Viêm mũi dị ứng là gì

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý hô hấp phổ biến có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, hiểu rõ về viêm mũi dị ứng, cách điều trị, phòng ngừa bệnh sẽ giúp bạn phát hiện sớm và kiểm soát tốt bệnh lý này.

Tổng quan về viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi bị kích thích và viêm khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng [dị nguyên] từ môi trường.

Viêm mũi dị ứng là bệnh hô hấp phổ biến

Viêm mũi dị ứng thường chia thành hai dạng:

  • Viêm mũi dị ứng theo mùa [thể có chu kỳ]: Là tình trạng viêm mũi dị ứng xảy ra ở một vài thời điểm nhất định trong năm, thường gây ra bởi các dị nguyên thay đổi theo mùa như phấn hoa, cỏ cây, thay đổi thời tiết,…
  • Viêm mũi dị ứng quanh năm [thể không có chu kỳ]: Là tình trạng viêm mũi dị ứng xảy ra bất cứ khi nào gặp phải tác nhân dị ứng, không xuất hiện theo mùa và không phụ thuộc vào thời tiết, thường gây ra bởi các dị nguyên như nấm mốc, mạt bụi, lông động vật, khói thuốc,…

Viêm mũi dị ứng không gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng nó có thể gây nhiều phiền toái cho người bệnh, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống, công việc, học tập hàng ngày. Vì vậy, phát hiện bệnh sớm và có các biện pháp điều trị kịp thời, phù hợp rất cần thiết để kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh cũng như ngăn ngừa các biến chứng có thể gặp phải.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây viêm mũi dị ứng

Nguyên nhân

Khi bạn bị viêm mũi dị ứng, hệ miễn dịch của bạn xác định một chất vô hại trong không khí là có hại. Khi chất đó xâm nhập vào cơ thể lần đầu tiên, hệ miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể chống lại các chất vô hại này. Lần tiếp theo khi bạn tiếp xúc phải các chất này, các kháng thể đã được tạo ra sẽ báo hiệu cho hệ thống miễn dịch giải phóng histamin vào máu, gây ra phản ứng quá mẫn [dị ứng] và dẫn đến các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng.

Các tác nhân gây viêm mũi dị ứng có thể kể đến như:

  • Chất gây dị ứng đường hô hấp: Mạt bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, lông vải, khói thuốc lá, nước hoa, mỹ phẩm, bụi gỗ,…
  • Thay đổi thời tiết: Thời tiết đột ngột thay đổi từ nóng sang lạnh hay ngược lại là một trong những nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng.
  • Thực phẩm dễ gây dị ứng: Các loại hải sản như tôm, cua, cá, hàu,…, trứng, sữa,…
  • Thuốc: Các loại thuốc kháng sinh, aspirin, vaccin,…
  • Cấu tạo giải phẫu mũi: Vách ngăn mũi bị vẹo, có gai hoặc có mào có thể gây kích thích dẫn đến viêm mũi dị ứng.

Yếu tố nguy cơ

Khả năng mắc bệnh viêm mũi dị ứng của bạn sẽ cao hơn so với người bình thường khác nếu có những yếu tố nguy cơ dưới đây:

  • Người bị hen phế quản hoặc bệnh dị ứng khác.
  • Người bị viêm da dị ứng.
  • Gia đình có tiền sử bị dị ứng hoặc hen phế quản.
  • Người sống hoặc làm việc trong môi trường thường xuyên phải tiếp xúc với các chất gây dị ứng [lông động vật, mạt bụi,..].
Phấn hoa gây viêm mũi dị ứng

Triệu chứng viêm mũi dị ứng

Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm mũi dị ứng bao gồm:

  • Hắt hơi liên tục.
  • Chảy nước mũi trong suốt giống như nước lã, không có mùi.
  • Nghẹt mũi.
  • Ngứa mũi, họng và mắt.
  • Đau đầu, đau vùng xoang.
  • Ù tai.
  • Giảm khứu giác.
  • Ho khan.
  • Quầng thâm dưới mắt.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể kèm theo khóc nhiều do khó chịu, bỏ bú, chán ăn và khó ngủ do nghẹt mũi.

Các triệu chứng trên có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc với yếu tố nguy cơ, xuất hiện theo mùa hay quanh năm và thường diễn ra trong khoảnh khắc. Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Triệu chứng viêm mũi dị ứng

Phân biệt viêm mũi dị ứng và viêm mũi thông thường

Viêm mũi dị ứng và viêm mũi thông thường có biểu hiện khá là tương đồng nhau, dẫn đến việc nhiều người bị nhầm lẫn giữa hai bệnh này. Tuy nhiên, hai bệnh này lại có đặc điểm điều trị và phòng ngừa khác nhau, vì vậy, bạn cần phân biệt rõ để có biện pháp điều trị phù hợp và tối ưu nhất.

