Ca sĩ cải lương châu thanh là ai?

Nghệ sĩ Châu Thanh chia tay khán giả và đồng nghiệp

[NLĐO] - Tối 18-3, đông đảo người hâm mộ và đồng nghiệp đã đến dự tiệc chia tay của nghệ sĩ Châu Thanh. Anh và gia đình sẽ sang Mỹ từ ngày 9-4. Buổi tiệc này còn là kỷ niệm 35 năm ngày cưới của anh và vợ - nghệ sĩ Ngọc Huyền Châu.

Gia đình nghệ sĩ Châu Thanh - Ngọc Huyền Châu nói lời chia tay khán giả và đồng nghiệp trong xúc động

Gần 35 năm theo nghiệp diễn, nghệ sĩ Châu Thanh [tên thật là Trần Tuấn Kiệt] đã tạo được nhiều dấu ấn trong hoạt động nghệ thuật. Khán giả nhớ đến anh qua chất giọng trầm ấm và cách vào vọng cổ hơi dài.

Sinh ra và lớn lên tại xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, anh là con thứ ba trong một gia đình có 6 anh em [4 trai, 2 gái]. Cuộc sống nông thôn nghèo khổ và vất vả đã hun đúc trong anh niềm khát khao làm nghệ sĩ để giúp gia đình thoát khổ.

“Thời đó phương cách giải trí duy nhất của ba tôi – nghệ nhân Minh Chương, là đờn ca tài tử. Ba tôi ca vọng cổ và rành 3 nam, 6 bắc nên với bà con trong xóm ông được mệnh danh là nghệ sĩ nông dân” – nghệ sĩ Châu Thanh cho biết. Có lẽ ảnh hưởng từ dòng máu nghệ sĩ của cha, 6 anh em trong nhà nghệ sĩ Châu Thanh đều có giọng ca hay nhưng cũng chỉ mỗi mình anh đến với nghề hát.

Bích Hạnh, ca sĩ Ngọc Sơn, NSND Lệ Thủy, NS Kiều Tiên đến chúc mừng kỷ niệm 35 năm ngày cưới của vợ chồng nghệ sĩ Châu Thanh.

Thế là những buổi trình diễn văn nghệ quần chúng ở xả Phước Chỉ, Trảng Bàng, khán giả không còn trông thấy Tuấn Kiệt ca ngọt như mía lùi mà thay vào đó là niềm vui vì biết con trai của ông Minh Chương đã đầu quân về Đoàn Cải lương Sài Gòn II [năm 1979].Trên sân khấu này anh đã được đóng thế một số vai trong các vở như: Tìm lại cuộc đời, Khách sạn Hào Hoa, Tiếng hò sông Hậu, Nếu em là hoàng đế, Nắng ấm ngoại ô... với nghệ danh Tuấn Kiệt.

Linh Tâm, vợ chồng NSND Lệ Thủy và đạo diễn Phượng Hoàng chúc mừng Châu Thanh

Sau đó, anh được nghệ sĩ Phương Bình [HCV giải Thanh Tâm năm 1967] mời về cộng tác và diễn các vai chánh cho Đoàn Cải lương Hương Biển. Lúc này anh đổi nghệ danh là Bảo Châu [1980], diễn trong các vở: Giọt máu oan cừu, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Bạch Viên - Tôn Cát, Thạch Sanh - Lý Thông... Năm 1981, anh về Đoàn Cải lương Sài Gòn III, có mặt trong các vở: Tình ca biên giới, Nàng Sa-Rết, Mái tóc người vợ trẻ...

Rồi sau đó, anh về hát cho Đoàn Cải lương Cao Nguyên, bắt đầu luyện ca hơi dài. Năm 1987 anh được mời về Đoàn Cải lương Trung Hiếu, khẳng định tên tuổi một nghệ sĩ ca hơi dài ấn tượng và có nét riêng trong cách ca, xử lý ngân luyến với nghệ danh Châu Thanh.

