Tại sao doanh nghiệp lại đi vay

[ảnh chỉ mang tính minh họa]

Một quốc gia có thể liều mình giữ xếp hạng tín dụng để kéo chi phí lãi vay xuống thấp, nhưng doanh nghiêp thì không phải lúc nào cũng vậy. Xếp hạng tín dụng trung bình của các công ty được Standard & Poor’s đánh giá nay đã giảm từ mức A năm 1981 xuống mức BBB-.

Đó là mức xếp hạng thấp nhất trong “hạng đầu tư”, nói cách khác, chỉ xếp trên trái phiếu “rác” có một bậc [junk bond, trái phiếu hạng đầu cơ]. Điều đó tự nó cho thấy quan niệm của cả chủ nợ lẫn con nợ đều đã đổi thay. Trước kia các tổ chức nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp không được phép mua bất kỳ chứng khoán nào không nằm trong hạng đầu tư.

Trái phiếu có thể bị đánh tụt xuống hạng đầu cơ vì tình hình tài chính công ty xấu đi chứ nó không thể bị xếp hạng đầu cơ ngay từ khi chào bán.

Tuy vậy, trong những năm 70 và 80, Michael Milken từ Công ty Drexel Burnham Lambert nhận ra rằng có một nhóm nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro với một danh mục đa dạng các trái phiếu hạng đầu cơ do khoản lợi suất “thặng dư” chúng mang lại.

Và thực tế, thời gian đã chứng minh lợi suất “thặng dư” từ những trái phiếu này còn vượt quá mức đủ để bù đắp cho nhà đầu tư rủi ro vỡ nợ mà họ phải gánh chịu. Bài học của ông Milken vẫn còn cho đến ngày nay cho dù sau đó Drexel có sụp đổ.

Trong thập niên 1990 và đầu những năm 2000, ngày càng nhiều người muốn giao dịch rủi ro hơn để đạt lợi nhuận lớn hơn vì thu nhập từ tiền mặt và trái phiếu chính phủ giảm dần.

Các quỹ chuyên giao dịch “nợ xấu” nổi lên, họ tìm kiếm các trái phiếu đang bị định giá thấp, phần nào đó cũng giống như các nhà đầu tư giá trị lùng sục và mặc cả trên thị trường cổ phiếu.

Sau khi bong bóng dotcom vỡ, các chuyên gia thống kê khuyến khích quỹ hưu trí đa dạng hóa rủi ro để cổ phiếu không còn đóng vai trò chủ đạo trong danh mục đầu tư của họ nữa.

Một số đợt suy thoái nhẹ chen giữa giai đoạn lãi suất thấp kéo dài khi ấy tạo điều kiện phát triển cho các quỹ đầu cơ và công ty vốn tư nhân vốn dựa vào tiền đi vay để tăng lợi nhuận.

Sự hình thành của một bộ phận nhà đầu tư mới này có thể là nguyên nhân cho những đợt biến động thất thường của chênh lệch lợi suất [lợi suất công ty trả thêm phản ánh rủi ro vỡ nợ của công ty đó].

Vào thời đinh cao bùng nổ tín dụng năm 2006, chênh lệch lợi suất đã giảm tới mức thấp lịch sử. Jay Ritter từ ĐH Florida cho rằng đôi khi thị trường đánh giá thấp rủi ro vỡ nợ của trái phiếu hạng đầu cơ.

Nhà đầu cơ có xu hướng dựa vào tỷ lệ vỡ nợ gần đây, một điều có thể gây ra nhầm lẫn. Bùng nổ phát hành trái phiếu hạng đầu cơ khiến công ty ngập trong tiền mặt. Phải mất vài năm họ mới tiêu hết số tiền đó và cũng phải chừng ấy thời gian mặt trái mới lộ diện.

Đẩy chênh lệch lợi suất thấp xuống, nhà đầu tư cũng giảm luôn cả chi phí vốn vay và khuyến khích công ty vay nợ nhiều thêm. Cùng lúc đó, nhu cầu đạt điểm xếp hạng tín dụng cao đã không lui vào dĩ vãng.

Người ta nói với những ban quản trị đang tích trữ nhiều tiền mặt rằng nên hoàn trả lại chúng cho cổ đông để đầu tư vào nơi khác còn hơn là phung phí vào những vụ mua lại và sáp nhập.

Lý thuyết tài chính doanh nghiệp chuẩn lần đầu được Franco Modigliani và Merton Miller luận giải khẳng định rằng giá trị đối với một doanh nghiệp không có gì khác cho dù nó được tài trợ bởi vay nợ hay vốn cổ phần.

Nhưng lý thuyết bỏ qua việc đánh thuế đối với hai loại hình tài trợ này là khác nhau. Ở hầu hết các nước, chi phí lãi vay được khấu trừ khỏi thuế thu nhập còn tiền chi trả cổ tức thì không.

