Vì sao có tên đường 20 quyết thắng

Thứ hai, 27/07/2020 - 16:52

Ngày 20 tháng 12 năm 1965, được đánh dấu là ngày bổ nhát cuốc đầu tiên cho việc hình thành con Đường 20, sau bốn tháng thi công [127 ngày đêm, từ ngày 20/12/1965 đến ngày 05/5/1966] Đường 20 đã được hoàn thành với chiều dài 123km, chọc thủng Trường Sơn nối liền Phong Nha [Quảng Bình] với Lùm Phùm thuộc huyện Bu-La-Pha, tỉnh Khăm Muộn [Lào]. Đây là con đường giao thông huyết mạch, là tuyến vận tải chiến lược, một đầu mối quan trọng trên đường Hồ Chí Minh, được Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đặt tên là “Con đường tuổi hai mươi” bởi lẽ, lực lượng tham gia làm con đường này gồm bộ đội, thanh niên xung phong [TNXP], anh em công nhân... hầu hết đều ở lứa tuổi 20, mỗi mét đường là công sức, mồ hôi và máu của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ TNXP bám đường, bảo vệ, làm nhiệm vụ cứu hộ, thông xe…. Đường 20 còn là con đường đã thể hiện ý chí quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, quyết tâm phá thế độc tuyến và giành thắng lợi trên mặt trận giao thông vận tải, vì thế con đường được gán thêm hai chữ “Quyết Thắng” và được gọi đầy đủ là “Đường 20-Quyết Thắng”.

Toàn bộ tuyến đường này nằm trọn trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Trong những năm tháng chiến đấu bảo vệ tuyến đường và vận chuyển chi viện cho chiến trường, con đường của lứa tuổi hai mươi mang tên Quyết Thắng đã làm nên những chiến công như là huyền thoại của một thời “Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước” lập nên những kỳ tích oanh liệt góp phần tạo nên thắng lợi vỹ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là những khúc tráng ca bất tử tạc vào lịch sử dân tộc. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều trọng điểm trên tuyến đường này đã trở thành những điểm di tích lịch sử, mỗi di tích trên đường 20 Quyết Thắng có những sự kiện lịch sử sinh động cụ thể khác nhau nhưng đều gắn kết trên cùng một chiến tuyến chi viện chiến lược - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, những di tích lịch sử đều in sâu nhiều dấu ấn lịch sử tiêu biểu.

Trên con đường huyền thoại “Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 - Quyết Thắng” được xây dựng để lưu danh các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trên tuyến đường này và có một di tích lịch sử hết sức đặc biệt gắn với câu chuyện lịch sử đầy bi hùng đó là “Hang Tám Cô”, đặc biệt từ tên gọi đến câu chuyện về sự hy sinh dũng cảm của những TNXP khi đang làm nhiệm vụ. Ngày 14 tháng 11 năm 1972, một ngày lịch sử không bao giờ quên, những trận bom tọa độ B52 như điên cuồng trút xuống, làm không gian rung chuyển, đường 20 Quyết Thắng bị quật nát, cắt đoạn, đất đá tung lên mù mịt, những vách núi đá dựng đứng lắc lư, sau trận ném bom bằng B52 của đế quốc Mỹ đã có 5 chiến sỹ pháo binh hy sinh không còn nguyên vẹn. Ngay lúc đó, một tiểu đội TNXP gồm 8 chiến sĩ [Nguyễn Văn Huệ, Trần Thị Tơ, Lê Thị Lương, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Văn Phương, Đỗ Thị Loan, Nguyễn Mậu Kỷ, Lê Thị Mai] đang làm nhiệm vụ đã chạy vào hang ẩn nấp. Không may, sức công phá của bom đã làm cho một tảng đá nặng khoảng 100 tấn sập xuống khiến cửa hang bị bịt kín. Lúc ấy, biết các đồng đội còn sống nhưng tất cả đều bất lực, sự sống được lắng nghe qua tiếng kêu cứu vọng ra từ hang đá và kéo dài qua ống nhựa chứa cháo loãng được luồn qua kẽ hở núi đá, cứ thế, sang ngày thứ chín thì những chiến sĩ bị mắc kẹt trong hang đã hy sinh. Sự hy sinh của các anh, các chị, nhất là hình ảnh những cô gái tuổi đời son trẻ, ngây thơ đã trở thành linh thiêng vĩnh hằng. “Hang Tám cô” là chứng tích về sự hy sinh của 8 Thanh niên xung phong tại Km16,5 - Đường 20 Quyết Thắng trở thành một địa danh đã đi vào lịch sử của dân tộc như một huyền thoại. Mặc dù hình ảnh và tấm gương chiến đấu, hy sinh quả cảm của bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến và nhân dân đã hội tụ về Đền thờ các anh hùng liệt sĩ được xây dựng ngay sát di tích “Hang Tám cô” nhưng di tích chính vẫn là hệ thống các trọng điểm trong chiến tranh, nằm rải rác trên toàn bộ tuyến đường 20.

