phát triển của tình hình. Song, Luật vẫn kế thừa các quy định hợp lý của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, được thực tiễn kiểm nghiệm và có tính ổn định; hạn chế thấp nhất việc quy định khung trong Luật.

Để Luật sớm đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng và lực lượng liên quan đến công tác GDQPAN cần tập trung làm tốt một số công việc chính sau:

Một là, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật, để các bộ, ngành có cơ sở xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành kịp thời, đồng bộ, đảm bảo hiệu lực của Luật từ ngày 01-01-2014.

Hai là, khẩn trương kiện toàn Hội đồng GDQPAN các cấp; xây dựng và duy trì nghiêm túc quy chế, nền nếp hoạt động; thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai tổ chức thực hiện Luật.

Ba là, tích cực tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp về Luật GDQPAN và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để tổ chức triển khai thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ ở mỗi cấp, mỗi ngành.

Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng; bảo đảm cho mọi cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành và nhân dân được quán triệt, học tập và không ngừng nâng cao nhận thức về pháp luật GDQPAN.

Năm là, rút ngắn thời gian, lộ trình hoàn thành trình độ chuẩn giáo viên, giảng viên GDQPAN; kịp thời chỉnh lý, bổ sung hệ thống giáo khoa, giáo trình, tài liệu GDQPAN cho phù hợp với quy định của Luật và tình hình thực tế.

Thiếu tướng NGUYỄN DUY NGUYÊN
Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ

Video liên quan

Chủ Đề