Minh Béo và NSND Lệ Thủy đến chúc mừng kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng Châu Thanh.

Soạn giả Đăng Minh, có mặt trong buổi tiệc đã nhận xét: “Những năm ở Đoàn Cải lương Trung Hiếu, mặc dù hát chánh nhiều vở nhưng thật tình mà nói Châu Thanh không có được vai nào xuất sắc. Thế nhưng, anh đã được NSND Diệp Lang dìu dắt, nâng đỡ, chỉ bảo, để có được một vai Phê – vở Khi người điên biết yêu, khiến giới chuyên môn bất ngờ. Và từ đó về sau, anh thăng hoa, có nhiều sáng tạo trong ca diễn”.

Tác giả Huyền Nhung - tác giả bài ca cổ "Dòng sông quê em" ["Chiếc xuồng nhỏ đưa em về xóm nhỏ, nghe rì rầm tiếng sóng vỗ gần xa..."] lên sân khấu nói lời tạm biệt vợ chồng Châu Thanh.

Hồng Tơ [người thứ hai từ phải sang] mang lại nhiều tiếng cười trong ngày tạm biệt gia đình Châu Thanh.

Đồng nghiệp đã xúc động khi cả gia đình nghệ sĩ Châu Thanh nói lời chia tay khán giả và sân khấu quê nhà, để bắt đầu một cuộc sống mới trên xứ người. Bất ngờ hơn khi lần đầu tiên nghệ sĩ Ngọc Huyền Châu – vợ của Châu Thanh đã chia sẻ về cuộc hôn nhân của mình: “Chúng tôi đã có một thời gian chia tay. Lúc đó cả hai còn nông nổi, nên đã không kìm nén được cá tính. Khi đó con gái của chúng tôi – ca sĩ Châu Ngọc Linh mới 10 tuổi, khi anh Châu Thanh nghe được con gái cầu nguyện cho ba mẹ hết giận nhau, để con có cha, có mẹ, và chúng tôi đã hàn gắn lại cuộc hôn nhân tưởng khó mà kết nối lại”.

Nghệ sĩ Kiều Tiên [vợ của cố NSƯT Minh Phụng] nói: “Không lâu đâu, khi đã ổn định việc đoàn tụ với các con tại Mỹ, Châu Thanh và Ngọc Huyền Châu sẽ về hát tại quê nhà. Vì nghệ sĩ xa quê hương ai cũng mong được quay về với khán giả đã từng dành cho họ nhiều tình cảm”.

Vợ chồng Châu Thanh tặng hoa hai bà mẹ tuổi 80 [mẹ của Châu Thanh là người thứ hai từ phải sang]

“Niềm vui và những câu chuyện về nghề nghiệp của buổi tiệc hôm nay đã khiến vợ chồng tôi quên đi nỗi niềm phải rời xa quê nhà. Chúng tôi mong sớm quay lại sau khi đoàn tụ với các con trên xứ người” – Châu Thanh tâm sự.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Cả gia đình nghệ sĩ Châu Thanh cùng hát trên sân khấu. Từ trái qua: con gái Châu Ngọc Tiên, ba - nghệ sĩ Châu Thanh, con trai Châu Bảo, mẹ - nghệ sĩ Ngọc Huyền Châu, con gái Châu Ngọc Linh - Ảnh: Nguyễn Lộc

Dù có nhiều người ca vọng cổ hơi dài nhưng tôi khẳng định Châu Thanh là người đột phá, tạo ra trường phái ca hơi dài mới, rất riêng, rất tiêu biểu. Khi bạn nhắm mắt lại thưởng thức, bạn sẽ thấy giọng ca Châu Thanh không lẫn vào đâu được

Soạn giả Đăng Minh

Châu Thanh sinh ra ở vùng đất Trảng Bàng, Tây Ninh. Cha anh ca hay nhất nhì nhóm đờn ca tài tử trong xóm, nhưng ông lại không muốn con cái theo nghiệp hát vì sợ con cực khổ.

