So sánh luật việt nam với luật nước ngoài

Vi phạm hợp đồng là hành vi đi ngược lại với cam kết của các bên trong hợp đồng, trái với quy định pháp luật, do đó, pháp luật các quốc gia đều quy định bên có hành vi vi phạm hợp đồng phải chịu những trách nhiệm nhất định, tuy nhiên quy định cụ thể của các quốc gia về vấn đề này có sự khác nhau nhất định. Bài viết phân tích, so sánh quy định của pháp luật Anh và Việt Nam về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, từ đó đưa ra một số đề xuất hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này.

Theo lý thuyết truyền thống, vi phạm hợp đồng là việc thiếu sót trong thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng. Giáo sư người Anh Treitel định nghĩa: “Một vi phạm hợp đồng xảy ra khi một bên không cung cấp được lý do hợp pháp cho sự thiếu sót trong việc thực hiện hợp đồng, từ chối thực hiện hợp đồng, thực hiện không đầy đủ hoặc không có khả năng thực hiện hợp đồng”[2]. Theo đó, sự thiếu sót trong việc thực hiện hợp đồng, việc từ chối thực hiện hợp đồng bị coi là vi phạm hợp đồng khi không có lý do hợp pháp để biện minh. Trong những trường hợp như vậy, pháp luật Anh và Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đều quy định bên vi phạm hợp đồng phải chịu những trách nhiệm pháp lý nhất định. Trách nhiệm pháp lý cơ bản phát sinh do vi phạm hợp đồng được quy định trong pháp luật Anh và pháp luật Việt Nam đều bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại và trách nhiệm thực hiện phạt vi phạm.

1. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Pháp luật Anh quy định hai dạng trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Bồi thường thiệt hại theo luật định [quy định của hệ thống Common law] và bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trước [quy định trong hệ thống Equity]. Đây là điểm khác biệt giữa pháp luật Anh so với pháp luật Việt Nam trong quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng.

1.1. Bồi thường thiệt hại theo luật định

Khi hợp đồng bị chấm dứt do vi phạm hợp đồng, thì bên bị vi phạm còn có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại nếu có vi phạm xảy ra và chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra. Bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại khi vi phạm của họ là một trong những nguyên nhân gây ra thiệt hại của bên bị vi phạm. Ngược lại, nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không chứng minh được được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của bên vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra thì bên vi phạm không phải bồi thường.

Trước đây, pháp luật Anh quy định bên vi phạm hợp đồng chỉ phải bồi thường những khoản thiệt hại về tài sản mà không phải bồi thường những thiệt hại phi tài sản cho bên bị vi phạm [ví dụ như những thiệt hại về mặt tinh thần, uy tín, tình cảm, sự tin tưởng...]. Đây chính là một trong những đặc điểm để phân biệt trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên quan đến hợp đồng với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bởi vì, trong các vụ việc về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bên gây thiệt hại không chỉ phải bồi thường những khoản thiệt hại về tài sản mà còn phải bồi thường những thiệt hại phi tài sản cho bên bị thiệt hại. Tuy nhiên, trong những án lệ gần đây, nguyên tắc này đã được mở rộng, trong một số tình huống nhất định khi hợp đồng chấm dứt do vi phạm hợp đồng, bên cạnh việc yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại về vật chất, thì những tổn thất về tinh thần có thể được tính toán để yêu cầu bồi thường. Ban đầu, việc bồi thường thiệt hại về tinh thần chỉ giới hạn đối với một số hợp đồng mà toàn bộ mục đích của hợp đồng nhằm cung cấp niềm vui, sự thư giãn và nghỉ ngơi [được hiểu là hợp đồng trực tiếp cung cấp các dịch vụ giải trí, nghỉ ngơi. Ngoài ra, cũng có thể hiểu là các hợp đồng cung cấp các sản phẩm phục vụ cho hoạt động giải trí, nghỉ ngơi[3]]. Gần đây, Thượng Nghị viện Anh đã cho phép bên bị vi phạm được quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường những thiệt hại phi tài chính đối với những hợp đồng mà mục đích chính của hợp đồng [không cần thiết phải là toàn bộ mục đích của hợp đồng] là cung cấp niềm vui, thư giãn và sự nghỉ ngơi. Những thiệt hại về tinh thần cũng có thể được bồi thường nếu việc vi phạm hợp đồng dẫn đến những bất tiện hay khó chịu cho bên bị vi phạm. Ngoài ra, trong hợp đồng lao động, việc vi phạm điều khoản trách nhiệm xuất phát từ sự tin tưởng lẫn nhau của các bên có thể dẫn đến những tổn hại về tinh thần, là căn cứ để bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại.

