Vì sao việt nam phải ban hành luật an ninh mạng

  • Quốc Phương
  • BBC Tiếng Việt

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Sử dụng mạng Internet và các phương tiện truyền thông mạng xã hội rất phổ biến ở Việt Nam

Dự luật An ninh mạng mà Quốc hội Việt Nam dự định thông qua vào ngày 12/6/2018 tới đây là 'không cần thiết', 'quá chặt' và có thể 'ảnh hưởng tới các quyền tự do, nhân quyền' của người dân, trong đó có tự do thông tin, tự do về Internet, theo một chuyên gia về luật từ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam [Vusta].

Hôm 07/6, PGS. TS. Phạm Đức Bảo nói với BBC Việt ngữ, ông tin rằng dự luật này làm không khéo sẽ ảnh hưởng tới các quyền của người dân và vì đã có một luật ban hành từ tháng 11/2015 về An toàn thông tin mạng, thì chỉ việc bổ sung thêm vào luật có sẵn những nội dung thỏa đáng, mà không cần thông qua luật mới.

VN: 'Quốc hội cần đổi cách lập pháp'

HRW: ‘Hãy phủ quyết dự Luật An ninh mạng'

Bàn tròn thứ Năm: Luật ba đặc khu và An ninh mạng VN

Điều trần 'Năm tồi tệ của nhân quyền VN' trước QH Mỹ

Luật An ninh mạng không tốt cho kinh tế VN

Trước hết, nhà nghiên cứu hiện là Phó Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển [PLD] giải thích vì sao không cần thông qua dự luật An ninh mạng, và cần lưu ý ra sao tới việc không cản trở hội nhập và phát triển của Việt Nam, ông nói:

"Tôi đã được đọc cả hai luật là Luật An toàn thông tin mạng đã được ban hành và có hiệu lực và dự thảo Luật An ninh mạng, cũng như một số chuyên gia và cũng như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã nói, bản thân tôi thấy Luật An ninh mạng có một số nội dung trùng lặp với Luật An toàn thông tin mạng.

"Việc nhà nước quan tâm đến an ninh mạng là rất cần thiết, bởi vì nhà nước nào cũng phải quan tâm đến vấn đề an ninh mạng, nhưng ở đây an ninh mạng phải hiểu đó về mặt công nghệ, đó là về việc tấn công mạng, rồi chiến tranh mạng, tức là nó thuộc về vấn đề công nghệ.

"Nhưng ở trong nội dung dự luật lại chú ý đến nhiều về vấn đề nội dung, thì cái này đã có điều chỉnh trong luật an toàn thông tin, thế thì nếu thiếu, tôi nghĩ chỉ cần bổ sung về nội dung đối với Luật An toàn thông tin mạng và có thể đưa cả vấn đề an ninh mạng vào đó.

"Chúng ta [Việt Nam] chỉ cần một đạo luật, nó có thể điều chỉnh được vấn đề an toàn thông tin mạng, cũng như là an ninh mạng vào một luật. Bây giờ chúng ta làm một luật nữa là Luật An ninh mạng nhưng phạm vi, đối tượng điều chỉnh lại có những điểm trùng lặp với Luật An toàn thông tin mạng, tôi thấy không cần thiết.

Lưu lại audio,

PGS. TS Phạm Đức Bảo bình luận dự Luật An ninh mạng mà Quốc hội VN dự định thông qua.

"Hơn nữa, trong bối cảnh của hội nhập quốc tế và trong thời đại công nghiệp 4.0 mà những quy định về Luật An ninh mạng thấy rằng có nhiều cản trở cho quá trình hội nhập, cũng như quá trình phát triển kinh tế, về khởi nghiệp."

"Tôi cho rằng những kiến nghị ấy rất xác đáng mà nhà nước, Quốc hội cần phải tiếp thu để có được sửa đổi cần thiết. Tôi cho rằng Quốc hội cần tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để làm sao đưa ra một đạo luật phù hợp, điều chỉnh được những vấn đề cần thiết để đảm bảo vấn đề an toàn thông tin cũng như an ninh mạng, nhưng cũng tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế, xã hội."