Không được ba dạy nhưng nghe ba hát riết, Châu Thanh [tên thật là Tuấn Kiệt] đâm ghiền rồi cũng tập tành mấy điệu xàng xê.

Nghệ sĩ bất đắc dĩ

Năm 1979, đoàn Sài Gòn 2 về hát ở Tây Ninh, nhạc sĩ Đoàn Huy - cậu của Tuấn Kiệt - làm thầy đờn trong đoàn, nghe anh ca hay liền rủ đi hát.

Mới đầu Tuấn Kiệt nghĩ rất thực tế, nhà đông miệng ăn, cấy xong không biết làm gì thì thôi đi hát kiếm cơm, tới mùa lúa rồi quay về làm ruộng tiếp. Vậy mà lần ra đi đó, Tuấn Kiệt theo nghiệp hát cho đến bây giờ!

Thời gian đầu về Sài Gòn, anh may mắn được má của NSND Lệ Thủy nhận làm con nuôi và cho ở nhờ trong chung cư Nguyễn Thiện Thuật. Sau đó má nuôi giới thiệu anh theo đoàn cải lương Hương Biển.

Chưa bao giờ đóng tuồng kiếm hiệp nên khi vào vai thái tử Thủy tề, vì vướng víu quần áo cổ trang, Tuấn Kiệt... té lộn nhào xuống sân khấu. Khán giả cười rần rần, vừa quê vừa mắc cỡ, anh quày quả bỏ về quê tính làm ruộng tiếp.

Nhưng ở nhà chừng một, hai tuần, nghe cải lương trên radio, nhớ sân khấu chịu không nổi, Châu Thanh lại đón xe về thành phố xin vào đoàn Sài Gòn 3.

Dạo đó Tuấn Kiệt nổi tiếng là “anh kép sơcua”, nghĩa là kép chính đau bệnh hay bận rộn thì anh thường được gọi thế vai.

Thấy làm “kép sơcua” hoài buồn quá nên Tuấn Kiệt nghĩ tới chuyện đổi nghệ danh cho hên. Rất yêu mến và quý trọng nghệ sĩ Mỹ Châu và tác giả Thanh Vũ nên anh quyết định lấy nghệ danh Châu Thanh, cũng là gửi gắm vào cái tên mong ước mình luôn có được giọng ca thanh tao, sáng đẹp.

Ở Sài Gòn 3, từ kép ba anh nhảy lên kép chính, thế vai các nghệ sĩ Điền Tử Lang, Linh Vương... Với vai Hà Mẫn Xuyên trong vở Tình ca biên giới, Châu Thanh bắt đầu được người trong giới khen ngợi.

Sau đó anh về đoàn cải lương Cao Nguyên, làm kép chính và đóng đô ngoài khu vực miền Trung suốt năm, sáu năm trời.

Đỉnh cao của Châu Thanh có thể nói là năm 1986, khi anh quay về thành phố và đầu quân cho đoàn cải lương Trung Hiếu, hát cặp với Phượng Nhung, Kim Hương, đặc biệt là nghệ sĩ Phượng Hằng.

Phượng Hằng cũng là cô đào gây được chú ý với cách ca vọng cổ hơi dài. Châu Thanh - Phượng Hằng được xem là cặp đào kép ăn rơ qua nhiều vở tuồng Sóng gió cuộc đời, Chiến công thầm lặng, Vụ án Mã Ngưu...

Đặc biệt vở Vụ án Mã Ngưu hát ngày hai suất suốt thời gian dài, khán giả hâm mộ đến mức nhắc Châu Thanh phải nói đến Phượng Hằng và ngược lại...

Bầu chùa

Châu Thanh được người trong giới gọi vui là... bầu chùa! Anh thường là người đứng ra tổ chức các sô diễn từ thiện ở các chùa, trung tâm nhân đạo và rất thành công nên được gắn với tên “bầu chùa”. 

