Các văn bản hướng dẫn hợp đồng ppp năm 2024

Hội thảo trao đổi định hướng sửa đổi Nghị định số 35/2021/NĐ-CP và Nghị định số 28/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Xem tin ảnh) (Xem tin video)

Ngày 24/10/2023 - 18:32:00 | 240 lượt xem

(MPI) – Ngày 24/10/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo giữa các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp nhằm trao đổi định hướng sửa đổi Nghị định số 35/2021/NĐ-CP và Nghị định số 28/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2020 đã chính thức có hiệu lực từ tháng 01/2021. Để hướng dẫn thi hành luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP, đồng thời Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2021/NĐ-CP về cơ chế tài chính thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Việc ban hành Luật PPP cũng như các Nghị định của Chính phủ đã tạo ra khung pháp lý rất quan trọng, có hiệu lực cao và ổn định để thu hút nguồn vốn từ phía khu vực tư nhân cho việc phát triển các công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp các nhu cầu của đầu tư công. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Luật PPP và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã phát sinh một số vướng mắc vì vậy cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn triển khai.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Chánh Văn phòng PPP, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày kết quả rà soát các vướng mắc trong quá trình thực hiện luật, đề xuất các định hướng để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP nhằm tạo thuận lợi trong việc triển khai thi hành luật trong thời gian tới.

Ông Bùi Việt Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính đã trình bày rà soát những vướng mắc và định hướng sửa đổi Nghị định số 28/2021/NĐ-CP. Theo đó, vướng mắc Luật PPP liên quan trực tiếp đến các quy định tại Nghị định số 28/2021/NĐ-CP như quy định giá trị tài sản công trong phần vốn Nhà nước tham gia dự án PPP và tuân thủ quy định VGF không quá 50% tổng mức đầu tư tại khoản 2 Điều 69 Luật PPP không phù hợp với các dự án đầu tư, nâng cấp của một số lĩnh vực; Quy định điều kiện phải điều chỉnh giá, phí sản phẩm dịch vụ công tại điểm c khoản 2 Điều 82 Luật PPP trước khi áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu không phù hợp; Quy định kiểm toán nhà nước kiểm toán doanh thu để làm cơ sở thực hiện chia sẻ doanh thu giảm có thể dẫn đến sự chậm trễ; Quy định sử dụng nguồn dự phòng ngân sách nhà nước để thanh toán cơ chế chia phần giảm doanh thu chưa phù hợp với tính chất của nguồn dự phòng ngân sách nhà nước (được sử dụng cho các nhiệm vụ cấp bách, chưa được dự toán để kịp thời đáp ứng nhu cầu chi trong các trường hợp quan trọng, khẩn cấp).

Các đại biểu đại diện các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận về các vướng mắc ở Nghị định số 28/2021/NĐ-CP như vướng mắc về căn cứ tham khảo lãi suất vốn vay, vướng mắc về quy định các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi của PATC cho từng lĩnh vực cụ thể; vướng mắc về quy định thẩm định giá tài sản công; trình tự, thủ tục thanh toán cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm; vướng mắc về quy định chuyển tiếp; … Đồng thời các đại biểu cũng thảo luận sửa đổi, bổ sung Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 như theo điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị định 35/2021/NĐ-CP, dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải có tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên đáp ứng quy mô đầu tư dự án PPP. Thực tiễn ở một số địa phương, các công trình giao thông không có tổng mức đầu tư đáp ứng được quy định nêu trên. Do vậy, phần nào hạn chế kêu gọi đầu tư các dự án PPP giao thông ở địa phương hay những vướng mắc về trình tự, thủ tục chuyển giao tài sản công trình; vướng mắc về cách thức quản lý, trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế sau thiết kế cơ sở của tiểu dự án trong dự án PPP; vướng mắc trong tỷ lệ thanh toán vốn nhà nước trong dự án PPP được quản lý theo phương thức tiểu dự án. Thực tế, quy định về trình tự, thủ tục áp dụng loại hợp đồng O&M chưa hoàn thiện, thiếu sự đồng bộ với pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Với đặc thù là loại hợp đồng không có giai đoạn đầu tư xây dựng, nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, cơ chế quản lý hợp đồng cũng sẽ phát sinh các yếu tố khác biệt. Trong khi đó, việc cho phép khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng là tài sản công thông qua việc áp dụng loại hợp đồng O&M chưa được quy định rõ ràng tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công; …

Kết luận Hội thảo, ông Trần Hào Hùng cảm ơn các đại biểu tham dự đã có những trao đổi, góp ý tâm huyết về các vướng mắc, đồng thời đề xuất được các định hướng, các giải pháp để tiếp tục hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành các văn bản, hoàn thiện khung pháp lý. Các ý kiến góp ý quan trọng của các đại biểu sẽ giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tiếp tục tổng hợp để hoàn thiện khung pháp lý trình Chính phủ xem xét, quyết định./.