Công văn tổng cục thuế giao dịch liên kết năm 2024

V/v lấy ý kiến về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

————————————

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2023

Kính gửi:

- Bộ Tư Pháp;

- Bộ Công Thương;

- Bộ Giao thông vận tải;

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- Ngân hàng Nhà nước;

- Ủy ban quản lý vốn Nhà nước;

- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Thực hiện Nghị Quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Bộ Tài chính được giao chủ trì phối hợp với các Bộ, Cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ.

Căn cứ nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính dự thảo Tờ trình báo cáo Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Kính đề nghị Quý Cơ quan có ý kiến tham gia đối với dự thảo Tờ trình Chính phủ nêu trên.

Ý kiến tham gia của Quý Cơ quan vui lòng gửi về Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế - Địa chỉ: số 1A Nguyễn Công Trứ - Hai Bà Trưng - Hà Nội) trước ngày ....../....../2023. (Đầu mối liên hệ: Đ/c Trần Thị Thanh Loan – Số điện thoại: 038.996.5062 – Email: [email protected]).

Trân trọng cảm ơn sự phối hợp công tác của Quý cơ quan./.

Nơi nhận:

- Như trên;

- Bộ trưởng (để b/c);

- Lưu: VT, TCT (VT,TTKT(3)).

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Cao Anh Tuấn

BỘ TÀI CHÍNH

_________________

Số: /TTr-BTC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________

Hà Nội, ngày tháng năm 2023

DỰ THẢO

TỜ TRÌNH

Về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

__________________________________________________

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Ngày 15/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 105/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính:“Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2020, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2023.”

Thực hiện Nghị Quyết số 105/NQ-CP , Bộ Tài chính đã triển khai một số công việc:

- Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế triển khai, đánh giá ngay việc thực hiện Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết trong toàn ngành (bao gồm cả cấp Cục Thuế và Chi cục Thuế), nêu rõ kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và kiến nghị, đề xuất.

- Bộ Tài chính đã rà soát, tổng hợp phản ánh của các doanh nghiệp về những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 132/2020/NĐ-CP từ các công văn doanh nghiệp đã gửi đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và các ý kiến mà doanh nghiệp đã phản ánh tại các Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tế phát sinh tại Việt Nam về nội dung này.

- Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã tổ chức cuộc họp với 04 Công ty kiểm toán (KPMG, PwC, E&Y, Deloitte) để trao đổi vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và tìm hiểu thêm thông lệ quốc tế của các nước đối với những quy định đó.

Trên cơ sở kết quả tổng hợp nêu trên, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ như sau:

  1. Đánh giá việc thực hiện Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) và sự cần thiết của việc sửa đổi Nghị định 132.

1. Đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 132:

1.1 Những kết quả đạt được:

Ngày 05 tháng 11 năm 2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Trong giai đoạn gần 3 năm triển khai thực hiện, Bộ Tài chính đánh giá Nghị định 132 đã phát huy những kết quả thiết thực nhưng cũng còn những hạn chế nhất định, cụ thể:

- Về kết quả đạt được, Nghị định 132 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết cơ bản đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn phát triển đất nước cũng như quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời bám sát các mục tiêu, định hướng được xác định trong các chiến lược, kế hoạch phát triển trung và dài hạn của đất nước và đạt được các mục tiêu khi ban hành.

- Nghị định 132 cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cải cách hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ của người nộp thuế và chi phí quản lý của cơ quan thuế thông qua việc đưa ra các quy định đơn giản hóa, miễn giảm nghĩa vụ kê khai hồ sơ khai thuế, nghĩa vụ lập hồ sơ thông tin chứng minh.

- Nghị định 132 kế thừa, phát huy những quy định về chống chuyển giá, quản lý thuế đối với giao dịch liên kết có hiệu quả từ Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP. Quy định này để hạn chế tình trạng vốn mỏng, vay quá mức (chi phí lãi vay được trừ tương ứng với hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp) và khắc phục trường hợp chuyển giá thông qua lãi vay trả cho các bên liên kết, góp phần làm lành mạnh tình hình tài chính doanh nghiệp nói riêng và an ninh tài chính tiền tệ nói chung. Việc ban hành quy định này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc “Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá”; “Hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế… để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá” (Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị).

