Tên thật của anh hùng nguyễn trung trực là gì

Là người con Kiên Giang, chắc hẳn chẳng ai xa lạ với cái tên “Nguyễn Trung Trực”. Cũng như vậy, đình thần anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã trở thành nơi chốn tâm linh thân thuộc cho người dân nơi đây. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước, người ta kể cho nhau nghe câu chuyện về một vị anh hùng với câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. 

TIỂU SỬ & CHIẾN CÔNG

Nguyễn Trung Trực có tên là Nguyễn Văn Lịch, những năm đầu tham gia chống Pháp còn gọi là “Quản Lịch”, “Quản Chơn”. Ông sinh năm 1838, gia đình sống bằng nghề chài lưới, ở Xóm Nghề, ven sông Bến Lức, tỉnh Long An. Nguyễn Văn Lịch là một thiếu niên hiếu động, ham thích võ nghệ, cương trực, giàu lòng nghĩa hiệp. Xóm Nghề là nơi sinh của Nguyễn Trung Trực và là nơi họ tộc của ông sinh sống nhiều đời. Cư dân Xóm Nghề vốn là hậu duệ của lưu dân từ miền Trung đã vượt biển vào Nam xây dựng cuộc sống mới cách nay hơn ba thế kỷ. Nội tổ của Nguyễn Trung Trực là ông Nguyễn Văn Đạo, một ngư dân ở huyện Phù Cát, phủ Quy Nhơn, di cư vào Xóm Nghề trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Ông là một trong những người đầu tiên có công khai phá, lập nên Xóm Nghề. Đến đời thân sinh Nguyễn Trung Trực, gia đình ông đã khá giả, có đất đai hiến cho làng làm công điền, có uy tín trong vùng. Năm 1838, Nguyễn Trung Trực chào đời tại ngôi nhà của mình, nằm sát bờ sông Vàm Cỏ Đông [1]. Thời còn trẻ, ông giỏi cả văn lẫn võ. Nhưng nổi bật nhất là võ nghệ, năm 16 tuổi đã tỉ thí võ đài ở địa phương. Tháng 2/1859, thực dân Pháp đánh thành Gia Ðịnh, ông lập đội nghĩa dũng được nhiều người hưởng ứng, kéo lên ứng cứu. Năm 1861, ông tham gia nghĩa quân của Bình Tây đại nguyên soái Trương Ðịnh, được giao chức Quản đạo. Ðạo quân của ông hoạt động mạnh ở vùng Tân An [Long An] [2]. 

Hai chiến công oanh liệt nhất của ông được nhà văn Huỳnh Mẫn Đạt miêu tả trong bài Điếu Nguyễn Trung Trực: “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa/Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”. Dịch nghĩa bởi thi sĩ Thái Bạch: “Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất/Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần”.

Chiến công đầu tiên

Vàm Nhựt Tảo là nơi gặp nhau của sông Vàm Cỏ và rạch Nhựt Tảo, nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ [Long An]. Lúc Nguyễn Trung Trực chỉ huy trận đánh này thì ông mới 22 tuổi. Thời đó, mỗi chiếc tàu chiến của giặc Pháp là một “pháo đài di động” bất khả xâm phạm và chiếc tiểu hạm L’Espérance [Hy vọng] án ngữ ngay ngã ba sông Vàm Nhựt Tảo như một cái gai làm “xốn mắt” nghĩa quân và nhân dân trong vùng. Đó là một chiếc tiểu hạm bằng gỗ, có chỗ bọc đồng chạy bằng hơi nước, trang bị một đại bác và nhiều vũ khí đa năng, thuộc lớp tàu hiện đại của hải quân Pháp thời ấy. Chỉ huy tàu là viên trung úy Parfait cùng 42 lính.

