Các tỉnh thuộc vùng văn hóa nam bộ năm 2024

VHO - Nam Bộ là vùng đất giàu trầm tích văn hoá, đa dạng tộc người, đa tôn giáo, giàu tiềm năng và có vị thế chiến lược trọng yếu… tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Văn hóa Nam bộ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Trường ĐH Trà Vinh tổ chức mới đây, các chuyên gia đã công bố nhiều nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ thêm những vấn đề văn hóa Nam Bộ, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay đang tạo ra nhiều sự biến đổi.

.JPG)

Trình diễn văn nghệ tại Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2022

Tính cố kết cộng đồng cao

Đối với Nam Bộ, tiến trình khẩn hoang của cộng đồng các cư dân hiện hữu tương đối trễ so với các vùng khác trong cả nước. Trong tâm thức của những cư dân đầu tiên đến vùng đất này, họ luôn mang trong mình tâm lí phấn khởi, đồng thời cũng là tâm lí hoài nghi trước những thách thức mới. Do đó, bản thân các lưu dân Nam Bộ đã hình thành trong vô thức đặc tính cố kết cộng đồng một cách đặc biệt, không phân biệt các nhóm người, dân tộc, xuất thân, giàu nghèo,... Trải qua quá trình cộng cư lâu dài, những nhóm cư dân Nam bộ dần hoà hợp một cách kì diệu trong hầu hết các khía cạnh như: Điều kiện tự nhiên, nhân văn, lịch sử, văn hóa, xã hội,…

Nghiên cứu về thiết chế tín ngưỡng dân gian vùng biển Nam Bộ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi cho rằng, các cơ sở tín ngưỡng dân gian ở vùng biển Nam bộ khá phong phú với nhiều dạng thức tín ngưỡng của người Kinh và người Hoa, được hình thành khoảng 2 thế kỷ trở lại đây; được mở rộng, trùng tu với quy mô ngày càng khang trang. Tín ngưỡng chủ đạo là các nhiên thần, trong đó nổi bật là các lăng/miếu thờ cá Ông phân bố hầu khắp các tỉnh thành ven biển, kể cả ở hải đảo với 76 lăng/miếu trải dài 9 tỉnh, thành giáp biển và 3 tỉnh không giáp biển (Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ). Yếu tố Hoa ảnh hưởng đến kiến trúc, trang trí của các cơ sở tín ngưỡng người Kinh như miếu Thủy Tề (Bạc Liêu), lăng Ông Sông Đốc (Cà Mau). Theo chuyên gia, có sự giao lưu giữa dạng thức tín ngưỡng ngư nghiệp (cá Ông) và tín ngưỡng nông nghiệp (Bà Chúa Xứ) như lễ hội Cúng biển Mỹ Long diễn ra tại miễu Bà Chúa Xứ Mỹ Long (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh).

“Chính quyền cần quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ sở tín ngưỡng dân gian ở vùng biển Nam Bộ phát triển theo đường hướng đúng đắn, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm của cư dân nơi đây (như trường hợp nhà Cúng biển ở biển Ba Động, Trà Vinh). Các cơ sở tín ngưỡng dân gian ở vùng biển Nam bộ mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa, là một tiềm năng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực”, ông Lợi bày tỏ.

Nghiên cứu về cộng đồng người Hoa ở Nam bộ, TS Hồ Tường, Trường ĐH Bình Dương, chia sẻ: Cộng đồng người Hoa đã đến Việt Nam trong những thời điểm khác nhau, với những lý do dị biệt, người Hoa đã xây dựng những ngôi miếu mang bản sắc văn hóa rất riêng của mình. Trước hết, những ngôi miếu người Hoa đã đóng góp một loại hình kiến trúc tín ngưỡng bề thế, màu sắc đỏ thắm rực rỡ, tọa lạc ngay trong lòng các khu vực thị tứ khắp Nam Bộ, nơi đó người Hoa sống chủ lực bằng nghề kinh doanh sở trường của mình.

