Thuyết minh đi đường của hướng dẫn viên du lịch

Phần mở đầu tuy không chiếm nhiều thời gian của hướng dẫn viên nhưng lại là phần gây ấn tượng ban đầu với du khách một cách sâu sắc nhất. Mục tiêu của phần này cần đạt được là thông tin tới du khách về bản thân hướng dẫn viên và công ty du lịch, thông báo chương trình tham quan, điểm tham quan hấp dẫn. Đồng thời đây cũng là thời gian làm quen với đoàn khách, vì vậy phần này cần phải diễn ra nhanh chóng nhưng thật ấn tượng. Hướng dẫn viên có thể dùng cách giới thiệu hài hước về bản thân mình và dùng ca dao, tục ngữ, điệu hát… để giới thiệu về chương trình tham quan, điểm tham quan của ngày hôm đó. Sau phần mở đầu đầy hấp dẫn, thuyết phục, bài thuyết minh của hướng dẫn viên sẽ tập trung vào nội dung chính của tuyến tham quan đó chính là phần thân bài. Phần này, hướng dẫn viên cần tuân thủ theo trình tự giới thiệu đối tượng tham quan từ đối tượng tham quan đầu tiên tới đối tượng tham quan cuối cùng. Tùy vào phương tiện vận chuyển và loại hình đối tượng tham quan hướng dẫn viên sẽ xây dựng bài thuyết minh cho phù hợp nhất. Nhìn chung trên phương tiện vận chuyển hướng dẫn viên thực hiện công việc thuyết minh nhiều nhất là trên ô tô. Do vừa di chuyển vừa quan sát đối tượng tham quan nên du khách bị hạn chế tầm nhìn, vì vậy bài thuyết minh cần phải ngắn gọn, cô đọng, tập trung vào nội dung chính và làm nổi bật giá trị của đối tượng tham quan. Trước khi phương tiện di chuyển tới gần đối tượng tham quan hướng dẫn viên có thể thông tin tới du khách một số nội dung như tên gọi, vị trí, nhân vật được thờ,… Khi phương tiện vận chuyển tới đối tượng tham quan hướng dẫn viên sẽ chỉ cho du khách những nét độc đáo, đặc sắc nhất của đối tượng tham quan, lúc này du khách vừa nghe thuyết minh vừa nhìn theo sự chỉ dẫn của hướng dẫn viên. Đối tượng tham quan là các cảnh quan, các di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc, điêu khắc, các làng quê… đôi khi có nhiều đối tượng tham quan tập trung tại một điểm tham quan, do đó bài thuyết minh cũng cần xây dựng theo sự sắp xếp của các đối tượng tham quan đó và tránh sự trùng lặp, đơn điệu, dễ gây nhàm chán cho du khách. Số lượng các đối tượng tham quan cần chọn lựa cho vừa phải so với độ dài thời gian của toàn chuyến tham quan, với nhu cầu của khách, trạng thái sức khỏe, tâm lý của khách và loại phương tiện di chuyển,… Bên cạnh đó, khi viết bài thuyết minh hướng dẫn viên cũng cần phải chú ý tới mục đích của chuyến tham quan và lứa tuổi, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch,… của khách du lịch để lựa chọn thông tin thuyết minh cho phù hợp. Có rất nhiều nguồn thông tin để hướng dẫn viên có thể tham khảo cho vào bài thuyết minh như từ các sách báo tạp chí du lịch, từ internet hay từ các chuyên gia, những người dân địa phương, đồng nghiệp… do đó hướng dẫn viên cần phải lựa chọn thông tin chính xác hoặc có nguồn trích dẫn cụ thể. Ngoài phần tiểu kết tại mỗi điểm tham quan trong nội dung thì bài thuyết minh phải có phần kết luận chung, trong đó hướng dẫn viên đánh giá khái quát vấn đề đã giới thiệu trong chuyến tham quan du lịch. Phần này phải làm nổi rõ một lần nữa mục đích của chuyến tham quan và có sự so sánh, đánh giá với đối tượng tham quan cùng loại. Mặt khác, nội dung thông tin tuyên truyền quảng cáo cho chuyến tham quan tiếp theo và những lời nhắn nhủ, mời gọi cũng được thể hiện ở đây cùng với lời cảm ơn của hướng dẫn viên.

Đã có bàn luận hai chiều trong 172 ý kiến phản hồi câu chuyện “Khi hướng dẫn viên (HDV) nói xấu đồng bào”.

Một cách nhắc nhở

Tôi từng là HDV, tôi nghĩ có một số HDV bức xúc khi thấy Việt Nam phát triển thua nhiều nước nên họ phản ảnh để du khách Việt thấy mà so sánh, ngẫm nghĩ. Đó cũng là nói lên sự thật, dù sự thật đôi khi khó nghe. Tôi không cho rằng như vậy là nói xấu, mà chỉ là một cách nêu gương phản diện để nhắc nhở chúng ta học tập và làm tốt.