Cách hang Tám cô khoảng 2 km là di tích hang Cô Y tá, gắn với câu chuyện về sự hy sinh cao đẹp của nữ y tá Nguyễn Thị Sặng, quê ở phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cũng vào một ngày của tháng 6-1972, y tá Sặng nhận lệnh đưa thương binh trên tuyến về bến phà Xuân Sơn để ra Bắc điều trị, khi đi bộ ngược lên đến địa điểm km 18 đường 20 thì bất ngờ máy bay B52 ập đến rải 3 loạt bom, km18 bị quật nát, cắt đoạn, đất đá bật tung, núi rừng chao đảo, cả vùng đất nơi những TNXP trú bom rùng mình như bị địa chấn. Trời đã chạng vạng tối, đồng đội không thể hỗ trợ cho nhau, dứt loạt bom, đồng đội khản tiếng tìm nhau. Trong mớ âm thanh hỗn độn đó, đồng đội kinh hoàng khi nhận thấy y tá Sặng đã trúng mảng bom ở đầu, mọi người cuống cuồng băng bó nhưng cũng không thể cứu được y tá Sặng. Ngày 20/6/1972, Y tá Nguyễn Thị Sặng đã anh dũng hy sinh trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Hang Y tá là tên gọi thiết tha, bằng tất cả sự cảm phục và tiếc thương trước sự hy sinh quên mình của người con gái mang tên Nguyễn Thị Sặng.

Giá trị lịch sử tiêu biểu và đặc biệt quan trọng khác của các di tích trên Đường 20 là hệ thống bao gồm bến phà Xuân Sơn, bến Phà Nguyễn Văn Trỗi, hang Phong Nha - nơi khởi đầu tuyến đường 20. Bến phà Xuân Sơn và bến phà Nguyễn Văn Trỗi tải nặng biết bao chiến công hiển hách của các chiến sĩ giao thông Quảng Bình, Binh trạm 14, Đoàn 559. Ngày đêm dưới mưa bom bão đạn quân thù, những người đồng đội, đồng chí đã không ngại gian khổ hy sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo cho hàng ngàn đoàn xe, đoàn quân của hậu phương vượt sông Son lên đường 20 - Quyết thắng hay đường 12 vượt khẩu kịp thời chi viện cho chiến truờng miền Nam và nước bạn qua các mùa chiến dịch cho đến ngày toàn thắng. Rất nhiều gương chiến đấu vô cùng dũng cảm và sáng tạo, các đơn vị thuộc trung đoàn 218 bộ đội cao xạ anh dũng đã phối hợp hiệp đồng chiến đấu với các đơn vị khác bắn rơi 05 máy bay Mỹ và bắt sống tại chỗ 03 giặc lái. Các anh Trần Vân [Đại đội phó bến phà] đã hy sinh anh dũng khi đang chỉ huy vượt sông, anh Trần Văn Tưởng bị thương ở bụng vẫn lái ca nô cập bến phà an toàn, anh Hoàng Văn Chảy và Phan Bội Châu khi phá bom từ trường đã anh dũng hy sinh, các anh Hồ Đăng Rích, Lê Đức Tín, Nguyễn Thế Chơn… đã tình nguyện đi phá bom từ trường, trước khi đi đơn vị làm lễ truy điệu sống. Trên khúc sông này, đã chứng kiến biết bao sự hy sinh của chiến sĩ, nhân viên bến phà, TNXP, máu và mồ hôi của các chiến sĩ hòa vào dòng sông Son đỏ thắm để bảo đảm an toàn cho phà, cho xe kịp thời băng đường vượt khẩu chi viện cho miền Nam với một ước mơ - một hoài vọng thiêng liêng “Thống nhất Tổ Quốc”. Đặc biệt là 70 thanh niên xung phong của đại đội 4 đã ngã xuống góp phần đảm bảo sự sống cho bến phà Xuân Sơn, tạo sự bất tử cùng tên tuổi và chiến công của người chiến sỹ.