Trước câu hỏi liệu dự Luật An ninh mạng sắp thông qua có gây ra cản trở gì, hay vi phạm nào không đối với nhân quyền, các quyền tự do như biểu đạt, tư tưởng, thông tin, báo chí của người dân trong cộng đồng, xã hội, ông Phạm Đức Bảo nói:

Đừng để VN trở thành kẻ thù của các giá trị tiến bộ

Bàn tròn BBC: về hai vụ xử án 'chạy thận chết người' và 'dâm ô với trẻ em'

VN muốn kiểm soát chặt hơn nữa Facebook và Google?

"Những cái mà người ta đưa ra trong Luật An ninh mạng, nếu không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến những quyền của công dân và chúng ta thấy rằng trong những hoạt động của công dân, rõ ràng là quyền tự do thông tin, quyền tự do Internet, cũng như việc Liên Hợp Quốc đã công khai thừa nhận, thì nhà nước nào cũng phải đảm bảo tôn trọng.

"Còn nếu công dân nào mà lợi dụng quyền đó để đi ngược lại lợi ích của nhà nước thì nó lại vi phạm vào những luật khác, thậm chí Luật Hành chính, rồi Luật Hình sự, Luật Báo chí, rất nhiều luật điều chỉnh, thì tôi nghĩ không nhất thiết những quy định đó lại đưa trong Luật An ninh mạng, bởi vì nếu một hoạt động, một việc làm nào đó của một công dân, một tổ chức vi phạm, chúng ta đã có Luật Hành chính, Luật Hình sự để xử lý rồi, thế thì lại đưa vào đấy thì rất là khó.

"Hoặc tôi nói những quy định mà trước đây người ta đưa vào, nhưng bây giờ người ta cũng nhìn thấy là vì phản ứng cho nên phải đưa ra - đòi đặt máy chủ ở Việt Nam chẳng hạn - thì quy định ấy không hiện thực...

"Vẫn có những quy định hạn chế quyền tự do chính đáng được Hiến Pháp quy định.

"Tôi có bình luận thế này lần này Quốc hội làm hai đạo luật, một đạo luật quá là mở, một đạo luật lại quá là chặt...

"Đạo luật về Đặc khu thì mở quá, thoáng quá, thì người dân lo ngại, lo ngại luật đó tạo điều kiện cho những quốc gia mà có mưu đồ nào đó thì họ dễ có thể lợi dụng luật đó. Còn Luật An ninh mạng này lại chặt quá.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Việt Nam có số lượng tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các dịch vụ trên mạng Internet vào loại khá cao ở khu vực.

"Cho nên chặt quá thì ảnh hưởng tới quyền tự do thông tin của công dân. Tôi nghĩ Luật về Đặc khu cần quy định rất chặt chẽ là bởi vì nó liên quan đến chủ quyền quốc gia, liên quan đến phát triển lâu dài về kinh tế - xã hội của đất nước.

"Còn Luật về An ninh mạng, theo tôi nên nhập với Luật về An toàn thông tin mạng và chúng ta phải có những quy định để nó phù hợp, tránh sự chồng chéo với các luật khác mà không cần thiết phải ban hành một luật riêng."

Tin cho hay, nhiều tổ chức chính phủ, phi chính phủ quốc tế trong dịp này đã bày tỏ quan ngại về việc dự Luật An ninh mạng có thể gây thiệt hại kinh tế, hội nhập cho Việt Nam và bóp nghẹt tư do trên mạng Internet và giới bất đồng, hoặc phản biện và mong muốn Việt Nam hoãn việc thông qua.

‘VN sao chép cách kiểm soát thông tin của TQ’

Chủ tịch Quang kêu gọi quản lý chặt internet

Việt Nam lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng

Hôm 7/6/2018, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền [HRW] kêu gọi chính quyền Việt Nam 'phủ quyết bộ Luật An ninh mạng' đang gây quan ngại trong cộng đồng và xã hội ở Việt Nam, với Giám đốc khu vực châu Á Brad Adams coi đây là một dự luật "đầy vấn đề."