Có thể chính hệ thống thuế đã khuyến khích doanh nghiệp vay nợ, cho dù ông Ritter nói các nghiên cứu không tìm thấy mấy liên hệ giữa vay nợ và tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Một động lực mạnh hơn của việc vay nợ có thể là thu nhập của giới chức công ty. Thời ấy phần lớn tiền thưởng ở dưới dạng quyền chọn cổ phiếu và giá cổ phiếu nếu có tăng sẽ nhanh chóng biến các lãnh đạo doanh nghiệp thành siêu triệu phú.

Trong ngắn hạn, lực đẩy lớn nhất đối với giá cổ phiếu một công ty là khả năng đạt mục tiêu lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu theo quý. Dùng tiền mặt nhàn rỗi để mua lại cổ phiếu công ty thường là cách để tăng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu.

Đáng lẽ phải ngăn cản các cấp quản lý vay nợ quá nhiều vì càng dùng nhiều đòn bẩy càng rủi ro, nhưng điều đó có vẻ chẳng làm họ lo ngại. CEO thời nay đến và đi chẳng khác nào huấn luyện viên bóng đá. Một chiến thuật rủi ro cao có thể đơm hoa kết trái ngay trong ngắn hạn trong khi tỷ số nợ cao chỉ có thể nhấn chìm công ty trong dài hạn mà thôi.

Minh Tuấn
Theo Economist

Tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng đều qua các năm, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi đi vay vốn ngân hàng.

Số liệu thống kê được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra cho thấy, 3 tháng đầu năm 2019 tín dụng tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018, trong đó: tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 1.307.000 tỷ đồng, tăng 15,57%, chiếm tỷ trọng 18% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, 54% dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, 41% trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, 5% là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Vì sao doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn?

Chia sẻ tại Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp vừa tổ chức, bà Phạm Thị Phương Hoa, giám đốc một công ty chuyên về nông sản và thực phẩm sạch tại Hà Nội cho biết, công ty khởi nghiệp từ năm 2013, đến nay đã có chuỗi 40 cửa hàng về thực phẩm sạch trên toàn quốc.

Để thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, bà Hoa đã "gõ cửa" nhiều ngân hàng nhưng đi đâu bà cũng nhận được câu hỏi: "chị có tài sản gì để thế chấp?". Do không có tài sản thế chấp nên đến nay doanh nghiệp của bà Hoa vẫn chưa thể vay vốn ngân hàng.

"Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đó là tài sản thế chấp", bà Trần Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam cũng bày tỏ khó khăn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ khi vay vốn ngân hàng.

Một thực tế cho thấy, do thủ tục vay ngân hàng khó đã khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ ngại vay vốn nên đã tìm đến nguồn vay tín dụng đen. Trước thực trạng này, bà Hằng kiến nghị: "Ngành ngân hàng cần có các giải pháp để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn tốt hơn".

Lý giải nguyên nhân nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng, ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô nhỏ, đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ có hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch, chiến lược cụ thể. Sức chịu đựng rủi ro thấp, khả năng chống đỡ kém trước biến động của kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp. 

Đặc biệt, năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch, trong khi lại thiếu tài sản đảm bảo. Đây là những lý do chính ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Còn với Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Việt Nam Nguyễn Văn Thân, nguyên nhân bắt nguồn cả từ ngân hàng và doanh nghiệp. Về phía ngân hàng, ông Thân cho rằng, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

Cụ thể Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo các ngân hàng thương mại cổ phần rất quan tâm đến cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên, ở nhiều bộ phận hay nhiều địa phương vẫn còn tình trạng "thờ ơ" với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; Còn về phía doanh nghiệp vừa và nhỏ, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận vẫn còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp do thông tin chưa minh bạch... 

"Chính điều này đã gây khó khăn cho các ngân hàng trong sử dụng các chỉ tiêu tài chính để chấm điểm và xếp hạng tín dụng khi quyết định cho vay vốn", ông Thân chia sẻ.

Cần thêm những giải pháp tối ưu

Trước những khó khăn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp phải, một câu hỏi được giới doanh nghiệp quan tâm, đó là: giải pháp nào để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng?

Trả lời cho câu hỏi này, ông Thân cho rằng, Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp cần đồng hành, ngồi lại trao đổi với nhau để tìm ra giải pháp tối ưu. Bên cạnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét việc hạ thấp điều kiện cho vay, nếu không thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không vay được vốn.

"Vấn đề ở đây là làm sao ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau và để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cần chọn lọc những doanh nghiệp có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời cũng phải chấp nhận một phần rủi ro với doanh nghiệp", ông Thân nhấn mạnh.

Còn bà Lê Thị Mai, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tuấn Minh - một công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng nông sản- kiến nghị: "Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ tốt hơn nữa với các gói vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh ngành hàng nông sản, nông nghiệp. Còn đối với các ngân hàng, nên thiết kế các gói vay tín chấp phù hợp với mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp".

Với quan điểm của cơ quan quản lý, ông Trần Văn Tần cho biết, để kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian tới ngành ngân hàng sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay...

Một trong những giải pháp trọng tâm được Ngân hàng Nhà nước hướng đến trong thời gian tới được ông Tần chỉ ra. Đó là: Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được quy định trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và các văn bản hướng dẫn Luật, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn tổ chức tín dụng, hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Video liên quan

Chủ Đề