Sách nói có tốt không

Theo các chuyên gia tâm lý và giáo dục, âm thanh có khả năng tác động mạnh mẽ tới trạng thái cảm xúc cũng như tư duy của chúng ta. Song song đó, hoạt động "nghe" cũng mang nhiều giá trị: nghe để tiếp nhận, nghe để học hỏi, nghe để cảm thụ, nghe để chữa lành... Những ưu thế của hoạt động "nghe" ngày càng được khai thác một cách triệt để khi thế giới bước vào kỷ nguyên số.

Các chuyên gia trong ngành xuất bản và chính người sử dụng đều đồng tình sách nói có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, sách nói giúp giải phóng đôi mắt. Một nghiên cứu tại Hong Kong cho thấy, tỷ lệ cận thị ở trẻ em đã gia tăng đến mức báo động kể từ khi Covid-19 bùng nổ. Nguyên nhân là bởi các hoạt động ngoài trời bị hạn chế, việc học tập hay giải trí của trẻ chuyển sang phụ thuộc vào màn hình điện thoại, máy tính. Còn người lớn, trung bình một người dành 10 giờ mỗi ngày để nhìn vào thiết bị điện tử [và có thể còn hơn nữa trong thời gian giãn cách]. Kích thích thị giác quá mức khiến không chỉ đôi mắt mà ngay cả tinh thần cũng mệt mỏi. Tuy nhiên, khi chúng ta tiếp nhận thông tin bằng hình thức nghe sách - truyện nói, đôi tai sẽ được sử dụng còn đôi mắt được nghỉ ngơi.

Thứ hai, nghe sách nói có thể giúp chúng ta giảm thiểu áp lực về quản lý thời gian. Sự ra đời của những ứng dụng sách nói trên điện thoại thông minh giúp chúng ta có thể nghe sách mọi lúc mọi nơi: trên xe bus, trong thang máy, giờ nghỉ trưa, khi nấu ăn, ủi đồ, rửa bát, đi bộ, thậm chí là khi đang tắm... Nhịp sống bận rộn, nếu các hoạt động được đồng bộ cùng nhau sẽ giúp việc sử dụng thời gian hiệu quả hơn.

Với chiếc smartphone, bé có thể nghe sách nói ở mọi nơi mọi lúc. Ảnh: Freepik

Thứ ba, cũng như sách đọc, sách nói giúp bồi đắp trí tưởng tượng và lòng đồng cảm. Nội dung cộng hưởng với âm thanh làm khơi dậy trí tưởng tượng của người nghe, cho phép họ tự sáng tạo ra một thế giới mang dấu ấn riêng - dù vẫn là bối cảnh, tình huống, nhân vật đó. Các chuyên gia giáo dục cho biết, nghe sách cũng góp phần nuôi dưỡng lòng trắc ẩn. Đối với trẻ nhỏ, mỗi câu chuyện là một trải nghiệm khác biệt. Tâm lý nhân vật, bối cảnh xã hội, niềm tin tín ngưỡng... từ sách có thể giúp trẻ tìm thấy chính mình, đồng thời thấu hiểu hoàn cảnh của người khác, từ đó hình thành nhân cách và trau dồi khả năng nhận thức.

Thứ tư, nghe sách giúp rèn luyện sự tập trung, bởi nghe sách đòi hỏi chúng ta phải thật chuyên chú để cảm nhận được vẻ đẹp cùng sức lôi cuốn của âm thanh, ngôn từ. Sách nói không chỉ là một hình thức giải trí, mà còn cung cấp không gian tư duy ba chiều, bao gồm nhắm mắt, suy nghĩ sâu, tỉ mỉ đánh giá. Trẻ em sẽ học được cách tĩnh tâm và lắng nghe người khác - một mệnh đề quan trọng giúp các em chú tâm nghe giảng trên lớp.

