Đánh giá thực trạng thể dục trong trường mầm non năm 2024

Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Chính phủ và chính quyền các địa phương, sự cố gắng chung của các ngành GD-ĐT và ngành TDTT, công tác giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường đã có bước phát triển đáng khích lệ, góp phần tích cực vào thành tích chung trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao thể trạng, tầm vóc của người Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được thì nhìn chung, công tác giáo dục thể chất (GDTC) còn nhiều hạn chế và yếu kém: chất lượng thấp, hiệu quả giáo dục chưa cao, chưa đáp ứng với yêu cầu hiện tại. Đội ngũ giáo viên còn thiếu và yếu về chuyên môn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, chương trình, giáo trình phương pháp giảng dạy, công tác quản lý chậm đổi mới, thành tích của nhiều môn thể thao quá thấp so với khu vực và trên thế giới, chất lượng công tác GDTC trường học còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu của đất nước trong giai đoạn hiện mới.

Cấp uỷ Đảng chính quyền các cấp chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư cho công tác GDTC, ngành GD-ĐT và ngành TDTT cũng chưa có những giải pháp tích cực và hiệu quả để phát triển TDTT trường học; Đội ngũ cán bộ giáo viên thể thao nhất là giáo viên, huấn luyện viên, chuyên viên còn thiếu và yếu, cơ sở vật chất còn thiếu và lạc hậu, đời sống cán bộ, giáo viên còn thấp.Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác giáo dục thể chất từ Trung ương đến địa phương chưa được thống nhất

Hiện nay công tác TDTT trong trường học đang đứng trước những thách thức to lớn.

Một là, nước ta có trên 23 triệu học sinh (chiếm gần 1/4 dân số), tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn cao (17,5%); thể hình và thể lực của trẻ em nước ta còn thua kém trẻ em nhiều nước, trình độ phát triển của các tố chất thể lực quan trọng như: sức bền, sức nhanh, sự khéo léo còn thấp, tốc độ phát triển còn chậm, nhất là trẻ em ở độ tuổi học sinh trung học phổ thông.

Hai là, phong trào TDTT trong trường học còn hạn chế. Công tác giáo dục thể chất cho học sinh trong và ngoài giờ học chưa được quan tâm đúng mức, còn kém chất lượng và hiệu quả. Còn thiếu khoảng 20.000 giáo viên TDTT; thiếu sân bãi, phương tiện cho việc dạy và học TDTT; thiếu các tụ điểm để thanh thiếu niên vui chơi và rèn luyện thể chất, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao, vùng xa. Những khó khăn, yếu kém trong lĩnh vực TDTT trường học đã tồn tại trong nhiều năm, là một trong những nguyên nhân chính làm hạn chế sức khoẻ thể chất của trẻ em nước ta. Vấn đề này đã được nêu trong nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng nhưng còn chậm khắc phục.

Ba là, nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của công tác giáo dục thể chất cho trẻ em trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nên chưa tạo điều kiện cho trẻ em có điều kiện vui chơi và rèn luyện thân thể để nâng cao sức khoẻ và thể lực. Mặt khác chưa có biện pháp thích hợp để huy động tiềm năng của xã hội và gia đình tham gia chăm sóc sức khoẻ thể chất cho trẻ em.

Đề xuất một số giải pháp để phát triển TDTT trường học

Để có thể vược qua những khó khăn nói trên nhằm phát triển TDTT trường học theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển TDTT, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

1.Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp, các ngành đối với việc chăm sóc sức khoẻ trẻ em, đặc biệt là sức khoẻ thể chất.

Trước hết cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp về tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ thể chất cho trẻ em, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Chăm sóc sức khỏe thể chất cho trẻ em phải được toàn xã hội quan tâm và tham gia một cách tự giác, tích cực. Cần có sự phối hợp thống nhất và đồng bộ giữa các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội trong thực hiện chiến lược chăm sóc sức khỏe trẻ em, trước hết là sự phối hợp giữa các ngành GD&ĐT; VHTTDL; LĐTBXH; Y tế,…Cần dựa vào các tổ chức như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị xã hội để chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe thể chất. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần được giao nhiệm vụ đứng ra tổ chức các hoạt động TDTT cho thanh thiếu niên, coi hoạt động TDTT là một nội dung công tác quan trọng của Đoàn.

