Biểu đồ lượng hóa thomas frisman nóng phẳng chật năm 2024

Thomas Friedman - tác giả Thế giới phẳng và Chiếc Lexus và cây ôliu - trả lời qua cuốn sách mới nhất Nóng, phẳng, chật vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tại VN. Tuổi Trẻ trích đăng.

Chúng ta hãy bắt đầu với sự chật chội.

Sau đây là một thống kê đã làm tôi kinh ngạc. Tôi sinh ngày 20-7-1953. Nếu bạn vào trang web Infoplease.com và nhập ngày sinh của bạn, bạn sẽ nhận được kết quả ước tính số người có mặt trên Trái đất vào đúng ngày bạn sinh ra. Tôi đã thử làm và con số hiện ra ở ô kết quả là 2,681 tỉ. Nếu Chúa phù hộ, nếu tôi chăm đi xe đạp và ăn sữa chua thì tôi có thể sống đến 100 tuổi.

Đến năm 2053, Liên Hiệp Quốc dự đoán dân số hành tinh này sẽ là hơn 9 tỉ người nhờ những tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh và phát triển kinh tế. Có nghĩa là trong suốt cuộc đời tôi, dân số thế giới đang tăng hơn gấp ba lần, số người sinh ra từ nay đến năm 2053 cũng xấp xỉ bằng số người có trên Trái đất vào ngày sinh của tôi.

Đặc biệt, Ủy ban Dân số của Liên Hiệp Quốc đã công bố một báo cáo ngày 13-3-2007 cho biết: “Dân số thế giới sẽ tăng thêm 2,5 tỉ người trong 43 năm tới, khiến tổng dân số sẽ tăng từ 6,7 tỉ hiện tại lên 9,2 tỉ vào năm 2050. Mức tăng này bằng với quy mô dân số thế giới năm 1950 và chủ yếu tăng ở những khu vực kém phát triển - nơi dân số sẽ tăng từ 5,4 tỉ người năm 2007 lên 7,9 tỉ người năm 2050”.

Do đó, nếu bạn nghĩ hiện tại Trái đất đã là chật chội thì hãy chờ thêm vài thập kỷ nữa. Năm 1800, London là thành phố đông dân nhất thế giới với 1 triệu người. Năm 1960 đã có 111 thành phố có trên 1 triệu dân. Đến năm 1995 con số này là 280 thành phố và hiện tại là 300 theo thống kê của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc.

Liên Hiệp Quốc cũng cho biết con số các siêu đô thị [có trên 10 triệu dân] trên thế giới cũng tăng từ năm thành phố năm 1975 lên 14 thành phố năm 1995 và dự kiến năm 2015 sẽ là 26 thành phố. Hiện tượng bùng nổ dân số này đang gây áp lực lên cơ sở hạ tầng ở các siêu đô thị, cũng như dẫn tới hiện tượng hoang hóa đất, mất rừng, đánh bắt thủy sản quá mức, thiếu nước sinh hoạt, ô nhiễm nước và không khí.

Thế còn bằng phẳng thì sao?

Khi tôi viết rằng thế giới phẳng thì dĩ nhiên tôi không định nói Trái đất này đang phẳng dần về mặt hình dáng hay chúng ta đang bình đẳng hơn về mặt kinh tế. Tôi muốn nói đến những thay đổi về công nghệ, thị trường và địa chính trị đồng thời diễn ra cuối thế kỷ 20 đã san bằng sân chơi kinh tế toàn cầu, nhờ đó cho phép nhiều người ở nhiều nơi hơn bao giờ hết có thể tham gia nền kinh tế thế giới - và nếu gặp tình thế thuận lợi nhất, họ có thể gia nhập giai cấp trung lưu.

Tin mừng là quá trình phẳng hóa thế giới, chỉ tính riêng ở Trung Quốc và Ấn Độ [theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế], đã đưa 200 triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo đói khổ sở hồi thập kỷ 1980 và 1990, và đưa 10 triệu người khác lên nấc cao hơn trong chiếc thang kinh tế, trở thành tầng lớp trung lưu. Nhưng khi họ thoát được nghèo đói [thường đó là những người sống ở nông thôn và làm nông nghiệp] thì xuất hiện hàng trăm triệu người bắt đầu có thu nhập, nhờ đó có thể tiêu dùng nhiều hơn và sản xuất nhiều hơn.

Và tất cả những người tiêu dùng này tiến vào sân chơi kinh tế toàn cầu với chủ nghĩa tiêu dùng của riêng họ - được sở hữu xe hơi, nhà cửa, điều hòa không khí, điện thoại di động, lò vi sóng, máy nướng bánh mì, máy tính và máy nghe nhạc iPod - do đó dẫn tới lượng cầu hàng tiêu dùng trở nên khổng lồ. Tất cả những sản phẩm này, từ giai đoạn sản xuất đến khi bị vứt bỏ, đã tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu, tài nguyên thiên nhiên, đất đai, nước cũng như phát thải một lượng rất lớn khí nhà kính gây biến đổi khí hậu toàn cầu.