Bầu chùa có thể hiểu là làm bầu các sô diễn ở chùa, hoặc làm bầu... miễn phí, vì sẽ không có tiền, thậm chí còn phải bỏ thêm tiền túi!

5 năm luyện ca hơi dài

Thời còn ở quê, Châu Thanh đã thích và hay bắt chước theo kiểu ca hơi dài của nghệ sĩ Giang Châu.

Khi vào đoàn Sài Gòn 2, anh được cậu khuyến khích theo trường phái này. Anh kể: “Phải mất 5 năm luyện tập tôi mới ca cho ra được kiểu vọng cổ hơi dài! Tôi tập ngồi thiền, tập hít thở để lấy hơi, thở chậm theo kiểu con rùa lấy hơi dài.

Tôi tự chế ra kiểu vừa chạy bộ, đánh võ vừa hát. Phải tập thể thao để có sức khỏe, không có sức khỏe là không hát kiểu này được. Hút thuốc, uống rượu từ từ tôi cũng bỏ hết”.

Không muốn mình là bản sao mờ nhạt của những danh ca đi trước như Minh Cảnh, Tấn Tài, Thanh Tuấn, Giang Châu..., anh bắt đầu khai phá cách ca vọng cổ hơi dài theo kiểu riêng của mình với sự chỉ dạy tận tình của các nghệ sĩ: NSND Diệp Lang, NSND Lệ Thủy, NSƯT Thanh Điền, Thanh Kim Huệ...

Thường khi hát phong cách này, cuối câu vọng cổ người ta bị hụt, xuống thấp, còn Châu Thanh chọn cách vút cao lên gần cuối để tạo chú ý rồi mới kết thúc câu vọng cổ.

Thay vì ca bình thường, đều đều, anh bẻ nhịp, lạng lách và luyến láy khiến câu vọng cổ điệu đàng, sinh động, lạ tai người nghe hơn.

NSND Lệ Thủy từng tấm tắc khen: “Kiểu ca này phải gọi là trường phái ca vọng cổ hơi dài Châu Thanh. Có biến tấu, làm mới nhưng vẫn nằm trong quỹ đạo bài vọng cổ, không chệch nhịp nhàng!”.

Còn NSND Bạch Tuyết trong lần gặp Châu Thanh ở cuộc thi Sao nối ngôi đã thân tình: “Bạn này thông minh lắm nha. Biết cách sắp xếp nhịp nhàng, sáng tạo để khi ca câu vọng cổ người nghe thấy đã tai!”.

Soạn giả Đăng Minh nhận xét: “Châu Thanh ứng dụng rất tốt nhịp 128 trong cách ca vọng cổ. Muốn ca được như Châu Thanh rất khó, cũng bẻ câu, bẻ nhịp, chồng hơi, lạng lách nhưng không có cách nào ngọt bằng Châu Thanh.

Ca hơi dài mà không khéo sẽ đều đều như tụng kinh, nuốt chữ và sai nhịp, còn Châu Thanh hay ở chỗ hát rất tròn vành rõ chữ và lạng lách cỡ nào cũng không sai nhịp!

Hồi những năm 1980 - 1990, Châu Thanh là tên tuổi nổi bật, anh hát tuồng nào cũng đông khán giả, một hãng đĩa VN thấy vậy đã ký độc quyền và anh hát chính trên 100 chương trình ở đây!”.

Quất một hơi Châu Thanh

Trong những lần về diễn ở miệt vùng quê, Châu Thanh nghe mấy ông nhậu hối nhau: “Quất một hơi Châu Thanh đi!”. 

Anh ngạc nhiên thắc mắc thì họ cho biết câu đó có ý nghĩa kêu bạn nhậu làm một hơi dài cho hết sạch ly rượu, mà làm một hơi mới thấy... phê, phê như nghe hết một câu vọng cổ Châu Thanh hát!

