Trồng cải bao lâu thu hoạch

Một số loại cải ăn lá như: Cải xanh, cải canh, cải ngồng, cải chíp, cải bẹ vàng (Brassica juncea L.), cải làn (Brassica oleracea L.), cải bó xôi (Spinacia oleracea L.), cải cúc (Chrysanthemum coronarium) …

B. Quy trình kỹ thuật

I. Điều kiện ngoại cảnh

Các loại cải ăn lá hiện nay có nhiều giống và có thể trồng quanh năm, có khả năng chịu đựng cao với khí hậu nóng, ẩm. Trong mùa đông lạnh, cải sinh trưởng nhanh và cho năng xuất cao trên đất giàu mùn, thoát nước tốt.

Các loại cải ăn lá là cây ngắn ngày và rất cần nước nên cần được giữ ẩm thường xuyên sau khi gieo trồng, mỗi ngày tưới một lần, sau có thể thưa hơn một chút, kết hợp xới xáo và nhặt cỏ.

Là loại rau dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, có thu nhập khá, trồng vào vụ sớm cho hiệu quả kinh tế cao. Là loại rau đa dạng, dễ chế biến, ngon miệng được người tiêu dùng ưa thích. Có thể trồng được ở hầu hết các vùng miền, thời vụ nếu có biện pháp canh tác phù hợp với điều kiện sinh trưởng của cây.

II. Quy trình kỹ thuật

1. Giống

Các loại cải ăn lá hiện trồng phổ biến:

Cải ngọt: F1 Nhật Bản (VA.68), Cải ngọt cọng xanh (VA.67), Cải ngọt tuyển cao sản (VA.67)

Cải ngồng xanh thân mập (VA.86, VA.003, VA.507, VA.226)

Cải thìa F1: VA.77, VA.21, cải thìa cao sản: VA.20, cải chít Thanh giang VA.20

Các loại cải khác: Cải lùn Thanh Giang (Va.20), Cải bẹ xanh mỡ cao sản (VA.22), Cải bẹ mào gà cao sản (VA.999), Cải xanh lá to (VA.21), Cải canh Hồng Kông đặc biệt lai F1, Cải mơ Hoàng Mai cao sản (VA.12).

Cải làn: Cải làn hoa vàng F1 (VA.32), hoa trắng F1 (VA.31)

Cải bó xôi chịu nhiệt VA.33, bó xôi F1 (VA.DASH)

Cải cúc: Cải cúc tẻ cao sản VA.44, Cải cúc nếp cao sản VA.44

Các giống trên có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện sinh thái của nhiều vùng miền, cho năng suất cao, chất lượng tốt.

Thời gian sinh trưởng từ 25-45 ngày tuỳ theo giống, phương pháp gieo trồng, phụ thuộc thị hiếu người tiêu dùng.

Lượng hạt giống: Sạ 300-500 g/1000 m². Cấy 70-80 g/1000 m². Tùy giống, thời vụ và mục đích sử dụng.

2. Thời vụ

Các loại cải ăn lá do có thời gian sinh trưởng ngắn từ 25-45 ngày sau gieo cho thu hoạch nên có thể được trồng quanh năm nếu áp dụng biện pháp che chắn (lưới, vòm che…) hoặc trồng vào 2 thời vụ chính:

– Vụ đông xuân: Gieo từ tháng 8 đến tháng 12

– Vụ xuân hè: Gieo từ tháng 2 đến tháng 5

3. Kỹ thuật trồng

Có 02 loại gieo sạ hoặc cấy cây con:

– Chọn đất trồng có độ pH: 6 – 6,5 đất giàu mùn (hàm lượng hữu cơ khoảng 1,5 – 2,5%). Nơi trồng rau sạch phải xa nguồn nước thải, các khu công nghiệp. Đất trồng phải đảm bảo tưới tiêu chủ động.