Dĩ nhiên điều đó cũng châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh chưa từng thấy để giành được năng lượng, khoáng sản, nước và lâm sản khi những quốc gia mới nổi [và đang tăng trưởng] như Brazil, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc mưu cầu sự tiện nghi, thịnh vượng và an toàn về mặt kinh tế cho ngày càng nhiều người dân. Và chúng ta mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Chỉ trong vòng 12 năm nữa, dân số thế giới sẽ tăng thêm khoảng 1 tỉ người, rất nhiều người trong số họ sẽ là nhà sản xuất và người tiêu dùng mới.

Thế nóng bức nghĩa là gì?

Phóng toDân số thế giới sẽ chen chúc thêm 2,5 tỉ người trong 40 năm tới. Trong ảnh: chen nhau tắm biển ở một đô thị tại Trung Quốc

Từ nửa sau thế kỷ 20, giới khoa học bắt đầu nhận thấy các chất gây ô nhiễm vô hình - được gọi là khí nhà kính - đang tích lũy quá mức trên quy mô lớn, gây ảnh hưởng lên khí hậu. Các loại khí nhà kính này, chủ yếu là CO2, sinh ra từ nguồn thải công nghiệp, sinh hoạt và phương tiện giao thông, không hề dồn thành đống ở bên đường, trên sông hay được đóng trong hộp hoặc vỏ chai rỗng, mà chúng lơ lửng trên đầu chúng ta, trong bầu khí quyển. Nếu như bầu khí quyển đóng vai trò như một cái chăn giúp điều tiết nhiệt độ Trái đất, thì khí CO2 tích tụ sẽ làm chiếc chăn này dày thêm và làm Trái đất nóng lên.

Để minh họa quá trình này, nhà hóa học năng lượng Nate Lewis ở Học viện Công nghệ California [Mỹ] mô tả như sau: “Hãy tưởng tượng bạn đang lái xe và cứ hết một dặm đường bạn lại ném nửa ký rác qua cửa sổ. Và tất cả những người đang lái xe hơi hoặc xe tải trên đường đều làm giống như bạn, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Không hay ho gì. Đó chính xác là những gì chúng ta đang làm, chỉ có điều bạn không thể nhìn thấy được thôi. Khác là cứ mỗi dặm đường chúng ta lại vứt ra ngoài trung bình nửa ký CO2 và khí này đi vào bầu khí quyển”.

Những túi CO2 đó từ xe chúng ta bay lên và ở lại trong bầu khí quyển, ngoài ra còn có các túi CO2 từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên, từ những vụ cháy rừng và phá rừng, qua đó giải phóng toàn bộ lượng carbon có trong cây cối và đất.

Và khi chúng ta không quăng các túi CO2 ra ngoài không khí thì chúng ta lại thải các loại khí nhà kính khác như methane [CH4] sinh ra từ canh tác lúa, khoan dầu, khai thác than, xác động vật phân hủy, từ các bãi chôn lấp rác thải rắn và, vâng, thậm chí cả khi gia súc ợ hơi nữa.

Gia súc ợ hơi? Đúng thế. Khí thải từ súc vật nuôi chứa rất nhiều methane, cũng như CO2, khí này không màu và không mùi. Và giống CO2, methane là một trong những loại khí nhà kính mà khi đã bị phát thải vào bầu khí quyển nó cũng hấp thu bức xạ nhiệt từ bề mặt Trái đất.

“Ở cấp độ phân tử, khả năng giữ nhiệt của methane trong khí quyển cao gấp 21 lần CO2 là loại khí nhà kính có nhiều nhất” - tạp chí Science World ngày 21-1-2002 cho biết. “Với 1,3 tỉ con bò ợ hơi gần như cùng một lúc trên toàn thế giới [riêng Mỹ đã có 100 triệu con], không có gì lạ khi methane do súc vật nuôi thải ra là một trong những nguồn khí nhà kính chính trên toàn cầu” - theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ [EPA]...

Tom Wirth thuộc EPA nói: “Đó là một phần trong quá trình tiêu hóa thông thường của súc vật. Khi chúng nhai lại, chúng ợ một phần thức ăn đã nuốt lên miệng để nhai và khí methane thoát ra”. Các nhà nghiên cứu khí hậu cho biết một con bò trung bình thải ra 600 lít khí methane một ngày.

Các chuyên gia về khí hậu đều thống nhất rằng nhiệt độ trung bình của Trái đất so với hồi năm 1750 đã tăng lên 0,8OC và từ năm 1970 trở lại đây là thời kỳ nhiệt độ tăng nhanh nhất. Con số 1OC thay đổi nghe có vẻ không nhiều, nhưng nó vẫn cho bạn thấy tình trạng khí hậu đang có cái gì đó bất ổn - cũng như khi nhiệt độ cơ thể bạn tăng hay giảm chút ít có nghĩa là trong người bạn đang có vấn đề.

___________________

Rất nhiều cơn đại hồng thủy đang xảy ra nhưng chúng ta vẫn thường giả bộ như việc đó xảy ra “ở đâu đó”. Và khi bàn về việc giải quyết vấn đề môi trường, chúng ta vẫn thường nói “để lại sau”.

Chủ Đề