Tác giả của lá cờ đỏ sao vàng là ai

Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chống thực dân Pháp [23-11-1940]. Tác giả sáng tạo ra lá cờ nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh này là đồng chí Nguyễn Hữu Tiến [sinh ngày 5-3-1901 tại Hà Nam]. Ông từng là nhà giáo và là Bí thư liên tỉnh ủy Long Xuyên 1939-1940.Tâm huyết của tác giả khi sáng tạo ra lá cờ tổ quốc được khắc họa rõ nét qua bài thơ của ông

Hỡi những ai máu đỏ da vàng

Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc

Nền cờ thắm máu đào vì nước

Sao vàng tươi, da của giống nòi

Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi

Hỡi sỹ nông công thương binh

Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh.

Tháng 5-1941 tại Khui Nậm, Cao Bằng, Lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung Ương VIII quyết định thành lập tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh - đoạn mở đầu chương trình Việt Minh ghi rõ : " Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm Quốc Kỳ". Đây là văn bản đầu tiên, chính thức quy định Quốc Kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng.

Cách Mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Quốc hội khóa đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 đã ghi vào Hiến pháp: " Quốc Kỳ Việt Nam dân chủ cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh"

Sau ngày 30-4-1975 miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non  sông Việt Nam đã liền một dải. Từ ngày 24-6 đến 3-7-1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp tại thủ đô Hà Nội, đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó công nhận lá cờ đỏ sao vàng là Quốc Kỳ nước Cộng Hòa xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 

Chân dung liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến đang ngồi vẽ cờ - tác phẩm của cố nhạc sĩ Văn Cao

2. Ý nghĩa của lá cờ đỏ sao vàng

Nền đỏ tượng trưng cho cách mạng, màu vàng là màu truyền thống tượng trưng cho dân tộc Việt Nam, và năm cánh sao tượng trưng cho năm tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh cùng đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh - đó là hồn nước, là niềm tự hào, là biểu tượng thiêng liêng bất khả xâm phạm của bản sắc dân tộc Việt Nam.

Chủ đề chính: #Quốc_Kỳ_Việt_Nam

Khi về đến thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, ai cũng nhiệt tình chỉ cho tôi đường đến “Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến”, tác giả của lá cờ Tổ quốc, một tấm gương tiêu biểu cho những chiến sĩ cách mạng kiên cường đầu tiên của chi bộ xã Yên Bắc. Nhưng từ lâu, dân Lũng Xuyên thường gọi ông với cái tên gần gũi là ông giáo Hoài. Họ luôn luôn kể về ông với niềm tự hào và lòng nhớ thương vô hạn…

Chân dung liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến do họa sĩ Văn Cao vẽ

Một ông giáo cách mạng

Tình cờ đi qua ngôi đình cổ Lũng Xuyên, tôi được nghe kể nơi đây xưa nhiều thanh thiếu niên đã ngồi gò lưng học bài do thầy giáo Hoài dậy chữ. Tên khai sinh của thầy là Nguyễn Hữu Tiến [sinh năm 1901], còn tên Hoài được gọi một cách trìu mến trong gia đình, họ tộc.

Không chỉ học chữ mà thanh niên trong làng còn được thầy Hoài dậy lễ nghĩa, tình yêu quê hương và tính tự tôn dân tộc. Chính vì thế sau này, khi hoạt động cách mạng, tham gia chi hội đầu tiên của xã, thầy Hoài đã nhanh chóng thu hút được lực lượng trẻ tham gia hoạt động rất tích cực.

Năm 1927, Nguyễn Hữu Tiến đã tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và là Phó Bí thư phụ trách tuyên truyền. Hai năm sau, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành Bí thư Chi bộ đầu tiên tại xã. Nhiều học trò đã theo ông hoạt động cách mạng. Năm 1931, Bí thư Nguyễn Hữu Tiến được bầu làm Tỉnh ủy viên, phụ trách tờ báo “Đỏ búa liềm công nhân” của Hà Nam.

