Tại sao giai cấp công dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng

BÁC BỎ QUAN ĐIỂM PHỦ NHẬN SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN THÔNG QUA VIỆC XEM TRÍ THỨC LÀ ĐỘI NGŨ LÃNH ĐẠO XÃ HỘI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng các thế lực thù địch ra sức sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận chủ nghĩa xã hội, xét lại chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong đó, có luận điệu cho rằng, hiện nay trí thức là đội ngũ lãnh đạo xã hội. Điều này đã gây không ít sự ngộ nhận trong các tầng lớp nhân dân, sự mơ hồ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Do vậy, rất cần thiết phải đấu tranh bác bỏ quan điểm trên, chỉ rõ, đó là một sai lầm, không có cơ sở khoa học, thiếu căn cứ thực tiễn. Đồng thời khẳng định lãnh đạo xã hội trong giai đoạn hiện nay là Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

1. Thực chất của quan điểm xem Trí thức là đội ngũ lãnh đạo xã hội trong giai đoạn hiện nay là sự phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, phủ nhận vai trò của đảng cộng sản, phủ nhận chủ nghĩa xã hội, xét lại chủ nghĩa Mác-Lênin

Trong thời gian gần đây, lợi dụng yếu tố thời đại, sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ [KH-CN], các thế lực phản động, thù địch ra sức phủ định tính khoa học, cách mạng, nhân văn và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin. Chúng tập trung tấn công vào những vấn đề nguyên tắc then chốt, luận điểm cơ bản nhất như lý luận hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết giá trị thặng dư,
sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân [SMLS của GGCN], để đi đến phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin.

Một số luận điệu xuyên tạc dựa vào yếu tố thời đại mới để cường điệu hóa vai trò của đội ngũ trí thức, làm lu mờ và phủ nhận SMLS của GGCN, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin. Khi họ đưa ra quan điểm cho rằng, SMLS của GGCN mà chủ nghĩa Mác-Lênin nêu ra chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nó chỉ thích hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và Cách mạng công nghiệp lần thứ hai, chỉ dành cho văn minh cơ khí, bây giờ nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, là thời đại của văn minh tin học, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nên SMLS của GGCN không còn phù hợp nữa, chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị lỗi thời. Ngày nay, trong điều kiện hòa bình, hội nhập quốc tế, thời kỳ của Cách mạng KH-CN lần thứ tư, vai trò lãnh đạo xã hội phải thuộc về đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, những nhà tư tưởng. Chỉ có những nhà khoa học, trí thức mới có thể đưa đất nước phát triển nhanh và sánh được với các nước phát triển trên thế giới.

Một luận điệu xuyên tạc khác nữa là các thế lực phản động, thù địch vội vã kết luận sự phát triển của xã hội ngày nay không phải do cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản [CNTB] và chủ nghĩa xã hội [CNXH] quyết định mà do cách mạng KH-CN quyết định, từ đó họ đi đến một nhận thức sai lầm khác là coi sự phát triển xã hội chỉ gắn với sự phát triển của lực lượng sản xuất, xem thường vai trò của cách mạng quan hệ sản xuất, của đấu tranh giai cấp, phủ nhận tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa [tức phủ nhận SMLS của GCCN].

Thế lực phản động, thù địch còn chỉ ra rằng khoa học càng phát triển, xã hội càng tiến bộ thì số lượng và vai trò của đội ngũ trí thức cũng không ngừng tăng lên đã làm cho đội ngũ trí thức có vị trí chủ đạo trong phát triển xã hội và trở thành lực lượng quyết định cải tạo thế giới. Mặc khác, theo họ trong thời đại trí thức hóa công nhân hiện nay, trí thức đã thực sự trở thành giai cấp và thực tế hiện nay trí thức cũng chiếm một tỷ lệ áp đảo trong tổng số đảng viên của Đảng thuộc các giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội khác nhau và nhiều trí thức giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, điều này cho thấy lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, lãnh đạo xã hội hiện nay là đội ngũ trí thức.

Mấu chốt của những vấn đề trên là các thế lực phản động, thù địch muốn phủ nhận SMLS của GCCN, phủ nhận vai trò của Đảng cộng sản, phủ nhận CNXH, xét lại chủ nghĩa Mác-Lênin.

