Tâm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp nhà báo

Phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện chính trị tại Hà Nội. Ảnh: Duy Linh

Với nhà báo Hồ Quang Lợi [nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam] nhà báo là một danh xưng nghề nghiệp đáng trân trọng, là sự trao truyền thiêng liêng và quý giá. Đạo đức nghề nghiệp quyết định tính chính trực, nhân văn của nghề báo. Một nhà báo giỏi đương nhiên phải là nhà báo có đạo đức, không thể trở thành nhà báo giỏi mà không có đạo đức.

Đạo đức là cốt lõi, là nền tảng của báo chí. Nếu thiếu đạo đức, không chính trực, người làm báo sẽ dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực. Bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp sẽ quyết định chất lượng tác phẩm báo chí, quyết định cả tư thế và đóng góp của nhà báo đó với xã hội.

Không thể phủ nhận vẫn còn một số tờ báo có tình trạng thương mại hóa, chạy theo những thị hiếu rẻ tiền, đưa tin giật gân, câu khách. Có những hiện tượng sai phạm là do vô tình, non kém năng lực tác nghiệp, nhưng cũng có hiện tượng cố ý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm mai một hình ảnh của người làm báo, dẫn đến công chúng suy giảm niềm tin vào báo chí.

Tuy nhiên, xu hướng chủ đạo của báo chí hiện nay vẫn là tích cực, góp phần lan tỏa năng lượng tốt, bồi đắp niềm tin xã hội, bảo vệ và phát huy các giá trị tinh thần, truyền thống cao quý của dân tộc.

Chúng ta tự hào vì đội ngũ báo chí Việt Nam thời gian qua đã luôn vào cuộc một cách kịp thời, trách nhiệm và sáng tạo với tinh thần dấn thân, quả cảm, thực hiện tốt vai trò của mình. Nhiều nhà báo tuổi nghề còn trẻ nhưng đã thể hiện được phẩm giá nghề nghiệp đáng trân trọng, đó là sự kết nối truyền thống rất tốt đẹp giữa các thế hệ người làm báo Việt Nam. Nhìn chung, đội ngũ những người làm báo Việt Nam ngày càng khẳng định mạnh mẽ vai trò không thể thay thế của báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.

Bạn đọc với Báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Công Hùng

Nói về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên [báo Nhân Dân] nghĩ tới câu nói “Thông minh là thiên phú, còn tử tế là một sự lựa chọn”. Dường như, với người làm báo hôm nay, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng là một sự lựa chọn và nhiều khi là sự lựa chọn khó khăn.

Nhà báo buộc phải lựa chọn giữa việc đi tìm sự thật khách quan cho bài viết của mình hay lựa chọn cách tác nghiệp dễ dãi, cẩu thả không kiểm chứng thông tin? Nhà báo lựa chọn cách đưa tin giật gân, dung tục, câu khách hay lựa chọn tính nhân văn, đề cao chân, thiện, mỹ trong các tác phẩm của mình? Lựa chọn đứng dấn thân bất chấp khó khăn đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng hay lựa chọn cách làm báo “salon”, a dua “đánh đấm” theo “đơn đặt hàng”? Những sự lựa chọn ấy làm nên đạo đức của người làm báo…

Trong một nền báo chí lành mạnh, một nền báo chí đạo đức và nhân văn thì sẽ có những “lực hấp dẫn” để nhà báo lựa chọn sự tử tế. “Lực hấp dẫn” ấy không tự nhiên mà có, mà nó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Khi sự tử tế, đạo đức nghề nghiệp trở thành một lựa chọn tự nhiên, khi đó báo chí trở về với giá trí cốt lõi của mình, tạo ra sự đóng góp to lớn cho xã hội.

Còn với nhà báo Song Đào [báo điện tử Tổ quốc], một tác phẩm báo chí có sức ảnh hưởng rất lớn. Nó có thể mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao tình cảm, nhận thức, lòng tin và định hướng hành động cho công chúng, nhưng cũng có thể làm sai lệch nhận thức, suy giảm lòng tin, băng hoại đạo đức thậm chí dẫn đến làm lệch lạc về hành động không chỉ của một cá nhân, một nhóm người mà có thể cả một cộng đồng. Vì thế, bản thân mỗi nhà báo phải xác định rõ trách nhiệm xã hội của mình.