Những ngày đầu tháng 12/1861, Nguyễn Trung Trực đã lên một kế hoạch thông minh và táo bạo để nhổ “cái gai” này. Trước tiên, ông nhờ các hương chức làng Nhựt Tảo “cố vấn” cho đám lính Pháp đang phải chịu đựng cái nắng khủng khiếp là nên dùng lá dừa lợp mái tàu cho mát. Sáng ngày 10/12/1861 các bô lão của làng lại mời các quan “Lang Sa” lên bờ tham dự buổi hát bội [thực chất là phân tán lực lượng của địch], lại cho vài “du kích” ra khiêu chiến khiến trung úy Parfait bỏ thuyền, dẫn theo một toán lính truy kích. Kết quả: 17 lính Pháp và 20 cộng sự bị giết chết, chỉ có 5 người trốn thoát [2 Pháp, 3 Tagal – tức lính đánh thuê người Philippines]. Bên ta có 4 nghĩa quân hy sinh [3].

Chiến công thứ hai dưới góc nhìn lịch sử kháng chiến và sự hy sinh anh dũng

Năm 1867, thực dân Pháp kéo quân tiến chiếm các tỉnh miền Tây, Ngày 20/6/1867, Pháp chiếm Vĩnh Long, qua ngày 22 chiếm Châu Đốc và ngày 24 chiếm Hà Tiên. Cũng năm đó, vua Tự Đức phong Nguyễn Trung Trực làm Thành thủ úy 7 coi giữ đất Hà Tiên và giao cho Quản Thứ trấn thủ đảo Phú Quốc. Đến Hà Tiên, Nguyễn Trung Trực đưa nghĩa quân rút về Hòn Chông [nay thuộc tỉnh Kiên Giang] lập căn cứ. Về Phú Quốc, sau vài tháng tìm hiểu tình hình, Quản Thứ qua Hòn Chông hội quân và đề nghị Nguyễn Trung Trực đến Phú Quốc lập căn cứ kháng Pháp. Nhưng xét địa thể Phú Quốc là nơi biệt lập, thuận lợi cho phòng thủ nhưng khó phát động tiến công giặc, Nguyễn Trung Trực quyết định để Quản Thứ về Phú Quốc chuẩn bị lực lượng, xây dựng nơi đây thành căn cứ hậu bị. Riêng ông tiếp tục ở lại Hòn Chông chuẩn bị kế hoạch đánh đồn Rạch Giá.

Đêm 15/6/1868, sau thời gian chuẩn bị, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực gồm hai cánh: một do Lâm Quang Ky xuất phát từ Tà Niên [Vĩnh Hòa Hiệp, Kiên Thành] theo đường biển tiến về Rạch Giá, một do Nguyễn Trung Trực chỉ huy từ Hòn Chông tiến đánh đồn Rạch Giá. Kết quả nghĩa quân tiêu diệt 5 võ quan, trong đó có Chánh Phèn – chỉ huy hành chánh tỉnh Hà Tiên, 67 lính, thu 100 súng và nhiều đạn dược. Sau trận đánh, cánh quân do Nguyễn Trung Trực chỉ huy rút về núi Trầu [4].

“Sanh vi tướng, tử vi thần” [Sống làm tướng, chết làm thần]. Sâu trong tâm khảm, người ta tin con người sống vì dân vì nước, sẵn sàng hy sinh tính mạng như cụ Nguyễn khi mất sẽ trở thành vị thần đầy linh thiêng canh giữ vùng đất này.
[Ảnh sưu tầm minh hoạ cụ Nguyễn trước khi bị tử hình].

Hai tuần sau trận đánh, quân Pháp tập trung lực lượng 3 tỉnh miền Tây cùng quan phủ Trần Bá Lộc, lãnh binh Huỳnh Công Tấn [Huỳnh Công Tấn vốn cùng với Nguyễn Trung Trực là tướng dưới trướng Trương Công Định, sau ra đầu hàng thực dân Pháp] và ông huyện Đỗ Hữu Phương trở lại chiếm Kiên Giang. Trước lực lượng hùng hậu của quân Pháp, nghĩa quân bị tổn thất nặng nề. Ông Lâm Quang Ky bị bắt, giả xưng làm Nguyễn Trung Trực để cứu chủ tướng. Ngày 12 tháng 5 âm lịch năm 1868 [Mậu Thân], Lâm Quang Ky cùng một số nghĩa quân khác bị quân Pháp hành quyết tại Rạch Giá [mộ hiện ở Vĩnh Hòa Hiệp]. Đời sau truyền tụng gọi ông là Lê Lai Kiên Giang. Trong khi đó, Nguyễn Trung Trực cùng Cai tổng Kiên gom lực lượng rút về Hòn Chông. Khi đội binh của Domange từ Châu Đốc qua đến Hòn Chông, ông cùng với “ước chừng 40 ghe chở đầy nghĩa quân nhắm hướng Phú Quốc mà trực chi”. Tại Phú Quốc, ông cùng với Quản Thứ mộ thêm dân binh địa phương, xây dựng căn cứ tại Cửa Cạn. Chuẩn bị cho cuộc tiến công Phú Quốc, tháng 9-1868, quân Pháp cho tuần dương hạm nhỏ “Groeland” tuần thám đảo Phú Quốc. Ngày 19-9-1868, quân Pháp do Bouchet Rivière cùng “125 lính mã thiện chiến” của lãnh binh Huỳnh Công Tấn đổ bộ lên làng Hàm Ninh [Phú Quốc]. 