- Nghị định 132 đã bổ sung các quy định làm rõ nội hàm của các nguyên tắc quản lý đối với doanh nghiệp có quan hệ liên kết và giao dịch liên kết phù hợp thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia, vùng lãnh thổ và Diễn đàn hợp tác đa phương về thuế để chống xói mòn nguồn thu (BEPS).

- Nghị định 132 đã hoàn chỉnh quy định đối với Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong đó có quy định về Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia phục vụ công tác quản lý chuyển giá và chuẩn bị cho việc tham gia Hiệp định đa phương hỗ trợ hành chính thuế trong đó có việc trao đổi thông tin tự động về báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Quy định về kê khai và sử dụng Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia trong Nghị định 132 phù hợp cam kết quốc tế tại các diễn đàn BEPS (không sử dụng Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia sai mục đích cam kết tại các diễn đàn BEPS mà Việt Nam là thành viên).

Qua 3 năm thực hiện Nghị định 132, về kết quả kê khai tuân thủ của người nộp thuế có quan hệ liên kết và phát sinh giao dịch liên kết, sau khi Nghị định 132/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, theo số liệu thống kê của ngành thuế, số lượng doanh nghiệp kê khai quan hệ liên kết tăng dần qua các năm, cụ thể: Năm 2021 có 11.811 đơn vị và năm 2022 tăng lên 12.418 đơn vị.

Tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong cả giai đoạn ở mức 66% đến 68% trong khi doanh nghiệp trong nước chiếm từ 34% đến 32% số lượng đối tượng áp dụng Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Đơn giản hóa thủ tục hành chính về kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP: Năm 2021 có 4.230 doanh nghiệp thuộc diện miễn kê khai miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết (chiếm 35% tổng số doanh nghiệp có quan hệ liên kết và phát sinh giao dịch liên kết trong năm), trong đó có 221 doanh nghiệp có chức năng đơn giản. Năm 2022 có 4.163 doanh nghiệp thuộc diện miễn kê khai miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết (chiếm 33,5% tổng số doanh nghiệp có quan hệ liên kết và phát sinh giao dịch liên kết trong năm), trong đó có 220 doanh nghiệp có chức năng đơn giản.

Các doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã kê khai, nộp thuế TNDN năm 2021, 2022 lần lượt là: 103.717,68 tỷ đồng, 121.532,22 tỷ đồng.

Về kết quả thu thuế, số xử lý qua thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết từ năm 2020 đến nay, số thu đã xử lý: 96.987,74 tỷ đồng. Trong đó truy thu, truy hoàn và phạt 6.964,58 tỷ đồng; giảm khấu trừ 199,18 tỷ đồng; giảm lỗ 68.359,63 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 21.464,35 tỷ đồng. Từ đó đã có sự chuyển biến tích trong công tác chống chuyển giá, đồng thời cũng góp phần tăng thu cho NSNN.

1.2 Những khó khăn, vướng mắc:

Bộ Tài chính đã tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị nhận được trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Vướng mắc doanh nghiệp, cử tri các tỉnh thành phố, Hiệp hội, Bộ ngành phản ánh, kiến nghị nhiều nhất đến Chính phủ, Bộ Tài chính là vướng mắc về việc xác định quan hệ liên kết theo vốn vay tại điểm d khoản 2 Điều 5 (bao gồm trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay trên 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay) và chi phí lãi vay của doanh nghiệp đi vay áp dụng theo mức khống chế trong trường hợp chỉ phát sinh duy nhất mối quan hệ liên kết theo vốn vay với ngân hàng.

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5, trường hợp doanh nghiệp vay vốn ngân hàng với mức vốn vay trên 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng các khoản nợ trung và dài hạn thì giữa doanh nghiệp và ngân hàng được xác định là các bên có quan hệ liên kết. Khi đó các giao dịch phát sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng là các giao dịch liên kết, đồng thời chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN áp dụng theo mức khống chế tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Các doanh nghiệp có kiến nghị cho rằng, hoạt động vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh là hoạt động phổ biến của các doanh nghiệp tại Việt Nam, đây cũng là hoạt động kinh doanh thông thường (hoạt động cấp tín dụng) của ngân hàng. Doanh nghiệp và ngân hàng hoàn toàn độc lập với nhau, không có việc kiểm soát, điều hành, góp vốn của ngân hàng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí lãi vay của doanh nghiệp là chi phí thực tế phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, việc khống chế và loại chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp trong trường hợp này là không phù hợp. Đặc biệt là các doanh nghiệp BOT thường vay ngân hàng đến 80% vốn (chi phí lãi vay theo cơ cấu vốn vay nêu trên được cơ quan Nhà nước phê duyệt trong phương án tài chính thu hồi vốn, do đó khi doanh nghiệp BOT bị khống chế chi phí lãi thì ảnh hưởng đến phương án tài chính thu hồi vốn mà doanh nghiệp đã được phê duyệt). Các doanh nghiệp kiến nghị đề xuất Chính phủ xem xét, sửa đổi quy định này.