Một con người hay một quốc gia nếu thật sự cầu tiến thì không nên tự ái khi người khác chê mình ở điểm này, điểm nọ. Từ những lời chê, mình phải nghiêm túc rút kinh nghiệm rồi tự sửa mình, phải phấn đấu cho bằng người ta hoặc hơn mới là cầu tiến. Còn tự ái phản pháo, không tự nhận cái chưa tốt của mình sẽ chẳng bao giờ bằng được người.

Không nên phạt HDV

Tại sao phạt khi họ nói thật lòng những suy nghĩ của mình về những sự thật mà nhiều người cũng công nhận? Có cảm xúc nghĩa là họ có quan tâm. Họ bức xúc vì thấy đất nước mình có nhiều điều chưa tốt mà không giải quyết xong, trong khi các nước khác lại làm được. Mặt khác, HDV này nói cho đoàn người Việt nghe. Ta nói với ta, đâu phải nói với du khách nước ngoài nên cũng không phải là kể xấu cho người ngoài nghe. Phải có người nói lên sự thật như vậy mọi người mới nhìn nhận và suy nghĩ về vấn đề đó chứ.

Tôi mong hiệp hội du lịch đừng phạt những HDV như vậy mà hãy tạo những buổi họp, lắng nghe ý kiến của họ và góp ý để họ trình bày những nội dung này hiệu quả và tích cực hơn. Và tôi cũng mong du khách khi nghe những vấn đề này mà thấy mình trong đó thì hãy thay đổi. Hãy xây cầu đường đúng chất lượng, hãy dạy con em mình đừng xả rác bừa bãi, hãy góp một phần nhỏ vừa tầm vừa sức của mình cho đất nước Việt Nam mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn.

Cách nói chưa phù hợp

Có thể những vấn đề của HDV nêu ra là đúng, song cách nói lại tạo cảm giác là HDV xuất phát từ sự bức xúc của bản thân hơn là bức xúc vì vấn đề xã hội. Bởi vì nếu là bức xúc cho vấn đề xã hội thì bản thân chúng ta từ hành động đến lời nói đều hướng đến việc xây dựng tích cực để đóng góp cho sự thay đổi và phát triển.

Chẳng hạn như để gợi lên vấn đề cho mọi người cùng suy nghĩ và ý thức, HDV có thể nói: “đường chúng ta gồ ghề, chúng ta đang hướng tới sự bằng phẳng tương tự...”, hay như: “Kênh Nhiêu Lộc đang được cải tạo và hướng tới sự trong sạch như con sông Seine này. Tuy nhiên với sự thay đổi về ý thức môi trường của chúng ta còn chậm, nên việc có được con kênh sạch như dòng sông này cho chúng ta tắm mát còn là một vấn đề lớn...”.

Chúng ta hãy thôi những chỉ trích, than phiền vì sẽ không mang lại hiệu ứng tích cực. Thay vào đó, hãy cùng nhau hành động: bỏ rác đúng nơi đúng chỗ, (người dân) tham gia giám sát việc xây dựng các công trình công cộng, cư xử có văn hóa với nhau và với khách du lịch đến nước mình... Mỗi người góp một tay thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.

Giữ hình ảnh “đại sứ văn hóa”

HDV du lịch là nghề giúp du khách hiểu rõ về vùng miền đất nước mà họ đến có những đặc điểm, văn hóa (ẩm thực, nghệ thuật, trang phục...) để họ có thêm kiến thức lịch sử, xã hội... về điểm đến đó. Do vậy, với vai trò là HDV, người làm nghề ấy có thể trở thành “đại sứ văn hóa” giúp du khách biết thêm những vùng miền trên thế giới và của đất nước mình.

Tất nhiên không phải ở đâu, nơi nào, đất nước nào cũng có toàn cái đẹp, cái hay mà ở mỗi nơi vẫn có nhược điểm, tồn tại. Song, HDV không thể lấy cái xấu (chưa phải là bề nổi) ấy để giới thiệu, đem ra cười cợt, tạo thành những hiểu lầm không đáng có trong lòng du khách, nhất là những tồn tại ấy trên quê hương, đất nước mình. Bởi cái gì đẹp thì đôi khi khó nhớ, khó đi vào lòng người hơn là những cái chưa đẹp, chưa hay. Do đó HDV, với phát ngôn của mình, nếu không cẩn trọng có khi sẽ trở thành những hiểu lầm, những ảnh hưởng không đẹp đến hình ảnh đất nước.

Nói như thế không có nghĩa là cứ phải nói tốt hoặc không đụng đến những điều chưa tốt. Có rất nhiều diễn đàn góp ý cho đất nước, cho từng địa phương là nơi để mỗi công dân phát ngôn, bày tỏ tình cảm, đóng góp trên tinh thần xây dựng cho quê hương mình. HDV có thể nêu những bức xúc của mình đúng nơi, đúng chỗ, đó mới là cách đóng góp có ý nghĩa.