Nhưng trước sức mạnh hùng hậu của quân Pháp, sau hai trận tử chiến, nghĩa quân dân bị đẩy lui về cố thủ ở một khe núi nhỏ hẹp, trong tình trạng thiếu thốn lương thực. Về phía quân Pháp, gặp sự kháng cự mạnh mẽ của nghĩa quân, một mặt theo kế của lãnh binh Tấn, quân Pháp cho người về Hòn Chông bắt mẹ già và gia quyến Nguyễn Trung Trực nhằm uy hiếp nghĩa quân và trao giải thưởng “500 đồng cho ai bắt sống hoặc lấy được thủ cấp của Nguyễn Trung Trực”. Mặt khác, thực dân Pháp ra sức ruồng bố, đốt phá nhà cửa, uy hiếp dân chúng và chặn đứng mọi nguồn tiếp tế cho nghĩa quân. Sau hơn một tháng cầm cự trong tình cảnh thiếu thốn về lương thực, nhằm bảo toàn tính mạng quân sĩ, Nguyễn Trung Trực cho giải tán nghĩa quân. Ông sa vào tay giặc [5].

Về việc Nguyễn Trung Trực sa vào tay thực dân Pháp đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có sách chép: Sau trận đánh đồn Rạch Giá, Nguyễn Trung Trực cùng với nghĩa quân rút về Hòn Chông rồi vượt biển ra Phú Quốc. Tại đây, ông chủ động xây dựng căn cứ kháng Pháp. Nhưng sau 100 ngày với nhiều trận quyết chiến ác liệt, nhân lực, vật lực ngày càng hao kiệt, ông cùng với nghĩa quân quyết định tổ chức trận chiến đấu cuối cùng với giặc. Trận chiến diễn ra rất ác liệt trên biển từ bãi biển Cửa Cạn đến bãi biển Ông Lan. Trong trận chiến, ông bị thương và kiệt sức nên sa vào tay giặc. Phạm Văn Sơn trong Việt Sử tân biên, quyển 5, tập thượng, Sài Gòn 1962, lại ghi: “Hương chức và dân trên đảo bị đội Tấn dọa phải theo và phụ lực với hắn để bao vây bọn ông Trực. Sau hai trận ghê gớm, bọn ông Trực phải trốn vào trong núi. Đội Tấn rượt theo, nghĩa quân bị kẹt trong một khe núi nhỏ hẹp. Cùng đường, bọn ông Trực phải ra hàng…”.

Paul Vial trong cuốn Les premières années de la Cochinchine, Colonie Francaise, Paris, 1874, cũng viết rằng: “Nguyễn Trung Trực chịu nộp mạng, chỉ vì thiếu lương thực và vì mạng sống của bao nghĩa quân đang bị bao vây hàng tháng trời ròng rã tại Phú Quốc”. Thời điểm thất bại của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực cũng là thời điểm đánh dấu sự cai trị chính thức của người Pháp tại Phú Quốc.

Theo Việt sử tân biên, mặc dù Trần Công Tấn đã hết lòng xin tha chết cho Nguyễn Trung Trực nhưng Thống đốc Nam kỳ G.Ohier cương quyết tiệt trừ hậu họa đối với một “Cọp xám miền Tây”. Ngày 27/10/1868 [tức ngày 28/8 năm Mậu Thìn], giặc đưa ông về lại Rạch Giá và sai tên đao phủ Bòn Tưa chém đầu ông tại chợ Rạch Giá. Lúc đó, người anh hùng mới vừa 30 tuổi.