Trong cuộc sống đời thường, trách nhiệm xã hội của nhà báo không khác nhiều với những lĩnh vực nghề nghiệp khác như: Vì lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc, tính trung thực, tính nhân văn,... Nhưng, hơn tất cả, tài sản quý giá nhất của mỗi tòa soạn và các nhà báo chính là lòng tin của độc giả. Để được xã hội tôn trọng, đánh giá cao thì người làm báo có chuyên môn giỏi thôi chưa đủ, mà còn cần ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội trong việc sử dụng ngòi bút để phản ánh vấn đề một cách khách quan.

Trong khi đó, nhà báo Phạm Đình Hiệp [báo Hànộimới] thực tế vẫn còn không ít nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo dọa dẫm, sách nhiễu để vụ lợi, vun vén lợi ích cá nhân, vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để. Không ít người làm báo bị “bẻ cong” ngòi bút, sa ngã, thậm chí rơi vào vòng lao lý.

Đặc biệt là vẫn còn tình trạng một số cơ quan báo chí phục vụ cho mục đích gia tăng lượng độc giả, câu view bằng mọi giá: rút tít giật gân, li kỳ, “sốc, sến, sex”, moi móc chuyện đời tư, miêu tả tỉ mỉ, rùng rợn chuyện vụ án, tìm mọi chiêu thức để làm “nóng” sự việc… Trong khi đó, một số nhà báo ảo tưởng về nghề nghiệp, lợi dụng nghề để vụ lợi, “đánh hội đồng”, dọa dẫm, ép DN, để kẻ xấu lợi dụng…

Chính vì thế đạo đức nhà báo ở đây không chỉ là chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Luật Báo chí cùng các quy định khác, mà nằm ở trong tâm mỗi nhà báo.

Đối với nhà báo Thảo Hương [báo Phụ nữ Thủ đô] với sự phát triển của công nghệ, thời gian qua đã chứng kiến sự bùng nổ của các loại hình báo điện tử và cả mạng xã hội, khiến chưa bao giờ việc lọc thông tin khó như hiện tại. Thông tin giả chưa kiểm chứng rất nhiều. Cũng do sự cạnh tranh gay gắt của thông tin, cơ chế tự chủ tài chính, gần đây báo chí cũng vướng không ít “điều tiếng” khi chạy theo xu hướng thương mại hóa, giật gân câu khách, thậm chí thông tin sai sự thật. Điều đó càng đòi hỏi nhiều hơn yêu cầu nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tăng trách nhiệm xã hội của nhà báo.

Tuy nhiên, đã chọn nghề báo thì phải xác định đây là một nghề không hề đơn giản. Đòi hỏi mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị và đề cao trách nhiệm với xã hội thì mới có thể vượt qua những cám dỗ vật chất. Trách nhiệm xã hội của nhà báo là phải đề cao tính trung thực, tôn trọng sự thật khách quan trong quá trình hoạt động nghiệp vụ; không vì lợi ích cá nhân hay vì một tổ chức, cá nhân nào đó mà đưa tin, viết bài làm sai lệch bản chất vụ việc; hoặc đưa những sự kiện giật gân, không có lợi cho xã hội.

Để làm tốt điều đó, không có gì khác, mỗi nhà báo phải có trách nhiệm với bản thân, với tác phẩm và cơ quan báo chí mình đang công tác. Lao động với tinh thần trách nhiệm cao nhất; hãy viết những điều mắt thấy, tai nghe. Khi viết bài cần đảm bảo yếu tố ngắn gọn, cô đọng, súc tích, sức thuyết phục cao và tuân thủ tôn chỉ, mục đích của tờ báo.

