Có nên bỏ học đại học để đi du học

Nhiều bạn sinh viên theo học các trường đại học lớn ở Việt Nam như Quốc Gia, Ngoại Thương, Kinh Tế Quốc Dân, Bách Khoa… đã từ bỏ việc học ở nhà để đi du học Phần Lan. Phần lớn trong số họ đều vượt qua kỳ thi vào các trường đại học khoa học ứng dụng [University of Applied Sciences]. Chỉ có một số ít là học ở Aalto Business School thuộc hệ thống trường đại học nghiên cứu [University] của Phần Lan [vì duy nhất trường này có ngành đạo tạo tiếng Anh về kinh tế bậc cử nhân trong hệ thống university]. Câu hỏi nhiều bạn đặt ra là có đáng để bỏ đại học ở nhà để qua học cử nhân các trường UAS hay không?

Câu trả lời này đương nhiên là cả CÓ VÀ KHÔNG.

Nếu bạn thực sự thích đất nước này, thích môi trường học tập, cơ sở vật chất, cơ hội giao lưu đi học quốc tế ở đây thì bạn sẽ trả lời có. Còn lại, cũng không có ít bạn cảm thấy hối tiếc. Gần đây mình có đọc tâm sự của một bạn trên Vsaf nói về sự tiếc nuối của mình khi từ bỏ việc học tập ở một môi trường năng động như Việt Nam để qua bên này theo học một thời sinh viên bình lặng có phần nhạt nhạt ở một thành phố xa xôi ở Phần Lan.

Photo: Laurea.fi

Điểm khác giữa hệ thống UAS và University

Phải nhìn vào thực tế đó là hệ thống UAS là một hệ thống đại học tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực thực hành cho các nghề dịch vụ, y tế, công nghệ thông tin, kinh tế… cho sự phát triển của vùng miền ở Phần Lan. Hệ thống đại học này có mục tiêu và phương pháp giảng dạy khác [thiên về thực tế đào tạo làm việc hơn] với các trường đại học nghiên cứu [củng cố sự phát triển khoa học và xã hội của đất nước]. Những sinh viên tốt nhất của Phần Lan thường học ở hệ thống university từ bậc cử nhân [chỉ tuyển đầu vào bằng tiếng Phần và Thuỵ Điển]. Nhưng cũng cần phải nhấn mạnh học tốt hay nhiều điểm 5 không đồng nghĩa với việc bạn chắc chắn sẽ thành công sau này.

Việc thi vào các đại học nghiên cứu ở Phần Lan ở bậc cử nhân là cực kỳ khó với sinh viên Phần trong nhiều ngành học. Tỉ lệ chọi cao và tỉ lệ thành công ngay trong năm đầu tiên là khá thấp. Một cô bé Phần xuống Turku luyện thi đại học nói với mình rằng phần lớn các bạn của cô đều bỏ ra 1 năm để đi làm và luyện thi trước khi thi vào đại học.

Mình có đọc trên diễn đàn của một người Mỹ nói về giáo dục Phần Lan, một người Phần đã bình luận rằng thực tế UAS là hệ thống dành cho những người Phần học muộn hơn hoặc sau khi đi nghĩa vụ quân sự về. Nói chung về mặt chất lượng đầu vào, giáo viên, chương trình học, và chất lượng đào tạo thì không nên đem so sánh với các trường university. Mỗi hệ thống có trọng tâm riêng, nhưng sinh viên sau khi tốt nghiệp UAS vẫn có thể apply học master ở University bình thường.

Điểm mạnh của UAS so với các trường ở Việt Nam

Học UAS sẽ khá phù hợp với các ngành như quản lý khách sạn, y tá, và dịch vụ xã hội bởi những ngành này cần kinh nghiệm thực tế nhiều, vừa học vừa làm. Công nghệ thông tin, quản lý môi trường cũng là một ngành ở UAS có khả năng kiếm việc làm tốt. Có nhiều người Việt Nam và nước ngoài bắt đầu ở Phần Lan với việc học tập ở UAS và thành công trong việc kiếm việc làm, mở nhà hàng, công ty, hay học tiếp lên thạc sỹ tiến sỹ.

Một điểm khác, nếu so sánh về cơ sở vật chất và điều kiện hỗ trợ giáo dục sinh viên, thì các trường UAS vượt xa các trường đại học ở Việt Nam về mọi mặt. Dù nói các trường UAS không tập trung vào nghiên cứu, tài trợ và định hướng nghiên cứu của họ vẫn còn nhiều hơn ở các trường ở Việt Nam. Ai học đại học ở Việt Nam sẽ nhớ cảnh nóng bức giảng đường cả hơn 100 sinh viên, tranh nhau một số ít ghế ngồi trong thư viện, mượn sách cũng khó khăn, email lúc nào cũng gmail.com hay yahoo.com.