ĐỀN THỜ NGUYỄN TRUNG TRỰC CÙNG NÉT ĐẸP VĂN HOÁ TÂM LINH TRONG LÒNG NGƯỜI DÂN KIÊN GIANG

Để kể về tiểu sử, chiến công và sự hy sinh tạc vào sử sách của ông đã có rất nhiều tài liệu, nghiên cứu, sách vở làm tốt nhiệm vụ này. Ở đây, người viết xin khai thác dưới góc độ văn hoá tâm linh của người dân Kiên Giang một lòng thương tưởng cụ. Tưởng nhớ công đức người anh hùng, nhân dân đảo Phú Quốc xây dựng đền thờ Nguyễn Trung Trực tại xã Gành Dầu. Ngoài ra, đảo Ngọc còn có một đền thờ khác tại cửa Cạn. Còn ở TP. Rạch Giá là đình thần anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Hiện nay, cơ sở thờ Nguyễn Trung Trực là chính thần được xây dựng ở 6 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Long An. Riêng tỉnh Kiên Giang có 13 đình thờ Nguyễn Trung Trực là chính thần [6].

Từ lâu, đền thờ cụ như một nơi rất đỗi thân thuộc cho mọi người. Đặc biệt, ở TP. Rạch Giá còn có công viên với tượng cụ uy nghiêm, sừng sững đứng giữa trời. Mỗi tối, người dân thường hội tụ về vừa nghỉ ngơi, thư giãn, vừa thắp cho cụ một nén nhang. Mọi việc cứ thế nhẹ nhàng, thân thuộc như những người con cháu trong nhà luôn tưởng nhớ tới người ông, tổ tiên của chính mình. Mỗi khi có việc gì nặng lòng, hay khó khăn, người dân lại thì thầm khấn nguyện, mong cụ phù hộ bình an, mọi điều thuận buồm xuôi gió. “Sanh vi tướng, tử vi thần” [Sống làm tướng, chết làm thần]. Sâu trong tâm khảm, người ta tin con người sống vì dân vì nước, sẵn sàng hy sinh tính mạng như cụ Nguyễn khi mất sẽ trở thành vị thần đầy linh thiêng canh giữ vùng đất này. Vì tình thương dành cho người dân của cụ sẽ không thể nào mất đi. Hơn thế, tự người ta nhắc nhau nên sống tốt hơn, vì mảnh đất này có ông Nguyễn luôn ở đó canh giữ cho sự chính trực, không nên làm chuyện bậy bạ hay trái khoáy.

Riêng ở Cửa Cạn, Phú Quốc, dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện về sự linh thiêng của bà lớn tướng Lê Kim Ðịnh, còn có tên bà Ðiều – phu nhân của cụ Nguyễn Trung Trực. Ngư dân Phú Quốc thường đến một ngôi mộ cổ ven biển hoang sơ ở Cửa Cạn lễ trước khi đi biển. Họ cho rằng, đó là di tích của một vị thần cứu hộ gọi là “Bà Lớn Tướng Lê Kim Định”. Nhiều bậc kỳ lão địa phương kể rằng, vào những đêm trăng tròn, ngư dân thường thấy một chiếc tàu kiểu cổ xuất hiện trên mặt biển gần khu vực mộ. Trên tàu có một thiếu phụ trẻ hát ru con rất thê lương. Khi đến gần thì con tàu biến mất. Họ tin rằng, đó là chiếc tàu ma của “Bà Lớn Tướng Lê Kim Định”. Những ngư phủ nào trông thấy con tàu ấy, chắc chắn chuyến đi biển đó sẽ thuận lợi[7]. Dù là câu chuyện mang đầy màu sắc thần thoại, nhưng chính bà đã trở thành nơi chốn gửi gắm ước nguyện bình an cho bao đời ngư dân nơi đây. “Biển cả sông giang, muôn ngàn lắt léo”, cuộc đời người làm nghề đi biển lênh đênh ngoài xa, tính mạng luôn cận kề cửa tử, nhờ có nơi nương tựa tinh thần mà bao đời cố gắng truyền thống bám biển, giữ gìn miền hải đảo của Tổ quốc. 

Đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Gành Dầu, Phú Quốc. [Ảnh sưu tầm]

Cụ Nguyễn và những câu chuyện xung quanh ông đã trở thành sử sách được lưu truyền từ đời này sang đời khác của người dân. Mỗi năm, đến ngày giỗ ông, khắp tỉnh lại nô nức dành thời gian viếng ông để tỏ lòng tri ân sâu sắc. Đây là dịp để mỗi người vừa nâng cao lòng tôn kính, lại vừa ôn lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực tại Kiên Giang dựa trên cơ sở tín ngưỡng dân gian đã góp phần giữ gìn, phát huy đạo lý, tình nghĩa của con người Việt Nam, góp phần khẳng định mình, tạo nên một “con đê” ngăn chặn xu thế đồng hóa dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực nhằm khích lệ các thế hệ làm điều tốt lành, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của cha ông”. Thật vậy, chiến công và những mốc son chói lọi được lưu vào sử sách của ông đã lùi lại rất xa vào quá khứ. Ấy vậy mà oai linh và tôn nghiêm ấy vẫn mãi mãi trường tồn, mặc kệ phong ba gió bụi của thời gian. Thế hệ sau khi lớn lên ở mảnh đất Kiên Giang này cũng không khỏi phần tự hào, và chiêm nghiệm được các bài học từ thế hệ đi trước. Tương truyền khi bị bắt ông Nguyễn được khuyên nên theo Pháp để được an toàn và hưởng lợi lộc. Khi người ta dụ ông nhận một chức lớn gì đó, ông khẳng khái đáp: “Tôi chỉ muốn làm một chức thôi: chức gì mà tôi có quyền chặt đầu tất cả bọn Tây”. Sống liêm khiết, chết thanh bạch, người dân sau này cũng lấy đó làm ngọn đuốc soi sáng lương tâm, sống để mà nhớ lấy. 

Không chỉ riêng anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, mà nhờ những tấm gương của các vị tướng, của các thế hệ cha ông đã ngã xuống, tất cả vì Tổ quốc và đồng bào mà lịch sử, văn hoá nước nhà trở nên son đỏ và đặc biệt đến thế. Một dân tộc quật cường, sản sinh những người con quật cường. Thế hệ hôm nay hãy luôn nhìn vào đó mà học hỏi. 

Hàng năm, vào ngày 27, 28, 29/8 âm lịch hằng năm chúng ta lại có dịp ôn lại và kể cho nhau nghe về những vĩ nhân đã hoá thành hình đất nước như thế. Ngoài phần lễ trang nghiêm được các cấp chính quyền tổ chức, có có phần hội mang đậm tính văn hoá địa phương. Và anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực vẫn luôn là điểm tựa tâm linh, sống mãi trong lòng người dân địa phương nói chung và cả nước nói riêng. 

 

 

Chú thích:

[1] “Nguyễn Trung Trực người anh hùng bất tử đất Nam Bộ”, 2009, Sở Văn hóa, Thể thao và Thể thao tỉnh Kiên Giang xuất bản. 

[2] //baocantho.com.vn/chuyen-ke-dan-gian-ve-anh-hung-nguyen-trung-truc-a126974.html

[3] //thanhnien.vn/theo-dau-nguoi-xua—ky-11-hoa-hong-nhut-tao-oanh-thien-dia-post53558.html

[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia II: Sơn Nam – Ngọc Linh, Nguyễn Trung Trực – Anh hùng dân chài, Ấn quán Đồng Tiến xuất bản, 1959, tr.16.

[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia II: Sơn Nam – Ngọc Lĩnh, Nguyễn Trung Trực – anh hùng dân chài, Ấn quán Đồng Tiến xuất bản, 1959, tr.35,37

[6] //kiengiang.gov.vn/trang/TinTuc/106/3776/Bai-5–Nguyen-Trung-Truc—vi-than-cua-nguoi-dan-Nam-Bo.html

Chủ Đề