Phong trào cách mạng của Hà Nam ngày một lớn mạnh cùng với lực lượng phát triển khắp nơi làm cho thực dân Pháp hoang mang lo sợ. Ngay lập tức, chúng ra lệnh bắt ông và tuyên án tử hình. Nhưng do các tầng lớp trí thức học sinh phản ứng biểu tình rầm rộ, thực dân Pháp phải hạ xuống mức án tù khổ sai chung thân, đưa vào giam cầm ở nhà lao Hỏa Lò.

Vừa vào tù, Nguyễn Hữu Tiến liền tham gia viết bài cho tạp chí “Lao tù”, và trở thành cây bút chủ lực. Sau đó, thực dân Pháp chuyển ông lên nhà tù Sơn La, cuối cùng đầy ra Côn Đảo.

Với ý chí cách mạng kiên trung, quật cường không chịu khuất phục nơi tù đầy khốc liệt của kẻ thù, chiến sĩ Nguyễn Hữu Tiến đã bàn với các đồng chí trong chi bộ kế hoạch vượt biển trốn khỏi nhà tù Côn Đảo. Đó là một ý tưởng táo bạo và hết sức dũng cảm, bởi sẽ vượt ngục bằng cách nào với sóng to gió lớn, mênh mang biển trời?

Sau nhiều thời gian chuẩn bị, và lần vượt biển thứ nhất không thành vì sóng quá lớn, đến lần thứ hai vào một đêm biển lặng cuối tháng 4/1935, các chiến sĩ đã vượt ngục thành công. Tinh mơ sáng hôm sau, Nguyễn Hữu Tiến và ba người khác đã cập bè vào đất Bạc Liêu, trước sự ngạc nhiên và mừng rỡ của bao người.

Ngay lập tức, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Tiến tiếp tục hoạt động cách mạng ở Liên Tỉnh ủy Long-Châu-Rạch-Hà [gồm Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên], với bí danh là Quế Lâm. Mấy năm sau, phong trào phản kháng ngày một lớn mạnh, nhất là Mặt trận bình dân hết sức sôi nổi, đã khiến thực dân Pháp hoảng sợ. Chúng ra sức đàn áp, khủng bố lực lượng cách mạng địa phương, hòng dập tắt phong trào yêu nước.

Nhưng chúng không thể ngờ rằng, Xứ ủy Nam Kỳ đang khẩn trương chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa. Năm 1939, Nguyễn Hữu Tiến được điều về Sài Gòn - Gia Định tham gia ban lãnh đạo Xứ ủy. Và năm sau, vào tháng 7/1940, ông được tín nhiệm giao nhiệm vụ vẽ lá cờ, làm biểu trưng cho cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ [tháng 11/1940].

Ngôi sao năm cánh trên nền cờ đỏ

Là một người làm báo cách mạng và lại là một thầy giáo, với nhiều vốn liếng văn chương, lịch sử phong phú, lại được tổ chức tin cậy, Nguyễn Hữu Tiến đã có những ý tưởng rất sáng tạo và tìm được ý nghĩa biểu trưng của lá cờ.

Trước hết, phải khẳng định rằng đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, bởi lá cờ tượng trưng cho lời kêu gọi, và là biểu tượng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Biết bao nhiêu hình tượng lần lượt hiện ra trong tâm trí ông giáo làng ngày nào. Những vần thơ yêu nước của các chiến sĩ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… thôi thúc trong trái tim nồng nhiệt của nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến.

Cùng với đó, sự gợi ý về hình ảnh lá cờ đỏ búa liềm của Đảng, và nhất là sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trần Phú lúc ấy, đã như một sự khai thông cho một ý tưởng mà Nguyễn Hữu Tiến đã nung nấu bao ngày đêm. Đó là hình tượng “Ngôi sao năm cánh trên nền cờ đỏ”.

Vậy phải bố cục thế nào đây, và phải “giải mã” cho một biểu tượng ra sao? Điều đó thật không đơn giản. Lại những ngày ròng nghĩ suy về ý nghĩa của ngôi sao năm cánh trên nền cờ đỏ thắm. Rồi bất ngờ trong một đêm, những câu thơ bỗng lóe sáng để lý giải về những cánh sao như một sự thần kỳ.

Nguyễn Hữu Tiến đã hối hả viết ra những câu thơ cháy bỏng: “Hỡi những ai máu đỏ da vàng. Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc. Nền cờ thắm máu đào vì nước. Sao vàng tươi da của giống nòi. Đứng lên mau! Hồn nước gọi ta rồi. Hỡi sĩ, nông, công, thương, binh. Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”.

