Quất sinh nghĩa là gì

25 Wednesday Mar 2020

Posted by quyank0812 in Film, Review, Youth

≈ Leave a comment

Những ngày thảnh thơi hơn một tẹo vì COVID-19, niềm đam mê thanh xuân vườn trường trong mình lại trỗi dậy. Sau một hồi xin xỏ ý kiến bạn bè, mình chọn được một tên phim là Better Day. Nhưng sau đó với bản tính bốc đồng tuỳ hứng cố hữu, mình lại lướt Netflix và bỗng dưng tìm thấy Thầm yêu [khá khen cho Netflix bây giờ có rất nhiều phim châu Á, mà khá cập nhật nữa]. Là độc giả lẫn khán giả trung thành của Bát Nguyệt Trường An, mình đã nướng hết 24 tập phim trong 1 đêm, hôm sau lại đọc lại truyện gốc. Sau khi đã tốn quá nhiều thời gian và tình cảm như vậy, thiết nghĩ như mọi khi vẫn phải viết ra vài dòng để bõ công và bõ tâm tình thiếu nữ [già] này.

Bát Nguyệt Trường An nói rằng Thầm yêu là tác phẩm mà cô viết nghiêm túc nhất, kiểu như chan chứa nhiều tình cảm và tâm huyết nhất vậy. Giai đoạn cuối của webdrama này, lúc nhà sản xuất và đạo diễn có mâu thuẫn dẫn tới việc đạo diễn bỏ phim, chính tác giả là người nhảy vào hoàn thành nốt. Khi đọc lại truyện lần nữa, quả thực tâm tình của Lạc Chỉ là thứ mà Bát Nguyệt Trường An thực sự đầu tư chỉn chu, điều mà lúc mới đọc truyện mình thực sự chưa cảm được, nhưng đã thấm thêm được dần dần lúc coi phim.

Truyện của tác giả này luôn có một tẹo đặc biệt về tên nhân vật, ví dụ rõ nhất là Cảnh Cảnh Dư Hoài. Nhưng Cảnh Cảnh Dư Hoài chỉ là một trò chơi chữ đồng âm đơn giản, còn hai cái tên của Lạc Chỉ & Thịnh Hoài Nam chứa cả một điển tích, ẩn chứa cả một nỗi niềm phía trong.

Giải thích về tên tác phẩm một chút: Quất sinh Hoài Nam tức là cây quýt mọc ở Hoài Nam [phía Nam sông Hoài], Trung Quốc. Quýt này khi chuyển đến trồng tại phía Bắc sông Hoài trở thành cây chỉ [hay còn gọi là cây quýt hôi, cây tranh gai, một loài cây cùng họ cam quýt]. Thành ngữ này xuất phát từ tích một câu chuyện đối đáp thử trí thông minh giữa Yến Tử thời Xuân Thu và vua nước Sở khi đó, sau này dùng để chỉ hoàn cảnh có thể thay đổi tính chất của sự vật. Quýt mọc ở Hoài Nam là cây quýt, mọc ở Hoài Bắc trở thành cây chỉ, giống tốt chỉ có thể sinh tồn trong môi trường thích hợp với mình. Môi trường tự nhiên có tính quyết định đối với thực vật.

Trong truyện, cô gái tên là Lạc Chỉ, chàng trai tên Thịnh Hoài Nam. Cây Chỉ sinh trưởng ở Hoài Bắc chứ không sống ở Hoài Nam, vì vậy cái tên này có ý muốn nói, đất đai ở nơi anh sẽ mãi mãi không thể cho em kết quả mà em mong muốn, tình yêu thầm kín của em vĩnh viễn cũng không thể nở ra đóa hoa mà anh cần.

Nói thì nói vậy chớ kết của tác phẩm này hạnh phúc vẹn tròn nhé, không phải vĩnh viễn đau khổ như cái tên gợi ý.