Là một phóng viên trẻ, Nam Khánh [báo Giao thông] luôn tâm niệm, hết mình vì công việc không có nghĩa là “bẻ cong ngòi bút”, lợi dụng “quyền lực thông tin” để đạt được mục đích kinh tế, mưu lợi cá nhân và huyễn hoặc bản thân. Thương hiệu tờ báo sẽ được nâng tầm, lợi ích sẽ sản sinh khi có những thông tin tốt, tuyến bài hay được xây dựng nên từ những người cầm bút có đạo đức, dám thâm nhập, dám dấn thân, dám đối mặt, dám viết vì cộng đồng chứ không vì mình hay lợi ích của một ai đó.

Mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, tôn trọng sự thật, trách nhiệm xã hội cao, không để tiêu cực chi phối, không để tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí. Khoa học - công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp như thế nào, cũng không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh, tính nhân văn của người làm báo.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng

Đạo đức nghề nghiệp được khẳng định là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí, thậm chí trong rất nhiều trường hợp, đạo đức nghề nghiệp còn được nhấn mạnh hơn nghiệp vụ báo chí. Bởi người làm báo có thể học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm về nghiệp vụ, nhưng đạo đức nghề nghiệp là yếu tố thuộc tư chất của con người, mà nổi lên là tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc đối với công việc,… Đây là những yếu tố chỉ có thể hình thành trên cơ sở tự ý thức. Vì thế, để phát triển lành mạnh, tạo dựng uy tín trong xã hội và bạn đọc, mọi nền báo chí luôn coi trọng, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Ở Việt Nam, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đã được luật hóa thông qua Luật Báo chí năm 2016 và gắn liền với vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam. Cụ thể, tại điểm b, khoản 2, Điều 8 Luật Báo chí quy định: Hội Nhà báo Việt Nam “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Quy định này không chỉ khẳng định đạo đức nghề nghiệp là yếu tố hết sức quan trọng đối với mỗi người làm báo, tạo ra hành lang pháp lý đối với người làm báo trong quá trình tác nghiệp mà còn đồng thời khẳng định yếu tố đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí của mọi hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, không phân biệt giữa người làm báo có Thẻ Nhà báo, hay người làm báo không có Thẻ Nhà báo.

Những năm gần đây, hoạt động báo chí ở Việt Nam đã cho thấy nhiều ưu điểm khi tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần vào sự phát triển của đời sống xã hội. Qua báo chí, nhiều tấm gương tốt được biểu dương, nhiều vụ việc tiêu cực được phơi bày, nhiều vấn đề bức xúc được giải quyết… Tuy nhiên, cùng với các thành tựu, vẫn còn một số sai phạm trong hoạt động báo chí tồn tại với biểu hiện, dạng thức khác nhau, và đáng nói là theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, các vi phạm chủ yếu liên quan tới đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, thể hiện qua việc thông tin sai sự thật. Sự kiện nổi bật nhất của các sai phạm là gần đây, hàng loạt tờ báo đăng tải thông tin sai sự thật về nước mắm truyền thống. Hậu quả là dư luận xã hội hết sức hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng và hoạt động sản xuất nước mắm truyền thống cũng như tới thương hiệu hàng hóa của Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế. Một sự kiện đáng tiếc khác là cuối tháng 8-2016, một số tờ báo và trang tin điện tử đồng loạt đưa tin không đúng sự thật về sự việc Ksor Sôn - một cậu bé 11 tuổi ở tỉnh Gia Lai tự tử vì “không có áo mới đến trường”. Sự việc được làm sáng tỏ sau khi cơ quan chức năng xác minh nguyên nhân cậu bé tự tử lại là do bất đồng ý kiến với gia đình, do tâm lý không ổn định của lứa tuổi chứ không từ nguyên nhân như một số báo đã nêu. 14 cơ quan báo chí đăng thông tin này đã bị xử phạt, nhưng thông tin sai sự thật được đăng tải cũng kịp gây dư luận không tốt, và đã bị kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc. Đó mới chỉ là một số sự việc tiêu biểu cho tình trạng đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí thời gian qua. Ngoài ra còn phải kể đến hiện tượng một số báo, trang tin điện tử đăng thông tin giật gân, câu khách, không đúng sự thật qua cách rút tít theo lối “treo đầu dê bán thịt chó”,... Thậm chí, một số bài báo còn cố tình đăng tải thông tin mê tín dị đoan, lẫn lộn hư thực gây hoang mang trong người đọc, tạo hiệu ứng không tốt trong dư luận xã hội. Chưa kể thời gian qua, trong sinh hoạt báo chí còn có hiện tượng một số nhà báo cố tình vi phạm tính chân thực, khách quan để thực hiện hành vi “mưu lợi”, như: lợi dụng danh nghĩa nhà báo tống tiền doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân; viết bài tâng bốc, quảng cáo [có cả quảng cáo không đúng sự thật]…

