Chấn thương sọ não bao lâu khối

Khi nhắc đến chấn thương sọ não [CTSN], điều khiến chúng ta lo sợ và băn khoăn nhiều nhất thường sẽ là nạn nhân có sống sót hay không, có khuyết sọ, tụ máu não hoặc có ảnh hưởng tới cử động, đi lại, khả năng làm việc về sau hay không. Đây là những hậu quả nghiêm trọng do tổn thương nhìn thấy được của cấu trúc não, song may mắn thay, chỉ gặp ở số ít các ca chấn thương sọ não mức độ nặng [khoảng 15%].

Bác sỹ Nguyễn Thùy Linh

Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

Khi nhắc đến chấn thương sọ não [CTSN], điều khiến chúng ta lo sợ và băn khoăn nhiều nhất thường sẽ là nạn nhân có sống sót hay không, có khuyết sọ, tụ máu não hoặc có ảnh hưởng tới cử động, đi lại, khả năng làm việc về sau hay không. Đây là những hậu quả nghiêm trọng do tổn thương nhìn thấy được của cấu trúc não, song may mắn thay, chỉ gặp ở số ít các ca chấn thương sọ não mức độ nặng [khoảng 15%]. Với hơn 80% các ca CTSN nhẹ, các biến đổi về chức năng não, biểu hiện bằng nhiều triệu chứng rối loạn tâm thần - một hậu quả “vô hình” đối với cả những phương pháp chẩn đoán hình ảnh tân tiến nhất, dù phổ biến hơn và gây khó khăn đáng kể cho người chăm sóc cũng như cuộc sống của bản thân bệnh nhân sau này lại thường bị bỏ qua không điều trị.

Chấn thương sọ não là gì?

CTSN là sự thay đổi về chức năng não hoặc bằng chứng về bệnh lý não gây ra do ngoại lực tác động [ví dụ: va chạm trong tai nạn giao thông, tai nạn lao động, hay tai nạn sinh hoạt]. Đây là một vấn đề nổi cộm ở Việt Nam trong tình trạng các ca tai nạn giao thông đang ở mức cao báo động như hiện nay.

Cơ chế nào dẫn tới hậu quả của chấn thương sọ não?

Khi bị tác động bởi một lực từ bên ngoài, một vùng tương ứng của não bộ sẽ bị ảnh hưởng. Đó có thể là vùng trực tiếp chịu tác động, hay vùng bị ảnh hưởng gián tiếp do va đập với thành sọ hoặc bị tổn thương mạch máu nuôi dưỡng …; với các dạng tổn thương đa dạng - thường gặp nhất là đụng dập, nhồi máu khu trú, phù não diện rộng, giãn não thất [các khoang chứa dịch trong não], … Tổn thương các cấu trúc thần kinh ở mỗi vùng sẽ dẫn tới những biến đổi về chức năng rất phức tạp.

Một bệnh nhân chấn thương sọ não có thể gặp những rối loạn tâm thần cụ thể nào?

Suy giảm nhận thức: Đây là một vấn đề phổ biến sau CTSN, cả ở những bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn tổn thương não khi gặp phải tình huống gây sang chấn tâm lý hay cơ thể nhất định. Bệnh nhân không thể xử lý thông tin nhanh và nhiều cùng lúc như trước, đồng thời bị suy giảm các khả năng liên quan tới chức năng điều hành như lên kế hoạch, tổ chức sắp xếp công việc, tư duy logic, thích nghi với thay đổi môi trường làm việc, đánh giá vấn đề, và kiểm soát xung động.

  • Tập trung chú ý và trí nhớ: là vấn đề gây khó khăn nhất cho bệnh nhân. Bệnh nhân khó duy trì sự tập trung trong thời gian dài để hoàn thành một nhiệm vụ cho trước, khó tiếp nhận và ghi nhớ những kiến thức mới; cả khi trí nhớ tức thì được duy trì, bệnh nhân cũng thường gặp vấn đề trong việc nhớ gần và nhớ xa.

  • Tri giác: 50% bệnh nhân sau CTSN bị suy giảm thị lực; ở một số ca nặng, BN có thể mất khả năng tiếp nhận và tái hiện hình ảnh.

  • Ngôn ngữ: thường gặp khó khăn trong tìm từ hoặc không gọi tên được đồ vật [biểu hiện của thất ngôn, tức mất khả năng ngôn ngữ], thất ngôn diễn đạt chiếm tỷ lệ cao hơn thất ngôn nhận cảm. Những rối loạn ngôn ngữ có khả năng hồi phục cao hơn suy giảm trí nhớ và các chức năng nhận thức khác.

  • Trí tuệ: giảm ở bệnh nhân CTSN nặng, song không ghi nhận ở các ca CTSN nhẹ. Thời gian hồi phục khoảng 3 năm.

