Công văn về cải cách hành chính tỉnh đồng nai

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bài viết khái quát những nét mới, cách làm sáng tạo trong triển khai, thực hiện cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai. Ảnh: internet

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân [UBND] tỉnh Đồng Nai luôn xác định cải cách hành chính [CCHC] là giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường đầu tư thuận lợi với chất lượng phục vụ và dịch vụ công tốt nhất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và người dân. Theo kết quả chỉ số cải cách hành chính [PAR INDEX] năm 2017, tỉnh Đồng Nai xếp thứ 3 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ươngtrên cả nước. Kết quả này là sự ghi nhận những nỗ lực triển khai các giải pháp CCHC mang tính đột phá, dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của các cấp lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.

1. Bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - xây dựng chính quyền điện tử từ những điều nhỏ nhất Là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 vào CCHC, tỉnh Đồng Nai đã ban hành và từng bước triển khai Khung kiến trúc chính quyền điện tử 1.0. Từ năm 2015, Đồng Nai đã phát triển các hệ thống công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng quản lý hành chính, trước hết là hệ thống một cửa điện tử thông suốt 03 cấp [tỉnh, huyện và xã]. Hệ thống quản lý một cửa điện tử được đưa vào hoạt động, mở rộng tích hợp phần mềm thu phí, lệ phí, quản lý việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính [TTHC] một cách chặt chẽ, đảm bảo giải quyết minh bạch, đúng thời hạn. Cùng với đó, việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan hành chính được chuyển đổi dần từ văn bản giấy sang văn bản điện tử; việc trao đổi thông tin trở nên dễ dàng, nhanh chóng, chính xác hơn. Năm 2017, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thiện kết nối trục liên thông 4 cấp từ Trung ương đến địa phương, đồng thời mở rộng các tính năng xác thực trạng thái xử lý văn bản; nhờ đó tỉ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính đạt 100%; công tác kiểm tra, rà soát trách nhiệm xử lý văn bản cũng hiệu quả hơn.

Cùng với sự lan toả của công nghệ thông tin, nhu cầu của người dân về tính tiện lợi khi thực hiện TTHC ngày càng cao. Từ thực tế đó, tỉnh Đồng Nai tập trung phát triển hệ thống dịch vụ công trực tuyến để giúp người dân và doanh nghiệp tiện lợi hơn khi có thể nộp hồ sơ ngay tại nhà, tại trụ sở qua mạng internet. Tính đến nay, một số đơn vị của tỉnh đã đạt tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến trên 50% như Sở Công Thương, Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải.

Đặc biệt từ năm 2010, Đồng Nai là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai và thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện qua đo đạc thực tế, các hoạt động giải quyết TTHC của người dân... Cơ sở dữ liệu về đất đai là nền tảng để phát triển các ứng dụng công khai và tra cứu thông tin quy hoạch cho người dân qua nhiều kênh thông tin tiện ích như website, ứng dụng điện thoại; giải quyết nhanh chóng các yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai của người dân, doanh nghiệp; và đặc biệt là nền tảng để tỉnh Đồng Nai thực hiện liên thông điện tử trong giải quyết TTHC đất đai - thuế.

Trong năm 2017, tỉnh Đồng Nai đã triển khai thành công Cổng Hành chính công tỉnh Đồng Nai trên ứng dụng điện thoại – Zalo. Ứng dụng này cho phép người dân có thể nhận biên nhận điện tử hồ sơ TTHC, tra cứu tình trạng hồ sơ nhanh chóng qua mã QR, tra cứu tuyến xe bus, điểm thi trung học phổ thông... và thường xuyên cập nhật những tin tức mới nhất liên quan đến việc giải quyết TTHC, các dịch vụ công và chính sách mới trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh việc số hóa trong quản lý hành chính, tỉnh Đồng Nai sẽ đưa vào hoạt động Cổng thanh toán trực tuyến giúp người dân thuận lợi hơn trong việc thu nộp phí, lệ phí khi giải quyết TTHC, đặc biệt là khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán các khoản học phí... Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành sẽ được kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, việc số hóa hồ sơ TTHC, các loại giấy phép sẽ cải thiện đáng kể chất lượng quản lý hành chính và giảm nhiều phiền hà cho người dân.

2. Tiên phong với mô hình "phi địa giới hành chính" Nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi giải quyết TTHC, tỉnh Đồng Nai đã phát triển, áp dụng mô hình "phi địa giới hành chính" trong một số lĩnh vực như đất đai, tư pháp, giao thông vận tải, y tế. Theo đó, người dân có nhiều lựa chọn địa điểm nộp hồ sơ tại nhà, tại Bộ phận một cửa cấp huyện hoặc tại Trung tâm hành chính công.

