Ca sĩ bảo yến đươ c mê nh danh la là ai?

Một dấu son của âm nhạc nước nhà

Những năm đầu của thập niên 80, Bảo Yến và em gái – nữ ca sĩ Nhã Phương – nổi lên như một hiện tượng, làm điên đảo khán giả lúc bấy giờ bằng phong cách hiện đại, đầy quyền năng và rực lửa trên sân khấu. Bảo Yến lập tức sánh vai cùng các danh ca đương thời, trở thành nữ hoàng sân khấu của nền tân nhạc Việt Nam sau năm 75.  

Bảo Yến vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Từ nhỏ, chị và các em đã được cha mình là ca sĩ Thủy Triều rèn luyện và hướng theo nghiệp âm nhạc. Sau này, người em trai út của gia đình Bảo Yến - Kim Tuấn, cũng đi theo con đường này và trở thành nhạc sĩ của những ca khúc nổi tiếng như Biển cạn, Tôi ngàn năm đợi, Hãy để mưa rơi,...

Suốt những năm 80 của thế kỉ trước, Bảo Yến - Nhã Phương gần như trở thành những người xác lập những chuẩn mực mới cho nhạc nhẹ Việt Nam, tạo ra những cơn sốt bằng những bài hát và hình ảnh của mình khi xuất hiện trước công chúng. Họ không chỉ là những ngôi sao ca nhạc số 1 mà còn là những biểu tượng thời trang và những nữ hoàng ảnh lịch.

Bảo Yến - Nhã Phương thời hoàng kim

Năm 1981, Bảo Yến được Đài truyền hình TPHCM mời về cộng tác ghi âm, thu hình trong những chương trình ca nhạc tại đây. Chính trong năm này, Bảo Yến xuất hiện lần đầu tiên trên sóng truyền hình với bài hát Hương thầm lập tức nổi tiếng. Năm 1985, hai chị em Bảo Yến – Nhã Phương song ca Thành phố mười mùa hoa ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết: “Kể từ ngày đó, truyền hình, đài phát thanh hay sân khấu … không có ngày nào thiếu vắng giọng ca của chị”. Năm 27 tuổi, nữ danh ca trình làng album Chiều hạ vàng, tạo nên tiếng vang khắp mọi miền đất nước, đánh một dấu son đỏ trong sự nghiệp của cô lẫn trong lịch sử âm nhạc cận hiện đại nước nhà.

Giọng ca huyền thoại

Bảo Yến thành danh đã 35 năm, nhưng số buổi diễn của chị cộng lại chỉ bằng ca sĩ tích cực chạy show 10 năm. Số lượng không phản ánh chất lượng, Bảo Yến vẫn là một giọng hát trữ tình gần như không có phiên bản. Với Bảo Yến, không phải các bài hit đánh dấu những mốc đáng nhớ của chị, dù chị có số lượng bài hit khổng lồ trải suốt ba thập niên, điều mà nghệ sĩ nào cũng ao ước, mà chính giọng hát tuyệt vời, cách hát đầy mê hoặc và quyến rũ đã đưa chị trở thành một “con chim quý”, như cái tên của mình, một ngôi sao hàng đầu của âm nhạc Việt Nam suốt nhiều năm liền.

Quê gốc ở Quảng Trị, sinh ra ở xứ Huế, lớn lên ở miền Tây và thành danh tại Sài Gòn, Bảo Yến mang sẵn trong mình sự đa dạng vùng miền và thể hiện điều ấy hoàn hảo trong các bài hát. Giọng nữ trầm hiếm hoi với âm sắc đẹp và khả năng xử lý ca khúc vô cùng tinh tế giúp Bảo Yến ghi dấu ấn mạnh trên hầu hết những bản nhạc được chị “đụng” tới; các khái niệm “sang”, “sến”… không có ý nghĩa gì với chị, bởi qua giọng hát của mình, chị hóa giải mọi định kiến về nhạc cũ nhạc mới, mà chỉ có nhạc theo kiểu Bảo Yến mà thôi. Một kiểu hát nhiều khác lạ, với làn hơi độc đáo và âm sắc hết sức riêng biệt.

Vào những năm 80-90, hình ảnh cô gái đầy lạnh lùng và mạnh mẽ ấy luôn gây bão mỗi lần xuất hiện. Mỗi lần cô cất giọng luôn gây được sự bất ngờ và yêu thích nồng nhiệt từ khán giả. Một ca sĩ hát mùi mẫn, ngọt ngào với Ở hai đầu nỗi nhớ, Hoa sứ nhà nàng hoặc da diết, bi thương như Ru ta ngậm ngùi, Anh còn nợ em, lại cũng có thể máu lửa với Mặt trời đen thì quả thật chỉ có một Bảo Yến. NSND Thu Hiền từng nói trong Nam, chỉ nể mỗi Bảo Yến.