Khu vực từ bến phà Xuân Sơn đến thôn Phong Nha có một hệ thống hang lèn được sử dụng và cải tạo đảm bảo an toàn đến mức tối đa về người và của như: hang Rục, hang Eo, hang Diêm, hang Hà Lời và đặc biệt là Hang Phong Nha. Hang Phong Nha vào thời bình là cỏi Thần Tiên cho du khách thưởng ngoạn, nhưng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước bộ đội ta đã mưu trí sử dụng hang Phong Nha để làm nơi cất giấu phà, ca nô vận tải vào ban ngày để ban đêm kịp thời ra sông làm nhiệm vụ, với khẩu hiệu “động là nhà, bến phà là trận địa”. Hang Phong Nha khá rộng rãi và kiên cố, có khi còn là bệnh xá dã chiến cấp cứu nhiều chiến sĩ bị thương, hay là kho cất dấu hàng chi viện khi cần thiết. Sau một thời gian địch phát hiện được, chúng ném bom và bắn tên lửa vào cửa hang, có ngày giặc Mỹ bắn Roóc-két giết hại 42 người, làm sập vách đá, lấp một phần cửa hang, phá hủy và làm hỏng nhiều phà, bắn cháy nhiều ca nô khi sang sông, phá hủy nhiều hàng hóa ở bãi tập kết phía Nam nhưng các chiến sĩ Đại đội 16, Binh trạm 14 Đoàn 559 vẫn cất dấu an toàn phà, ca nô để hàng đêm ra bến đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đưa chuyển các đoàn xe ra tiền tuyến.

Bên cạnh đó, còn có các trọng điểm được ví như túi bom của quân thù, như Trọng điểm Trạ Ang đã bao lần thấm đẫm máu và mồ hôi của chiến sĩ lao động dũng cảm, chiến đấu oanh liệt hy sinh vì nhiệm vụ. Cuối tháng 9-1968, địch tăng cường đánh phá đường 20, đoạn đường độc đạo từ dốc Ðồng Tiền đến Trạ Ang trở thành trọng điểm vô cùng ác liệt có đợt chúng bắn phá liên tục 87 ngày đêm với 893 trận làm hàng trăm người hy sinh. Có ngày chúng dùng đến 27 lần chiếc B52 và 30 lần chiếc máy bay khác ném bom tọa độ làm hàng trăm người bị thương và hy sinh. Có những lúc ác liệt đến mức các xe chở hàng, chở xăng không thể vận chuyển xăng trực tiếp qua trọng điểm được, Binh trạm 14 đã huy động các chiến sĩ vần từng phuy xăng xuống suối rồi dùng sức người kéo ngược đi lên đến km 14 theo dòng suối Trà Ang mới tăng bo xăng lên. Trong 06 ngày kể từ ngày 25/ 9/1968 đến ngày 01/10/1968 với cách vận chuyển ấy ta tổ chức kéo 60 phuy xăng đến địa điểm tập kết khoảng 5km thì chỉ được 30 phuy xăng được tập kết an toàn, 29 chiến sĩ vận tải đã anh dũng hi sinh vì bom đạn ác liệt của giặc Mỹ, máu của các anh, các chị hòa chung với xăng và nước, nhuộm đỏ dòng suối Trạ Ang. Những đơn vị tham gia bảo vệ đường ở đây như đơn vị 3.030, hai đại đội cao xạ, đại đội 263 thanh niên xung phong và hàng trăm chiến sĩ thuộc 06 đơn vị bộ đội thanh niên xung phong tham gia kéo xăng ở trọng điểm Trà Ang đã bất chấp mọi hy sinh gian khổ, ngày đêm bám đường sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ, góp phần tạo nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Suối Trạ Ang trở thành “Huyền thoại Xăng và Máu” của bộ đội Trường Sơn.

