Vì sao anh chị em trong nhà luôn cãi hau

Chương 6

Tại sao anh chị em tôi khó hòa thuận đến thế?

SỰ GANH ĐUA giữa anh chị em ruột xưa như chuyện Ca-in và A-bên. Điều đó không có nghĩa là bạn thù ghét anh chị em mình. Một người trẻ đã thú nhận: “Trong thâm tâm, tôi nghĩ là tôi thương em tôi, phần nào, chỉ có điều là hiện giờ tôi không cảm nhận được điều đó”.

Tại sao sự thù địch thường ẩn núp trong mối quan hệ giữa anh chị em? Nhà văn Harriet Webster trích dẫn lời một chuyên viên về lãnh vực gia đình là Claudia Schweitzer, nói rằng: “Mỗi gia đình đều có một số tài sản nào đó, về mặt tình cảm và vật chất”. Nhà văn Webster nói thêm: “Anh chị em thường kình chống nhau vì tranh giành những tài sản này, bao gồm mọi thứ, từ tình yêu thương của cha mẹ đến tiền bạc và quần áo”. Chẳng hạn như Cẩm và năm anh chị em cùng dùng chung ba phòng ngủ. Cô nói: “Đôi khi tôi muốn được ở một mình và không muốn cho chúng vào phòng, nhưng rồi chúng cứ ở đó”.

Việc chia sẻ những đặc quyền và trách nhiệm trong gia đình cũng có thể dẫn đến tranh cãi. Những đứa lớn có thể bực bội khi bị buộc phải làm phần lớn những việc vặt thường ngày. Những đứa nhỏ có thể khó chịu khi phải tuân theo sự chỉ huy của anh chị chúng, hoặc tỏ ra ghen tị khi anh chị chúng được những sự ưu đãi mà chúng rất thèm muốn. Một thiếu nữ người Anh ta thán: ‘Chị tôi được đi học lái xe, còn tôi thì không. Tôi cảm thấy căm tức vô cùng và tìm mọi cách gây khó dễ cho chị ấy’.

Đôi khi sự xích mích giữa anh chị em chỉ đơn thuần là do tính tình khác nhau. Đài, một cô gái 17 tuổi, nói về anh chị em mình: “Nếu ngày nào cũng phải nhìn thấy nhau, từ ngày này qua ngày khác... Và nếu ngày nào bạn cũng nhìn thấy người ấy cứ làm những việc gây bực mình cho bạn thì hẳn bạn phải tức giận”. Ân nói thêm: “Khi ở nhà..., bạn không dè giữ”. Tiếc thay, hành động ‘không dè giữ’ thường là thiếu lịch sự, thiếu ân cần và thiếu tế nhị.

Sự thiên vị của cha mẹ [‘Mẹ yêu mày nhất!’] là một nguyên nhân phổ thông khác dẫn đến sự bất đồng giữa anh chị em. Giáo sư tâm lý học Lee Salk thừa nhận: “Cha mẹ không thể yêu thương tất cả các con mình đồng đều, vì chúng là những con người khác biệt và chắc chắn chúng ta [bậc làm cha mẹ] có những phản ứng khác nhau đối với chúng”. Điều này đã xảy ra vào thời Kinh Thánh. Tộc trưởng Gia-cốp [Y-sơ-ra-ên] “thương-yêu Giô-sép hơn những con trai khác”. [Sáng-thế Ký 37:3] Tình trạng này làm các anh của Giô-sép ganh ghét chàng.

Dập tắt ngọn lửa

Châm-ngôn 26:20 nói như sau: “Lửa tắt tại thiếu củi”. Sự lan tỏa của những đám cháy rừng thường được ngăn chặn bởi các vòng đai trắng phòng lửa, tức những dải đất được phát quang. Nếu lửa có phát thì thường chỉ lan đến địa điểm ấy rồi lụi tàn. Tương tự như thế, có nhiều cách để ngăn chặn—hay ít ra cũng giới hạn được—những sự bất đồng ý kiến. Một cách là nói chuyện với nhau và tìm cách dung hòa trước khi sự tranh cãi bùng nổ.

Ví dụ, có phải vấn đề là do thiếu quyền riêng tư không? Nếu thế, khi cuộc tranh cãi chưa đến mức dữ dội, hãy cố gắng ngồi lại với nhau và bàn bạc một thời dụng biểu cụ thể. [‘Anh/Chị sẽ sử dụng riêng căn phòng này vào những ngày/giờ này, còn em sẽ sử dụng vào những ngày/giờ này’]. Sau đó, “hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’ ” bằng cách tôn trọng điều thỏa thuận. [Ma-thi-ơ 5:37, Tòa Tổng Giám Mục] Nếu có việc cần điều chỉnh, hãy báo trước cho người kia thay vì buộc anh ấy hoặc chị ấy phải chấp nhận sự thay đổi mà không được thông báo.