Dưới đây là một số điểm khác biệt cơ bản giữa viêm mũi thông thường và viêm mũi dị ứng:

➤ Về nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm mũi thông thường thường do virus, vi khuẩn từ các mầm bệnh như cúm, cảm, bệnh lý tai mũi họng gây ra hoặc do mât cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Trong khi đó, viêm mũi dị ứng xảy ra do cơ thể phản ứng với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, khói bụi, nấm mốc, lông động vật,… gây giải phóng quá mức histamin gây phản ứng quá mẫn [dị ứng].

➤ Về triệu chứng bệnh

Đối với viêm mũi dị ứng, bệnh thường biểu hiện ra nhanh và đột ngột, bao gồm các triệu chứng điển hình như: Hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi. Nước mũi thường trong, lỏng như nước lã, không có mùi và có thể gặp phải tình trạng viêm kết mạc dị ứng.

Đối với viêm mũi thông thường, người bệnh thường hắt hơi ít nhưng bị nghẹt mũi nhiều hơn, Nước mũi thường là dịch nhầy đặc hay dịch mủ. Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi toàn thân, có thể có sốt và sợ lạnh.

Viêm mũi dị ứng có nguy hiểm không?

Viêm mũi dị ứng kéo dài có thể gây viêm xoang

Viêm mũi dị ứng là một bệnh lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị kịp thời, phù hợp có thể dẫn đến nhiều vấn đề cho người bệnh như:

  • Giảm chất lượng cuộc sống: Viêm mũi dị ứng có thể gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống, khiến bạn không thể thực hiện các hoạt động yêu thích, học tập, làm việc kém hiệu quả hơn.
  • Ngủ không ngon giấc: Các triệu chứng của bệnh có thể khiến bạn khó ngủ, dẫn đến mệt mỏi và khó chịu.
  • Làm trầm trọng hơn bệnh hen phế quản: Viêm mũi dị ứng có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh hen như ho và thở khò khè.
  • Viêm xoang: Tình trạng tắc nghẽn xoang kéo dài do viêm mũi dị ứng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xoang.
  • Nhiễm trùng tai: Viêm mũi dị ứng là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm tai giữa ở trẻ em.
  • Viêm họng, viêm phế quản: Do nghẹt mũi dẫn đến phải thở bằng miệng.

Biến chứng viêm phế quản không được điều trị kịp thời có thể lan xuống phổi gây viêm phổi, suy hô hấp, gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Điều trị viêm mũi dị ứng như thế nào?

Điều trị viêm mũi dị ứng nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng, chẳng hạn như hắt hơi, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và mức độ ảnh hưởng của chúng đến các hoạt động hàng ngày của bạn.

Dưới đây là một số biện pháp điều trị viêm mũi dị ứng bạn có thể tham khảo:

Sử dụng thuốc

Thuốc kháng histamin dạng xịt giúp giảm triệu chứng bệnh

Khi bạn bị viêm mũi dị ứng, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng một số loại thuốc giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh, nhờ đó giúp bạn dễ chịu hơn:

  • Thuốc kháng histamin [Loratadine, Cetirizine, Fexofenadine,..]: Các thuốc này có tác dụng ngăn chặn hoạt động của histamin do cơ thể tiết ra trong phản ứng dị ứng, nhờ đó giúp giảm các triệu chứng của bệnh như ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi.
  • Thuốc thông mũi [Phenylephrine, Pseudoephedrine,…]: Loại thuốc này giúp giảm nghẹt mũi và xoang. Bạn không nên sử dụng thuốc xịt thông mũi quá 3 ngày vì nó có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh.
  • Thuốc xịt mũi chứa corticoid [Mometasone, Budesonide, Fluticasone,…]: Các thuốc này giúp làm giảm tình trạng viêm và các triệu chứng của viêm mũi dị ứng.
  • Thuốc ức chế leukotriene: Đây là nhóm thuốc kê đơn dùng để ngăn chặn hoạt động của leukotriene – hóa chất trung gian của quá trình viêm, từ đó làm giảm các triệu chứng dị ứng.
  • Corticoid đường uống [Prednisolon] Nhóm thuốc này thường được dùng để làm giảm các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng. Việc dùng corticoid đường toàn thân lâu dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng cho cơ thể nên chúng thường chỉ được kê đơn sử dụng trong thời gian ngắn.

Người bệnh không nên tự ý mua thuốc để điều trị mà cần thăm khám và tuân theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa để đạt hiệu quả điều trị tối ưu nhất cũng như tránh được các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.