Kế đến, qua những ngôi miếu người Hoa, đời sống tâm linh của cư dân Nam Bộ đã được bổ sung thêm khá nhiều vị thần, thánh có những chức năng đáp ứng nhu cầu tâm linh cho mọi người. Đi đôi với đối tượng thờ phụng, những ngôi miếu người Hoa còn mang đến cho Nam Bộ loại hình lễ hội rất hoành tráng, với những đoàn rước đầy đủ nam nữ mặc trang phục sặc sỡ, âm thanh vang dội từ những ban nhạc lễ, những đoàn lân sư rồng… Chính những lễ hội này đã làm cho bức tranh lễ hội dân gian của Nam Bộ thêm màu sắc, thêm âm thanh, thêm sự hấp dẫn công chúng.

Các tỉnh thuộc vùng văn hóa nam bộ năm 2024

Nghệ nhân Khmer trình diễn nhạc cụ dân tộc

Chưa hết, những ngôi miếu người Hoa còn tỏa thêm lên sự gắn kết cộng đồng, từ những sự giúp đỡ chí tình trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, cho đến chung tay xây dựng nên những công trình phục vụ chung cho cả cộng đồng: trường học, bệnh viện, nghĩa trang… Chính mô hình bang, hội quán từ những ngôi miếu người Hoa đã tạo ảnh hưởng sâu đậm đến cộng đồng người Việt Nam qua việc hình thành các ban liên lạc đồng hương của người Việt ở các đô thị lớn vốn đã hình thành từ đầu thế kỷ XX trở lại đây.

Mặt khác, qua các ngôi miếu, cho thấy người Hoa, bên cạnh việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc trên vùng đất mới, còn giao lưu và tiếp biến với nền văn hóa khác, làm phong phú thêm sắc thái văn hóa người Hoa ở Nam bộ. Tóm lại, từ hàng trăm năm qua cho đến tận ngày nay, những ngôi miếu người Hoa khắp Nam bộ đã tỏa sáng, đồng thời biểu thị cho sự giao lưu Việt – Hoa thắm tình, góp phần làm cho bản sắc văn hóa các dân tộc ở Nam bộ càng thêm rực rỡ. Do đó, miếu người Hoa là một di sản văn hóa độc đáo ở Nam Bộ.

“Người Khmer Nam Nộ sinh hoạt trong không gian văn hóa ở một vùng đất trù phú của đồng bằng sông nước và cùng cộng cư với các dân tộc Kinh, Hoa và Chăm,… Điều này vẽ ra một bức tranh văn hóa rất riêng của Nam Bộ, từ cách thức tổ chức, sinh hoạt, hoạt động sản xuất, tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật, hội họa”, TS Huỳnh Sang, Trường ĐH Trà Vinh nhấn mạnh.

.JPG)

Các hoạt động trong lễ hội của người Hoa luôn thu hút cộng đồng tham gia

Tín ngưỡng thờ mẫu trong cộng đồng cư dân ở Nam Bộ

Theo nhà nghiên cứu Phan Đình Dũng và cộng sự Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Nam Bộ là vùng đất có nhiều tộc người cộng cư, đa tín ngưỡng, tôn giáo. Tục thờ Mẫu khá phổ biến, thể hiện qua đối tượng thờ đa dạng của từng tộc người, gắn với các thiết chế cộng đồng. Những vị Mẫu được thờ tự tiêu biểu ở Nam bộ có lịch sử lâu đời, có cách gọi dân gian và danh xưng tôn quý: Bà (Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Thiên Hậu), Mẫu (Thiên Hậu Thánh Mẫu), Mẹ (Mẹ Quan Âm). Từ khảo sát cơ sở thờ tự và quan sát tham dự lễ hội, nhóm nghiên cứu cho biết nhận thấy những giá trị văn hóa trong thờ Mẫu được cộng đồng cư dân Nam Bộ bảo tồn, truyền lưu và có sức ảnh hưởng lớn đối với đời sống xã hội hiện nay.

Trong năm, lễ nghi liên quan đến thờ Mẫu ở Nam Bộ được tổ chức với quy mô lớn thu hút đông đảo người dân đến tham dự với các nghi thức đan xen nhiều yếu tố dân gian và tôn giáo. Tín ngưỡng thờ Mẫu là nét độc đáo của văn hóa vùng đất Nam bộ cần được bảo tồn, phát huy phù hợp trong đời sống xã hội nhằm đem lại những lợi ích thiết thực đến sinh kế cộng đồng.

