So sánh 2 nước theo thuyết của geert hofstede năm 2024

“Văn hóa ngang bằng” ở đây không đồng nghĩa với “sự bình đẳng trong xã hội” và bài viết này không có ý định phân tích về sự bình đẳng xã hội. Văn hóa ngang bằng liên quan tới sự ngang bằng giao tiếp, quan hệ giữa các cá nhân trong xã hội và trong tổ chức, và yếu tố này được “lượng hóa” trong lý thuyết “Các chiều văn hóa” của Geert Hofstede, một giáo sư tâm lý học ở Đại học Maastricht, Hà Lan đề ra lần đầu tiên vào năm 1980 và đang được đánh giá cao cho tới ngày nay. Theo lý thuyết này, chỉ số thể hiện sự bất bình đẳng giữa các cá nhân trong tổ chức xã hội và cơ quan được gọi là “chỉ số khoảng cách sức mạnh” (powder distance index, PDI). Nó đại diện cho sự bất bình đẳng giữa các cá nhân trong xã hội (tổng hòa của các yếu tố văn hóa, kinh tế,..), và chỉ số này được lượng hóa thành các con số. Con số càng lớn, sự bất bình đẳng giữa các cá nhân càng lớn. Ví dụ như Hà Lan (quê hương của Hofstede) có chỉ số PDI là 38, so sánh với Arab Saudi (PDI = 80) thì sự bất bình đẳng giữa các cá nhân trong xã hội Hà Lan được cho là thấp hơn của Arab Saudi. Quốc gia có chỉ số PDI thấp thường thể hiện văn hóa đề cao tính cá nhân (sự bình đẳng trong giao tiếp giữa các cá nhân), trong khi chỉ số PDI cao thường thể hiện văn hóa cộng đồng cao (ví dụ như các quốc gia châu Á thường có xu hướng có PDI cao), nơi văn hóa thứ bậc được đề cao.

So sánh 2 nước theo thuyết của geert hofstede năm 2024
Hình 1. Tương quan chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII) và chỉ số khoảng cách sức mạnh (PDI) so sánh một số quốc gia xếp theo chiều tăng của chỉ số PDI (con số đi kèm với tên quốc gia).

Biểu đồ tại hình 1 cho ta thấy một xu hướng khá thú vị trong chỉ số sáng tạo quốc gia (GII) của một số quốc gia trong tương quan với chỉ số PDI khi sắp xếp các quốc gia này theo chiều tăng của chỉ số PDI. Có một xu hướng tương đối rõ là các quốc gia có chỉ số sáng tạo cao thường là các quốc gia có chỉ số PDI thấp (như nhóm Đan Mạch, Áo, Thụy Điển, Anh, Thụy Sĩ,..), còn các quốc gia với chỉ số PDI cao thường đi kèm với chỉ số sáng tạo thấp (điển hình như nhóm quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam). So sánh trong khu vực châu Á cũng có kết quả tương tự, các quốc gia có GII cao thường là nơi có chỉ số PDI thấp (những ví dụ tiêu biểu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông,..). Điều này hợp với logic phổ biến rằng ở những nền văn hóa nơi tính cách cá nhân được đề cao, tính sáng tạo thường có nhiều cơ hội phát triển hơn. Tất nhiên điều này cũng không hoàn toàn tuyệt đối ở một số trường hợp như Singapore, nơi có chỉ số PDI cao hơn so với nhiều quốc gia Châu Âu (nơi PDI thấp) thì chỉ số GII vẫn trong top 10 quốc gia cao nhất thế giới.