Bảo Yến - với khả năng có thể hát hay và thành công hầu hết các thể loại âm nhạc thịnh hành, từ nhạc pop-rock Việt tới ngoại quốc; nhạc trữ tình, nhạc tiền chiến [khi đó mới được hát trở lại]; nhạc quê hương và cả dân ca “gốc”, đặc biệt là các bài mang âm hưởng miền Trung và xứ Huế - đã là thần tượng của lượng khán giả đông đảo bậc nhất khi đó, và ảnh hưởng tới vô số những nghệ sĩ cùng thế hệ và lớp đàn em. Mỗi bài hát Bảo Yến trình bày trở thành một “chuẩn mực” rất khó vượt qua cho người hát sau, và có thể làm lu mờ cả người đã hát trước đó.

Là một nữ danh ca nhưng Bảo Yến chưa bao giờ được gắn với hình tượng ca sĩ chuyên phô trương quãng giọng, kĩ thuật dù cô hoàn toàn có thể. Cô hát điềm đạm, từ tốn như thỏ thẻ tâm sự bằng những nốt trầm sắc lạnh. Ở Việt Nam chẳng có mấy giọng nữ xuống được A2 mà vẫn tròn, rõ như Bảo Yến. Chưa kể, cô hát nốt cao cũng rất vang, đẹp một cách nhẹ nhàng, thoải mái mà chẳng chút gắng sức điều khiển làn hơi hay khẩu hình. Ở gần độ tuổi lục tuần mà Bảo Yến giữ được gần trọn vẹn giọng hát trời cho, vẫn hát liền mười mấy trong 2 tiếng đồng hồ. Hơn thế nữa là nhiệt huyết, máu lửa và tình yêu âm nhạc sôi sục, cháy bỏng trong Bảo Yến vẫn căng tràn trên sân khấu như tuổi đôi mươi.

Bảo Yến còn được đánh giá cao bởi thẩm mỹ âm nhạc tinh tế. Bất cứ ca khúc nào, cô cũng chuyên tâm lột tả cái tâm, cái hồn, mạch cảm xúc trong đó thay vì cố khoe nốt cao hay hát sao cho đúng kĩ thuật

Và hiện nay, dù rất ít xuất hiện, chị vẫn luôn là một tượng đài trong giới âm nhạc, với một bề dày sự nghiệp hiếm ai vượt qua được!

Những ca khúc vang vọng một thời

Bảo Yến thuộc lớp nghệ sĩ đầu tiên xuất hiện và nổi tiếng sau ngày giải phóng. Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20, trào lưu ca nhạc lúc đó mang đậm dòng nhạc tiền chiến, sang dòng nhạc nhẹ, chứ chưa hề có nhạc trẻ híp-hop như hiện nay. Khi ấy đất nước đang chuyển mình từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, sang nền kinh tế thị trường. Thực hiện chính sách của Đảng, đi xây dựng vùng kinh tế mới ở các tỉnh Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, hàng ngàn gia đình từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị, Ninh Bình, Thái Bình vào làm ăn sinh sống tại đây.

Không ngoa khi nói rằng, giọng ca của Bảo Yến một thời là nguồn sức mạnh cho nhiều người lao động nước nhà. Những ca từ “Thương một người ở xa, một mình đôi mắt đỏ/ Con thuyền đi sóng vỗ/ sông nước sao đổi bờ/ Về nông trường Phú Đông/ Rừng Tổ quốc mênh mông/Sông rì rào ca hát tình yêu em dạt dào" [Thương một người ở xa - nhạc sĩ Hoàng Phương], như có sức mạnh thôi thúc người lao động, khiến họ cầm cuốc phá đồi trồng cao su, trồng cà phê trong niềm vui hân hoan nơi miền kinh tế mới.

Một bài hát không chỉ làm say đắm lòng người bởi những ca từ dung dị của nó, mà còn lột tả được tâm trạng mộc mạc, chân thật đến vô cùng của cô thiếu nữ quê nhà với chàng trai chuẩn bị vào chiến trận: “Khung cửa sổ hai nhà cuối phố, chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ/ đôi bạn ngày xưa học chung một lớp/ cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa/ bên ấy có người ngày mai ra trận/ bên ấy có người ngày mai đi xa” [Hương thầm]. Cũng có thể nói, ngày đó, nhờ Bảo Yến hát Hương thầm với sức truyền cảm mà bao chàng thanh niên sẵn sàng ra tiền tuyến sau ngày đất nước giải phóng.