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 5 năm [2011 - 2015], đã có: 242 lượt cơ quan báo chí bị xử lý vi phạm, phạt tiền 231 lượt cơ quan báo chí hơn 4,6 tỷ đồng; thu hồi 121 thẻ nhà báo [trong đó có 95 thẻ thu hồi do cơ quan báo chí dừng hoạt động và 26 trường hợp bị thu thẻ do có vi phạm]. Năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý hành vi hành chính 37 trường hợp cơ quan báo chí vi phạm, phạt tiền 33 lượt cơ quan báo chí hơn 1,5 tỷ đồng, phạt cảnh cáo bốn trường hợp, phạt tiền gần 800 triệu đồng đối với 18 tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng internet [in-tơ-nét]. Còn tin từ Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch công tác năm 2017 của bốn đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông là: Cục Báo chí, Cục Thông tin đối ngoại, Vụ Thông tin cơ sở, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin cơ sở cho biết thêm: trong năm 2016, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí là gần 1,7 tỷ đồng; 79 trường hợp báo chí bị xử phạt [trong đó sai phạm của báo điện tử là 76, báo in là ba]; 27 quyết định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực truyền hình và thông tin điện tử đã được ban hành. Lý do sai phạm chủ yếu của cơ quan báo chí là thông tin sai sự thật [75 trường hợp]; đồng thời đã phát hiện ra một số sai phạm của cơ quan báo chí như chưa thực hiện đúng các quy định trong giấy phép hoạt động báo chí, vi phạm về nội dung thông tin, quảng cáo…

Trước các hạn chế về đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo, và từ yêu cầu trực tiếp, cụ thể đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, việc Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, là hết sức kịp thời, cần thiết. 10 điều quy định gồm: “1. Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; 2. Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác; 3. Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc; 4. Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; 5. Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác; 6. Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật; 7. Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; 8. Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại; 9. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; 10. Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo”. Mười điều quy định nêu trên thật sự là hệ thống tiêu chí hoàn chỉnh, tương ứng với ý thức công dân, đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Thiết nghĩ, một nền báo chí phát triển lành mạnh, trung thực, có uy tín, luôn nhận được sự tin cậy của bạn đọc là mục tiêu hướng tới của bất kỳ nền báo chí nào. Và nếu lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí cần nêu cao trách nhiệm trong tổ chức, quản lý để bảo đảm tờ báo, trang tin hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và chịu trách nhiệm trước sai phạm, thì mỗi người làm báo cũng cần xác định rõ trách nhiệm của mình. Hiệu quả của công việc và uy tín của mỗi người làm báo luôn luôn phụ thuộc vào sự kết hợp hài hòa giữa trình độ nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, sự say mê nghề nghiệp và khả năng thâm nhập cuộc sống. Để sự thật luôn được lên tiếng, để đem những điều tốt đẹp đến với bạn đọc,… thì sự tự nhận thức, lòng khát khao hướng đến những giá trị nghề nghiệp đích thực, và cống hiến những gì tốt đẹp nhất mình có được,… luôn phải là nhu cầu tự thân của người làm báo, và vì thế, việc tu dưỡng, rèn luyện theo 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam là hết sức quan trọng. Hy vọng trong thời gian tới, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam sẽ sớm trở thành yếu tố cấu thành nên phẩm cách của mọi hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Video liên quan

Chủ Đề