Đến đây học để biết một trường đại học cần phải được vận hành như thế nào, hệ thống thông tin quản lý đại học thực sự nó như thế nào, sinh viên có những quyền lợi gì, nhiệm vụ của giáo viên như thế nào, các phòng ban phải phục vụ sinh viên như thế nào. Những điều kiện này sẽ là cực tốt nếu bạn có động lực và khả năng tự học cao.

Giáo viên chỉ là một phần, bạn bè cũng lớp chỉ là một phần, chơi chỉ là một phần, quan trọng hơn cả vẫn là bản thân của bạn. Ở đây, không học thì không ra trường, chẳng có nhiều trói buộc để bắt bạn phải tốt nghiệp đúng hạn như ở Việt Nam.

Vấn đề mấu chốt là gì?

Nhìn chung mỗi hệ thống đại học có định hướng riêng và phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của mỗi bạn qua đây du học để nói rõ hơn về vấn đề này. Mình chưa học ở UAS nên không thể nói nhiều trên quan điểm cá nhân được, nhưng có người bạn của mình nói rất hài lòng với việc học tập ở các trường UAS dù nó ở tận miền trung Phần Lan.

Có một điều muốn nhắn nhủ tới các bạn đang phân vân đó là nên xác định thật rõ động cơ đi du học của bạn là gì, liệu tính cách con người bạn có phù hợp có phù hợp với đất nước này không và liệu khả năng của bạn có đủ chi trả cho ít nhất 3 năm học cử nhân ở đây không nếu đến học ở một thành phố nhỏ khó kiếm việc làm.

Cũng cần phải phân biệt rõ đó thực sự là mong muốn được học hỏi, được trải nghiệm một nền giáo dục mới, một đất nước mới, và những con người mới hay thực sự chỉ là muốn chạy theo trào lưu, tự hào là mình kiếm được một tấm bằng nước ngoài. Một khi bạn thực sự muốn thay đổi, muốn học hỏi, thì dù có ở đâu, bạn vẫn sẽ tìm được điểm hay của nó.

Việc học tập ở Phần Lan không chỉ giới hạn ở trường hay một vùng địa lý nhất định, mà bạn có thể chuyển địa điểm học, đi trao đổi ở các nước khác, học thêm rất nhiều điều khác nữa thông qua hệ thống thông tin và tài liệu rộng mở, các khoá học mở miễn phí cho sinh viên và các chương trình văn hoá giáo dục khác. Nếu bạn muốn sống ở nước ngoài lâu dài, khởi đầu sớm có thể thuận tiện hơn?

Lợi ích của việc học đại học ở Việt Nam

Học đại học ở Việt Nam cũng có cái hay của nó khi bạn được học cùng những người bạn cùng chí hướng, học cũng nhiều, môi trường học tập cạnh tranh năng động hơn, giữ nhịp cùng sự phát triển của kinh tế xã hội ở nhà, không bị lạc lõng khi quay trở lại sau một thời gian dài. Theo những anh chị có kinh nghiệm cả học ở nhà và ở Phần, những ngành đào tạo về phần mềm và lập trình ở Việt Nam cũng khá tốt vì Việt Nam có thế mạnh về gia công phần mềm.

Đi học thạc sỹ ở nước ngoài sẽ tốt hơn khi bạn chín chắn hơn và hiểu rõ hơn về mục tiêu học hành, sự nghiệp của bạn sau khi tốt nghiệp cử nhân [có thể nhưng không phải với tất cả]. Nếu bạn có thành tích học tập xuất sắc thì cơ hội xin học bổng của các chính phủ nước ngoài cũng lớn hơn, vì một khi đặt chân đến liên minh EU học cử nhân, bạn đã mất một quyền đó là công dân của một nước đang phát triển và không rời đất nước của mình trong vòng 2 năm để sống ở một nước phát triển.

Tóm lại, bạn có thể suy nghĩ về những điều sau đây để đưa ra quyết định:

– Tình hình  và năng lực học hành hiện tại [chán nản, bình thường, tốt…]

– Động lực học tập ở nước ngoài và mục tiêu sự nghiệp cuộc sống trong tương lai [bằng cấp, kiến thức, muốn thay đổi, ở lại hay về…]

– Các giá trị quan trọng trong cuộc sống của bạn [gia đình, bạn bè, địa vị…]

– Khả năng tài chính [tốt, trung bình…]

– Khả năng thay đổi và thích nghi với cuộc sống mới [chậm ở Phần Lan]

– Khả năng tự học, tự lập

Khi nhắc đến hai chữ “du học”, mỗi người đều có một cách riêng để “vẽ” nên bức tranh về việc sang nước ngoài để học. Có người sẽ nghĩ đi du học là để tiếp thu một môi trường giáo dục tiên tiến mới. Có người lại xem việc du học như một trào lưu, và chỉ đưa con mình sang nước ngoài học vì sính ngoại. Song, đa phần phụ huynh và học sinh đều vẫn còn rất nhiều điều chưa hiểu hết về việc du học vì một số ý nghĩ sai lệch như…