Trọng điểm liên hoàn A-T-P là tên gọi tắt của cua Chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích nằm trên trục đường 20 Quyết Thắng. Trọng điểm ATP luôn như chảo lửa, mỗi ngày đêm hơn trăm lần chiếc máy bay Mỹ đến bắn phá, trong đó có 30 - 40 chiếc B52 ném bom rãi thảm, máy bay trinh sát OV10, AD6 thay nhau thám thính, hoặc thả cây nhiệt đới thu phát tiếng động để “lính trinh sát vạn dặm của Hoa Kỳ” chỉ dẫn cho máy bay đến bắn phá. Sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, có thời điểm Đường 20 bị tắc liên tục, không có xe nào vượt nổi Đèo Phu la Nhích, giải tỏa trọng điểm A-T-P trở thành nhiệm vụ cấp thiết được Quân ủy Trung ương giao cho Đoàn 559 chỉ huy thông xe toàn bộ hệ thống trọng điểm liên hoàn A-T-P từ km 68 trở vào. Đầu tháng 12/1968, trọng điểm A-T-P được giải tỏa, hàng trăm chiếc xe chất đầy hàng, dồn dập vượt trọng điểm. Để đảm bảo cho xe vượt khẩu an toàn đã có gần 200 cán bộ chiến sĩ với sức xuân phơi phới tuổi 20 đã vĩnh viễn nằm lại nơi này, máu xương các anh, các chị thấm vào từng tấc đất, từng mét đường cho đoàn quân tiến ra phía trước.

Dốc Ba Thang gắn liền với chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi” của Trung  đoàn 10 công binh. Tại Dốc Ba Thang, những chiến sĩ công binh [Trung đoàn 10] treo mình trên vách đá, mồ hôi ướt đầm vai áo, phải đứng trên đỉnh ba chiếc thang tre nối với nhau để đục lỗ, phá mìn và phải mất chín tấn thuốc nổ mới xuyên thủng được Dốc Ba Thang [Gần 8.000 người tham gia mở đường, phần lớn trong số họ đang ở lứa tuổi 20, mồ hôi và máu của họ đã đổ trên mỗi thước đường]. Sau 15 ngày đêm liên tục thi công với choòng tay và thuốc nổ, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 10 đã làm nên kỳ tích “san phẳng” Dốc Ba Thang, đến giữa tháng 4/1966 đoạn đường qua đỉnh Dốc Ba Thang đã thông.

Tổng kho NH [hay còn gọi là Hang bảy tầng] là một trong 3 tổng kho dự trữ chiến lược của Đoàn 559 trên đất Quảng Bình do Binh trạm 14 quản lý ở khu vực xã Sơn Trạch, cung cấp hàng cho các đoàn xe ra chiến trường theo đường 20. Hang NH có sức chứa rất lớn, ngoài nhiệm vụ là kho trữ được hàng nghìn tấn hàng, ở đây còn có các xưởng sửa chữa cơ khí, trạm quân y tiền phương, trong hang, không gian thoáng mát, rộng hàng trăm mét, cao hơn một trăm mét. Hang có hai cửa, cùng một bục xi măng có nhiều dấu ấn của khói đạn ngày xưa với nhiều dòng chữ viết bằng than đè lên nhau. Trong đó ấn tượng nhất là những hình ảnh chim bồ câu tung cánh... cả bảy tầng được xây dựng một cách kỳ công nhưng không đập vỡ mảnh thạch nhũ nào. Mặc dù nằm gần kề Trạ Ang - một trọng điểm đánh phá ác liệt của địch, nhưng hang NH vẫn giữ được bí mật, vẫn an toàn trước các cuộc oanh tạc của máy bay địch.