2. Không có cơ sở khoa học, thiếu căn cứ thực tiễn khi cho rằng Trí thức là đội ngũ lãnh đạo xã hội trong giai đoạn hiện nay

Vai trò quan trọng của trí thức đối với sự phát triển của xã hội là điều không thể phủ nhận, cách đây gần 300 năm, nhà Bác học Lê Qúy Đôn từng khẳng định, Phi trí, bất hưng. Ngày nay, trí thức càng có vai trò to lớn trong cách mạng KH-CN, trong sự phát triển của xã hội. Bằng những đóng góp to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, cùng với những phát minh, sáng chế của trí thức đã làm cho quá trình sản xuất vật chất của công nhân và nông dân đã có thay đổi căn bản, góp phần thay đổi sức sản xuất của xã hội, tạo ra sự phát triển vượt bậc của xã hội và thời đại. Tuy vậy, trí thức không thể là đội ngũ lãnh đạo xã hội trong giai đoạn hiện nay. Bởi vì:

Từ tổng kết thực tiễn lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, một giai cấp đảm nhận vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, lãnh đạo xã hội cần phải có những điều kiện cơ bản sau: Là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ trong xã hội; có hệ tư tưởng riêng phản ánh được quy luật chính trị - xã hội; có lợi ích đại diện cho nhiều giai - tầng xã hội. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, ngoài những điều kiện cơ bản nêu trên, còn đòi hỏi giai cấp này phải có hạt nhân chính trị của giai cấp mình - đó là chính đảng của nó và phải có thêm những phẩm chất cần thiết của một giai cấp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Xét các điều kiện trên thì trí thức không có được điều kiện nào.

Trước hết, trí thức tồn tại với tư cách không phải là một giai cấp, mà chỉ là một đội ngũ xã hội đặc biệt. Từ vị trí của mình trong phân công lao động xã hội, trí thức không có quan hệ riêng và trực tiếp với sở hữu tư liệu sản xuất, không giữ vị trí độc lập trong hệ thống sản xuất, các dấu hiệu quan trọng nhất để xác định giai cấp; do đó, họ không có khả năng đại biểu cho phương thức sản xuất nào, cho nên họ không phải là một lực lượng kinh tế, chính trị độc lập trước các giai cấp và tầng lớp xã hội khác. V.I.Lênin chỉ rõ nếu không nhập cục với một giai cấp thì giới trí thức chỉ là một con số không mà thôi1.

Thứ hai, trí thức cũng không có hệ tư tưởng độc lập, trí thức luôn gắn với những giai cấp nhất định, với tư cách là một đội ngũ và ở trong một thể chế chính trị cụ thể, trí thức nói chung là của giai cấp thống trị do hệ thống giáo dục và đường lối đào tạo của Nhà nước của giai cấp thống trị ấy tạo ra. Đội ngũ này tự giác hoặc không tự giác phục vụ cho chế độ và giai cấp thống trị. Trong lịch sử, một giai cấp chỉ khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình nếu có hệ tư tưởng. Nếu không có hệ tư tưởng thì các phong trào cách mạng chỉ có tính chất tự phát, tạm thời, kiểu lửa rơm chóng tắt2, chứ không thể lay chuyển những khối quần chúng đông đảo, những dân tộc trọn vẹn; rồi đến những giai cấp trọn vẹn trong mỗi dân tộc3, đến chỗ tiến hành những hành động lâu dài đưa đến những biến đổi lịch sử vĩ đại4.

Thứ ba, trí thức không đại diện cho lợi ích nhiều giai - tầng xã hội. Do họ không có lợi ích đối kháng trực tiếp với giai cấp tư sản. Mặt khác, quá trình đấu tranh giai cấp và tác động nhiều mặt về lợi ích đã làm cho trí thức phân hóa thành những bộ phận khác nhau; những bộ phận khác nhau đó sẽ ngã theo lực lượng này hay lực lượng khác, giai cấp này hay giai cấp khác.

Thứ tư, trí thức không có được tinh thần cách mạng triệt để như giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. V.I.Lênin cho rằng: so với giai cấp công nhân thì giới trí thức bao giờ cũng có nhiều tính chất cá nhân chủ nghĩa hơn, ấy là do những điều kiện cơ bản của đời sống và công tác của họ không cho phép họ thống nhất lực lượng một cách trực tiếp và rộng rãi, không cho họ được giáo dục trực tiếp trong lao động tập thể có tổ chức5. Chính từ đặc điểm này, V.I.Lênin luôn luôn cảnh báo về thái độ thờ ơ chính trị của đội ngũ trí thức. Người viết: Người trí thức cấp tiến, người trí thức xã hội chủ nghĩa rất dễ biến thành quan lại của chính phủ nhà vua, thành một anh quan lại tự an ủi rằng ở trong nếp cũ quan trường, mình cũng có ích và viện sự có ích đó để bào chữa cho thái độ lãnh đạm của mình đối với chính trị, bào chữa cho tính nô lệ của mình trước cái chính phủ roi vọt6. Nhìn lại, lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cho thấy, trong giai đoạn đầu của cách mạng vô sản, phần lớn những người trí thức đứng về phía giai cấp tư sản, bảo vệ những quan điểm, lập trường tư sản, phản ánh những lợi ích của giai cấp tư sản. Tuy nhiên, cùng với thực tiễn đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, đội ngũ trí thức ngày càng nhận rõ vai trò và SMLS của GCCN và tìm thấy lợi ích của mình trong cuộc đấu tranh chung đó. Vì thế, ngày càng nhiều trí thức đi theo giai cấp công nhân [GCCN], ủng hộ phong trào đấu tranh của GCCN và nhân dân lao động.