"Dự thảo luật An ninh mạng của Việt Nam có vẻ đặt mục đích bảo vệ quyền lực độc tôn của đảng ngang với bảo đảm an ninh mạng," HRW viết trong một tuyên bố hôm thứ Năm. "Luật này đặt tự do ngôn luận và tự do tiếp cận thông tin vào tầm kiểm soát trực tiếp của chính quyền, và cung cấp cho chính quyền thêm một vũ khí nữa để đối phó với những tiếng nói bất đồng. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả của dự thảo này chính là Bộ Công an, vốn đã đầy tai tiếng về vi phạm nhân quyền."

Tin tức cũng cho hay hôm 08/06, cả Hoa Kỳ và Canada đều kêu gọi Việt Nam hoãn lại việc thông qua dự Luật An ninh mạng, với Tòa Đại sứ Mỹ ở Việt Nam cho rằng hai quốc gia Bắc Mỹ tin rằng nếu được thông qua, Luật mới sẽ gây ra các trở ngại cho tương lai của Việt Nam và không phù hợp với cam kết của Việt Nam với quốc tế.

"Chúng tôi thấy rằng dự Luật An ninh mạng có thể tạo ra những trở ngại lớn lao cho an ninh trên không gian mạng, cho những sáng tạo về kỹ thuật số của Việt Nam trong tương lai, và có thể không tương thích với các cam kết quốc tế về thương mại của Việt Nam. Hoa Kỳ và Canada kêu gọi Việt Nam hoãn lại việc bỏ phiếu dự luật, nhằm bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn thế giới," thông cáo trên trang mạng của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam viết.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Quốc tế cảnh báo dự Luật được thông qua có thể ảnh hưởng tới kinh tế, hội nhập, phát triển của Việt Nam và đi ngược các cam kết về bảo vệ nhân quyền quốc tế mà VN đã ký kết, thừa nhận.

Theo chương trình làm việc Quốc Hội Việt Nam dự kiến biểu quyết thông qua dự Luật An ninh mạng vào ngày 12/6/2018, với đạo Luật được truyền thông quốc tế và giới quan sát cho là "nhằm áp đặt các yêu cầu pháp lý mới đối với các hãng Internet, và tăng cường kiểm soát các nhà hoạt động trên mạng."

Dự luật cũng yêu cầu các hãng Facebook, Google và các công ty Internet toàn cầu phải "lưu trữ các dữ liệu cá nhân của người sử dụng trong nước, và mở văn phòng đại diện tại Việt Nam," hợp tác cung cấp thông tin của người sử dụng bị coi là 'nghi phạm' về an ninh mạng cho nhà chức trách v.v..., đồng thời các tổ chức, cơ quan truyền thông xã hội trong nước sẽ phải xóa các nội dung được coi là "vi phạm" trên trang mạng của họ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, sau khi cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin & Truyền thông và Bộ Công an ra yêu cầu.

Nhiều nhà quan sát, hoạt động, giới những người sử dụng mạng xã hội và khai thác thông tin trên Internet, trong đó có cả giới bất đồng trong và ngoài Việt Nam, đã lên tiếng quan ngại, thậm chí chỉ trích. "Với Luật An ninh mạng, người ta muốn bịt miệng dân," Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nói với BBC Tiếng Việt hôm 06/6 từ Sài Gòn.

Trong khi đó, theo các nhà làm luật ủng hộ dự luật được dẫn lời trên truyền thông chính thống ở Việt Nam, dự Luật này có mục đích chính nhằm tăng cường quản lý nhà nước về An ninh mạng, bổ sung phối hợp với Luật an toàn thông tin mạng đã ban hành và đã có hiệu lực, giúp cho phát triển và hội nhập lành mạnh của Việt Nam, bảo vệ tốt an ninh quốc gia, kinh tế, chính trị và xã hội, bảo vệ chế độ trước các thế lực thù địch và chống phá v.v...

"Việc ban hành Luật An ninh mạng để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp là cần thiết," báo đài nhà nước Việt Nam tường thuật thảo luận tại Quốc hội Việt Nam cũng cho biết thêm.

Video liên quan

Chủ Đề