Thương một người ở xa - Bảo Yến

Nửa cuối những năm 80, cơn sốt mang tên Bảo Yến lên tới đỉnh điểm khi băng nhạc Mẹ Gò Công do nhạc sĩ Quốc Dũng [cũng là chồng của Bảo Yến] sản xuất. Băng nhạc này len lỏi tới mọi ngóc ngách ở khắp mọi chốn, thành thị tới thôn quê, đưa tên tuổi Bảo Yến trở nên thân quen với mọi gia đình. Các bài hát trong album cũng lần lượt trở thành những bài hit bậc nhất khi đó và cũng gắn liền với tên tuổi Bảo Yến, hầu như không ai hát lại có thể thành công được như vậy, đó là Hương thầm, Chiều hạ vàng, Mẹ Gò Công, Một sớm con về, Huế tình yêu của tôi, Chuyện tình hoa muống biển, Bài ca Tết cho em… Album này sau được tái bản dưới dạng CD mang tên Biển tím và vẫn bán chạy liên tục gần 20 năm nay. Sau thành công rực rỡ của Mẹ Gò Công, Bảo Yến phát hành tiếp album Nhớ Mẹ, khi đó một số ca khúc sáng tác trước năm 75 đã được hát lại, và băng nhạc tiếp tục thành công “sát gót” Mẹ Gò Công. Những hiện tượng như băng nhạc Gò Công, theo cách gọi dân dã khi album này quá nổi tiếng, hầu như không lặp lại trên thị trường băng đĩa nhạc trong suốt nhiều năm sau đó, cho tới tận bây giờ.

Trong sự nghiệp ca hát lừng lẫy của mình, Bảo Yến từng được rất nhiều nhạc sĩ ưu ái chọn là người đầu tiên thể hiện các ca khúc của họ hoặc các nhà sản xuất mời thu âm những bài hát còn mới tinh. Nhiều bài hát sau này rất nổi tiếng, trở thành hit cho nhiều ca sĩ khác, đều đã từng được Bảo Yến thu âm, nhưng vì số lượng bài hit quá lớn ở thời đỉnh cao nên có thể nói Bảo Yến không thể “chăm sóc” cho tất cả những “đứa con” mà qua giọng hát của chị chúng mới có được đời sống để sau đó được các nghệ sĩ khác chắp cánh trở thành những ca khúc ấn tượng mạnh của nhạc Việt. Có thể kể ra một số bài nổi bật như Chia tay hoàng hôn [Thuận Yến], Giọt nắng bên thềm, Giọt sương trên mi mắt [Thanh Tùng]…

Mẹ Gò Công - Bảo Yến

Nhạc sĩ Hoàng Lương [Hội nhạc sĩ Bà Rịa - Vũng Tàu] chia sẻ: “Tròn vành, rõ chữ, thân thiện, truyền cảm, đó là sự khác biệt của giọng ca Bảo Yến. Bảo Yến hát như đọc, nhưng vô cùng sâu lắng, xúc động. Phong cách biểu diễn của cô nhẹ nhàng, nhưng bốc lửa đầy nội lực. Điều căn bản là giọng ca và bản lĩnh. Cho đến bây giờ sau hơn 30 năm, khó có thể tìm lại một giọng ca nào đặc biệt như thế”.

Bản lĩnh giữa trào lưu thị trường

Trong suốt thập niên 80, trước làn sóng “chuyển động” của thị trường âm nhạc, chọn cho mình một dòng nhạc để đứng vững là một thách thức lớn đối với các ca sĩ. Chạy theo thị trường để kiếm tiền rồi “sớm nở tối tàn” hay kiên trì tìm bản sắc riêng mới? một bài toán không dễ khi các ca sĩ trẻ thị trường xuất hiện ngày càng nhiều “như nấm mọc sau mưa” chiếm lĩnh thị trường âm nhạc, phục vụ cho đông đảo lớp trẻ.

Không ồn ào, náo nhiệt; không chạy đua theo thị hiếu âm nhạc “ăn xổi”, Bảo Yến bình tĩnh đi tìm cho mình một lối diễn riêng. Cùng với em gái Nhã Phương và các cộng sự, chị đã làm mới những bản nhạc nhẹ đã một thời vang bóng trở nên đầy cảm xúc, để rồi mỗi lần diễn chị rơi nước mắt, còn khán giả thì đi đâu cũng hát “thương một người ở xa, một mình đôi mắt đỏ”. Để không lạc hậu với dòng nhạc thị trường, Bảo Yến đã “nâng cấp” những bản nhạc quê hương, những bài dân ca gốc và cả dòng nhạc pop - rock, đặc biệt là những bản nhạc tiền chiến khi được cấp phép hát trở lại. Riêng những bài hát ngợi ca về miền Trung, xứ Huế, cô đặc biệt thành công và chinh phục được lượng khán giả đông đảo đỉnh cao hiếm có. Chia sẻ với khán giả, chị nói: “Khi dòng nhạc chuyển dịch, nếu không đủ bản sắc, mình sẽ là con rối của thị trường. Tôi luôn hướng tới một phong cách riêng, không hòa trộn”.

