Chủ hộ tách sổ hộ khẩu như thế nào năm 2024

Tôi lấy chồng vào tháng 3/2019, sau khi về nhà chồng ở tôi đã nhập hộ khẩu qua nhà chồng. Nhưng hiện nay, tôi cùng chồng muốn tách khẩu đến một huyện khác để ở nhằm thuận lợi cho công việc nhưng không làm được vì bố chồng không đồng ý và cũng không cho tôi mượn sổ hộ khẩu để làm. Xin Quý công ty tư vấn giúp tôi làm cách nào để có thể tách khẩu khi chủ hộ không đồng ý. Tôi xin cảm ơn.

Giải đáp:

Cảm ơn Qúy khách hàng đã gửi câu hỏi đến Hãng luật Bạch Tuyết (HLBT). Đối với các yêu cầu tư vấn của Quý khác hàng, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, HLBT có một số trao đổi như sau:

(1) Quy định của pháp luật về việc tách khẩu:

Theo khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2006 (được sửa đổi bổ sung năm 2013) quy định về tách sổ hộ khẩu:

“Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:

  1. a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
  2. b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản”.

Do đó, theo quy định này, để được tách khẩu thì Chị cần phải đảm bảo 2 điều kiện: là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có nhu cầu tách sổ hộ khẩu và được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.

Như vậy, nếu chủ hộ (Bố chồng chị) không đồng ý cho chị tách sổ hộ khẩu thì chị sẽ không tách được hộ khẩu.

Mặt khác, theo Điểm đ Khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú thì chị có thể đăng ký thường trú tại nơi cư trú mới, sau đó tiến hành xóa đăng ký thường trú tại hộ khẩu gia đình chồng chị. Tuy nhiên, theo Điều 28 Luật Cư trú thủ tục cấp giấy chuyển hộ khẩu thì chị vẫn bắt buộc phải có hộ khẩu thì mới có thể làm thủ tục cấp giấy chuyển hộ khẩu.

(2) Về hành vi không tạo điều kiện cho người có nhu cầu tách khẩu.

Tại Khoản 8 Điều 10 Thông tư số 35/2014/TT- BCA quy định rõ:

“Người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cố tình gây khó khăn, không cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Do đó, việc bố chồng Chị cố tình gây khó khăn và không đưa sổ hộ khẩu cho chị để giải quyết các công việc theo quy định pháp luật là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Chính vì vậy, để được giải quyết chị có thể làm đơn đề nghị đến cơ quan Công an cấp huyện nơi gia đình chồng chị cư trú để trình bày về vấn đề này và đề nghị cơ quan có thẩm quyền can thiệp để Bố chồng chị đồng ý cho tách khẩu.

Trên đây là ý kiến tư vấn của HLBT liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của HLBT sẽ hữu ích cho Qúy khách hàng.

Hỏi: Vợ chồng anh chị tôi không đối xử hiếu thuận với ba mẹ, anh tôi theo về ở hẳn bên nhà vợ, không đoái hoài tới mà còn có lời lẽ không hay với ba mẹ. Ba mẹ tôi yêu cầu anh tôi cắt khẩu chuyển đi nhưng anh không chịu. Vậy xin hỏi, ba tôi là chủ hộ, ba tôi có quyền quyết định cắt khẩu của người trong hộ khẩu không? Thủ tục ra sao?

L.T.N (huyện Vĩnh Lợi)

Trả lời: Theo quy định của pháp luật về việc tách sổ hộ khẩu quy định tại Điều 27 của Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2013, thì có 2 trường hợp được tách sổ hộ khẩu bao gồm: Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu; Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.

Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ.

Như vậy, người đi thực hiện thủ tục tách sổ hộ khẩu sẽ phải chuẩn bị hồ sơ trong đó có phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu cần tới sự đồng ý của chủ hộ và người có nhu cầu tách khẩu. Ngoài ra, theo quy định của Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2013, về việc Xóa đăng ký thường trú thuộc một trong các trường hợp: Chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết; Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại; Đã có quyết định hủy đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của luật này; Ra nước ngoài để định cư; Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xóa đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.

Như vậy, trường hợp của gia đình bạn không thuộc trường hợp để xóa đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật, do đó, ba của bạn không thể tự quyết định cắt khẩu của con trai mình nếu anh ấy chưa có nơi chuyển đến và không đồng ý việc chuyển đi.