Ngoài ra, còn một số vướng mắc khác chủ yếu về nội dung quy định tại một số điểm của Nghị định có thể dẫn tới cách hiểu khác nhau. Những nội dung vướng mắc này Bộ Tài chính nhận được từ các Cục Thuế địa phương đề nghị hướng dẫn trong quá trình triển khai thực hiện và Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời hướng dẫn cho từng trường hợp cụ thể.

(Phụ lục tổng hợp vướng mắc kèm theo).

II. Kinh nghiệm quốc tế liên quan đến vướng mắc:

Bộ Tài chính đã thu thập thêm kinh nghiệm quốc tế liên quan đến nội dung vướng mắc nhiều doanh nghiệp kiến nghị về xác định quan hệ liên kết về vốn, cụ thể như sau:

Bộ Tài chính đã tìm kiếm quy định về bên liên kết của một số nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Myanmar, Ấn Độ). Trung Quốc và Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc có quy định tương tự về các bên có quan hệ liên kết đối với trường hợp sở hữu vốn góp và cho vay như quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 của Nghị định. Tuy nhiên, Trung Quốc có quy định về loại trừ các khoản vay hoặc bảo lãnh từ hoặc giữa các tổ chức tài chính độc lập; Nhật Bản có quy định nhưng không rõ ràng (quy định tỷ lệ đáng kể); Hàn Quốc có quy định tương tự nhưng cần đánh giá thêm bên đi vay hoặc bảo lãnh có quyền quyết định trọng yếu đến chính sách kinh doanh của bên đi vay hoặc bên được bảo lãnh không để xác định có phải bên liên kết. Cụ thể quy định của các quốc gia này như sau:

- Quy định của Trung Quốc: 02 bên được xác định là các bên có quan hệ liên kết trong trường hợp một bên sở hữu cổ phần của bên kia hoặc một bên thứ ba đồng thời sở hữu cổ phần của cả hai bên, mặc dù tỷ lệ cổ phần nắm giữ trong một trong hai trường hợp nhỏ hơn tỷ lệ quy định tại mục (i), tổng số nợ giữa hai bên chiếm từ 50% trở lên trên tổng số vốn góp của một bên hoặc từ 10% trở lên tổng nợ của một bên được bên kia bảo lãnh (trừ các khoản vay hoặc bảo lãnh từ hoặc giữa các tổ chức tài chính độc lập).

- Quy định của Ấn Độ: 02 doanh nghiệp được xác định là các bên liên kết trong trường hợp khoản cho vay của doanh nghiệp này đối với doanh nghiệp kia chiếm không thấp hơn 51% giá trị sổ sách của tổng tài sản của doanh nghiệp kia.

- Quy định của Nhật Bản: 02 doanh nghiệp được xác định là các bên có quan hệ liên kết trong trường hợp doanh nghiệp này phát sinh một tỷ lệ đáng kể các khoản nợ tồn đọng phục vụ cho hoạt động của công ty, được cho vay hoặc bảo lãnh bởi danh nghiệp kia.

- Quy định của Hàn Quốc: Các bên được xác định là có quan hệ liên kết trong trường hợp mối quan hệ giữa các bên liên quan trong giao dịch mà trong đó cả hai bên đều có lợi ích chung trong việc điều chỉnh thu nhập tùy thuộc vào quan hệ đầu tư vốn cổ phần, quan hệ giao dịch hàng hóa, dịch vụ, quan hệ cho vay tiền tệ, v.v. và mỗi bên tham gia giao dịch đều có quyền quyết định trọng yếu đến chính sách kinh doanh của bên kia trong trường hợp: Một bên phải vay bên kia ít nhất 50% nguồn vốn cần thiết cho hoạt động kinh doanh hoặc huy động thông qua bảo lãnh thanh toán của bên kia.

III. Ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan:

………………..

IV. Đề xuất của Bộ Tài chính

1. Về nội dung đề xuất nghiên cứu, sửa đổi:

Trên cơ sở tổng hợp vướng mắc kiến nghị và thu thập tài liệu kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tế triển khai thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi bổ sung vấn đề doanh nghiệp kiến nghị nhiều nhất đó là quy định về việc xác định quan hệ liên kết theo vốn vay tại điểm d khoản 2 Điều 5 (bao gồm trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay trên 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay) và chi phí lãi vay của doanh nghiệp đi vay áp dụng theo mức khống chế trong trường hợp chỉ phát sinh duy nhất mối quan hệ liên kết theo vốn vay với ngân hàng. Vì,

Thực tiễn về triển khai áp dụng nghị định 132/2020/NĐ-CP trong thực tế cho thấy việc xác định quan hệ liên kết theo vốn vay trong trường hợp vay vốn ngân hàng, tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng nhưng các tổ chức này không có sự điều hành, kiểm soát, góp vốn, quyết định đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đi vay thì trong trường hợp này xét theo nguyên tắc bản chất quyết định hình thức thì không phải là các bên có quan hệ liên kết.

Tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP cũng quy định nguyên tắc để xác định các bên có quan hệ liên kết là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:

  1. Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
  1. Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác”

Do đó, để đảm bảo quy định chi tiết tại khoản 2 thống nhất với khoản 1 Điều 5 và phù hợp với thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu vay vốn cao phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính trình báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để loại trừ việc xác định quan hệ liên kết đối với trường hợp tổ chức tín dụng, tổ chức khác có chức năng hoạt động ngân hàng (không tham gia điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, tổ chức khác có chức năng hoạt động ngân hàng không chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác) bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.

2. Các nội dung vướng mắc khác không phải từ phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp:

Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tài chính nhận được một số văn bản của Cục Thuế địa phương đề nghị hướng dẫn áp dụng Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Những nội dung vướng mắc chủ yếu là do khi áp dụng Nghị định còn có cách hiểu khác nhau, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời hướng dẫn cho từng trường hợp cụ thể. Trường hợp khi Chính phủ phê duyệt sửa đổi Nghị định, trong quá trình lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung nếu có phát sinh ý kiến, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu báo cáo Chính phủ sửa nếu phù hợp.

3. Về trình tự thủ tục và dự kiến lộ trình xây dựng Nghị định:

Việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP cần thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Bộ Tài chính báo cáo dự kiến các bước và dự kiến lộ trình xây dựng Nghị định như sau:

- Bước 1: Trình Chính phủ có ý kiến phê duyệt sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132 và một số nội dung bổ sung sửa đổi nêu trên (sau khi tổng hợp ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan).

- Bước 2: Trên cơ sở phê duyệt của Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định và dự thảo tờ trình Chính phủ, lấy ý kiến một số Bộ, ngành (Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VCCI....), lấy ý kiến rộng rãi. Trên cơ sở ý kiến nhận được, tiếp tục hoàn thiện, lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, trình Chính phủ ban hành trong quý IV/2024. Lộ trình cụ thể dự kiến như sau:

+ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để gửi lấy ý kiến các UBND tỉnh, thành phố, các Bộ, cơ quan liên quan, các Cục Thuế và đăng website Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi trong Quý I/2024.

+ Tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP trong Quý I/2024.

+ Tổng hợp ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị định và gửi hồ sơ xin ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp trong đầu Quý II/2024.

+ Giải trình ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP vào cuối Quý II/2024.

+ Lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, tổng hợp ý kiến và báo cáo Chính phủ để ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP trong Quý III/2024.

Bộ Tài chính kính trình Chính phủ xem xét, quyết định./.

Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Vụ PC;

- Lưu: VT, TCT (VT, TTKT).