Thứ năm, sách nói có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần. "Nghe sách nói, tôi có cảm giác sống lại thời xưa, mỗi tối nghe bố mẹ thủ thỉ đọc truyện cho nghe", Minh Anh, nhân viên văn phòng tại quận 1, TP HCM chia sẻ. Với rất nhiều người, sách nói đã mang lại không khí êm đềm thời thơ ấu, gợi nhắc về những kỷ niệm nằm trong vòng tay bà, mẹ nghe kể chuyện. Giọng đọc nhẹ nhàng bên tai giúp người nghe phần nào giải tỏa căng thẳng, xoa dịu khối cảm xúc tiêu cực và duy trì tinh thần phấn chấn.

Với những lợi ích như vậy, sách nói ngày càng được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con sử dụng. Theo một khảo sát tiến hành năm 2020 của Statista, công ty nghiên cứu dữ liệu quốc tế có trụ sở tại Đức, 33,5% trẻ em Trung Quốc từ 0-8 tuổi đã nghe sách nói. Ở độ tuổi 9-17, tỷ lệ nghe sách nói của thanh thiếu niên Trung Quốc cũng đạt trên 30%.

Các chuyên gia đánh giá, nghe sách không thể thay thế đọc sách, song mối quan hệ giữa nghe và đọc không hề xung đột, mà là bổ trợ cho nhau. Đối với trẻ mẫu giáo và tiểu học, nghe sách dễ hơn đọc sách, bởi trẻ ở độ tuổi này chưa biết chữ, khả năng đọc chưa mạnh, sẽ gặp những khó khăn trong việc đọc. Mục đích của nghe sách là đưa các bé tiếp xúc với vốn từ và kiến thức phong phú ngay từ sớm, dần hình thành tư duy của bản thân, tìm ra thể loại sách mà mình yêu thích. Khi đến tuổi thích hợp, trẻ đã có nền tảng để sẵn sàng tiến bước vào thế giới đọc chuyên sâu, đọc suy ngẫm.

Vậy nghe sách thế nào cho hiệu quả? Các chuyên gia giáo dục gợi ý nên để con ghi chép hoặc kể lại cuốn sách hay câu chuyện bé đã nghe với người khác. Điều này không chỉ khơi gợi sự thích thú mà còn rèn luyện khả năng sử dụng ngôn từ, tư duy sáng tạo của trẻ. Tất nhiên thái độ của cha mẹ là cực kỳ quan trọng. Thay vì ép buộc và ra chỉ tiêu cho con mỗi ngày phải nghe bao nhiêu phút, cha mẹ hãy đặt sự hứng thú và tinh thần chủ động của con lên hàng đầu.

Ghi chép lại giúp việc nghe sách nói của bé hiệu quả hơn. Ảnh: Freepik

Muốn thế, cha mẹ cần đồng hành cùng con trên chặng đường khám phá này. Cha mẹ có thể xây dựng thói quen nghe sách bằng cách lồng ghép vào không gian sinh hoạt hàng ngày. Thí dụ, với trẻ mới bắt đầu nghe sách, cha mẹ có thể bày ra những món đồ chơi bé yêu thích, cùng lúc đó bật một đoạn sách truyện, để bé vừa chơi vừa nghe. Lâu dần, bé sẽ thấy tò mò và chủ động tìm đến thiết bị phát sách nói. Hoặc với trẻ chỉ thích đọc truyện tranh, xem TV, mỗi buổi sáng thay vì hò hét gọi con thức dậy, cha mẹ hãy thử mở sách nói với âm lượng vừa đủ để trẻ nghe thấy. Bấy giờ sách nói sẽ có công dụng tương tự chuông báo thức, đồng thời từng bước khắc phục tình trạng "nhật thực tri thức" ở trẻ.

Các chuyên gia dự đoán, trong tương lai không xa, có thể sẽ có một thế hệ "nghe sách". Đó là một thế hệ được phát triển từ nghe, đến lắng nghe, rồi cảm thụ vạn vật chung quanh, và tự vẽ nên một thế giới nội tâm phong phú.

Kim Kim

Soundio là ứng dụng giải trí bằng âm thanh tại Việt Nam. Ứng dụng sở hữu kho nội dung âm thanh phong phú, đa lĩnh vực, đa thể loại. Người dùng có thể nghe và đăng tải sách hay truyện nói, podcast, khóa học... trên Soundio hoàn toàn miễn phí.

Chủ Đề