Hiện nay, cùng với sự tăng trưởng, phát triển của kinh tế - xã hội, cuộc sống con người văn minh hơn nên số người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên trong xã hội cũng tăng theo là một tất yếu, nhưng phần lớn trong số đó lại là sự bổ sung cho GCCN những lao động có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu của quá trình lao động trong điều kiện cuộc cách mạnh KH-CN phát triển mạnh mẽ và kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức là một trình độ mới của lực lượng sản xuất hiện đại trong đó vai trò của tri thức, công nghệ ở một số lĩnh vực sản xuất đang tỏ rõ vị thế quan trọng. Xu thế hướng tới kinh tế tri thức là xu thế chung hiện nay để đổi mới cơ cấu kinh tế từ phát triển theo bề rộng sang phát triển theo chiều sâu. Năng suất lao động phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ, tri thức, tay nghề của người lao động. Theo đó, tốc độ trí thức hóa công nhân đang diễn ra khá nhanh và công nhân tri thức đã dần chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lao động xã hội ở các nước phát triển và ngay cả ở nước ta. Do vậy, công nhân tri thức là đại biểu tiêu biểu cho giai cấp công nhân hiện nay. Chính điều này đã làm cho không ít người lầm tưởng rằng trí thức có vị trí chủ đạo trong phát triển nền sản xuất xã hội và trở thành lực lượng quyết định cải tạo thế giới.

Thực tế hiện nay trí thức đang chiếm một tỷ lệ cao trong tổng số đảng viên của Đảng và nhiều trí thức là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Bởi vì, là đảng viên của Đảng cộng sản, không nhất thiết đảng viên đó phải là công nhân mà có thể là nông dân, trí thức, doanh nhân, nhưng điều nhất thiết là họ phải giác ngộ được SMLS của GCCN và đứng trên lập trường, quan điểm, lợi ích của giai cấp công nhân, tức là mang trong mình bản chất của giai cấp cách mạng, nếu phấn đấu, rèn luyện tốt thì họ đều có thể trở thành lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, những đảng viên của Đảng khi trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, thì càng phải có tầm trí tuệ cao, đòi hỏi phải có tri thức, có tầm nhìn sâu rộng. Như V.I.Lênin đòi hỏi: Người lãnh đạo cơ quan nhà nước cần phải có ở mức độ cao, khả năng lôi cuốn mọi người và có đủ trình độ kiến thức khoa học kỹ thuật, vững vàng để kiểm tra công tác của họ. Đó là điều cơ bản không thể thiếu, không như thế thì công tác không thể đúng đắn được7. Do đó, vội vàng cho rằng, trí thức là đội ngũ lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, lãnh đạo xã hội, đó là một kết luận máy móc, siêu hình, không hiểu đúng nội hàm bản chất giai cấp công nhân của đảng.

Mặt khác, thực tế lịch sử cho thấy, trí thức chưa hề thay thế một giai cấp để lãnh đạo một cuộc cách mạng xã hội nhằm thay thế chế độ xã hội này bằng chế độ xã hội khác.

Nên cho rằng Trí thức là đội ngũ lãnh đạo xã hội trong giai đoạn hiện nay là không có cơ sở khoa học, thiếu căn cứ thực tiễn.

3. Lãnh đạo xã hội trong giai đoạn hiện nay là Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

Nếu trí thức tồn tại với tư cách không phải là một giai cấp, không có khả năng đại biểu cho phương thức sản xuất nào, thì GCCN là sản phẩm của quá trình sản xuất công nghiệp hiện đại, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến. Điều này được C.Mác và P.Ăngghen chỉ ra khi nghiên cứu về GCCN ở thế kỷ XIX như sau: GCCN do cuộc cách mạnh công nghiệp sinh ra. Nó là sản phẩm của nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa và được tuyển mộ trong tất cả các giai cấp, tầng lớp của dân cư. Đây là giai cấp thực sự cách mạng và sẽ lớn mạnh cùng với sự phát triển của nền đại công nghiệp. C.Mác và Ph.Ăngghen viết, Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản thì trái lại, là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp8. Do gắn liền với quá trình sản xuất vật chất bằng phương thức công nghiệp, nên GCCN là lực lượng sản xuất hàng đầu, là đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất và là giai cấp quyết định quá trình phát triển của xã hội hiện đại.