Vậy là đúng vào ngày 30/7/1940, bản in đầu tiên hình tượng lá cờ đỏ sao vàng trên đá đã được thực hiện, làm mẫu cho hàng ngàn lá cờ khác được đưa đi tới các cơ sở bí mật. Mẫu lá cờ do ông thiết kế đã được in trên trang nhật báo “Tiến lên” cùng với bài thơ trên, kêu gọi nhân dân Việt Nam đoàn kết chiến đấu dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng thật không ngờ, mọi việc vừa hoàn thành thì ông bị địch bắt [tháng 8/1940], và không kịp tham gia cuộc khởi nghĩa vào cuối năm đó.

Cuối cùng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ [23/11/1940] đã không thành công. Nhiều chiến sĩ và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa bị bắt, nhưng ý chí cách mạng của người dân miền Nam vẫn âm thầm mãnh liệt và chờ thời cơ bùng nổ.

Thực dân Pháp muốn ngăn chặn phong trào cách mạng với khí thế đang sục sôi, nên vào ngày 28/8/1941, chúng đã đưa Nguyễn Hữu Tiến cùng các đồng chí lãnh đạo cuộc khởi nghĩa như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần và Hà Huy Tập ra pháp trường xử bắn. Biết trước tình thế hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, Nguyễn Hữu Tiến đã viết những câu thơ rực lửa, trước khi ra pháp trường: “Vĩnh biệt hôm nay có mấy lời. Nhắn cùng đồng chí khắp nơi nơi. Tinh thần để lại cho non nước. Thù hận ghi sâu giữa đất trời. Án chém Hà Nam đà rũ sạch. Khổ sai Côn Đảo đã qua rồi. Anh em đi trọn con đường nhé. Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai”.

Và đúng như vậy, trước đó, vào tháng 5/1941, tại hội nghị Tân Trào chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Quốc dân Đại hội đã nhất trí chọn mẫu cờ do Nguyễn Hữu Tiến vẽ làm Quốc kỳ của nước Việt Nam.

Sau này, khi nhạc sĩ Văn Cao viết “Tiến quân ca” vào cuối năm 1944, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, hình tượng lá cờ đỏ sao vàng cũng đã hiện lên như sự hòa nhập ý tưởng sục sôi cách mạng trong những vần thơ của Nguyễn Hữu Tiến.

Những lời ca rạo rực khí thế chiến đấu với hình ảnh: “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca”, hay “Đoàn quân Việt Nam đi. Sao vàng phấp phới. Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than…”.

Ông Phạm Ngọc Thách trông coi Nhà tưởng niệm

Và hôm nay, khi tôi bước vào “Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến”, đã thấy bức họa chân dung ông do chính nhạc sĩ Văn Cao vẽ. Bên cạnh bức chân dung là bài thơ đầy khí phách của Nguyễn Hữu Tiến viết trước khi ra pháp trường với sự khẳng định sáng ngời chân lý: “Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai”.

Hiện ông Phạm Ngọc Thách, cháu ngoại của liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến, là người trông coi Nhà tưởng niệm. Ông kể, học sinh các trường được đặt tên Nguyễn Hữu Tiến trong huyện Duy Tiên, thường xuyên đến đây thăm viếng.

Cả thầy lẫn trò luôn ôn lại những ký ức hào hùng của nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Hữu Tiến. Các em học sinh đều nhớ bài thơ về lá cờ Tổ quốc mà liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến viết, nhất là những câu kết: “Hồn nước gọi ta rồi. Hỡi sĩ, nông, công, thương, binh. Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”. 

…Thật rưng rưng với bất cứ ai, khi được tận mắt ngắm lá cờ đỏ sao vàng nguyên mẫu cách đây 76 năm mà liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến thiết kế. Tuy ông không phải là họa sĩ, nhưng ông đã vẽ lá cờ với tinh thần cách mạng mạnh mẽ và lòng yêu nước nồng nàn. Và nhà cách mạng tiền bối, liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến mãi là niềm tự hào của quê hương Hà Nam.

Video liên quan

Chủ Đề