– Làm đất kỹ, nhỏ, tơi xốp lên luống rộng 1 – 1,2 m, rãnh luống 0,2 – 0,3 m, cao 0,2 – 0,25 cm. Rắc phân chuồng mục từ 1,5- 2kg/m². Nếu không có phân chuồng mục có thể thay bằng phân lân hữu cơ vi sinh, lượng dùng cho 1 ha từ 2.700- 3.000 kg trộn đều với đất.

– Gieo xong rắc một lớp đất bột phủ kín hạt. Dùng rơm rạ băm ngắn hoặc trấu phủ một lớp mỏng kín lên mặt luống để giữ ẩm, hạn chế cỏ dại, mưa rửa trôi hạt. Đất vườn ươm phải là đất chuyên gieo ươm, tơi xốp, sạch cỏ dại, không có mầm sâu và bệnh.

– Cấy cây con: Chọn những cây đủ tiêu chuẩn. Cây sinh trưởng tốt, đồng đều không có sâu bệnh.

Mật độ trồng, khoảng cách trồng: Gieo sạ lượng giống 3-5 kg giống/ha. Nhổ cấy khoảng khoảng 0.7-0.8 kg/ha với khoảng cách 70-100 cm/cây. Riêng cải bó xôi, cải cúc nên gieo sạ, lượng hạt gieo sạ khoảng 1.2-1.5 kg/1000 m² đối với cải bó xôi, 2 – 3 kg/1000 m² đối với cải cúc.

4. Phân bón

Sử dụng phân bón:

– Chỉ sử dụng các loại phân bón có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Sử dụng phân hữu cơ và phân vô cơ đúng liều lượng, đúng kỹ thuật và đúng thời điểm, không bón thừa phân đạm (N), đảm bảo cách ly phân đạm từ 7-10 ngày trước khi thu hoạch. Không lạm dụng các chế phẩm tăng trưởng, các chất kích thích, phân bón lá.

– Ưu tiên lựa chọn các loại phân hữu cơ đã qua xử lý hoai mục, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh.

Lượng bón và phương pháp bón phân

– Lượng bón tính cho 1ha: 55-60 N- 27 P2O5 – 58 K2O tương đương 120 kg urê + 150 kg lân super + 100 kg kali clorua.

– Phương pháp bón phân:

Loại phânTổng số

kg/ha

Bón lót

(%)

Bón thúc (%)(kg/ha)(kg/sào)Đợt 1Đợt 2Phân  hữu cơ vi sinh15.000540100––Đạm urê1203,6304030Lân super1505,4100––Kali clorua1003,6303040Vôi bột

(nếu pH KCL<6,0)

30010,8100––

Bón lót: Bón trước khi trồng 1- 2 ngày vào rạch hoặc hốc, đảo đều và lấp kín phân, bảo đảm phân được vùi sâu khoảng 15-20 cm.

Bón lót toàn bộ số phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh + toàn bộ phân lân + 30% kali + 30% phân đạm.

Bón thúc:  Bón thúc số lượng đạm và phân kali cùng với phân bón lá chia làm 2 đợt:

Đợt 1: Khi cây hồi xanh (sau trồng 7- 10 ngày) dùng 40% phân đạm và 30% kali.

Đợt 2: Sau trồng 15- 20 ngày, dùng nốt số phân còn lại.

Phân bón lá Agrodream: Pha 200 ml với 20 lít nước/sào/lần phun, hoặc phân bón lá Wehg: Pha 100 ml + 20 lít nước sạch, phun 12 lít dung dịch đã pha/ sào/ lần, phun đều trên mặt đất hoặc mặt lá, phun làm 2 lần ở giữa các lần bón thúc.

  • Có thể sử dụng phân bón hỗn hợp NPK 16-16-8, 7-7-14… thay phân đơn, quy đổi tương đương.
  • 5. Chăm sóc

– Nên ngắt bỏ bớt lá già, lá sâu bệnh đảm bảo ruộng thoáng, hạn chế sâu bệnh, thuận tiện cho chăm sóc, thu hái.