Mình thích Thầm yêu ở chỗ nhân vật Lạc Chỉ rất đặc biệt. Mối tình thầm lặng từ năm 5 tuổi [!!!] đến những năm Đại học là thứ đã xây dựng tính cách của cô, làm cho cô trở nên khác biệt hẳn với các nữ chính ngôn tình khác. Lạc Chỉ không yếu đuối bánh bèo cần che chở, thậm chí lúc bắt đầu hẹn hò với Thịnh Hoài Nam, cô bị sượng sùng vì không biết tình huống nào nên tự làm tình huống nào nên nhờ cậy. Lạc Chỉ lại càng không ngu dốt. Lạc Chỉ ở ban Tự nhiên cũng có thể thong dong mà nằm ở tốp trên, vì mơ ước được kéo cờ với Thịnh Hoài Nam mà chuyển sang ban Xã hội, một mình cô được mệnh danh là nữ thần ban Xã hội không có đối thủ. Chỉ là trước ánh sáng chói loà của Thịnh Hoài Nam, Lạc Chỉ qua năm tháng lúc nào cũng thấy mình mãi mãi đi đằng sau, bỗng chốc thu mình lại. Lạc Chỉ là người kiềm chế cảm xúc siêu tốt, được rèn luyện bởi những năm tháng thầm yêu đằng đẵng. Tốt đến mức làm Thịnh Hoài Nam đau đầu bứt tóc không hiểu được suốt giai đoạn đầu, vì cái mà anh biết và cái mà anh thấy quá trái ngược nhau. Nên là bạn nào thích kiểu cường nữ nhưng vẫn có cái kết hạnh phúc, thì Thầm yêu thực sự là một lựa chọn thích hợp. Chu Nhan Mạn Tư vào vai ngọt ngào, có được nét lạnh lùng điềm đạm của Lạc Chỉ trong tưởng tượng của mình, dù vẫn cảm giác còn thiếu một tẹo chiều sâu hay chính xác hơn là nét cao ngạo vô cùng sâu kín cảu Lạc Chỉ. Nhưng thôi cũng tạm ổn. Nhiều người thích Lạc Chỉ trong Điều tuyệt vời nhất của chúng ta, nhưng Lạc Chỉ đó ngọt ngào và toả sáng quá theo mình nghĩ. Lạc Chỉ của Thầm yêu là một cô gái có cuộc đời dâu bể và nội tâm nhiều tầng lớp đan xen, thì một nụ cười quá ngọt quá tươi nó cứ sai sai như nào.

Khi nữ chính mạnh mẽ thì nam chính sẽ không cân xứng, đó là điều hiển nhiên. Điểm mạnh của Thịnh Hoài Nam là combo đẹp trai chói loá học hành như thần [dù dốt Văn thậm tệ] tính tình trăm họ đều thương lại thêm quả gia đình trâm anh thế phiệt [nói xong thấy sự tồn tại của Thịnh Hoài Nam vốn dĩ đã quá phi lý]. Điểm yếu? Là khúc đầu yêu đương không dứt khoát, nam nhi có gì trong đầu cứ giấu giấu thử thử quá ư mỏi mệt đi. Nên đối với mình Thịnh Hoài Nam cũng chỉ là một nam thần như bao nam thần khác, chớ hong đặc biệt, cũng chẳng đáng nhớ [Dư Hoài vẫn là số 1]. Triệu Thuận Nhiên có khuôn mặt dễ thương, vô vai cũng ngọt cũng được hem cha bai gì. Nhưng tại mình không có nhiều ấn tượng với Thịnh Hoài Nam nên cũng vậy thôi.

Trương Minh Thuỵ, ngược lại, lại làm mình ấn tượng nhiều. Chàng trai này đúng là kiểu mẫu cho câu nói “nam chính là của nữ chính, nam phụ là của fan girl”. Ấm áp, hài hước, tình cảm, quan tâm người khác, nói chung là siêu tốt tính. Nhưng số phận nam phụ này không những bị nữ chính hành, mà còn bị bạn cùng phòng hành, rồi còn bị một nữ phụ khác hành tới tận cuối phim mới có được tí chân ái. Ôi thương thay. Đọc dạo vài bài báo thì hoá ra còn có cả nhân vật Tần Thúc Ninh – phiên bản nam của Lạc Chỉ. Nhưng có vẻ thanh niên này đã bị cắt khỏi phim mất rồi.

Mình lười nói nhiều về cốt truyện, chỉ nhận ra là Bát Nguyệt Trường An có vẻ có sở thích hành hạ nam chính ở những thời điểm chí cốt. Nam thần học đường dù sáng như sao Bắc đẩu cũng sẽ bị tác giả ngược ở giai đoạn thi cử hay tốt nghiệp, ngược tới độ không tốt nghiệp được hoặc thi trượt, đời phải sang trang khác. Và sau đó vài năm để nữ chính chờ đợi trong hoang mang mắc mệt, thì mang nam chính trở lại. Cá nhân thấy không vừa lòng cái kiểu kết thúc đó lắm, nhưng thôi ít ra vẫn cho đôi trẻ về lại với nhau đã là vui rồi, trái tim người con gái già không còn chịu nổi những cảnh chia ly đau khổ nữa. Túm lại cho ai đã đọc truyện thì phiên bản này coi cũng được, dù nếu chưa đọc truyện thì sẽ hơi khó hiểu do mạch truyện có tí loạn xạ nhưng không đến nỗi. 7/10.