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Cao Anh Tuấn

PHỤ LỤC VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

1. Vướng mắc doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị nhiều nhất:

Vướng mắc về việc xác định quan hệ liên kết theo vốn vay tại điểm d khoản 2 Điều 5 (bao gồm trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay trên 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay) và chi phí lãi vay của doanh nghiệp đi vay áp dụng theo mức khống chế trong trường hợp chỉ phát sinh duy nhất mối quan hệ liên kết theo vốn vay với ngân hàng

1.1. Quy định về các bên có quan hệ liên kết và xác định chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

- Tại khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 5 quy định về các bên có quan hệ liên kết như sau:

“Điều 5. Các bên có quan hệ liên kết

1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:

  1. Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
  1. Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

2. Các bên liên kết tại khoản 1 điều này được quy định cụ thể như sau:

  1. Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;

…”

- Tại điểm a khoản 3 Điều 16 quy định về chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết như sau:

“Điều 16. Xác định chi phí để tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

3. Tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:

  1. Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;

...”

1.2. Nội dung vướng mắc

Bộ Tài chính đã tổng hợp được phản ánh vướng mắc từ cử tri các tỉnh, các Hiệp hội và các doanh nghiệp như sau:

- 14 phản ánh từ cử tri các tỉnh, Hiệp hội và doanh nghiệp gửi đến Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Thuế: Kiến nghị của cử tri tỉnh Long An, kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An, Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, Công ty TNHH B.O.T Thiên Tân Quảng Ngãi, Công ty TNHH Thủy sản Hai Nắm, Công ty Cổ phần xây dựng công trình 545, Công ty TNHH đầu tư Cầu Mỹ Lợi, Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận, Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu, Công ty TNHH Đầu tư Cổ Chiên, Công ty Cổ phần Chiến Thắng.

- 09 doanh nghiệp BOT gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ: Công ty Cổ phần BOT Đại Dương, Công ty Cổ phần BOT Phả Lại, Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng, Công ty TNHH BOT QL1 Sóc Trăng, Công ty TNHH BOT QL1 Bạc Liêu, Tổng Công ty xây dựng số 1 – CTCP, Công ty TNHH MTV CICO501 BOT QL26, Công ty CP ĐT QL91 Cần Thơ – An Giang, Công ty TNHH MTV Tasco 6.

- Phản ánh của Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng không được cơ quan nhà nước cấp đủ vốn nên phải đi vay dẫn đến chi phí lãi vay lớn và bị loại trừ do vượt mức khống chế (Công văn Mật số 2287/BQP-TC ngày 3/7/2023).

- Phản ánh của doanh nghiệp gửi Cục Thuế và kiến nghị khi Cơ quan thúe thực hiện thanh tra kiểm tra đối với nội dung này.

Các doanh nghiệp có kiến nghị cho rằng, hoạt động vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh là hoạt động phổ biến của các doanh nghiệp tại Việt Nam, đây cũng là hoạt động kinh doanh thông thường (hoạt động cấp tín dụng) của ngân hàng. Doanh nghiệp và ngân hàng hoàn toàn độc lập với nhau, không có việc kiểm soát, điều hành, góp vốn của ngân hàng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí lãi vay của doanh nghiệp là chi phí thực tế phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, việc khống chế và loại chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp trong trường hợp này là không phù hợp. Đặc biệt là các doanh nghiệp BOT thường vay ngân hàng đến 80% vốn (chi phí lãi vay theo cơ cấu vốn vay nêu trên được cơ quan Nhà nước phê duyệt trong phương án tài chính thu hồi vốn, do đó khi doanh nghiệp BOT bị khống chế chi phí lãi thì ảnh hưởng đến phương án tài chính thu hồi vốn mà doanh nghiệp đã được phê duyệt). Các doanh nghiệp kiến nghị đề xuất Chính phủ xem xét, sửa đổi quy định này.

1.3. Nguyên nhân phát sinh vướng mắc của doanh nghiệp

Quy định về xác định mối quan hệ liên kết theo vốn vay giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và quy định khống chế chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại các văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch liên kết được xây dựng trên cơ sở phát huy, kế thừa các quy định về quản lý giá giao dịch liên kết đã mang lại kết quả, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị của OECD, tình hình kinh tế - xã hội thực tế tại Việt Nam thời điểm ban hành chính sách và mục tiêu ban hành quy định pháp luật, cụ thể:

Quy định về việc xác định các bên có quan hệ liên kết theo vốn vay tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP kế thừa quy định từ Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Quy định về xác định mối quan hệ liên kết theo vốn vay tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP cũng được kế thừa quy định về xác định mối quan hệ liên kết theo vốn vay từ Thông tư số 66/2010/TT-BTC, có điều chỉnh nâng tỷ lệ vốn vay trên vốn góp của chủ sở hữu từ 20% lên 25%. Và đây không phải là quy định mới trong việc xác định mối quan hệ liên kết theo vốn vay.