– Tưới nước: có thể sử dụng nước mặt (hồ, ao, sông) hoặc nước ngầm (nước giếng khoan) để tưới; hàm lượng một số hóa chất và kim loại nặng trong nước không vượt mức tối đa cho phép được quy định trong Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN ngày 15/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Định kỳ kiểm tra chất lượng nước tưới theo quy định.

– Không sử dụng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn để tưới trực tiếp.

– Sau khi trồng thường xuyên tưới ẩm cho cây sinh trưởng phát triển bình thường. Giai đoạn cây sinh trưởng thân lá cần đảm bảo đủ nước (luôn duy trì độ ẩm đất từ 70-80%).

– Nếu tưới rãnh sau khi mặt nước đã thấm nước đều phải tháo kiệt, hạn chế đọng nước trên rãnh.

– Các đợt bón thúc đều phải kếp hợp làm cỏ, xới xáo, vun gốc, tưới nước.

6. Phòng trừ sâu bệnh

Biện pháp canh tác, thủ công, sinh học:

Cần áp dụng tối đa các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) như sử dụng bẫy pheromone để phòng trừ sâu xanh bướm trắng ở các giai đoạn sinh trưởng của cây. Quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) nhằm hạn chế thấp nhất việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) như: sử dụng các giống, kháng và nhiễm nhẹ sâu bệnh;

Trước khi trồng vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ, làm đất sớm để trừ trứng, nhộng, sâu non trong đất, xử lý bằng thuốc (Basudin 10H, Vibam 5H,…);

Kết hợp các đợt bón thúc cho cải bẹ cần vơ tỉa lá già, loại bỏ lá bị sâu, bệnh tạo cho ruộng thông thoáng, hạn chế sâu bệnh;

Áp dụng các biện pháp luân canh với cây lúa nước, cây khác họ nhằm hạn chế nguồn phát sinh sâu bệnh hại. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện và phòng trừ sớm sâu bệnh hại;

Dùng biện pháp thủ công: ngắt ổ trứng, bắt giết sâu non khi mật độ sâu thấp (áp dụng với sâu khoang, sâu xanh bướm trắng).

Biện pháp sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV)

– Các nguyên tắc khi sử dụng thuốc BVTV

+ Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi sâu bệnh hại đến ngưỡng phòng trừ theo hướng dẫn của ngành Bảo vệ thực vật.

+ Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên rau. Tuyệt đối không dùng các loại thuốc trong danh mục thuốc cấm và thuốc hạn chế sử dụng hoặc hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc có độ độc cao  (thuộc nhóm độc 1 và 2), thuốc chậm phân hủy trên rau.

+ Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc gốc cúc tổng hợp, các loại thuốc có độ độc thấp (thuộc nhóm 3 trở lên), thuốc có thời gian cách ly ngắn, chóng phân hủy và ít ảnh hưởng đến các loài vi sinh vật có ích trên ruộng.

+ Cần sử dụng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau để tránh sâu nhanh quen thuốc. Tuân thủ nghiêm ngặt nồng độ, thời gian cách ly của từng loại thuốc trước khi thu hoạch theo đúng hướng dẫn của đơn vị sản xuất ghi trên bao bì.

+ Người sản xuất phải nắm vững kỹ thuật sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng nồng độ-liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh hại và thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, trên thông tin bao bì của nhà sản xuất và các cơ quan chuyên môn.

Một số sâu, bệnh hại chính và cách phòng trừ

Bọ nhảy (Phyllotreta Striolata): xuất hiện gây hại trên cải rất sớm, khoảng 5 ngày sau gieo. Gây hại chủ yếu ở giai đoạn 13 – 15 ngày sau gieo. Hoạt chất Abamectin Scorpion 18EC, Elincol 12ME, Tập kỳ 1,8 EC pha (10 -15ml/bình 16 lít nước), …

Sâu xám: Mật độ >3 con/m² xử lý thuốc có hoạt chất Lufenuron (Match 050EC, Lufenron 050EC), hoạt chất Indoxacarb (Ammate 150SC), hoạt chất Permethrin (Pounce 1.5G).