Nghệ sĩ Châu Thanh - Ảnh: Nguyễn Lộc


10 năm tình cũ

Châu Thanh lập gia đình với nghệ sĩ Ngọc Huyền [sau này NSND Lệ Thủy đặt nghệ danh cho chị là Ngọc Huyền Châu để tránh nhầm lẫn với nghệ sĩ Ngọc Huyền nổi tiếng ở lĩnh vực tuồng cổ] khi cả hai còn khá trẻ, anh 23 tuổi, chị mới 19.

Chị vốn là tiểu thư xinh đẹp. Châu Thanh mang mặc cảm con nhà nghèo, lại ở rể nhà vợ. Lúc nào anh cũng khắc khoải trong lòng về gia cảnh nghèo túng ở quê, mong muốn lo cho cha mẹ cuộc sống ổn định, nhà cửa đàng hoàng.

Thế nhưng cô tiểu thư lại vô tình không để ý, rồi mâu thuẫn xảy ra họ chia tay khoảng năm 1986, khi cô con gái thứ hai vừa tròn 1 tuổi. Chia tay, Châu Thanh nuôi cậu con trai lớn, còn cô con gái thứ hai sống với mẹ.

Cũng có vài mối tình đi qua cuộc đời Châu Thanh. Anh gá nghĩa với một Việt kiều rồi người ta muốn anh đi Mỹ nhưng anh trù trừ.

Trong quãng thời gian gián đoạn vợ chồng, nghệ sĩ Ngọc Huyền Châu không muốn cho con gái gặp cha. Thế nhưng cô bé Châu Ngọc Linh vẫn rất nhớ cha, em lén để dành tiền mua trái cây vô chùa thắp nhang cầu Phật trời phù hộ cho cha quay về.

Cứ thấy báo nào đăng hình cha là em lén mua rồi đem ra ngắm mỗi khi nhớ. Mãi đến khi Ngọc Linh 10 tuổi, trong sinh nhật của mình, em xin mẹ được mời ba đến dự. Gặp lại người cũ tự nhiên Châu Thanh bồi hồi, xao xuyến! Anh lên kế hoạch... hẹn hò lại với chị.

Anh rủ chị đi ăn kem rồi vờ hỏi: “Lúc này có ai chưa?”. Chị liếc xéo, bâng quơ: “Chưa, nhưng tại vì tôi không gặp người hạp ý chứ không phải tôi chờ anh!”.

Thời gian đó, Châu Thanh lại liên tiếp bị bệnh phải nhập viện. Thấy không ai chăm sóc anh, vậy là chị quày quả vô bệnh viện. Không túng thiếu nhưng Châu Thanh vờ hỏi... mượn tiền để dò ý vợ.

Thấy chị lật đật đi gom tiền về đưa cho mình, Châu Thanh biết rằng trái tim nàng vẫn còn chờ người cũ, vậy là anh tự tin... tổng tấn công. Thuyền lại về bến cũ.

Năm 1996, chị sinh thêm cho anh con gái Ngọc Tiên, ít năm sau là cậu con trai Châu Bảo. Câu chuyện 10 năm tình cũ của Châu Thanh nghe cứ như cuốn phim quay chậm...

Năm 2014, cả gia đình nghệ sĩ Châu Thanh sang Mỹ định cư. Thế nhưng, đã quen với ánh đèn sân khấu, quen với tiếng vỗ tay của khán giả, quen với món canh chua, cá kho tộ quê nhà nên: “Ở bển hoài, vợ chồng tôi đâu chịu nổi nên cứ vài tháng ở Mỹ, vài tháng lại về VN.

Căn nhà cũ ở Q.8 chúng tôi vẫn giữ nguyên. Được cái khán giả miền Tây còn thương Châu Thanh dữ lắm nên may mắn ở tuổi này tôi vẫn có sô diễn đều đều, vẫn được hát, được gặp gỡ khán giả thân thương. Kiếp sau cho chọn lại tôi vẫn muốn làm nghệ sĩ!” - Châu Thanh hạnh phúc nói.

LINH ĐOAN

Video liên quan

Chủ Đề