Hang Thông tin tại km4 trên đường 20 Quyết Thắng, nơi đặt Trạm cơ vụ A70 với nhiệm vụ đảm bảo mạch máu thông tin thông suốt, kịp thời chính xác. Trạm cơ vụ [thông tin] A70 là một trong 3 trạm cơ vụ đường trục từ Hà Nội vào, nằm ở cửa ngõ chiến trường Trị - Thiên, trạm A70 được bố trí nằm giữa 2 trạm A69 và A72. Từ đây còn có các trạm nhánh bảo đảm thông tin liên lạc từ Bộ Quốc phòng trực tiếp đến Sở chỉ huy tiền phương của Tổng cục Hậu cần, Binh trạm 14 và Binh trạm 26 của Bộ đội Trường Sơn [Đoàn 559] và Cục Vận tải tiền phương [Đoàn 500] của Bộ Giao thông Vận tải. Hầu hết các cơ quan, đơn vị trên đây đều đóng ở khu vực Cự Nẫm - Khương Hà - Xuân Sơn và khởi điểm Đường 20 Quyết Thắng nối Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, thuộc huyện Bố Trạch - Quảng Bình. Vừa bảo đảm liên lạc đường trục, vừa phụ trách các tuyến nhánh nên trạm A70 được trang bị đủ các “chủng loại” phương tiện: Máy tải Ba ZM.132, máy VBO.3, máy TCT1.2, tăng âm 12 đường bảo đảm từ tổng đài A40 - Hà Nội, với 30 mạch thoại cao tần và tổng đài 100 số… Biên chế trạm thường xuyên khoảng 30 cán bộ, chiến sĩ; gồm 3 bộ phận: Nguồn, đường dây và tổng đài. Ba trạm cơ vụ A69, A70 và A72 cách nhau hơn 200 cây số đường rừng hiểm trở, nhưng đều thuộc biên chế đại đội 7 nên nhiều cựu chiến binh trung đoàn thông tin 134 thời ấy đều đã từng “nếm mật nằm gai” ở cả ba trạm. Trạm cơ vụ A70 hoạt động trong thời gian 8 năm [với 3.080 ngày đêm] dưới mưa bom bão đạn của kẻ địch, nhưng cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A70 đã chiến đấu kiên cường nhằm đảm bảo thông tin liên lạc cho sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Binh trạm 14 tại khu vực đường 20 - Quyết Thắng và trên toàn tuyến. Đây là nơi biểu hiện sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của bộ đội làm nhiệm vụ đảm bảo thông tin trên tuyến đường của tuổi 20, của tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, là nơi thể hiện cao tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Hiện nay, trong Hang Thông tin vẫn còn lại các dấu tích của hệ thống Trạm Thông tin A70 như: Phòng đặt máy phát điện, sân bãi tập trung, hội trường hội họp trong hang….

Ngầm Cà Ròong [hay Kà Roòng] tại km 52 đường 20 Quyết thắng là vùng trọng điểm hiểm yếu, vô cùng ác liệt, là một khu vực biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của TNXP và bộ đội thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước những năm 1966 -1974 không thể lãng quên. Ngầm Cà Roòng là ngầm qua một nhánh sông Cà Roòng, mà hai bên là núi, con đường mở ra chạy quanh quanh nhiều cua cánh tay. Địch tìm cách đánh phá con đường và cái ngầm “Thép” ấy đã làm san phẳng bao ngọn đồi. Trong những năm 1966 đến 1968, địch đánh phá khu vực Cà Roòng vô cùng ác liệt, số trận đánh nhiều hơn hẳn các trọng điểm khác [có hơn 50 người hi sinh, có trận 28 chiến sĩ hi sinh, chưa kể 8 bị thương ở nơi này].

Và còn biết bao trọng điểm khác nữa trên các toạ độ lửa đường 20 - Quyết thắng đã đi vào lịch sử dân tộc, như: Hầm dấu xe húc, hang Rục, Dốc cua Tay áo Km32, dốc Cù Mẹ, Cù Con, Khe Diêm, Khe Tum, U Bò, hang chỉ huy phà, bãi hố bom quanh trên bến phà Nguyễn Văn Trỗi, bến phà Xuân Sơn đến nay vẫn khắc sâu những ký ức về các cán bộ chỉ huy, các chiến sĩ lái ca nô, kéo phà, mở bến, thông đường trên các toạ độ lửa Phong Nha - Xuân Sơn - ký ức một thời đạn bom, một thời máu lửa của những đồng chí đồng đội đã chiến đấu kiên cường oanh liệt, đã lao động dũng cảm và sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Con đường 20 huyền thoại xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, chảy vào tương lai đã trở thành một minh chứng hào hùng của tuổi trẻ trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, cứu nước được xây đắp và giữ gìn bằng nước mắt và máu xương của lớp lớp người con đang độ tuổi thanh xuân ngày ấy.

Những chứng tích lịch sử trên tuyến đường 20 Quyết thắng nằm trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã trở thành những địa danh lịch sử văn hóa đi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi là những chiến tích hào hùng về cuộc chiến đấu kiên cường, oanh liệt của quân và dân ta. Đến với Phong Nha – Kẻ Bàng ngày hôm nay không chỉ tham quan, thưởng ngoạn trước cảnh đẹp của thiên nhiên hùng vỹ mà còn là dịp để chúng ta tưởng nhớ và tri ân sự hi sinh anh dũng của biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống, hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc./.

Mai Thùy

Video liên quan

Chủ Đề