27 Monday Mar 2017

Posted by quyank0812 in Film, Review, Youth

≈ 2 Comments

Khi viết bài trước, mình rất không ngờ là lại rất nhanh chóng lọt hố một bộ phim thanh xuân vườn trường như thế này. Nói thế nào nhỉ, lọt cái rụp, hơn nữa lại còn là một cái hố rất sâu, cảm giác không biết bao giờ mới trèo lên nổi. Cái hố mang tên “Điều tuyệt vời nhất của chúng ta”.

Mình thích cái tên “Điều tuyệt vời nhất của chúng ta” hơn là “Tuổi thanh xuân bên nhau”. Thứ nhất là vì nó liên kết với một lời thoại trong truyện “Chỉ khi ở bên cạnh nhau chúng ta mới là chúng ta tuyệt vời nhất”, thứ hai là vì nó tách biệt tiêu đề của bộ phim này ra khỏi cái dàn phim cố gắn mác thanh xuân nhan nhản hiện nay như “Thanh xuân của ai không mơ hồ”, “Thanh xuân năm ấy chúng ta từng gặp gỡ”, “Tuổi thanh xuân”, vân vân và mây mây.

“Điều tuyệt vời nhất của chúng ta” là một bộ phim có bối cảnh thanh xuân đúng nghĩa vườn trường theo kiểu mọi thứ diễn ra êm đềm và phẳng lặng trong khuôn khổ lớp học, sân trường, sân bóng. Tình tiết hầu như quá ư là thực, như kiểu nó chính là tường thuật lại cuộc đời cấp 3 của bạn, của mình, của tất cả chúng ta vậy. Mình đọc được đâu đó trên mạng bảo rằng truyện của Bát Nguyệt Trường An rất khó dựng thành phim, bởi vì nó đời thường quá. Quả có phần đúng. Sự bình dị đó hầu như được bảo toàn trên phim, đến mức cái răng khểnh của Dư Hoài cũng y như tưởng tượng của mọi độc giả. Nếu vậy thì làm sao phim lại trở nên đặc biệt? Mình nghĩ đó là nhờ sáng tạo nổi bật nhất của bộ phim – nhân vật Lộ Tinh Hà. Mặc dù nó vừa là thành công mà cũng là thất bại của biên kịch. Thành công khi cải biên được một câu chuyện thanh xuân vốn có bối cảnh rất đỗi bình dị thành một câu chuyện tuổi trẻ có tình yêu dai dẳng và ước mơ hoài bão to lớn. Thành công ở chỗ Lộ Tinh Hà khiến cho những thêm thắt về sự thể hiện tình cảm của cặp đôi chính trở nên hợp lý và tự nhiên. Thất bại ở chỗ biến sự bình dị đó thành một cuộc tình tay ba mà theo ngôn ngữ của cư dân thời nay là “cẩu huyết”.

Nhưng đối với mình đây là một lần hiếm hoi mà điện ảnh vượt mặt sách truyện. Mấu chốt là nhân vật Lộ Tinh Hà đã là xúc tác cho tình cảm của cặp đôi Cảnh Cảnh – Dư Hoài, làm cho sự chờ đợi cả thập kỷ trở nên hợp lý. Chứ cứ như trong truyện, với sự thể hiện tình cảm siêu hạn chế của nhân vật Dư Hoài, thì việc Cảnh Cảnh chờ [dù bớt đi 3 năm so với phim] là quá phi lý. Chả ai giữ thứ tình cảm học trò siêu mơ hồ như trong truyện lâu tới vậy được cả.