Quy định về xác định chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết cũng kế thừa quy định khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP. Quy định này để hạn chế tình trạng vốn mỏng, vay quá mức (chi phí lãi vay được trừ tương ứng với hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp) và khắc phục trường hợp chuyển giá thông qua lãi vay trả cho các bên liên kết, góp phần làm lành mạnh tình hình tài chính doanh nghiệp nói riêng và an ninh tài chính tiền tệ nói chung. Việc ban hành quy định này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc “Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá”; “Hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế… để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá” (Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị).

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới nói chung và các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng phải gánh chịu những tổn thất và hậu quả nặng nề. Tiềm lực tài chính của nhiều doanh nghiệp cạn kiệt do phát sinh các chi phí chống dịch và nhiều chi phí khác để duy trì hoạt động sản xuất trong thời gian dịch bệnh. Vì vậy, nhu cầu vay vốn ngân hàng để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh của các doanh nghiệp là rất lớn và hết sức cần thiết. Từ những nguyên nhân nêu trên, chi phí lãi vay để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung tăng cao, dẫn đến nhiều trường hợp doanh nghiệp có giao dịch liên kết phát sinh chi phí lãi vay không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Các nội dung vướng mắc khác:

Những vướng mắc khác chủ yếu về nội dung quy định tại một số điểm của Nghị định có thể dẫn tới cách hiểu khác nhau. Những nội dung vướng mắc này Bộ Tài chính nhận được từ các Cục Thuế địa phương đề nghị hướng dẫn trong quá trình triển khai thực hiện và Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời hướng dẫn cho từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra có một số vướng mắc rà soát để đảm bảo tính thống nhất về ngôn ngữ sử dụng với Luật hiện hành khác. Những nội dung vướng khác bao gồm:

(i) Về phạm vi điều chỉnh (khoản 2 Điều 1)

Tại khoản 2 Điều 1 đang quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 132) như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

2. Các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.”

Như vậy:

- Tại Nghị định 132 mới quy định giao dịch “mượn, cho mượn” đối với hàng hóa, tài sản hữu hình và tài sản vô hình là giao dịch liên kết; chưa quy định giao dịch “mượn, cho mượn” tài chính là giao dịch liên kết nên chưa thống nhất và dễ bị lợi dụng khi doanh nghiệp phát sinh giao dịch vay tài chính nhưng chuyển sang thành hợp đồng mượn, cho mượn tài chính.

- Tại pháp luật về giá không có quy định “hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước”, do đó, cần rà soát khái niệm nêu trên theo quy định tại pháp luật về giá (Luật Giá số 16/2023/QH15) và phù hợp với nguyên tắc, bản chất loại trừ các giao dịch mua, bán hàng hóa, dịch vụ không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

- Nghị định 132 quy định “trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá” thì không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này. Vướng mắc đối với doanh nghiệp kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá, thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về giá như: điện, xăng dầu,… nhưng trong quá trình hoạt động phát sinh các giao dịch liên kết khác như: vay, cho vay,… thì có thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP hay không? Doanh nghiệp cho rằng hoạt động của doanh nghiệp là kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về giá và các giao dịch liên kết khác (như vay, cho vay,…) cũng để phục vụ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh theo quy định của pháp luật về giá của Nhà nước nên doanh nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

(ii) Về đối tượng áp dụng (khoản 2 Điều 2)

- Tại điểm a Khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

2. Cơ quan quản lý thuế bao gồm:

  1. Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực;..”

- Tại Khoản 2 Điều 2 đang quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như sau:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

2. Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế và Chi cục Thuế.”

Như vậy, quy định về cơ quan thuế tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP chưa đầy đủ so với quy định về cơ quan thuế tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

(iii) Quy định về việc xác định quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và chi nhánh (điểm k Khoản 2 Điều 5)

Hiện nay, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP đang quy định việc xác định mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp hoặc mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với cá nhân.