Lạm dụng chất

Nhiều bệnh nhân được phát hiện đang trong trạng thái ngộ độc chất vào thời điểm tai nạn dẫn tới CTSN, đặc biệt là ngộ độc rượu. Nồng độ rượu trong máu cao được chứng minh liên quan tới thời gian hồi tỉnh, các rối loạn hành vi và biến đổi nhận thức thần kinh cũng như nguy cơ tử vong của bệnh nhân. Không chỉ là một phần nguyên nhân dẫn tới CTSN và là yếu tố tiên lượng xấu trên bệnh nhân CTSN, lạm dụng chất cũng là một hiện tượng thường gặp sau CTSN. Các nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ tái sử dụng, lạm dụng, và nghiện rượu ở nhóm đối tượng này tăng cao, nhiều khả năng liên quan tới các thay đổi nhân cách và sự xuất hiện của các rối loạn tâm thần đồng diễn như trầm cảm, lo âu, loạn thần, ...

Loạn thần

Tỷ lệ loạn thần thứ phát sau CTSN chiếm khoảng 4-9% tổng số ca, với thời gian xuất hiện triệu chứng chỉ vài ngày hoặc lên tới 20 năm sau chấn thương. Song, phần lớn các triệu chứng loạn thần biểu hiện trong vòng 5 năm đầu [72%], chỉ riêng tỷ lệ xuất hiện trong 1 năm đầu đã chiếm tới 50%. Những bệnh nhân biểu hiện loạn thần sớm thường có tổn thương não lan tỏa, với triệu chứng nổi bật và các hoang tưởng và ảo thanh paranoid [tương tự trong bệnh tâm thần phân liệt]; trong khi những bệnh nhân có khoảng thời gian tiến triển bệnh dài hơn thường có tổn thương khu trú thuỳ trán, kèm theo tiền sử động kinh liên quan tới chấn thương.

Triệu chứng thường gặp nhất là hoang tưởng bị thiệt hại [80%], ảo thanh [60-93%]; ảo thị, triệu chứng âm tính, và rối loạn tư duy kiểu định hình chiếm tỷ lệ lần lượt 8-32%, 15-22.2%, và 4.4%. Các triệu chứng này có xu hướng mạn tính, có thể phát triển thành tâm thần phân liệt thực sự, đặc biệt khi xuất hiện trên những bệnh nhân đồng diễn rối loạn nhân cách kiểu phân liệt.

Các rối loạn cảm xúc

  • Trầm cảm: Trung bình 30% bệnh nhân CTSN đáp ứng đủ tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm trong vòng năm đầu kể từ sau chấn thương; làm tăng khả năng xuất hiện lo âu đồng diễn, giảm chức năng điều hành, và tăng nguy cơ tự sát. Trầm cảm thường gặp trên những bệnh nhân có tổn thương vùng vỏ não trước trán lưng bên và hạch nền. Việc bệnh nhân phóng đại mức độ chấn thương và kém hợp tác trong quá trình điều trị phục hồi có thể là những dấu hiệu cảnh báo sớm trầm cảm. Thời gian đầu sau chấn thương, trầm cảm biểu hiện bằng cảm giác mất mát, giải thể nhân cách và mất động lực; về lâu dài, bệnh nhân thường xuyên rơi vào tâm trạng trầm uất, có thể đi kèm mệt mỏi, khó chịu, mất hứng thú, và mất ngủ kéo dài 6-24 tháng hoặc hơn.

  • Hưng cảm: Gặp ở 9% bệnh nhân CTSN, thường khi vị trí tổn thương nằm ở hệ viền hoặc vùng não bán cầu phải nối với hệ viền, hoặc teo vùng dưới vỏ não trước. Lâm sàng thường biểu hiện cảm xúc dễ cáu gắt thay vì hưng phấn, điện não đồ cho thấy bất thường ở khoảng 50% trường hợp.

Tự sát: CTSN liên quan tới sự gia tăng ý tưởng tự sát, toan tự sát, và tử vong do tự sát. Các ca tự sát sau CTSN thường ghi nhận những thay đổi về tính cách, đồng diễn nghiện rượu, hoặc khó khăn trong các mối quan hệ tương tác cá nhân; và thường liên quan tới các tổn thương thuỳ trán/ thuỳ thái dương.

Các rối loạn lo âu: chiếm tỷ lệ 11-70% tổng số bệnh nhân CTSN, đặc biệt thường gặp với vị trí tổn thương bán cầu não phải.

  • Rối loạn stress sau sang chấn [PTSD]: theo nghiên cứu của Mayou và cộng sự, các bệnh nhân PTSD sau CTSN trong nghiên cứu đều là những bệnh nhân còn lưu giữ hình ảnh kinh hoàng về sự kiện gây tai nạn, tỷ lệ ở nữ cao hơn nam, và cao hơn hẳn ở nhóm có rối loạn stress cấp trong vòng 1 tháng trước tai nạn.