Sâu tơ (Plutella xylostella), sâu ăn tạp (Spodoptera litura), sâu đục nõn (đục ngọn) (Hetula undalis), sâu xanh bướm trắng (Pieris rapae): xử lý thuốc hóa học thế hệ mới có hoạt chất Spinosad (Success 25SC), hoạt chất Indoxacarb (Ammate 150SC), thuốc thảo mộc có hoạt chất Matrine (Marigold 0.36 AS, Sokupi 0.36AS, Sokonec 0.36AS …), thuốc sinh học Bt (Delfin WG, Crymax 35WP, Kuraba WP,…), hoạt chất Emamectin benzoate (Emaben 2.0EC, Rholam 20EC, Susupes 1.9EC, Dylan 2EC…), hoạt chất Abamectin (Elincol 12ME, Kuraba 3.6EC, Vertimec 1.8EC, Soka 24.5EC, Plutel 1.8EC…).

Rệp cải (Brevicoryne brassicae  L.): Là môi giới truyền một số bệnh do virus. Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Oncol 20EC 0,3%, Marshal 200EC 0,2%, Butyl 20WP 0,2%, Trebon 30EC, Actara 25WP, …để phòng trừ.

Chết thắt cây con do nấm Rhizoctonia solani và Pythium ultinum gây ra ở 2 thời kỳ của cây  trước nảy mầm và sau nảy mầm.

Bệnh sương mai do nấm Bremia lactucae gây ra khi độ ẩm đất và không khí quá cao. Dùng Mancozep phun 5 ngày 1 lần, luân canh cây trồng có hiệu quả hơn.

Bệnh thối thân do nấm Sclerotinia sclerotiorum gây ra, vết bệnh xuất hiện ở phần thân gần đất, sau đó lan đến lá bị khô, cây gục xuống và chết, trong thân mô cây bị thối nhũn. Bào tử nấm sống nhiều năm trong đất, dùng giống chống bệnh và phải luân canh với cây trồng khác họ.

Bệnh thối rễ do nấm Pythium ultinum gây ra, xuất hiện khi đất dí chặt, tưới quá nhiều nước, cần làm cho đất thông thoáng, bón thêm vật liệu hữu cơ cho đất tơi xốp. Biện pháp phòng trừ: Luân canh với cây trồng khác, nên gieo cây con có mật độ vừa phải, vệ sinh đồng ruộng, bón đạm và kali cân đối, bón nhiều phân hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học. Xử lý đất và xử lý hạt giống để hạn chế bệnh.

7. Thu hoạch, sơ chế, bảo quản

Thu hoạch

Tiến hành thu hoạch khi cải đủ tuổi, đảm bảo thời gian cách ly, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn cho người tiêu dùng. Thu hoạch vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, thu hoạch nhẹ nhàng, dùng các thùng, rổ nhựa sạch đựng, xếp vào các thùng nhỏ, có kích thước phù hợp, tránh để dập nát, xây sát hoặc tiếp xúc với đất.

Không rửa nước trước khi đóng gói và đưa vào bảo quản cũng như vận chuyển. Thời điểm thu hoạch phải đảm bảo đúng thời gian cách ly theo chỉ dẫn trên bao bì hóa chất, thuốc BVTV.

Sơ chế: Nhà sơ chế, các thiết bị dụng cụ, vật tư, đồ chứa, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định… Chất lượng nước sơ chế tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt theo quy định của Bộ Y tế.

Đóng gói: Trước khi đóng gói, cần loại bỏ lá già, lá sâu bệnh, phân loại, rửa sạch. Đóng gói theo nhu cầu sử dụng, ghi nhãn theo quy định để giúp việc truy nguyên nguồn gốc được dễ dàng.

Bảo quản: Các giống cải ăn lá được bảo quản nơi thoáng mát; có thể làm giàn nhiều tầng để xếp khi vận chuyển (không để chất đống giảm nhiệt độ, giảm hô hấp).