Trong thực tế có thể phát sinh hoạt động chuyển giá giữa doanh nghiệp với chi nhánh thực hiện kê khai, nộp thuế TNDN (chi nhánh hạch toán độc lập) nhằm điều tiết lợi nhuận giữa các doanh nghiệp, chi nhánh trong cùng Công ty. Đồng thời, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chi nhánh đáp ứng điều kiện xác định là các bên có quan hệ liên kết theo nguyên tắc được quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Do đó, cần phải quy định bổ sung việc xác định mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với chi nhánh kê khai, nộp thuế TNDN hoặc giữa hai chi nhánh kê khai, nộp thuế TNDN.

Trong thời gian triển khai thực hiện Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính nhận được văn bản đề nghị hướng dẫn của một số Cục Thuế đối với nội dung này.

(iv) Về việc lựa chọn đối tượng so sánh độc lập (Điều 7)

Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:

“1. Lựa chọn đối tượng so sánh độc lập nội bộ là việc lựa chọn giao dịch của chính người nộp thuế với bên không có quan hệ liên kết, đảm bảo tương đồng không có khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến mức giá; tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận giữa các bên. Trường hợp không có đối tượng so sánh độc lập nội bộ tương đồng, thực hiện lựa chọn đối tượng so sánh theo điểm b và c khoản 3 điều 17 Nghị định này. Việc so sánh giữa giao dịch liên kết và giao dịch độc lập được thực hiện trên cơ sở từng giao dịch đối với từng sản phẩm tương đồng. Trường hợp không thể so sánh giao dịch theo sản phẩm, việc gộp chung các giao dịch phải đảm bảo phù hợp bản chất, thực tiễn kinh doanh và việc áp dụng phương pháp xác định giá của giao dịch liên kết được thực hiện theo quy định tại Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15 Nghị định này.

2. Dữ liệu tài chính, kinh doanh của các đối tượng so sánh phải đảm bảo độ tin cậy để sử dụng cho mục đích kê khai, tính thuế, phù hợp với các quy định về kế toán, thống kê và thuế. Thời điểm phát sinh giao dịch của các đối tượng so sánh độc lập phải cùng thời điểm phát sinh với giao dịch liên kết hoặc có năm tài chính cùng với năm tài chính của người nộp thuế, trừ trường hợp đặc thù cần thiết mở rộng thời gian so sánh theo quy định tại Điều 9 Nghị định này. Định dạng dữ liệu phải đảm bảo có thể so sánh, tính toán được các mức giá tại thời điểm giao dịch hoặc trong cùng kỳ tính thuế; dữ liệu so sánh về tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận phải đảm bảo ít nhất là ba kỳ tính thuế liên tục. Đối với các giá trị tỷ suất, tỷ lệ tương đối, người nộp thuế làm tròn số đến chữ số thứ hai sau dấu thập phân. Trường hợp số tương đối được lấy từ các số liệu công bố không có số tuyệt đối đi kèm và không sử dụng nguyên tắc làm tròn này thì lấy theo số liệu đã công bố có trích dẫn nguồn.”

Theo quy định nêu trên:

Về nguyên tắc, việc so sánh giữa giao dịch liên kết và giao dịch độc lập được thực hiện trên cơ sở từng giao dịch về từng loại sản phẩm riêng biệt. Nghị định số 132/2020/NĐ-CP chỉ đang quy định trường hợp không thể so sánh giao dịch theo sản phẩm thì doanh nghiệp được gộp chung các giao dịch.

Tuy nhiên trong thực tế có rất nhiều giao dịch có liên quan chặt chẽ và có tính phụ thuộc lẫn nhau như các giao dịch trên cơ sở hợp đồng cung cấp hàng hóa và dịch vụ, trong đó dịch vụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng cung cấp hàng hóa đó, các giao dịch mang tính chất liên hoàn như cung cấp hoặc trao quyền sử dụng các tài sản vô hình đi liên với cung cấp nguyên vật liệu, bán thành phẩm để sản xuất, chế biến ra thành phẩm. Trong trường hợp này các giao dịch không thể tách biệt do đó doanh nghiệp cũng phải được gộp các giao dịch.