Bảo Yến cùng chồng - nhạc sĩ Quốc Dũng thời còn trẻ

Ngay cả trong cuộc sống đời thường, Bảo Yến cũng chọn cho mình một lối sống đơn giản để tĩnh tâm. Sau những ồn ào, cay đắng trong hôn nhân, Bảo Yến đặt niềm tin vào Phật: “Tôi là một đệ tử của Phật, không bao giờ ăn chơi. Ngoài thời gian luyện hát ra, tôi xem kinh, niệm Phật, không bạn gái bạn trai, không đàn đúm hội hè. Càng tiếp xúc ngoài đời càng khó tu. Cuộc đời bên ngoài có tiền đấy, nhưng cứ lên voi xuống chó, biết bao điều không cho mình bình an. Tôi bắt đầu tu từ 30 tuổi, trong đó 15 năm không màng đến chuyện đời. Đó là thời gian không tham sân si, tôi cảm thấy rất sung sướng. Đi hát bao năm cay đắng ngọt bùi cũng đủ rồi. Tròn 60 tuổi [2017] tôi sẽ chấm dứt, không hát nữa, ăn chay trường, khóa cửa, không bạn bè. Tu hoàn toàn cho đến khi về cõi Phật”.

Tái ngộ và chia tay

Sau thời gian dài sống khép kín, mỗi năm chỉ xuất hiện rất ít, cuối năm 2014, Bảo Yến trở lại với khán giả trong một đêm nhạc hoành tráng, liveshow lớn nhất trong sự nghiệp ca hát của chị - Dấu Ấn. Đây là một dịp hiếm hoi khán giả của Bảo Yến có thể nghe một chương trình đầy đặn với những bài hát đã trở thành “thương hiệu” Bảo Yến như Ở hai đầu nỗi nhớ, Thư tình cuối mùa thu, Chuyện hợp tan, Mưa trên phố Huế… tới những ca khúc trữ tình vốn ít được chị biểu diễn sân khấu và đặc biệt sẽ không thể thiếu phần nhạc ngoại quốc theo phong cách pop-rock bốc lửa từng tạo nên hình ảnh nữ hoàng nhạc pop Bảo Yến cùng những ảnh hưởng rất lớn về thời trang trong suốt nhiều năm.

Trừ em gái Nhã Phương vì sức khỏe không thể tham gia, chương trình có sự góp mặt những thành viên trong gia đình làm nghệ thuật của cô: nhạc sĩ Kim Tuấn làm hòa âm; 2 con trai Khải Ca, Bảo Châu song ca cùng mẹ. Chồng cô là nhạc sĩ Quốc Dũng cũng góp mặt.

Bảo Yến rực rỡ trong liveshow

Năm 2015, Bảo Yến thực hiện liveshow Đường xưa như một lời chia tay khán giả Hà Nội. Từ lâu, Bảo Yến vẫn dự định một lần đưa cả gia đình ra Hà Nội, và thực hiện một liveshow nói lời chia tay với Hà Nội trước khi từ giã sự nghiệp ở tuổi 60, tức là năm 2017. Với nhân duyên lần này cùng chuỗi chương trình Vàng son một thuở, Bảo Yến cùng cả gia đình sum họp, thực hiện liveshow Đường xưa như lời chia tay dịu dàng nhất của mình với khán giả Thủ đô. 

Nhiều thế hệ khán giả đã lớn lên cùng tiếng hát của Bảo Yến. Với họ, tiếng hát Bảo Yến đã trở thành một “huyền thoại” mà không cần phải gắn với một hình ảnh vay mượn nào khác. Chỉ cần nhắc tên Bảo Yến là đủ. Vì thế, những năm tháng cuối cùng của sự nghiệp âm nhạc, Bảo Yến sẽ cháy hết mình, để giọng hát ấy thêm một lần thăng hoa, để chia sẻ những kỷ niệm, những câu chuyện âm nhạc từ nhiều năm về trước cho tới bây giờ, đã gắn bó và đồng hành với nhiều thế hệ người hâm mộ.

Từ Khóa:

Video liên quan

Chủ Đề