Tục thờ Mẫu ở Nam bộ khá phổ biến trong đời sống cư dân qua các thời kỳ lịch sử. Những Mẫu tiêu biểu: Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Thiên Hậu, Mẹ Quan Âm được thờ chính, phối thờ trong nhiều cơ sở tín ngưỡng, gắn với các lễ hội lớn trong năm, mang tính chất cho cả vùng, vượt ra khỏi không gian của địa phương hay cộng đồng tộc người cụ thể. Tín ngưỡng thờ Mẫu phản ánh sự tiếp biến văn hóa của các tộc người trên vùng đất Nam bộ. Bà Quan Âm trong tín niệm của Phật giáo từ nước ngoài truyền vào Việt Nam (Ấn Độ - Trung Quốc), đến với vùng đất Nam Bộ trở thành vị Mẫu/Mẹ vừa mang tính tín ngưỡng dân gian vừa mang tính tôn giáo (Phật giáo).

Khu tưởng niệm Quán Âm Phật đài Mẹ Nam Hải (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) là một trường hợp độc đáo, thể hiện sự “dân gian hóa” các yếu tố của Phật giáo, giao thoa giữa tôn giáo và tín ngưỡng dân gian

Bà Thiên Hậu từ Trung Quốc theo chân những lớp di dân người Hoa vào Nam Bộ đã "vượt thoát" tín niệm hiển linh cứu giúp người đi biển, trở thành vị Mẫu thần đáp ứng cho những nhu cầu về niềm tin, ước vọng tốt đẹp đối với cư dân. Bà Chúa Xứ với những lý giải về nguồn gốc phản ánh chiều kích lịch sử, dung hợp những yếu tố tín ngưỡng của các tộc người Chăm, Khmer và được “Việt hóa”. Hiện tượng của Linh Sơn Thánh Mẫu có những điểm tương đồng của Bà Chúa Xứ nhưng giới hạn trong yếu tố dung hòa tín ngưỡng của Việt, Khmer. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được sử dụng hài hòa trong tiến trình tiếp biến từ yếu tố của cộng đồng khác: tại chỗ và du nhập.

Theo nhóm nghiên cứu, từ những tín niệm có thể nói mang tính "chuyên biệt" lúc ban đầu được tôn thờ (Bà Quan Âm cứu khổ, Bà Thiên Hậu cứu nạn trên biển, Bà Chúa Xứ, Bà Đen cai quản xứ sở, vùng đất…), qua tiếp xúc, tiếp biến trong cộng đồng, các vị Mẫu này tiếp tục được tôn kính thành phúc thần trên nhiều phương diện mà của cư dân Nam bộ lưu tâm, mong muốn (cầu an, cầu lộc, cầu hòa, cầu nghề nghiệp, cầu tài, cầu lợi, cầu duyên…). Tín ngưỡng thờ Mẫu đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng đối với các cư dân không phân biệt văn hóa tộc người, nơi cư trú… trước cuộc sống mà họ đối diện với nhiều thách thức, nguy cơ, bất an.

Ngày nay, trong xu thế phát triển của xã hội đương đại, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ nói chung và các thiết chế thờ tự Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Thiên Hậu, Bà Quan Âm nói riêng là mạch nguồn duy trì trong đời sống xã hội của nhiều cộng đồng cư dân, không phân biệt nguồn gốc, cùng tín niệm và cầu an cho cuộc sống. Những lễ hội lớn trong năm tại các di tích quan trọng thờ nữ thần: Bà Đen (Tây Ninh), Bà Chúa Xứ (An Giang), Bà Thiên Hậu (Bình Dương), Bà Quan Âm (Bạc Liêu) đã trở thành “điểm đến” tâm linh, tài nguyên văn hóa thuận lợi cho phát triển du lịch đối với các địa phương ở Nam bộ. Cùng với tín ngưỡng dân gian khác được truyền lưu, tôn giáo hiện nay ở Nam Bộ (Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, đạo Ông Trần và các dạng tín ngưỡng dân gian khác…), tín ngưỡng thờ Mẫu góp phần tạo thành bức tranh văn hóa phong phú qua một quá trình giao thoa, tiếp biến của cộng đồng cư dân.