Nội dung và tuyến nhân vật – tình cảm trong phim có thể được diễn tả qua nhận xét sau [mà mình đã lượm được đâu đó trên mạng]:

“Lộ Tinh Hà thích Cảnh Cảnh cả thế giới đều biết. Nhưng Dư Hoài thích Cảnh Cảnh chỉ có mỗi Lộ Tinh Hà biết. Beta thích thầy Trương Bình cả thế giới đều biết, chỉ có Trương Bình vờ như không biết. Từ Diên Lượng thích Beta cả thế giới đều biết, chỉ có Beta vô tư coi như không biết gì. Giản Đơn thích Hàn Tự cả vũ trụ đều biết, Hàn Tự biết hay không chỉ có Hàn Tự rõ. Chỉ có, Lạc Chỉ thích Thịnh Hoài Nam, ai cũng không biết. Thịnh Hoài Nam yêu Lạc Chỉ, cả thế giới đều biết.”

Nhận xét trên mình nghĩ có một vài điểm cần sửa lại: Dư Hoài thích Cảnh Cảnh có Lộ Tinh Hà và Chu Mạt biết. Beta thích thầy Trương Bình thực ra cũng chỉ vài người biết. Thịnh Hoài Nam yêu Lạc Chỉ, đến cuối chúng ta mới biết.

Nói về tuyến tình cảm chính: Dư Hoài – Cảnh Cảnh – Lộ Tinh Hà trước đi. Thực ra thanh xuân có hai loại người đáng hâm mộ nhất: một là loại có can đảm nói ra và theo đuổi người mình thích, hai là loại biết mình đam mê điều gì, có một con đường rõ ràng [dù có thể đạt được hay không] và cố gắng theo đuổi nó. Theo định nghĩa đó của mình, thì Lộ Tinh Hà đáng hâm mộ gấp đôi Dư Hoài. Nhưng mình sẽ không đi so sánh giữa Dư Hoài và Lộ Tinh Hà, vì đối với trường hợp này trái tim mình đã hoàn toàn theo thuyền Dư Hoài, không thể bàn cãi. Vả chăng phim không tạo đất cho Lộ Tinh Hà diễn, nên cũng không thể bồi đắp được nhiều tình cảm trong lòng người xem hơn nữa.

Dư Hoài và Cảnh Cảnh chờ đợi 10 năm như vậy, nhiều người nói là quá phi lý. Nhưng mình tin là nếu bê truyện/phim này ra đời, đoạn kết cũng sẽ diễn ra như vậy. Bởi vì Dư Hoài trong suốt 10 năm đó đối mặt với bao nhiêu khó khăn, về cơ bản không có cơ hội tiếp xúc với những người mới, nên thứ mà cậu bấu víu vào là hình ảnh của Cảnh Cảnh thời thanh xuân. Còn đối với Cảnh Cảnh, bị bỏ rơi lơ lửng không hồi kết như thế, với tính cách trầm lặng như thế, lại luôn có Lộ Tinh Hà ở bên gợi nhắc những đoạn thời gian cũ như thế, cũng sẽ khó lòng mà quên được. Hoặc giả có tạm quên nhưng thực ra sóng trong lòng chỉ cần đợi đúng gió lại nổi lên. Cho nên mình nghĩ kết cục như vậy là điều có thể xảy ra thật. Tất nhiên, với điều kiện là phải tồn tại một Dư Hoài như thế, thì Cảnh Cảnh mới vấn vương sâu nặng nhường ấy mà chờ được. Đúng, với điều kiện là một Dư Hoài rạng rỡ như nắng mai như thế.

Nói riêng về nhân vật Dư Hoài, vì đây là người đã kéo mình chìm sâu rất sâu trong cái hố tự đào ra =]]]. Điều làm fangirl, lẫn các fan bà chị, bà thím, bà cô như mình say mê là việc ai cũng cảm thấy nhân vật Dư Hoài rất thân thuộc. Dẫu trong đời thật bạn đóng vai Cảnh Cảnh, Lạc Chỉ, Văn Tiêu Tiêu hay 99% là một cô nàng vô danh chả ai thèm biết đến, thì hầu như ai cũng có một “Dư Hoài” trong lòng, dù theo mình Dư Hoài có 50% rất thật và 50% rất ảo. 50% rất thật ấy là việc tuy bạn là siêu nhân  các môn Tự nhiên nhưng lại học kém Văn và Tiếng Anh. Rất thật ở điểm Dư Hoài không phải lúc nào cũng thành tích tuyệt đối, không phải người luôn đứng đầu lớp đầu trường ở vị trí tuyệt đối, hơn nữa còn có những thất bại để đời. Mình rất thích đoạn lúc Dư Hoài và Cảnh Cảnh đứng trên sân thượng, Dư Hoài vốn luôn tự tin hơi lố thổ lộ rằng mình không giỏi toàn diện như Chu Mạt, Thịnh Hoài Nam, không thể tập trung cho nhiều thứ một lúc mà phải có trọng tâm. Việc thừa nhận mình thua người khác, bằng một cách nào đó, lại nâng tầm cho hình tượng Dư Hoài. Cậu cũng là một chàng trai mười mấy tuổi, cũng mê game, thể thao, cũng biết gái đẹp, cũng cúp học, cúp lao động như mấy thằng bạn mình mà thôi. Dư Hoài che đậy những yếu đuối bằng sự tự tin với mọi người và chỉ dám để lộ nó ra với người mà cậu thương là Cảnh Cảnh. Đó là những điểm ở Dư Hoài mà mình thấy rất thật. 50% rất ảo nằm ở điểm là Dư Hoài quá ư tinh tế và một lòng một dạ với Cảnh Cảnh ngay từ những ngày tháng đi học.

