Tại sao con người cứ phải hơn thua nhau

Kiếp người ngắn ngủi mấy chục năm, thoáng chốc đã chỉ là cát bụi. Con người đối với nhau lại thường xuyên ganh đua, đấu đá, trong “tình, danh, lợi” mà ngày đêm hao tâm tổn chí, cuối cùng mang theo được những gì?

    Người xưa thường nói: Có lương thực ngàn gánh cũng chỉ ăn một ngày 3 bữa, có căn nhà lớn 10 tầng cũng chỉ ngủ ở một gian, báu vật trăm xe ngựa trong lòng vẫn có buồn phiền, quan to lộc hậu cũng là đi làm hàng ngày, vinh hoa phú quý cũng chỉ là thoảng qua như mây khói! Vậy, sống trên đời vì sao cứ phải tranh giành?

Tại sao con người cứ phải hơn thua nhau

Con người “tranh giành” rốt cuộc là vì điều gì?

  Trong thế giới ồn ào này, người ta lừa gạt, oán trách nhau, đố kỵ nhau đều là kết quả của sự tranh giành. Công khai tranh giành, âm thầm tranh giành, tranh giành lợi ích lớn, tranh giành lợi ích nhỏ, hôm qua tranh giành, hôm nay tranh giành. Rốt cuộc, suy cho cùng, “tranh giành” cũng chỉ để thỏa tâm ích kỷ mà thôi.

  Khi tấm lòng rộng mở một chút sẽ không còn chỗ cho tranh giành tồn tại. Xem nhẹ được - mất, hơn - thua một chút, tranh giành sẽ tan biến. Mong cầu giảm bớt một chút, tranh giành sẽ không trỗi dậy. Xem nhẹ tâm danh lợi một chút, tranh giành sẽ không còn.
Trong cuộc sống, có thể có vô số lý do để chúng ta không phải ra sức tranh giành, nhưng chính vì dục vọng đã khiến cho mỗi người trở thành một chú “sư tử” đói nằm trong bụi cỏ, kìm nén không được.

  Một khi giành giật được “quyền và tiền” trong tay thì hạnh phúc chân thật sẽ mất đi. Tranh giành được “danh lợi” thì niềm vui cũng sẽ không tồn tại. Những thứ không thuộc về mình mà tranh giành được sẽ khiến tâm bất an.

  Nói cách khác, những thứ mà con người vắt óc để nghĩ cách tranh giành được, không phải là “hạnh phúc, niềm vui và an tâm”, mà đôi khi là chuốc lấy “phiền não, thống khổ, thù hận và mệt mỏi” về thể xác và tinh thần.

  Bớt bon chen giành giật, tâm mình trở nên khoáng đạt hơn, tầm nhìn rộng mở hơn, khuôn mặt chúng ta sẽ tươi tắn hơn, nắm tay nhau nhiều hơn, nhường nhịn nhau nhiều hơn, chúng ta chân thành nhiều hơn, nhiệt tình nhiều hơn, bạn bè sẽ nhiều hơn, tình cảm nồng đậm hơn, tâm nguyện sâu sắc hơn và tình yêu thương sẽ lớn hơn, thật hơn.

Tại sao con người cứ phải hơn thua nhau

Không tranh giành bon chen không có nghĩa là lười biếng thụ động

  Mỗi chúng ta ai cũng có hoài bão mơ ước, việc nỗ lực theo đuổi ước mơ là điều nên làm, để chúng ta sống một cuộc đời ý nghĩa, không uổng phí thân người khó được. Tuy nhiên, việc giành giật mọi thứ để đạt được mục đích của mình, bất chấp tất cả lại là vấn đề khác. Khi đó, chúng ta đã để ngoại cảnh chi phối sai khiến, trở thành 1 con rối lăng xăng giữa cuộc đời mà không hay. Chúng ta cần tỉnh táo để nhận ra làn ranh giới mong manh này để không bị lạc lối.

  Biết đủ là hạnh phúc.

Không tranh giành là cảnh giới cao của nhân sinh.

  (St)

Người ta thường dựa vào kinh nghiệm, kiến thức, thế mạnh của mình mà tự cho rằng mình là người hiểu biết, hơn người khác, có quyền này, quyền kia, hay ưu tiên nọ, ưu tiên kia... Đó là nỗi đau, là ung nhọt trong mối quan hệ giữa người với người.

Tại sao con người cứ phải hơn thua nhau

Sống hơn thua với nhau chỉ vì khái niệm ảo!

Khi ước mơ về sự mở trí, về đời sống tinh thần bình yên và ổn định đã đến rồi, một số người an trú được trong thực tại bình yên đó, nhưng một số lại bắt đầu thấy mình có kiến thức, có kinh nghiệm, mình hay, mình giỏi và bắt đầu cũng cố địa vị. Địa vị là một khái niệm, trong khi đó, hạnh phúc là một trạng thái thực không có ý niệm, khái niệm.

Do đó, khi bắt đầu cũng cố địa vị tức là bắt đầu đi vào thế giới khái niệm, cũng tức là đánh mất hạnh phúc. Chúng ta xây dựng sự nghiệp trên khái niệm nghĩa là đang tiến sâu vào khái niệm. Và chính chúng ta đánh mất hạnh phúc mà mình đã có, đã chạm tới. Cái ngã là như vậy - thấy mình hay, giỏi hơn người khác, có quyền hơn, ưu tiên hơn…

Một người sống trong sự ganh ghét, ghen tị, hơn thua làm sao có được hạnh phúc? Nếu cười thì chỉ là giả bộ bên ngoài, chắc chắn bên trong không có hạnh phúc. Người đó giống như gặp món ăn thật ngon, thèm khát mà không ăn được và tự mình đẩy đồ ăn xuống đất.

Tại sao lại như vậy? Vì thấy mình hay hơn, giỏi hơn và thấy mọi người cần phải chú ý, để ý tới mình… Đó chính là cái bẫy mà người đời bị dính. Người ta rất dễ bị sập bẫy khi được người khác khen ngợi.

Không thấy mình có công lao, hay khôn hơn người khác, chúng ta mới hưởng được trọn vẹn hạnh phúc. Vấn đề rất đơn giản như vậy!

Tình thương và sự chân thật - vấn đề khó giữa người với người

Nói tới tình thương giữa người với người là nói tới sự chân thật, cũng chính là không thấy mình hơn người khác. Sự chân thật là gì? Không phải nói thật, làm thật, thẳng tính là chân thật. Quý vị đừng lầm lẫn chỗ này! Chân thật là trong lòng không hề ghen ghét với bất cứ ai. Chân thật là trong tâm hồn, đầu óc không thấy khó chịu vì sự ghen ghét.

Hai chữ tình thương rất sâu và rộng nghĩa, chỉ ra một thế giới sâu thẳm. Không thể định nghĩa tình thương hay yêu là gì. Tất cả mọi định nghĩa về chữ yêu đều không đúng. Khi chữ yêu được dùng trong quan hệ giữa bạn trai và bạn gái, chữ đó đưa người nghe đến chỗ cởi bỏ tất cả mọi khái niệm để đi vào một thế giới sâu thẳm.

Khi cha nói yêu con, nhờ chữ yêu đó, cả một thế giới rất sâu thẳm hiện ra mà chỉ có người cha mới biết. Ngược lại, khi người con nói yêu cha mẹ lắm, chữ yêu đó cũng hiện ra một thế giới sâu thẳm mà chỉ có người nói mới hình dung được, hay chỉ có những người cùng chung cảnh ngộ thương cha mẹ mới hình dung được.

Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)

Theo Đăng lại