Nếu trí thức không đại diện cho lợi ích nhiều giai - tầng xã hội, thì công nhân là giai cấp đại diện cho lợi ích của đông đảo nhân dân lao động. Vì về cơ bản, lợi ích của GCCN là thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Bởi việc xóa bỏ ách áp bức, bóc lột lao động làm thuê, xóa bỏ mọi bất công của xã hội, xây dựng một xã hội mới công bằng, bình đẳng, tiến bộ là ước mơ, nguyện vọng chung của tất cả các tầng lớp nhân dân lao động.

Nếu tinh thần cách mạng của trí thức không triệt để, dễ chao đảo, thì công nhân là giai cấp có tinh thần triệt để cách mạng. Cụ thể, mục tiêu đấu tranh cao nhất của GCCN là xóa bỏ chế độ tư hữu, nguồn gốc sinh ra mọi sự áp bức, bóc lột, bất công, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. GCCN có thêm các phẩm chất cần thiết của một giai cấp lãnh đạo cách mạng như tinh thần quốc tế, đoàn kết giai cấp, tính tổ chức kỷ luật cao. Do gắn liền với phương thức lao động công nghiệp mang tính xã hội hóa cao, GCCN có được những phẩm chất của một giai cấp tiên tiến. Đại công nghiệp và phương thức sản xuất xã hội hóa đã rèn luyện và tạo ra cho GCCN có tính tổ chức, kỷ luật lao động cao làm cho GCCN thống nhất được hành động, thống nhất được lợi ích, qua đó thống nhất được nhận thức, tư tưởng. Tinh thần hợp tác, kỹ năng lao động công nghiệp hiện đại; khả năng đoàn kết giai cấp mình và liên minh với các giai tầng khác trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu chung là được giải phóng khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, xây dựng một xã hội mới mà ở đó, con người được phát triển toàn diện, hài hòa,... những đặc điểm ấy lại chính là những phẩm chất cần thiết cho một giai cấp lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo xã hội.

Nếu trí thức không có hệ tư tưởng độc lập - điều kiện tất yếu để khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình, thì công nhân là giai cấp có hệ tư tưởng riêng của giai cấp mình, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin phản ánh đúng đắn quy luật chính trị - xã hội, là học thuyết soi đường, dẫn lối cho cuộc đấu tranh của GCCN và nhân dân lao động đi đến thắng lợi cuối cùng là xóa bỏ sự thống trị của CNTB, xây dựng thành công CNXH, chủ nghĩa cộng sản. GCCN còn có đội tiên phong của giai cấp mình là Đảng cộng sản - tổ chức của những con người ưu tú từ phong trào cách mạng, nơi hội tụ mọi ước nguyện của sự giải phóng và giá trị tốt đẹp. Với sứ mệnh đó, Đảng cộng sản - đội tiên phong của GCCN là nhân tố quan trọng lãnh đạo thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng.

Tóm lại, trong tất cả các giai cấp tồn tại cùng với GCCN, chỉ có GCCN là giai cấp hội đủ các yếu tố của một giai cấp lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo xã hội. Chỉ có GCCN mới đủ sức cầm ngọn cờ cách mạng định hướng cho con đường đi của lịch sử dân tộc, nhân loại. Như Đảng ta khẳng định: GCCN là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; là lực lượng nòng cốt trong liên minh GCCN với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng9./.

[1] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 1 [1893-1894], Nxb, Chính trị quốc gia, H,2005, tr.552.

[2], [3], [4] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 21, Nxb Chính trị quốc gia, H,1995, tr.438, 438, 438.

[5] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.18.

[6] V.I. Lênin: Toàn tập, tập 2, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, tr.565.

[7] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 45, Nhà xuất bản Tiến bộ Mát-xcơva, 1978, tr.402].

[8] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia, H,1995, tr.38.

[9] Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu nghiên cứu các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa X, Nxb, Chính trị quốc gia, H,2008. tr.15-16.

TS. Phạm Thanh Tâm, Trưởng khoa Lý luận cơ sở - Trường chính trị tỉnh Cà Mau.

Video liên quan

Chủ Đề