Cần nâng cao trách nhiệm của gia đình đối với việc chăm sóc sức khỏe thể chất cho trẻ em. Tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe thể chất của trẻ em cho gia đình và cộng đồng, trước hết cần quan tâm giáo dục thói quen tự rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh, xây dựng nếp sống trong sạch, lành mạnh; động viên và tạo điều kiện cho con em tham gia các hoạt động TDTT.

2. Nhà nước cần có chính sách phát triển TDTT trường học

Sức khỏe thể chất là nền tảng của sức khỏe và trí tuệ con người. Vì vậy, phát triển TDTT trường học nhằm nâng cao sức khỏe thể chất của trẻ em được coi là một trong những hướng ưu tiên của công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và trong chiến lược phát triển TDTT nước ta.

Trong tình hình hiện nay để phát triển TDTT trường học nhà nước cần có chính sách cụ thể và tăng cường ngân sách để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn viên TDTT; đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi và dụng cụ tập luyện cho hoạt động giáo dục thể chất trong các trường học từ cấp học mầm non trở lên. Thực hiện mỗi trường đều có giáo viên TDTT và có sân bãi, dụng cụ tập luyện. Đặc biệt cần tập trung đầu tư một cách hiệu quả và thiết thực cho miền núi, vùng sâu, vùng cao, cho những địa phương còn nghèo và khó khăn. Nhà nước cần xây dựng và thực hiện các chế độ, chính sách khuyến khích về giáo dục thể chất đối với trường học, cũng như đối với giáo viên, học sinh. Có thể coi đây là khâu đột phá để phát triển thể thao trường học.

3. Tăng cường sự phối hợp trách nhiệm giữa ngành Giáo dục&Đào tạo với ngành TDTT đối với việc phát triển TDTT trường học

Trước hết ngành Giáo dục & Đào tạo cần đổi mới nội dung và phương pháp TDTT trường học (kể cả giờ học thể dục nội khóa và hoạt động TDTT ngoài giờ học ở khu dân cư). Nội dung và phương pháp giáo dục thể chất cho học sinh cần phải tập trung giải quyết các nhiệm vụ nâng cao tầm vóc; phát triển toàn diện các tố chất thể lực, trong đó ưu tiên: sức bền, sức mạnh và sức khéo léo; bồi dưỡng kỹ năng vận động cơ bản, cần thiết cho cuộc sống. Cần tổ chức đánh giá sức khỏe thể chất cho trẻ em theo định kỳ hàng năm. Đổi mới quản lý giáo dục thể chất theo hướng phát huy vai trò chủ động sáng tạo của cơ sở trường học và sáng kiến của giáo viên, học sinh, dựa trên những quy định có tính định hướng về nội dung, tiêu chuẩn kiểm tra và phương pháp sư phạm. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học, cũng như tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm tốt về giáo dục thể chất trong nhà trường.

Ngành TDTT cần tích cực chủ động phối hợp và hỗ trợ ngành Giáo dục & Đào tạo tổ chức các hoạt động TDTT ngoài giờ học và ngoài trường học cho trẻ em. Cần coi TDTT trường học là công tác trọng tâm, thường xuyên trong chỉ đạo và phát triển TDTT phong trào ở tất cả các cấp. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức tập luyện và thi đấu thể thao nhi đồng, thiếu niên ở cấp cơ sở nhất là trong các dịp nghỉ hè. Chú trọng phát triển TDTT trong hệ thống các nhà văn hóa, nhà thiếu nhi, từ cơ sở đến toàn quốc. xây dựng và thực hiện chương trình phát triển TDTT trong các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Kết:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TDTT trường học là hành động thiết thực thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, tạo nên nền tảng phát triển bền vững sự nghiệp thể dục thể thao nước ta.

Phát triển thể thao trường học có ý nghĩa chiến lược to lớn một mặt nhằm thúc đẩy giáo dục thể chất, nâng cao sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần của học sinh để chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai, mặc khác nhằm góp phần phát hiện, đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao cho đất nước.