Bạn có cố đòi cho được quyền tư hữu không? Một thiếu nữ than phiền: “Cô em ghẻ của tôi luôn luôn sử dụng các vật dụng của tôi mà không hề hỏi một tiếng. Cô ta dùng cả mỹ phẩm của tôi, rồi còn táo tợn bảo rằng tôi đã mua đồ dỏm!” Bạn có thể nhờ cha mẹ làm trọng tài chung cuộc. Nhưng tốt hơn là nên ngồi lại nói chuyện với anh chị em vào lúc bình tĩnh. Thay vì tranh cãi lý sự về “quyền” tư hữu, hãy sẵn sàng “phân-chia của mình có”. [1 Ti-mô-thê 6:18] Hãy cố gắng thỏa thuận một số quy định liên quan đến việc mượn đồ đạc, chẳng hạn như phải luôn luôn hỏi ý kiến trước khi lấy đồ của người khác. Nếu cần thiết, hãy cố dung hòa. Như thế bạn có thể làm cho ‘lửa tắt’ trước khi nó phát khởi!

Nhưng nếu nhân cách của anh chị em làm bạn khó chịu thì sao? Thật sự bạn khó mà thay đổi nhân cách ấy. Bởi thế, hãy học “lấy lòng thương-yêu mà chìu nhau”. ­[Ê-phê-sô 4:2] Thay vì phóng đại những lỗi lầm và nhược điểm của anh chị em, hãy áp dụng tình yêu thương của tín đồ Đấng Christ để “che-đậy vô-số tội-lỗi”. [1 Phi-e-rơ 4:8] Thay vì tỏ ra khắc nghiệt hoặc không tử tế, hãy trừ bỏ ‘sự thạnh-nộ, buồn-giận, hung-ác,... nói hành’; ngược lại, ‘lời nói phải có ân-hậu theo luôn’.—Cô-lô-se 3:8; 4:6.

‘Thế là không công bằng!’

Một người trẻ ta thán: “Chị tôi muốn gì là được nấy. Còn tôi thì bị bỏ quên hoàn toàn”. Nghe quen thuộc quá phải không? Nhưng hãy để ý hai thành ngữ hàm ý tuyệt đối, “muốn gì là được nấy” và “bỏ quên hoàn toàn”. Có phải thật sự tình thế đáng chán đến như vậy không? Chắc là không. Nhưng dù như thế đi nữa, có hợp lý không khi trông đợi cùng một cách đối xử cho hai cá nhân khác nhau? Dĩ nhiên không! Cha mẹ bạn có thể chỉ đang đáp ứng theo đúng nhu cầu và tính khí của bạn.

Nhưng có phải là không công bằng khi cha mẹ chỉ ưu đãi một đứa con nào thôi không? Không nhất thiết là thế. Hãy nhớ lại Gia-cốp đã ưu đãi Giô-sép con trai ông như thế nào. Vì lý do gì? Giô-sép là con của Ra-chên, người vợ yêu dấu đã qua đời của Gia-cốp. Nếu như Gia-cốp cảm thấy đặc biệt gắn bó với người con trai ấy, điều này chẳng phải là dễ thông cảm hay sao? Tuy nhiên, tình yêu thương mà Gia-cốp dành cho Giô-sép không có nghĩa là ông không yêu những người con trai khác của ông vì ông đã bày tỏ mối quan tâm thật sự đến sự an lạc của họ. [Sáng-thế Ký 37:13, 14] Do đó, lòng ganh ghét của họ đối cùng Giô-sép là vô căn cứ!

Tương tự như thế, có thể cha mẹ bạn thân thiết với anh chị của bạn, vì họ có những sở thích chung, nhân cách tương tự nhau hoặc do những nhân tố khác. Điều này không có nghĩa là họ chẳng thương yêu bạn. Nếu bạn cảm thấy oán giận hay ghen tức, hãy ý thức rằng cái tâm bất toàn của bạn đã thắng bạn rồi đấy. Hãy ráng vượt qua những cảm nghĩ ấy. Nếu các nhu cầu của bạn vẫn đang được đáp ứng, thì tại sao lại để mình bị xáo động chỉ vì một anh chị em dường như được ưu đãi hơn?