“Cậu ấy của năm đó chính là cậu ấy tuyệt vời nhất. Nhưng tôi của mãi sau này mới là tôi tuyệt vời nhất. Giữa những con người tuyệt vời nhất của chúng tôi cách nhau một tuổi trẻ. Dù chạy thế nào cũng không thể thắng được thanh xuân.”

Bao năm nay mình cứ thấy câu trích này ở muôn nơi, nhưng mãi đến hôm nay mới biết được nó xuất phát từ đâu. Thực ra lúc đọc riêng rẽ thì thấy hay và ghi nhớ mãi, nhưng đến lúc này đây xem xong lại tự hỏi thực ra nó có ý nghĩa gì, liên kết như thế nào với câu chuyện. Trong phim Cảnh Cảnh có nói đại ý bây giờ Dư Hoài cũng trở thành người bình thường, hãy để Cảnh Cảnh luôn ở bên giúp đỡ cậu. Mình không hiểu được, Dư Hoài bây giờ vẫn rất siêu phàm cơ mà. Hình ảnh Dư Hoài thời trung học lấp lánh, còn mười năm sau thì chân thực, nhưng vẫn rất đỗi lớn lao đối với mình. Rồi cái gì mà dù có chạy như thế nào cũng không thắng nổi thanh xuân??? Chẳng phải đoạn kết đó hai người cũng bắt kịp nhau rồi sao? Dư Hoài bớt kinh khủng khiếp như lúc đi học, Cảnh Cảnh tốt lên so với con người ngày xưa, chẳng phải như thế kéo thế giới của hai người lại gần nhau hơn hay sao?

Một tuyến tình cảm mình khá thích nữa là Hàn Tự – Giản Đơn – Chu Mạt. Trong khi Chu Mạt được cải biên từ Lâm Dương trong truyện và bỏ bớt nhân vật Dư Châu Châu [cô nhỏ của Dư Hoài], thì cặp đôi Hàn – Giản khá giống nguyên tác, ngoài việc được tăng thêm một vài chi tiết tình cảm rụng tim các thiếu nữ. Kết cục cũng đỡ buồn thảm hơn, khi cho Chu Mạt tới với Giản Đơn sau một đêm giông bão khi nàng trái tim tan nát bỏ ra đảo gặp thuỷ triều lên suýt ngập. Trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc đó mà bạn Chu còn tính được mực thuỷ triều đồ, thiệt cái tình đúng là biên kịch làm hơi lố. Nhưng mà việc biến tấu ra nhân vật Chu Mạt, theo mình là rất hay. Lâm Dương trong truyện cũng thuộc dạng soái ca [chẳng thế mà còn có thêm một truyện về bạn này] và hầu như không liên kết với nhóm còn lại. Nhưng Chu Mạt đưa các thiếu nữ mơ mộng trở về gần Trái Đất hơn, vì bạn Chu tuy giỏi nhưng không đẹp trai và lại còn bựa. Vâng, thực ra đây chính là Dư Hoài trong thực tế =]]]. Và điểm quan trọng nữa là làm lòng các thiếu nữ đỡ buồn cho Giản Đơn khi bạn Hàn mặt đơ vẫn giữ nguyên thái độ đơ cho tới cuối chặng đường.