Tại Việt Nam, khoản 1 Điều 419 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này. Cụ thể, Điều 13 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Tiếp đó, Điều 360 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Như vậy, hai điều luật này có nội hàm giống nhau và đều quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại. Quy định như khoản 1 Điều 419 Bộ luật Dân sự năm 2015 mới chỉ làm rõ thiệt hại được bồi thường là lợi ích lẽ ra sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại và chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích do hợp đồng mang lại.

Theo pháp luật Việt Nam, bên cạnh thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần cũng được bồi thường. Khoản 3 Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc. Quy định này nằm trong phần hợp đồng, khác với trước đây, trách nhiệm bồi thường tổn thất tinh thần chỉ được áp dụng cho bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hiện nay đối với các vi phạm hợp đồng trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần vẫn được đặt ra.

Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thiệt hại được bồi thường là toàn bộ thiệt hại phát sinh từ việc vi phạm hợp đồng mà bên bị vi phạm phải gánh chịu, có thể bao gồm: [i] Lợi ích mà đáng ra người có quyền được nhận theo hợp đồng; [ii] Chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại; [iii] Các khoản chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; [iv] Thiệt hại về tinh thần phát sinh từ việc vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định cụ thể để xác định mức bồi thường về tổn thất tinh thần đối với các yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng, mà chỉ quy định mức bồi thường sẽ do Tòa án ấn định căn cứ vào nội dung vụ việc. Theo tác giả, trong thời gian tới, chúng ta có thể vận dụng các quy định trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để xác định mức bồi thường tổn thất về tinh thần.

1.2. Bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trước

Bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trước là khoản tiền cụ thể được các bên thỏa thuận trước trong hợp đồng trong trường hợp có thiệt hại xảy ra và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra. Khi có vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra, Tòa án sẽ cho phép bên bị vi phạm nhận được khoản tiền như đã thỏa thuận từ bên vi phạm, cho dù thiệt hại thực tế xảy ra lớn hơn hay nhỏ hơn khoản tiền đã được các bên thỏa thuận từ trước trong hợp đồng. Điểm khác nhau giữa bồi thường thiệt hại theo luật định và bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trước là:

Thứ nhất, bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trước chỉ được áp dụng trong trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng dưới dạng điều khoản rõ ràng. Điều khoản về bồi thường thiệt hại có thể được thể hiện dưới dạng điều khoản ngầm định được quy định trong luật điều chỉnh hợp đồng hoặc thể hiện dưới dạng điều khoản rõ ràng được các bên quy định trong hợp đồng.

Thứ hai, đối với việc bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trước, khi có vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra, Tòa án sẽ cho phép bên bị vi phạm nhận được khoản tiền như đã thỏa thuận từ bên vi phạm, cho dù thiệt hại thực tế xảy ra lớn hơn hay nhỏ hơn khoản tiền đã được các bên thỏa thuận từ trước trong hợp đồng. Trong khi đó, đối với việc áp dụng chế tài yêu cầu bồi thường thiệt hại theo luật định của hệ thống Common law thì Tòa án sẽ yêu cầu bên vi phạm bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế trực tiếp do hành vi vi phạm gây ra cho bên bị vi phạm [thiệt hại bao nhiêu bồi thường bấy nhiêu].

2. Trách nhiệm thực hiện phạt vi phạm hợp đồng

Theo pháp luật Anh, phạt vi phạm hợp đồng là khoản tiền phạt mà các bên thỏa thuận trước trong hợp đồng trong trường hợp có bất kỳ vi phạm nào [do các bên thỏa thuận quy định rõ trong hợp đồng dưới dạng điều khoản rõ ràng, kể cả có thiệt hại hay chưa có thiệt hại xảy ra], thì bên vi phạm cũng có nghĩa vụ trả khoản tiền phạt này cho bên bị vi phạm. Dù là vi phạm nhỏ hay vi phạm cơ bản, các bên đều có quyền thỏa thuận điều khoản phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng. Vì vậy, trong trường hợp chấm dứt hợp đồng do vi phạm hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng thêm biện pháp phạt vi phạm hợp đồng đối với bên vi phạm nếu các bên đã có thỏa thuận trước điều khoản này trong hợp đồng.

Như vậy, điểm khác nhau giữa trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo luật định của hệ thống Common law và trách nhiệm thực hiện phạt hợp đồng là:

Thứ nhất, trách nhiệm thực hiện phạt vi phạm hợp đồng chỉ phát sinh trong trường hợp các bên có thỏa thuận điều khoản này trong hợp đồng dưới dạng điều khoản rõ ràng. Trong khi, trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được phát sinh khi các bên có thỏa thuận trong điều khoản ngầm định được quy định trong luật điều chỉnh hợp đồng [tức là không cần có sự thỏa thuận trước của các bên] hoặc thể hiện dưới dạng điều khoản rõ ràng được các bên quy định trong hợp đồng.

Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh trong trường hợp có thiệt hại xảy ra và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra; trong khi trách nhiệm thực hiện phạt hợp đồng được áp dụng trong trường hợp chỉ cần có vi phạm [mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng] xảy ra mà không cần có thiệt hại xảy ra hay chưa.

Vì vậy, cần phân biệt rõ số tiền được các bên thỏa thuận trước được quy định trong điều khoản phạt hợp đồng không đồng nghĩa với số tiền bồi thường thiệt hại mà các bên thỏa thuận trước và cũng không phải là khoản yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của hệ thống Common law. Do đó, khi có vi phạm hợp đồng dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng, bên bị vi phạm hoàn toàn có thể áp dụng đồng thời các chế tài trên đối với bên vi phạm nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và/hoặc các điều kiện do các bên thỏa thuận.

Tương tự quy định của pháp luật Anh, theo khoản 1 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam, phạt vi phạm hợp đồng không đương nhiên được áp dụng. Vấn đề phạt chỉ được đặt ra khi các bên có thỏa thuận, như vậy, nếu trong hợp đồng, các bên không có thỏa thuận về phạt vi phạm thì khi có vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm không được yêu cầu phạt hợp đồng. Về mức phạt hợp đồng, khoản 2 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định mức phạt do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Bộ luật Dân sự năm 2015 ưu tiên sự thỏa thuận giữa các bên về mối quan hệ giữa phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại. Theo đó, các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Khoản 3 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm. Như vậy, nếu trong hợp đồng, các bên chỉ thỏa thuận về việc phạt hợp đồng, không nhắc đến bồi thường thiệt hại thì Bộ luật Dân sự không cho phép bên bị vi phạm vừa yêu cầu phạt vừa yêu cầu bồi thường. Quy định này khác với Luật Thương mại năm 2005 và Luật Xây dựng năm 2014 [sửa đổi, bổ sung năm 2020]. Theo đó, khoản 2 Điều 307 Luật Thương mại năm 2005 quy định, trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại; khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014 [sửa đổi, bổ sung năm 2020] quy định, đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, ngoài mức phạt theo thỏa thuận [không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm], bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba [nếu có].

3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vi phạm hợp đồng và trách nhiệm do vi phạm hợp đồng

Một là, bổ sung hình thức bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trước.

So với chế tài bồi thường thiệt hại thực tế đang được quy định trong pháp luật Việt Nam hiện hành, chế tài bồi thường thiệt hại thỏa thuận trước hay bồi thường thiệt hại ước tính có khá nhiều ưu điểm. Khi một bên vi phạm hợp đồng, trong nhiều trường hợp, bên bị thiệt hại rất khó có thể thống kê hết và chứng minh được tất cả các thiệt hại nhất là các thiệt hại như doanh thu, lợi nhuận bị giảm sút, lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai mà bên bị vi phạm phải chịu nếu không có sự vi phạm hợp đồng hoặc các thiệt hại đối với các tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ, uy tín, danh tiếng, bí mật kinh doanh. Bên bị thiệt hại có thể mất nhiều thời gian, công sức và chi phí để thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại nếu áp dụng biện pháp yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế. Ngoài ra, một số chi phí [như phí luật sư] có thể sẽ không được Tòa án chấp nhận. Do đó, trong hợp đồng thương mại, các bên thường thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính một số tiền bồi thường nhất định hoặc theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị hợp đồng hoặc một số công thức với các biến số được thỏa thuận trước nhằm giúp các bên có một cơ chế xác định mức thiệt hại dễ dàng và không mất thời gian. Do đó, thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính góp phần tăng cường và thúc đẩy tự do thương mại trên thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam[4].

Tuy nhiên, khi hình thức bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trước được quy định và áp dụng, pháp luật cần phải xác định giới hạn cho việc áp dụng hình thức bồi thường thiệt hại này theo hướng: [i] Để được áp dụng hình thức bồi thường thiệt hại ước tính khi khởi kiện ra Toà án, các bên cần chứng minh được đã có điều khoản rõ ràng thỏa thuận về việc áp dụng hình thức này. Trong thỏa thuận đó không đơn giản chỉ là nêu ra hình thức bồi thường thiệt này và số tiền và còn phải có phân tích dự liệu thiệt hại có thể xảy ra để chứng minh tính hợp lý của số tiền bồi thường thiệt hại ước tính đưa ra; [ii] Khoản bồi thường thiệt hại ước tính đưa ra phải là mức bồi thường hợp lý, được tính toán dựa trên dự liệu về thiệt hại có thể xảy ra. Về bản chất, bồi thường thiệt hại ước tính là bồi thường thiệt hại chứ không phải phạt vi phạm. Do đó, mục đích của bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trước vẫn là đền bù thiệt hại mà bên vi phạm gây ra cho bên bị vi phạm trong hợp đồng; [iii] Khi đã áp dụng hình thức bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trước cho một hành vi vi phạm hợp đồng nào đó, các bên trong hợp đồng không được yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế phát sinh từ hành vi vi phạm hợp đồng đó nữa.