Các biện pháp khắc phục tại nhà

☛ Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý

Rửa mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý để cải thiện triệu chứng viêm mũi dị ứng

Thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý là giải pháp điều trị viêm mũi dị ứng đơn giản mà bạn có thể thực hiện dễ dàng ngay tại nhà. Nước muối có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn tốt, giúp làm loãng dịch nhầy, loại bỏ các chất tiết đặc, vi khuẩn, chất gây kích ứng ra khỏi mũi.

Cách vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý như sau:

  • Chuẩn bị dung dịch rửa mũi. Sử dụng một quả bóp cao su hút dung dịch và bơm vào một lỗ mũi.
  • Để dung dịch chảy ra ngoài qua lỗ mũi còn lại hoặc qua miệng. Thổi mũi nhẹ nhàng để loại bỏ chất nhầy và dung dịch.
  • Lặp lại các thao tác trên với lỗ mũi còn lại.
  • Thực hiện hàng ngày đến khi tình trạng bệnh được cải thiện.

☛ Xông mũi

Hơi nước nóng giúp làm loãng các dịch nhầy đặc tắc nghẽn trong đường mũi, tạo điều kiện cho việc loại bỏ các chất nhầy cũng như chất gây dị ứng ra khỏi mũi dễ dàng hơn. Nhờ đó, các triệu chứng viêm mũi dị ứng như nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi,.. sẽ thuyên giảm rõ rệt.

Để xông mũi, bạn cần thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị nước sôi và đổ vào một chiếc bát lớn.
  • Thêm 3 – 4 giọt tinh dầu vào bát nước. Bạn nên lựa chọn các loại tinh dầu có tính kháng viêm như tinh dầu bạc hà, khuynh diệp, tràm, đinh hương,…
  • Sử dụng một chiếc khăn lớn để che đầu của lại và hít sâu hơi trong 5 – 10 phút, sau đó thổi mũi thật kỹ.
  • Thực hiện lặp lại nhiều lần trong ngày đến khi bạn phục hồi hoàn toàn.

Phương pháp xông mũi điều trị viêm mũi dị ứng không phù hợp với trẻ nhỏ. Bạn nên cho bé tắm nước ấm sẽ giúp đẩy lui các triệu chứng khó chịu của bệnh và giúp bé dễ chịu hơn.

☛ Chú ý chế độ ăn uống

Người bệnh viêm mũi dị ứng nên ăn các loại thực phẩm giàu Omega 3

Đối với người bệnh viêm mũi dị ứng, thực phẩm vừa có thể là tác nhân gây dị ứng, vừa có thể là giải pháp giúp cải thiện triệu chứng, hạn chế tái phát bệnh. Vì vậy, trong quá trình điều trị viêm mũi dị ứng, bạn cần chú ý thực hiện chế độ ăn uống khoa học để nhanh chóng hồi phục sức khỏe và phòng ngừa tái phát bệnh.

Người bệnh viêm mũi dị ứng nên ăn các loại thực phẩm sau:

  • Các loại rau, củ, quả giàu vitamin C [ớt chuông, cà chua, cam, bưởi,..] giúp tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh viêm mũi dị ứng.
  • Thực phẩm giàu Omega-3 [cá hồi, bơ, cá thu, hàu,…] có tác dụng ngăn ngừa các phản ứng sưng tấy trên đường hô hấp.
  • Thực phẩm có tính ấm [gừng,  hành,…] chứa nhiều chất kháng sinh rất hiệu quả trong phòng ngừa bệnh.
  • Các loại gia vị chứa tinh dầu [bạc hà, rau mùi, rau ngổ].

Người bệnh viêm mũi dị ứng nên tránh các loại thực phẩm sau để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh hoặc làm gia tăng nguy cơ tái phát bệnh:

  • Thực phẩm có tính lạnh, béo, tanh: Hải sản như tôm, cua, thịt gà, nước lạnh, kem, đá lạnh,…
  • Đồ ăn cay nóng: Ớt, hạt tiêu,…
  • Thực phẩm dễ gây dị ứng: Lê, dưa hấu, các loại hạt, đậu phộng,…
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa.
  • Chất phụ gia: Mì chính,,…

☛ Tránh xa tác nhân gây dị ứng

Để tránh hoàn toàn các chất gây dị ứng là rất khó, nhưng bạn có thể hạn chế tiếp xúc với chúng để cải thiện các triệu chứng bệnh. Tùy thuộc vào chất khiến bạn bị viêm mũi dị ứng mà bạn có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây để tránh xa các tác nhân đó:

  • Bụi, mạt nhà: Thay thế thảm lông bằng sàn gỗ; sử dụng rèm cuốn để dễ dàng lau sạch; lau sàn ướt thay vì quét; thường xuyên giặt chăn, gối, đệm, rèm cửa và phơi chúng dưới ánh nắng mặt trời; sử dụng bộ lọc không khí dạng hạt.
  • Lông vật nuôi: Không nên nuôi chó, mèo trong nhà hoặc hạn chế tiếp xúc với chúng ở mức tối đa; không cho phép vật nuôi vào phòng ngủ; tắm rửa và chải lông cho vật nuôi thường xuyên.
  • Phấn hoa: Tránh xa nơi có nhiều cây cối; ở trong nhà khi lượng phấn hoa trong không khí cao [thường là giữa buổi sáng và đầu buổi tối]; tránh phơi quần áo khi lượng phấn hoa cao; đóng cửa ra vào và cửa sổ vào mùa dị ứng,…
  • Nấm mốc: Giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát để tránh vi khuẩn, nấm mốc phát triển; sử dụng máy hút ẩm để duy trì độ ẩm môi trường sống phù hợp,

☛ Chữa viêm mũi dị ứng bằng tỏi

Tỏi rất tốt cho người bị viêm mũi dị ứng

Tỏi chứa nhiều quercetin – chất kháng histamin tự nhiên rất tốt cho người bệnh viêm mũi dị ứng. Ngoài ra tỏi còn có tính kháng khuẩn, kháng virus, tăng cường miễn dịch giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn.

Để cải thiện viêm mũi dị ứng bằng tỏi, bạn có thể thực hiện các cách sau:

  • Ăn 2 – 3 tép tỏi sống mỗi ngày.
  • Sử dụng tỏi sống hoặc tỏi bột để chế biến các món ăn hàng ngày.

☛ Sử dụng gừng chữa viêm mũi dị ứng

Trong chiết xuất của gừng có chứa rất nhiều 6-gingerol. Đây là chất có khả năng ức chế các chất trung gian gây viêm, tế bào lympho T và một số dị nguyên như dị ứng thời tiết, nhờ đó cải thiện các triệu chứng của viêm mũi dị ứng hiệu quả.

Cách sử dụng gừng để khắc phục triệu chứng viêm mũi dị ứng như sau:

  • Thêm 1 muỗng canh gừng thái lát mỏng, một miếng quế nhỏ vào cốc nước sôi và đun trong 5 phút. Sau đó, bạn thêm mật ong và chanh vào để uống. Sử dụng 3 lần mỗi ngày.
  • Gừng đem xay hoặc giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt cho vào ly nước sôi, để nguội. Thêm một muỗng mật ong trước khi uống và uống 2 – 3 lần mỗi ngày.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch được áp dụng khi những biện pháp điều trị trên đã thất bại. Phương pháp trên hoạt động bằng cách giúp cơ thể bạn học cách dung nạp các chất gây dị ứng. Khi tìm được nguyên nhân gây dị ứng, người bệnh sẽ được tiêm chất kháng nguyên gây bệnh với liều tăng dần để cơ thể thích ứng từ từ và ngừng phản ứng với chất đó, không gây ra tình trạng dị ứng nữa.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa khi triệu chứng bệnh kéo dài không thuyên giảm

Nếu các triệu chứng của viêm mũi dị ứng chỉ diễn ra trong một vài khoảnh khắc trong ngày, không ảnh hưởng đến nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, bạn có thể tự điều trị tại nhà.

Bạn cần đến gặp bác sĩ trong các trường hợp dưới đây:

  • Các triệu chứng kéo dài và lặp lại liên tục, không thuyên giảm.
  • Thuốc dị ứng không giúp giảm bớt triệu chứng hoặc gây ra tác dụng phụ khó chịu.
  • Bạn có bệnh lý khác có thể làm nặng thêm các triệu chứng viêm mũi dị ứng như polyp mũi, hen suyễn, viêm xoang.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng

Không có các biện pháp đặc hiệu nào để ngăn ngừa viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, các biện pháp thay đổi lối sống sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh tốt hơn:

  • Tăng cường hệ miễn dịch: Thực hiện chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi và làm việc hợp lý.
  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên: Khi biết bản thân bị dị ứng với chất gì, bạn cần cố gắng tránh tiếp xúc với chất đó. Bạn nên đeo khẩu trang khi ở vùng có nguy cơ xuất hiện các chất gây dị ứng để phòng bệnh một cách tốt nhất.
  • Bảo vệ tai, mũi, họng: Tai, mũi, họng là một hệ thống thông với nhau, vì vậy, bạn cần chú ý bảo vệ vùng tai và họng tốt sẽ giúp mũi khỏe mạnh, tránh viêm mũi dị ứng tiến triển nặng hơn.

Trên đây là các thông tin cơ bản về bệnh viêm mũi dị ứng. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đến bạn nhiều kiến thức bổ ích để có thể nâng cao sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Tài liệu tham khảo:

  • //www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hay-fever/symptoms-causes/syc-20373039
  • //www.nhs.uk/conditions/allergic-rhinitis/
  • //my.clevelandclinic.org/health/diseases/8622-allergic-rhinitis-hay-fever

Video liên quan

Chủ Đề