1. Đi du học rất dễ và chủ yếu là chơi
Nhiều phụ huynh và cả học sinh thường nghĩ việc học ở nước ngoài rất dễ và không áp lực nhiều như ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng như ở nước ta, những bài tập, bài thuyết trình, và những bài kiểm tra thường chiếm phần lớn thời gian. Bên cạnh đó, học sinh thường sẽ dành nhiều thời gian sau lớp học cho các môn thể thao hoặc các môn nghệ thuật khác. Do vậy, thời gian để ăn chơi không phải là nhiều. Hơn nữa, là một du học sinh, các bạn sẽ phải dành nhiều thời gian hơn trong việc rèn luyện ngoại ngữ và tìm hiểu về những văn hóa mới của nước bạn. Nhiều du học sinh cũng lựa chọn đi làm thêm sau giờ học để tích luỹ kinh nghiệm cũng như kiếm thêm tiền chi tiêu. Cho nên, việc du học không lúc nào cũng dễ dàng như ta vẫn tưởng.

2. Đi du học là được sống tự do
Nếu các bạn học sinh, sinh viên cho rằng việc đi du học thì sẽ được tự do làm mọi điều mình thích, thì hãy chuẩn bị sẵn sàng để sống với những gì bạn sẽ không có khi ở nước ngoài. Đó là sự chăm sóc và quan tâm của bố mẹ. Đó là những bữa cơm với gia đình. Đó cũng là những lúc ốm có người nhà chăm lo. Dù có học xa nhà ở Việt Nam thì vẫn có cảm giác đây là nhà mình, bước chân ra đường là được nghe thấy tiếng Việt. Tuy nhiên, khi sang nước bạn, bạn sẽ phải mạnh mẽ hơn và cố gắng hòa nhập.

3. Đi du học là có điều kiện
Có khá nhiều người luôn cho rằng du học sinh nào cũng đến từ một gia đình có điều kiện. Điều này không hoàn toàn sai. Đa phần cha mẹ của các bạn du học sinh đều không ngại chi trả một khoản tiền rất lớn cho con mình du học. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít các bạn rất giỏi nên được học bổng, hoặc các bạn tự lực kiếm tiền để thực hiện ước mơ du học của mình. Những nhóm học sinh này không ngừng cố gắng mỗi ngày. Họ phải vừa học, vừa trang trải cho cuộc sống của mình. Họ cũng phải rất cố gắng để giữ lấy học bổng mà mình đang có. Có người phải sống thật tiết kiệm, trong từng bữa ăn, từng cái áo mới. Có người phải vừa học vừa làm rất nhiều công việc cùng một lúc để có đủ tiền học nên rất vất vả.

4. Đi du học là thành thạo ngoại ngữ
Có rất nhiều người tin rằng các du học sinh lúc nào cũng giỏi ngoại ngữ. Tuy nhiên, có những bạn đi du học rất nhiều năm, hoặc thậm chí được nhận vào các trường đại học nổi tiếng nhưng khả năng tiếng Anh của họ có thể vẫn chưa đủ tốt. Bởi lẽ, khi muốn thành thạo một ngôn ngữ nào đó, tất cả mọi người đều phải trải qua một thời gian cố gắng và luyện tập rất dài. Du học sinh có một lợi thế là luôn phải vận dụng ngoại ngữ trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, nếu ngại giao tiếp hoặc kết bạn, thì khả năng ngoại ngữ sẽ rất khó mà tiến bộ được.

5. Đi du học sẽ dễ thành công trong tương lai
Với số lượng du học sinh hiện nay thì tấm bằng tốt nghiệp từ nước ngoài chưa hẳn sẽ quyết định sự thành công trong tương lai của các bạn học sinh, sinh viên. Thứ nhất, việc du học sẽ kèm theo rất nhiều áp lực, đòi hỏi các bạn du học sinh phải cố gắng rất nhiều. Có những trường hợp các bạn phải bỏ học giữa chừng trước khi có được tấm bằng tốt nghiệp. Thứ hai, khi xa nhà, các bạn học sinh sẽ không còn gắn liền với thực tế và hoàn cảnh sống ở Việt Nam, dẫn đến việc khó khăn trong công việc khi quay trở về nước. Vì vậy không phải cứ đi du học là sẽ thành công trong sự nghiệp.

6. Đi du học để xin việc làm ở lại nhập cư
Trên thực tế, có rất nhiều người bản xứ sau khi tốt nghiệp vẫn không tìm được công việc cho bản thân. Do đó, là một du học sinh, cơ hội có được việc làm là rất mong manh và không dễ dàng như nhiều người vẫn lầm tưởng. Khả năng tìm được một công việc ổn định là có. Nhưng muốn nắm bắt được cơ hội ấy, bạn cần phải nỗ lực cạnh tranh bằng tất cả những nhân tố nổi trội nhất mà các công ty tuyển dụng cần.

Video liên quan

Chủ Đề