Hai là, bổ sung quy định cụ thể đối với bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần.

Bên cạnh thiệt hại về vật chất, Điều 419 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tổn thất về tinh thần cũng được bồi thường: Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc [khoản 3 Điều 419]. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 không có các quy định cụ thể để xác định mức bồi thường về tổn thất tinh thần đối với các yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng mà chỉ quy định mức bồi thường sẽ do Tòa án ấn định căn cứ vào nội dung vụ việc. Hiện tại, để áp dụng quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần khi vi phạm hợp đồng, Tòa án phải vận dụng các quy định trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để xác định mức bồi thường tổn thất về tinh thần này.

Ba là, sửa đổi quy định về mối quan hệ giữa biện pháp phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại tại Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Mặc dù, pháp luật Việt Nam đã quy định các chế tài áp dụng trong trường hợp vi phạm hợp đồng nhưng chưa thống nhất giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 với Luật Thương mại năm 2005 và các luật chuyên ngành dẫn đến khó khăn trong thực tế áp dụng và dễ bị hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.

Điều 307 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. 2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Theo đó, có thể hiểu rằng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng sẽ mặc nhiên phát sinh khi có đủ các căn cứ theo Điều 303 Luật Thương mại năm 2005 mà không cần có thỏa thuận áp dụng kèm theo thỏa thuận phạt vi phạm. Hay nói cách khác, bên bị vi phạm trong hợp đồng không cần phải dựa trên một thỏa thuận trước nào đó để có thể có được quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, để có quyền yêu cầu phạt vi phạm thì phải dựa trên thỏa thuận giữa các bên[5]. Cách tiếp cận này của Luật Thương mại năm 2005 cũng giống như Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế năm 2004 [Điều 7.4.1 và Điều 7.4.2] và tương tự như quy định trong pháp luật Anh.

Trong khi đó, khoản 3 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm. Như vậy, quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 có sự khác biệt so với quy định của Luật Thương mại năm 2005. Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 yêu cầu bên bị vi phạm vừa phải có thỏa thuận phạt vi phạm, vừa phải có “yếu tố thỏa thuận” áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại thì mới có thể áp dụng đồng thời. Trong khi đó, theo cách tiếp cận của Luật Thương mại năm 2005, thì chỉ cần có thỏa thuận về phạt vi phạm mà không cần có “yếu tố thỏa thuận” về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm vẫn có thể có quyền áp dụng đồng thời cả hai chế tài. Trong nội tại Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tồn tại sự mâu thuẫn, không thể đồng thời trong một điều khoản lại chứa đựng hai cách thể hiện quan điểm trái ngược nhau như vậy[6].

Có thể thấy, cách tiếp cận mối quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 hợp lý hơn và phù hợp với ý nghĩa, mục đích của bồi thường thiệt hại chủ yếu là trừng phạt, tác động vào ý thức của các chủ thể nhằm giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, phòng ngừa vi phạm hợp đồng. Với mục đích như vậy, phạt vi phạm được áp dụng một cách phổ biến đối với các vi phạm hợp đồng. Khác với phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại là hình thức áp dụng nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất của bên bị vi phạm hợp đồng[7].

ThS. Đặng Thị Hồng Tuyến

Trường Đại học Luật Hà Nội

[1]. Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài “Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng theo pháp luật một số quốc gia từ cách tiếp cận so sánh và kinh nghiệm cho Việt Nam” của Trường Đại học Luật Hà Nội.

[2]. McKendrick, E., [1997], “Breach of Contract”. In: Contract Law. Macmillan Law Masters. Palgrave, London, 1997, p. 341.

[3]. Xem án lệ Ruxley Electronics and Construction Ltd kiện Forsyth [năm 1995].

[4]. Phan Văn Thanh, [2021], “Giá trị pháp lý của thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính theo pháp luật Việt Nam”, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, //lsvn.vn/gia-tri-phap-ly-cua-thoa-thuan-boi-thuong-thiet-hai-uoc-tinh-theo-phap-luat-viet-nam1622797514.html, truy cập ngày 20/4/2023.

[5]. Phùng Thị Phương, “Một số vấn đề về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng”, //tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/mot-so-van-de-ve-boi-thuong-thiet-hai-do-vi-pham-hop-dong.

[6]. Dư Ngọc Bích, “Góp ý điều khoản phạt hợp đồng và mối liên hệ với bồi thường thiệt hại trong dự thảo Bộ luật Dân sự [sửa đổi]”, //tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=186.

[7]. Trường Đại học Luật Hà Nội [2015], Giáo trình Luật thương mại, Tập II, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 55, 56.

Chủ Đề