  • Rối loạn ám ảnh cưỡng bức [OCD]: tỷ lệ mắc 1.6-15%, liên quan tới suy giảm chức năng vỏ não trán-ổ mắt, con đường dẫn truyền dưới vỏ thuỳ trán và chức năng điều hành.

Hội chứng sau chấn động não: bao gồm các triệu chứng đau đầu, đau vị trí khác trên cơ thể, chóng mặt, choáng, khó tập trung, giảm trí nhớ, mất trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, chán nản, dễ cáu gắt, mệt mỏi, yếu cơ, giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng/tiếng ồn, ù tai, cơn lú lẫn, thay đổi cảm xúc hành vi, mất tự tin, phản ứng chậm, giảm khả năng phán đoán, trầm cảm, và lo âu.

Bệnh nhân không nhớ được các sự kiện ngày xảy ra tai nạn, khoảng thời gian mất trí nhớ tạm thời gợi ý mức độ nghiêm trọng của tổn thương não. Ở trẻ nhỏ, các triệu chứng cấp diễn của chấn động não thường gồm bồn chồn, uể oải, lơ mơ, và dễ cáu gắt.

Khởi phát của hội chứng này thường diễn ra trong tháng đầu sau CTSN, và hồi phục sau 3-6 tháng. Tuy nhiên, khoảng 15% bệnh nhân mất hơn 1 năm để phục hồi hoàn toàn.

Biến đổi nhân cách

  • Tính gây hấn: chiếm tỷ lệ 16.4-33.7% trong tổng số các ca sau CTSN, ảnh hưởng tới khả năng hồi phục của bệnh nhân và gây nhiều khó khăn cho người thân trong gia đình khi chăm sóc, có thể xuất hiện đơn độc hoặc nằm trong bệnh cảnh của một rối loạn tâm thần khác [mê sảng, rối loạn cảm xúc, hoặc rối loạn nhân cách thực tổn], hoặc là biến đổi tính cách sẵn có trở nên khó chịu đựng hơn. Tính gây hấn hậu CTSN liên quan tới khởi phát giai đoạn mới của trầm cảm điển hình, suy giảm chức năng xã hội, và tăng phụ thuộc trong các sinh hoạt hàng ngày.

  • Vô cảm: tỷ lệ 10%, có hoặc không liên quan tới trầm cảm.

  • Cảm xúc không ổn định: tỷ lệ 3.7-10.9%, biểu hiện bằng bộc lộ cảm xúc thái quá so với tác nhân gây kích thích cũng như so với cách phản ứng thường thấy trước chấn thương.

Giảm chức năng tình dục: Suy giảm chức năng tình dục cũng là một vấn đề dai dẳng ở nhóm đối tượng CTSN, với tỷ lệ gặp từ 40 tới 60%. Suy tuyến sinh dục thoáng qua thường gặp ở hầu hết bệnh nhân sau CTSN, song kéo dài ở 10-17% đối tượng. Yếu cơ và loãng xương do bất động trong thời gian dài sau CTSN cùng với suy tuyến sinh dục cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng thụ tinh và chức năng tâm lý xã hội của những bệnh nhân này.

Rối loạn giấc ngủ: được ghi nhận ở 30-75% bệnh nhân sau CTSN, với các dạng thường gặp bao gồm mất ngủ, ngủ nhiều, rối loạn nhịp thức ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ, ngủ chập chờn và giảm sản sinh melatonin về chiều tối. Các vấn đề về giấc ngủ cũng làm trầm trọng thêm những triệu chứng khác như đau, suy giảm nhận thức, mệt mỏi, cáu gắt, vì vậy ảnh hưởng tới quá trình phục hồi chức năng và khả năng quay lại với công việc sau này.

Tổng kết những điều cần ghi nhớ:

  1. Bệnh nhân CTSN ở mức độ nhẹ, vừa, hay nặng thông thường đều phải trải qua những khó khăn về mặt cảm xúc và hậu quả về chức năng nhận thức.

  2. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần liên quan tới CTSN có thể thoáng qua, cấp diễn, tự thuyên giảm trong thời gian ngắn, hoặc kéo dài với tính chất mạn tính, đòi hỏi điều trị lâu dài.

  3. Phát hiện và can thiệp kịp thời tại các cơ sở chuyên khoa sẽ giúp cải thiện khả năng phục hồi của bệnh nhân cũng như giảm nhẹ gánh nặng của người chăm sóc, thường là những người thân trong gia đình.

Tham khảo

Video liên quan

Chủ Đề