Bài văn về đức tính của bác tôn năm 2024

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên trung, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời - suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bài văn về đức tính của bác tôn năm 2024

Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: Tư liệu.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Bác Tôn sinh ngày 20/8/1888 tại Cù lao Ông Hổ thuộc làng An Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trong một gia đình nông dân. Truyền thống gia đình, quê hương, đất nước đã nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, ham học và tinh thần đoàn kết [1].

Trong giai đoạn 1906-1916, sau khi tốt nghiệp tiểu học, Bác Tôn Đức Thắng đến Sài Gòn để tự lập và theo đuổi nghề thợ, tham gia phong trào công nhân và trở thành thủ lĩnh tổ chức, đã phản đối và đấu tranh chống bạo hành, áp bức từ chủ sở hữu. Giai đoạn từ năm 1916 đến 1920, Bác Tôn Đức Thắng tham gia cuộc nổi dậy của thuỷ thủ Pháp tại Biển Đen để bảo vệ cách mạng Tháng Mười Nga. Là công nhân quốc phòng trên chiến hạm Phơrăngxơ và đã tổ chức phản chiến chống chủ nghĩa tư bản. Bác Tôn Đức Thắng cùng nhóm thuỷ thủ Pháp yêu cầu chấm dứt can thiệp vào Nga và ủng hộ cách mạng Nga bằng cách kéo cờ đỏ trên chiến hạm, thể hiện tinh thần yêu nước và ủng hộ cách mạng. Giai đoạn 1920-1930, Bác Tôn Đức Thắng trở về Sài Gòn và thành lập Công hội bí mật. Giai đoạn 1929-1945, Bác Tôn Đức Thắng bị bắt bởi đế quốc Pháp và bị kết án tù khổ sai. Bác cùng các chiến sĩ cộng sản khác tận dụng thời gian trong tù để học tập và hội họp. Chính sách khủng bố của Pháp không ngăn trở được cách mạng. Từ 1945-1954, Bác Tôn Đức Thắng tham gia cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà hoạt động cách mạng khác, lãnh đạo cuộc kháng chiến kiến quốc. Tham gia nhiều hoạt động quốc tế và đưa ra những thông điệp về độc lập và hoà bình. Giai đoạn này, Bác Tôn Đức Thắng ghi dấu ấn quan trọng tại Tuyên Quang và làm việc tại nhiều địa điểm như Đồng Man - Lũng Tẩu, xã Tân Trào, ngòi Khoác, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương; thị trấn Vĩnh Lộc, xã Kim Bình, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa. Thời gian dài nhất Bác Tôn Đức Thắng làm việc tại thôn Chi Liền, xã Trung Yên, từ cuối năm 1952 đến đầu tháng 10 năm 1954. Tại Tuyên Quang, Bác Tôn Đức Thắng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Trưởng ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương… Bác Tôn Đức Thắng đã phát động phong trào thi đua nhằm động viên lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc, cùng với việc thúc đẩy sản xuất và giáo dục.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Tôn Đức Thắng có 7 năm sống và làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau ở tỉnh Tuyên Quang. Trong những năm tháng ấy, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà hoạt động cách mạng khác, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng của Ban Thường trực Quốc hội và Mặt trận Liên Việt, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta.

Cuối tháng 7-1954, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng với hai cơ quan Quốc hội và Mặt trận Liên Việt rời Tuyên Quang qua Thái Nguyên về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tiếp tục cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận lãnh đạo Nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, đấu tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước, đức hy sinh, tinh thần giản dị. Ở Bác Tôn, như cách mà chúng ta vẫn gọi Người, những đức tính cao đẹp ấy được người dân trong nước và bạn bè thế giới ngưỡng vọng. Là người đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta, Bác Tôn hoàn toàn xứng đáng với danh vị đó, không chỉ vì những đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam mà còn tinh thần đoàn kết, tính biểu tượng cao cả của Người. Trong lễ trao tặng ngày 20/8/1958, đúng vào dịp Bác Tôn tròn 70 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc, suốt 50 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng. 17 năm bị thực dân Pháp cầm tù, 9 năm tham gia lãnh đạo kháng chiến. 4 năm phấn đấu để giữ gìn hòa bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần kiệm liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân [2].

Với 92 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, Chủ tịch Tôn Đức Thắng được Đảng, Nhà nước phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng, trong đó có 9 năm làm Phó Chủ tịch nước (1960-1969), 11 năm làm Chủ tịch nước (1969-1980), 26 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1951-1977) và nhiều trọng trách quan trọng khác. Ở bất cứ cương vị nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng nêu tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy phấn đấu quên mình để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Sự cống hiến của chủ tịch Tôn Đức Thắng không dừng lại ở Việt Nam, mà lan tỏa ra thế giới. Người đại diện cho chính sách đoàn kết của Đảng và là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết dân tộc Việt Nam. Thể hiện tình yêu quê hương và lòng yêu nước thông qua việc ủng hộ nước Nga Xô Viết trong cuộc nổi dậy của hải quân Pháp tại Biển Đen. Bác Tôn Đức Thắng không chỉ là một nhà lãnh đạo xuất sắc mà còn là một con người đạo đức và tận tụy. Luôn đấu tranh và hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là bài học về lòng trung thành, khiêm tốn, kiên định và tinh thần anh dũng.

Kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, không chỉ đơn thuần là gợi lại những trang sử vinh quang, mà còn là câu chuyện về sự cống hiến, trải qua những hình ảnh chân thực về tình yêu quê hương và sự hy sinh không biên giới. Chủ tịch Tôn Đức Thắng không chỉ là một hình mẫu lãnh đạo, mà còn là biểu tượng của sự hiến dâng và lòng tự hào dân tộc. Những nét đẹp đẽ và tinh thần lớn lao của Chủ tịch Tôn Đức Thắng sẽ tiếp tục tỏa sáng và truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay và mai sau, để xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đỗ Hồng Thanh

1. Công Mạo, Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam, 19/8/2022.

2. PV. Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại An Giang