Cấu trúc quản lý phẳng

Lý thuyết các chiều văn hóa của Geert Hofstede nhận được nhiều ý kiến ủng hộ ở nhiều quốc gia, và đặc biệt là các quốc gia Bắc Âu, nơi một mô hình quản lý dựa trên lý thuyết này đang được thịnh hành, mô hình cấu trúc quản lý phẳng “flat structure management” nhằm phát huy tối đa các khả năng của mỗi cá nhân. Trong mô hình này, mọi cá nhân trong tổ chức là bình đẳng, khái niệm “ông chủ”, “lãnh đạo” là không rõ ràng. Thay vào đó, hoạt động của nhóm được tổ chức theo kiểu “tự quản lý” (self management), tự do cá nhân được đề cao, nhưng đồng thời hoạt động theo tinh thần hợp tác cao. Các quyết định, các chính sách được đưa ra thông qua thảo luận công khai và tự do trong nhóm để đi đến sự đồng thuận. Đồng thời, tất cả các cá nhân đều có quyền đề xuất các ý tưởng làm việc và tiến hành hiện thực hóa trên nguyên tắc “thảo luận” và “hợp tác”. Cách thức quản lý này đem tới một không khí làm việc hết sức thoải mái mà lại phát huy năng suất lao động tới mức cao độ. Cùng với mô hình quản lý phẳng là văn hóa làm việc cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc thông qua cách thức làm việc linh động nhằm tạo điều kiện cho người lao động được giành nhiều thời gian chăm sóc gia đình mình. Giờ làm việc công sở ở Đan Mạch thường bắt đầu lúc 9h sáng và kết thúc vào lúc 16h hàng ngày, nhưng trên thực tế không ai bị bắt buộc phải làm theo giờ hành chính. Những người có con nhỏ thường kết thúc giờ làm khá sớm để giành thời gian cho gia đình, và có một quy ước bất thành văn là không bao giờ bắt đầu một cuộc họp sau 16h vì đó là thời gian người lao động giành cho gia đình. Người lao động Đan Mạch (hay Bắc Âu) thường được giục giã nghỉ phép để thư giãn nếu trong lịch của họ vẫn còn ngày nghỉ phép. Bạn có thể mường tượng người lao động Bắc Âu cảm thấy thoải mái với công việc như thế nào khi trong tiếng Đan Mạch có từ “arbejdsglæde”, không có từ đồng nghĩa trong tiếng Anh. Arbejde có nghĩa là công sở, glæde có nghĩa là sự hạnh phúc, ghép lại có thể tạm hiểu là “hạnh phúc nơi công sở”. Trong khi người lao động tại nhiều nước cảm thấy mệt mỏi giữa việc hoàn thành công việc và chăm sóc gia đình của mình, thì người lao động ở Đan Mạch lại hoàn toàn ngược lại nhờ truyền thống giúp nhân viên cảm thấy thoải mái khi làm việc từ công ty. Sự thoải mái giúp nâng cao năng suất lao động và phát huy tính sáng tạo, điều này lý giải tại sao các nước Bắc Âu thuộc nhóm những quốc gia có năng suất năng suất lao động cao nhất OECD, và chỉ số sáng tạo thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Việt Nam học được gì?

Khi tôi nói tới mô hình lao động này, chắc chắn nhiều người sẽ suýt xoa giá mình được làm việc như thế này, và chắc chắn nhiều người sẽ phản đối ngay lập tức nếu áp dụng vào Việt Nam. Lý do là người lao động ở Việt Nam đa phần thiếu ý thức lao động, và tùy tiện. Việc áp dụng “quản lý phẳng” sẽ khiến cho nhiều người tùy tiện bỏ việc, và công sở sẽ bị “bỏ hoang”, sản xuất bị đình đốn. Điều chắc chắn nó không thể áp dụng đại trà ở Việt Nam vì các lý do trên, nhưng ở những môi trường làm việc với những người lao động trình độ cao, liệu có thể áp dụng mô hình phẳng và văn hóa làm việc cân bằng giữa gia đình và công việc. Một điều hiển nhiên hiện nay người lao động tại Việt Nam đang bị sức ép nặng giữa kiếm tiền và chăm sóc gia đình, và nhiều gia đình trẻ phải phó mặc việc chăm sóc và dạy dỗ con cho người giúp việc, vốn là những người có trình độ thấp. Và điều này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ tới thế hệ tương lai của đất nước. Mô hình làm việc kiểu Bắc Âu sẽ phần nào giúp giảm bớt gánh nặng này khi nó được áp dụng trong các môi trường làm việc của những người được đào tạo tốt.

Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu (https://www.globalinnovationindex.org), năm 2014, Việt Nam chỉ xếp thứ 71.

Tham khảo chi tiết lý thuyết này trên trang chủ của Geert Hofstede http://geert-hofstede.com/dimensions.html