Anh chị em—Một ân phước

Đôi khi điều này dường như khó tin—đặc biệt khi họ quấy rầy bạn. Nhưng Đài nhắc nhở chúng ta: “Có anh chị em thì rất vui”. Cô có bảy anh chị em. Cô nói tiếp: “Bạn có người để trò chuyện và chia sẻ những sở thích”.

Lan và anh trai của cô tên là Ân thêm rằng: “Dù bạn có thể đi nơi này nơi nọ với bạn bè, nhưng anh chị em ruột thịt thì bạn vẫn có mãi. Bao giờ họ cũng có mặt khi bạn muốn vui đùa, chơi thể thao, hoặc đi dạo công viên”. Anh Đào còn thấy một lợi ích thực tiễn khác: “Bạn có người để cùng chia sẻ các việc vặt thường ngày”. Các bạn trẻ khác nói về anh chị em như “một người đặc biệt biết khuyên nhủ, lắng nghe” và là một người “biết thông cảm”.

Sau này trong cuộc sống, khi giao tiếp với người khác, bạn sẽ gặp phải những vấn đề tương tự mà bạn đang trải qua với anh chị em ruột. Sự ghen ghét, quyền tư hữu, sự đối xử không bình đẳng, sự thiếu quyền riêng tư, sự ích kỷ, sự khác biệt về nhân cách—những vấn đề ấy là một phần của cuộc sống. Tập hòa thuận với anh chị em trong nhà là sự luyện tập tốt trong quan hệ người với người.

Ân, 17 tuổi, nhắc lại lời Kinh Thánh nơi 1 Giăng 4:20 khi cậu nói rằng: “Nếu bạn không hòa thuận với con người bạn thấy được, làm sao bạn có thể hòa thuận với Đức ­Giê-hô-va, Đấng mà bạn không thấy được?” Thỉnh thoảng bạn sẽ có sự bất hòa với anh chị em trong gia đình. Nhưng bạn có thể tập chia sẻ, nói chuyện với nhau, và dung hòa. Kết quả của những nỗ lực này là gì? Bạn có thể khẳng định rằng có anh chị em, xét cho cùng, cũng không đến nỗi đáng buồn lắm đâu.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Tại sao anh chị em thường không hòa thuận với nhau?

◻ Làm thế nào bạn có thể tránh những xung đột về quyền riêng tư và quyền tư hữu?

◻ Tại sao đôi lúc cha mẹ thương đứa con này hơn những đứa khác? Bạn có cảm thấy điều này bất công không?

◻ Con một có phải là sự bất lợi không?

◻ Có anh chị em thì được những lợi ích nào?

[Câu nổi bật nơi trang 52]

“Cha mẹ không thể yêu thương tất cả các con mình đồng đều vì chúng là những con người khác biệt”.—Giáo sư tâm lý học Lee Salk

[Khung nơi trang 54]

‘Tôi là con một’

Nếu đây là trường hợp của bạn, thì đó không hẳn là điều bất lợi cho bạn. Bởi vì trong khi những người trẻ khác gặp khó khăn trong việc sống hòa thuận với anh chị em, bạn có thể tự chọn lựa cho mình những người bạn thân [dĩ nhiên là với sự chấp thuận của cha mẹ bạn]. Bạn có thể có nhiều thời giờ để học hỏi, suy ngẫm hay phát huy một vài kỹ năng hoặc năng khiếu nào đó.—Xem Chương 14 nói về sự cô đơn.

Bạn trẻ tên Thông cho thấy lợi điểm khác: “Vì là con một, tôi đã hưởng trọn sự quan tâm của cha mẹ”. Dĩ nhiên, sự quan tâm quá mức của cha mẹ có thể làm cho một người trẻ trở nên ích kỷ. Nhưng nếu cha mẹ tỏ ra thăng bằng trong việc biểu hiện mối quan tâm, thì điều ấy có thể giúp bạn mau thành thục hơn và cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với người lớn.

Thế nhưng, vì không có anh chị em để chia sẻ, nên điều nguy hiểm là bạn có thể trở nên ích kỷ. Chúa ­Giê-su khuyên: “Hãy cho”. [Lu-ca 6:38] Hãy tập san sẻ với bạn bè và người thân. Hãy chú ý đến nhu cầu của người khác và tự nguyện giúp đỡ nếu có thể được. Người ta sẽ đáp lại tính rộng rãi ấy. Và bạn có thể thấy rằng dù bạn là con một, bạn tuyệt nhiên không phải là người cô đơn.

[Hình nơi trang 53]

Tôi thường tiếc là không có chị em gái, tuy nhiên tôi vẫn có vài lợi điểm

Video liên quan

Chủ Đề