“Rất nhiều năm sau tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ấy. Dường như lúc đó tôi đã nhìn thấy kết cục của câu chuyện. Ở cái thời thanh xuân chen chúc chật chội ấy, cậu ấy tiễn tôi một đoạn đường, sau đó quay người bước đi trên con đường của mình. Thế giới của cậu ấy rất lớn, con đường rất dài rất xa. Tôi chỉ có thể đứng ở cánh cổng nhà mình, cô độc mà giữ trời đất bé nhỏ của mình, đưa mắt nhìn cậu ấy rời đi.”

Đây là đoạn mà mình thích nhất trong truyện. Cái cảm giác khi đi cùng một người nào đó mà biết rằng người ta chỉ đi cùng mình một đoạn rồi sẽ rẽ sang một hướng khác, và rằng người ta mãi mãi ở một thế giới xa xôi hơn mình rất nhiều, đó là một thứ cảm giác rất đỗi mơ hồ, nhưng bằng một cách nào đó bạn linh cảm được. Bạn biết nó sẽ xảy ra, bạn biết mình tốt nhất không nên đến quá gần họ để khỏi tổn thương, nhưng bạn không ngăn được mình đi vào con đường sai lầm đó. Đó là sự tổn thương tự chuốc lấy, từ đầu tới cuối đều không có lúc nào hạnh phúc trọn vẹn, vì hình ảnh họ rời đi luôn hiển hiện, ngăn bạn tận hưởng giây phút bên cạnh nhau. Đó là thứ cảm giác rất riêng biệt của thanh xuân đối với mình – sự chia ly được báo trước. Mình nghĩ nếu bộ phim đưa câu này vào, hẳn sẽ đắt giá hơn một tẹo nữa.

Tiếc là không xem phim này sớm hơn, chả hiểu sao nó cứ lướt qua lướt qua mãi đến tận bây giờ. Nhưng mình tin, từ giờ nó sẽ nằm trong ít nhất 3 phim thanh xuân đầu bảng của mình. Bởi vì phim không chỉ có tình yêu, tình bạn, mà còn là tình thầy trò, là kiểu kỷ niệm trung học tuyệt vời, trong sáng và chân thực, là dũng khí, là ước mơ. Có một chút cường điệu, có vài điểm hơi quá, nhưng tổng hợp lại là một bộ phim khiến người ta khóc ngon lành, cười khanh khách, và sẽ nhớ hoài mãi thôi. Lưu Hạo Nhiên diễn ngọt ngào và tròn trịa. Trừ mấy đoạn skinship hầu như không có cái nào ra hồn, thì còn lại mình thấy em nhập vai kinh khủng khiếp. Mà như ông đạo diễn trả lời phỏng vấn là tin tưởng tuyệt đối vào Hạo Nhiên, vì em không diễn Dư Hoài mà chính là Dư Hoài.

Tất nhiên, ngôn tình là ngôn tình. Thanh xuân vườn trường là thanh xuân vườn trường. Dù là kết thúc tốt đẹp, hai người [dường như] đến với nhau, nhưng không ai nói được cuối đoạn đường đời mọi thứ sẽ xảy ra như thế nào. Nhưng cũng không cần vì thế mà bài trừ, bởi phim ảnh có lẽ cũng giống như một lát cắt, chỉ cắt ra được một phần dày mỏng nhất định mà mang ra cho người ngắm nghĩa, bình phẩm mà thôi. Nên tất nhiên người ta sẽ ráng cắt ra lát đẹp nhất, hoàn hảo nhất để mời mọc bạn rồi, phải không?

Bài hát này không phải là nhạc phim, mà là một cảnh trong phim. Phim có ba bài nhạc thì có bài “Canh cánh trong lòng” và “Bạn thân mến đều rất hay”. Nhưng mình bỏ clip này vào đây, vì mình rất thích cảnh này, rất thích cách biên kịch lồng bài hát này vào. Nó thống nhất với tính cách nhân vật Lộ Tinh Hà, và cũng là một bài hát rất đáng yêu, rất thanh xuân theo cách ngông cuồng và trẻ con, không giống kiểu hoài niệm lơ đãng thường tình.

“Thanh xuân nợ ta một Dư Hoài” – bao nhiêu người thốt lên như vậy sau khi xem xong bộ phim này? Nhưng mình nghĩ thực ra thanh xuân chỉ nợ ta cái nửa rất ảo của Dư Hoài thôi :]]]. Nợ Lộ Tinh Hà mới là nợ cả gốc lẫn lãi :]]].

Video liên quan

Chủ Đề