Trước đây, khi làm các TTHC về đo vẽ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Bộ phận một cửa các huyện, người dân chỉ có duy nhất một điểm nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Bộ phận một cửa của thành phố hoặc các huyện, việc này đã tạo áp lực lớn về cơ sở vật chất, nhân lực đối với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các huyện; người dân ở phường, xã phải di chuyển khá xa khi cần đến Bộ phận một cửa để giải quyết TTHC. Việc áp dụng mô hình "phi địa giới hành chính" trong lĩnh vực đất đai đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người dân: họ có thể lựa chọn nơi cung cấp dịch vụ tốt nhất, tạo được sự hài lòng cao nhất về cơ sở vật chất, trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ; đồng thời không phải đi lại nhiều nơi, tiết kiệm thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Để nâng cao hiệu quả và hoàn thiện mô hình “phi địa giới hành chính” trong lĩnh vực đất đai, tỉnh Đồng Nai chủ động triển khai giải pháp liên thông hồ sơ giữa cơ quan đất đai và thuế qua môi trường điện tử, đồng thời phát hành và sử dụng thông báo thuế điện tử. Giải pháp này giúp rút ngắn thời gian trao đổi thông tin, hồ sơ được luân chuyển liên thông ngang - dọc giữa các cơ quan. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả giải pháp này, cần có sự đồng thuận trong kết nối liên thông cơ sở dữ liệu và trục trao đổi thông tin giữa địa phương [Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế, các Chi cục thuế] và Trung ương [Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Thuế], giữa cơ quan đất đai và cơ quan thuế; đồng thời có những quy định thống nhất, tạo điều kiện cho việc sử dụng các giấy tờ điện tử.

Hoạt động của mạng lưới bưu điện không chỉ đơn thuần là nộp, trả kết quả tại nhà cho người dân [hồ sơ được niêm phong] như trước đây mà dịch vụ này đang được nâng cấp hiệu quả hơn. Nhân viên bưu điện còn đóng vai trò là đại lý cho dịch vụ hành chính công như “cánh tay nối dài” của cơ quan nhà nước cung cấp các biểu mẫu, tư vấn, hướng dẫn kê khai và làm các hồ sơ thủ tục khi người dân có nhu cầu, đồng thời phát biên nhận, đặt lịch hẹn trả lời... Hoạt động tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đang chứng minh hiệu quả đáng kể đối với cấp phiếu lý lịch tư pháp, cấp chứng chỉ thực hành tốt nhà thuốc, đây là các thủ tục có nhu cầu rất lớn của người dân.

3. Sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ người dân với Tổng đài dịch vụ công 1022

Năm 2017 đánh dấu sự ra đời của Tổng đài dịch vụ công 1022 - tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị và hướng dẫn TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Trước khi có Tổng đài dịch vụ công 1022, tỉnh Đồng Nai có hơn 200 đầu số điện thoại đường dây nóng, người dân phải liên hệ rất nhiều đầu mối, tốn nhiều thời gian để đến được đúng cơ quan hỗ trợ. Nhưng giờ đây chỉ cần liên hệ tới một đầu số duy nhất 1022 để được tư vấn, hướng dẫn, gửi các phản ánh và đặc biệt là đăng ký dịch vụ bưu chính tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả tại nhà và thu hộ tiền xử phạt vi phạm giao thông. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Tổng đài 1022 tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận hơn 10.000 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ và phản ánh, kiến nghị. Hơn 85% cuộc gọi được trả lời trực tiếp bởi nhân viên tổng đài và 15% cuộc gọi được chuyển tới các công chức chính quyền để phản hồi cho người dân. Tổng đài 1022 có thể giảm thiểu đáng kể khối lượng công việc cho công chức: tổng đài viên có thể hỗ trợ ngay cho người dân đối với nhiều thắc mắc; tiết kiệm được thời gian cho công chức thay vì trả lời nhiều lần những câu hỏi cơ bản của người dân.

Từ khi bắt đầu hoạt động, các tổng đài viên đã tổng hợp cơ sở dữ liệu các câu hỏi của công dân và các câu trả lời chuẩn. Sự phát triển cơ sở dữ liệu này là chìa khoá giúp Tổng đài đạt tỉ lệ đáp ứng yêu cầu cuộc gọi rất cao và hoạt động hiệu quả như một kho thông tin về dịch vụ, chính sách, các vấn đề an sinh xã hội... cho người dân. Các sở, ban, ngành, địa phương có thể sử dụng những dữ liệu câu hỏi này để nắm bắt về nhu cầu và vướng mắc của người dân. Sự tương tác giữa người dân và Tổng đài là một hình thức để người dân tham gia vào việc giám sát, đóng góp ý kiến cho chính quyền và nâng cao trách nhiệm giải trình, giải quyết vướng mắc, cải tiến của chính quyền. Tổng đài dịch vụ công 1022 đã tạo nên một hình ảnh thân thiện, sống động cho bộ máy hành chính của tỉnh Đồng Nai. Những tổng đài viên thân thiện, trách nhiệm thay thế cho những bộ TTHC, tài liệu rườm rà… góp phần nâng cao tỉ lệ hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt trên 85% trong năm 2017, đồng thời đưa tiêu chí "Trách nhiệm giải trình với người dân" trong bộ chỉ số đánh giá hiệu quả quản trị công, hành chính công cấp tỉnh [PAPI] của tỉnh Đồng Nai trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.

Chủ Đề