(v) Về việc điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế (khoản 1 Điều 8)

Tại khoản 1 và khoản 3 Điều 8 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:

“1. Trường hợp tìm kiếm được các đối tượng so sánh độc lập có mức độ so sánh tin cậy tương đương nhau, không có khác biệt hoặc có khác biệt nhưng có đủ thông tin, dữ liệu làm cơ sở để loại trừ tất cả các khác biệt trọng yếu:

  1. Nếu mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế thuộc khoảng giá trị giao dịch độc lập của các đối tượng so sánh độc lập tương đồng thì người nộp thuế không phải thực hiện điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận để xác định giá giao dịch liên kết;
  1. Nếu mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế không thuộc khoảng giá trị giao dịch độc lập của các đối tượng so sánh độc lập tương đồng thì người nộp thuế phải xác định giá trị thuộc khoảng giao dịch độc lập phản ánh mức độ tương đồng cao nhất với giao dịch liên kết để điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của giao dịch liên kết nhưng không làm giảm thu nhập chịu thuế, không làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế.

3. Căn cứ phương pháp xác định giá giao dịch liên kết và các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn, thực hiện điều chỉnh mức giá; tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của người nộp thuế không làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách nhà nước.”

Theo quy định nêu trên:

- Đối với trường hợp mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế không thuộc khoảng giá trị giao dịch độc lập của các đối tượng so sánh độc lập tương đồng thì người nộp thuế có mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận không thuộc khoảng giá trị giao dịch độc lập của các đối tượng so sánh độc lập tương đồng thì người nộp thuế phải xác định giá trị thuộc khoảng giao dịch độc lập phản ánh mức độ tương đồng cao nhất với giao dịch liên kết (nằm trong khoảng giá trị giao dịch độc lập của các đối tượng so sánh độc lập tương đồng). Tuy nhiên, có Cục Thuế đang hiểu rằng trong trường hợp này người nộp thuế phải xác định giá trị thuộc một khoảng giao dịch độc lập tương đồng cao nhất (không cần thuộc khoảng giá trị giao dịch độc lập của các đối tượng so sánh độc lập).

- Về việc điều chỉnh thực hiện đối với các giao dịch liên kết: Về nguyên tắc, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định trường hợp doanh nghiệp có giao dịch liên kết không tuân theo nguyên tắc giao dịch độc lập thì thực hiện điều chỉnh đối với các giao dịch liên kết đó. Tại Nghị định chưa quy định trường hợp người nộp thuế vừa phát sinh giao dịch liên kết, vừa phát sinh giao dịch độc lập và không thể hạch toán riêng được thì thực hiện điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của giao dịch liên kết để xác định thu nhập chịu thuế như nào. Do vậy, cần quy định rõ để tránh việc xác định giá giao dịch liên kết với tỷ trọng giao dịch liên kết nhỏ (dưới 10% trong tổng giá trị phát sinh) nhưng điều chỉnh gộp toàn bộ.

(vi) Về việc chuyển chi phí lãi vay không được trừ sang kỳ tính thuế tiếp theo (điểm b, khoản 3 Điều 16)

Theo ý kiến phản ánh của một số Cục Thuế, việc thực hiện Khoản 3 Điều 16 quy định khống chế chi phí lãi vay của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP có khó khăn, vướng mắc sau:

Tại điểm b khoản 3 Điều 16 đang quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như sau:

“Điều 16. Xác định chi phí để tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

3. Tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:

  1. Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ;”

Thực hiện quy định nêu trên, một số Cục Thuế phản ánh vướng mắc sau:

- Doanh nghiệp có chi phí lãi vay không được trừ của kỳ trước chuyển sang kỳ tính thuế hiện tại nhưng ở kỳ tính thuế hiện tại doanh nghiệp không có quan hệ liên kết và không phát sinh giao dịch liên kết thì có được trừ chi phí lãi vay của kỳ trước chuyển sang khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN hay không?

- Nghị định quy định thời gian chuyển chi phí lãi vay liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ. Hiện nay, phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định trên do có quan điểm như sau: trong thời hạn 05 năm nếu 01 năm doanh nghiệp không đủ điều kiện chuyển chi phí lãi vay thì từ năm đó doanh nghiệp không được chuyển chi phí lãi vay còn lại của các năm trước vì không đảm bảo tính liên tục khi chuyển chi phí lãi vay.

Quá thời gian nêu trên, Quý Cơ quan không có ý kiến tham gia thì coi như đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính.