Phân tích chi tiết bóng tối và ánh sáng trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Sự đối lập giữa bóng tối và ánh sáng trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam

Thành công của Thạch Lam trong truyện ngắn Hai đứa trẻ không chỉ là niềm cảm thông sâu sắc đối với những kiếp người nhỏ bé nơi phố huyện nghèo mà còn ở nghệ thuật xây dựng truyện đặc sắc. Nổi bậc nhất có lẽ là nghệ thuật khắc họa sự đối lập giữa bóng tối và ánh sáng trong một một bức tranh ảm đạm, hiu hắt đến thê lương.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn miêu tả cuộc sống phố huyện trong Hai đứa trẻ gắn với ba thời điểm nối tiếp: chiều buông- đêm xuống- khuya về. Có thể thấy rõ ở đây có sự xung đột giữa bóng tối và ánh sáng: bóng tối hay nghèo nàn và cô đơn- ánh sáng chỉ là ước mơ thoáng qua. Mở đầu truyện, ánh sáng tắt dần; kết thúc truyện, bóng tối tràn ngập phố huyện, hay tràn ngập thế giới. Thế giới Hai đứa trẻ là thế giới “yên tĩnh”, “tịch mịch”, hai chị em ngủ “một giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối”. Ở cái phố huyện nhỏ này, đến cả tiếng trống cầm canh khô, ngắn cũng chìm ngay vào bóng tối; ga im lặng và tối đen; đêm của đất quê, mênh mang và yên lặng.

Bóng tối càng dày đặc bao nhiêu thì khát vọng hướng về ánh sáng càng khắc khoải bấy nhiêu. Ánh đỏ rực của buổi hoàng hôn “Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn” dẫu đẹp nhưng lại gieo vào lòng cô bé Liên nỗi buồn man mác vì cuộc sống của hai đứa trẻ trong một gia đình sa sút đã mang sẵn dư vị của bóng tối. Trong không gian “bóng tối ngập đầy dần”, Liên đã chứng kiến những con người “đi lần vào bóng tối”, “từ từ đi vào bóng đêm”. Và rồi từ bóng tối mênh mông lại hiện lên những bóng đời chập chờn ánh sáng lay lắt với ngọn đèn, bếp lửa.

Đêm xuống, cả phố huyện chìm trong bóng tối: “đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối”. Càng về khuya, bóng tối càng đậm đặc hơn: “Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Bóng tối càng dày đặc, cảnh sống của con người càng thê lương, gợi cho ta hình dung bóng tối đang đổ ập về phía số phận những con người bé bỏng đang hắt hiu như ngọn đèn trước gió. Cái nhìn lo âu của Thạch Lam luôn xoáy sâu vào những khía cạnh còn khuất lấp của hiện thực. Không gian sinh hoạt của đời sống phố huyện tù đọng, giam hãm con người. Bóng tối trải dài trên quãng đường mấp mô chân trâu, trên đường phố huyện le lói ánh đèn dầu.

Trong bóng tối tràn lan, dày đặc ấy, ánh sáng thật nhỏ nhoi, leo lét. Đó là cái ánh sáng yếu ớt hắt ra từ khe cửa; đó là cái quầng sáng từ chiếc đèn con của chị Tí và lò lửa của bác Siêu; đó là “ngọn đèn của Liên, ngọn đèn vặn nhỏ, thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa”; đó là cái ánh sáng nhợt nhạt của “những con đom đóm bay là là trên mặt đất”; đó là ánh sáng xa vời vợi của các vì sao trên giải ngân hà. Ánh sáng được miêu tả bằng những danh từ định lượng rất nhỏ: khe sáng, hột sáng, vệt sáng, quầng sáng, chấm lửa nhỏ. Bấy nhiêu thứ ánh sáng ít ỏi ấy như đối lập với bóng tối mênh mông, dày đặc. Chính trên cái nền tối ấy, tồn tại chông chênh những thân phận con người. Sự đối lập giữa bóng tối mênh mông và ánh sáng leo lét, ít ỏi đã làm nổi bật lên hiện thực cuộc sống nơi phố huyện: lay lắt, lụi tàn, tối tăm, tù đọng.

Bóng tối và ánh sáng ở đây vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Phải chăng cuộc sống nghèo nàn, tù túng ở phố huyện cũng là một thứ bóng tối. Những đứa trẻ con nhà nghèo nhặt nhạnh bất cứ thứ gì còn dùng được trong ngôi chợ vãn. Hai mẹ con chị Tí ban ngày mò cua bắt ốc, ban đêm dọn hàng nước dưới gốc cây bàng, buôn bán ế ẩm. Bóng bác Siêu bán phở mênh mang ngả xuống đất, kéo dài đến tận hàng rào; món hàng của bác là một thứ quà xa xỉ nên cũng chẳng mấy người mua. Bà cụ Thi điên với tiếng cười khanh khách đi lần vào bóng tối. Gia đình bác xẩm trên manh chiếu rách với mấy tiếng đàn bầu bật trong yên lặng, thằng con bò ra đất nhặt rác bẩn. Và hai đứa trẻ với cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, lời lãi chẳng là bao, ngồi nhìn cảnh chiều xuống, đêm về với những nỗi buồn mơ hồ, thấm thía. Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh ngọn đèn con của chị Tí cứ trở đi trở lại như một biểu tượng cho những kiếp sống mù tối, lay lắt trong bóng đêm mênh mang của cuộc đời.

Con người luôn hướng về phía ánh sáng nhưng vẫn không xua tan được những ám ảnh bóng tối. Đó là thực tế đáng buồn mà Thạch Lam đã nhận ra từ cuộc sống của những người dân nghèo. Nhưng dường như ông không muốn để cho những cảm giác bi kịch đè nặng lên số phận những con người nghèo khổ. Bằng thái độ trân trọng, ông đã nâng đỡ cho các nhân vật của mình, vực dậy những khát khao đổi đời ngay trong những khoảnh khắc mong manh nhất: “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”. Dù đấy là niềm mong đợi hết sức mơ hồ và cũng không biết bao giờ mới trở thành hiện thực.

Không gian chứa đầy bóng tối xuất hiện hầu hết trong các truyện của Thạch Lam. Nhưng sự đối lập với bóng tối là ánh sáng trong truyện ngắn Hai đứa trẻ không chỉ là ánh sáng le lói của những ngọn đèn mà quan trọng hơn là ánh sáng của những tâm hồn luôn muốn vươn tới một thế giới tinh thần lành mạnh, giàu tính thiện.

Những điểm sáng lóe lên trong đêm tối tựa như những ánh diêm soi đêm đông buốt giá sưởi ấm những giấc mơ của đứa nhỏ trong truyện cổ tích Andersen [Thụy Khuê].

Thạch Lam là một đại biểu xuất sắc của văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945. Sáng tác của ông thường có cốt truyện đơn giản, chủ yếu khai thác thế giới nội tâm của nhân vật với những xúc cảm mong manh, mơ hồ trong cuộc sống thường ngày. Ngay trong tác phẩm đầu tay ["Gió đầu mùa"], người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phái riêng… Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và rất đẹp… Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết được như vậy… [Vũ Ngọc Phan].

Sự hòa quyện hai yếu tố hiện thực và lãng mạn làm nên màu sắc riêng trong thế giới nghệ thuật của Thạch Lam. Trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" những đặc điểm phong cách nghệ thuật ấy được hiện lên một cách rõ nét. Thiên truyện mang những thông điệp sâu sắc về cuộc sống con người thông qua một cặp hình ảnhcó sức ám ảnh với người đọc, đó là sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Những điểm sáng lóe lên trong đêm tối tựa như những ánh diêm soi đêm đông buốt giá sưởi ấm những giấc mơ của đứa nhỏ trong truyện cổ tích Andersen [Thụy Khuê].

1.

Truyện ngắn Hai đứa trẻ xoay quanh cuộc sống của Liên và An ở phố huyện nghèo. Tối đến, sau khi đóng cửa hàng tạp hóa nhỏ, lại ra ngồi chõng ngắm sao, ngắm phố…Trong bóng tối, hai đứa bé nhìn, đếm những ánh sao trên trời và chờ đợi những đốm lửa hiện ra ở chung quanh; mỗi lần gặp một đốm sáng, cuộc sống nội tâm của hai chị em lại bừng lên. Mỗi đêm, chúng sống một hiện thực đầy mộng tưởng, mỗi hình ảnh tạt ngang qua mắt, mỗi âm thanh vẳng đến bên tai gieo vào lòng hai chị em một mảnh đời, gợi lại trong kí ức chúng những lam lũ chung quanh. Hai đứa bé nghèo không có gia sản gì, trừ bóng tối, và từ bóng tối ấy, dấy lên những đốm lửa soi rạng tâm hồn chúng [Thụy Khuê].

Khi tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều cũng là lúc màn đêm đang dần xâm lấn không gian phố huyện: Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời; đôi mắt của Liên bóng tối ngập đầy dần... Trong cái nhá nhem tối, trên con đường mấp mô vì những hòn đá nhỏ một bên sáng một bên tối, những cuộc đời nghèo khổ như thước phim quay chậm dần dần hiện ra.

Trên nền của phiên chợ tàn chỉ còn lại rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía, một vài người bán hàng về muộn đang thu xếp hàng hóa, đòn gánh đã xỏ sẵn vào quang rồi; mấy đứa trẻ con nhà nghèo ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại. Trong ngõ đi ra là thằng cu bé xách điếu đóm và khiêng hai cái ghế trên lưng; chị Tí, mẹ nó, theo sau, đội cái chõng trên đầu và tay mang không biết bao nhiêu là đồ đạc. Tất cả cái cửa hàng của chị. Sau một tiếng cười khanh khách, là sự xuất hiện của bà cụ Thi - một bà già hơi điên, đến mua rượu ở cửa hàng Liên. Cầm cút rượu đầy Liên vừa rót cụ ngửa cổ ra đằng sau, uống một hơi cạn sạch, rồi lảo đảo bước ra ngoài, đi lần vào bóng tối, tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng... Những bóng đời tối tăm, nghèo khổ ấy hiện lên trong cái nhìn đầy thương cảm của Liên. Trong giọng điệu chậm rãi, những dòng văn, trang văn viết về mảng tối của những cuộc đời ẩn chứa biết bao buồn thương của nhà văn.

Khi trời đã bắt đầu đêm cũng là lúc Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối.Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại sẫm đen hơn nữa. Trong sự bủa vây của đêm tối, bác Siêu với gánh phở trên vai tiếng đòn gánh kĩu kịt nghe rõ rệt, bóng bác mênh mông ngả xuống đất một vùng và kéo dài đến tận hàng rào hai bên ngõ, nhưng ở cái huyện nhỏ này, quà bác Siêu là một thứ quà xa xỉ, nhiều tiền. Gần đấy là vợ chồng bác xẩm với mấy tiếng đàn bầu bần bật trong yên lặng. Thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường. Cuộc sống của Liên và An cũng vậy… Từ ngày thầy mất việc, cả nhà Liên bỏ Hà Nội về quê ở. Mẹ Liên làm hàng xáo. Hai chị em được giao trông coi một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu thuê lại của bà lão móm, ngăn ra bằng một tấm phên nứa, dán giấy nhật trình. Cả khi chợ phiên, cửa hàng bán cũng chẳng ăn thua gì.

Bóng tối của sự nghèo khổ bao trùm lên những cuộc đời, nhưng buồn hơn, khi cuộc sống ấy cứ thế lặp đi lặp lại, từ ngày này qua ngày khác. Chỉ là gánh hàng nước dưới gốc cây bàng, bên cạnh cái mốc gạch nhưng chiều nào chị Tí cũng dọn hàng từ chập tối cho đến đêm. Mặc dù mẹ Liên còn bận làm gạo, nhưng ngày nào, cứ chập tối, mẹ Liên lại tạt ra thăm hàng một lần và bà dặn cứ trống thu không là phải đóng cửa hàng lại. Với hai đứa trẻ, cuộc sống quẩn quanh ở phố huyện cũng đã trở thành quen thuộc: Từ khi nhà Liên dọn về đây, từ khi có cái cửa hàng này đêm nào Liên và em cũng phải ngồi trên chiếc chõng tre dưới gốc cây bàng với cái tối của quang cảnh phố xá xung quanh. Chừng ấy bóng người, chừng ấy dáng điệu nhưng chiều nào, rồi ngày nào hay đêm nào cũng xuất hiện trong dòng đời chậm trôi ấy, trong cái ao đời bằng phẳng [Xuân Diệu] ấy.

Bóng tối trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" trở thành không gian nghệ thuật mang ý nghĩa biểu tượng, có sức ám ảnh trong tâm trí người đọc. Đó là bóng tối của những cuộc đời nghèo khổ, bóng tối của những mảnh đời tàn, bóng tối của cuộc sống người dân Việt Nam trong đêm trường trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Giá trị hiện thực sâu sắc củatác phẩm được kết tụ trong những hình ảnh bóng tối ấy.

2.

Trên phông nền bóng đêm đen kịt, mịt mùng là sự xuất hiện của những hình ảnh ánh sáng nhỏ nhoi, yếu ớt. Trước giờ khắc của ngày tàn, dõi theo cái nhìn của chị em Liên khi ngồi yên trên cái chõng nan nhìn ra phố, những hình ảnh mang theo ánh sáng xuất hiện. Ánh sáng từ đèn treo trong nhà bác phở Mĩ, đèn hoa kì leo lét trong nhà ông Cửu, đèn dây sáng xanh trong hiệu khách. Khi trời nhá nhem tối, có thêm quầng sáng từ ngọn đèn nơi cửa hàng nước của chị Tí. Khi trời đã bắt đầu đêm, đâu đó có khe ánh sáng từ cửa để hé của một vài cửa hàng còn thức. Úp trên những chấm sáng nhỏ nhoi đó là vòm trời hàng ngàn ngôi sao đang ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào những cành cây. Khi bác Siêu với gánh phở đặt xuống đường, phố huyện có thêm cái bếp lửa chỉ chiếu sáng một vùng đất cát. Trong cửa hàng, ngọn đèn của Liên, ngọn đèn vặn nhỏ, thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa… Đêm càng về khuya, qua kẽ lá của cành bàng, ngàn sao vẫn lấp lánh, một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy…, từ phố huyện có thêm hai ba người cầm đèn lồng lung lay cái bóng dài từ mấy người làm công ở hiệu khách đi đón bà chủ ở tỉnh về.

Các chi tiết, hình ảnh về ánh sáng xuất hiện rải rác khắp cả thiên truyện, nhưng tất cả đều rất nhỏ nhoi, leo lét. Đó chỉ là những đốm sáng, khe sáng, những vệt sáng, quầng sáng. Đó là những chấm lửa nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối, mất đi rồi hiện ra. Đó là ngọn đèn con chỉ chiếu sáng một vùng đất cát, là ngọn đèn vặn nhỏ, thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa… Sự nhỏ nhoi và yếu ớt của ánh sáng dường như không đủ sức xua tan bóng tối mà ngược lại, nó làm ta có cảm giác bóng đêm mênh mông hơn, dày đặc hơn. Những hình ảnh ánh sáng gợi đến sự sống leo lét của những cuộc đời cơ cực, quẩn quanh nơi phố huyện.

Toàn bộ khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống con người trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" được nhìn ngắm qua cái nhìn của nhân vật Liên - một cô gái mới lớn, tâm hồn với những cảm xúc mong manh, mơ hồ. Nương theo mạch cảm xúc của Liên ta bắt gặp những mảng màu sáng - tối đan xen. Mở đầu truyện, trong buổi chiều tà, nhân vật xuất hiện trong cửa hàng, khi ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần. Từ trong đôi mắt ấy chứa cả nỗi buồn của buổi chiều quê cùng nỗi buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn. Từ chiếc chõng nan lún xuống và kêu cót két, Liên cùng em ngồi nhìn phố huyện về đêm, nhìn đường phố, ngõ con, cảnh vật chìm sâu vào đêm tối, nhìn những cuộc đời từ từ đi trong đêm. Trong sự vây phủ của màn đêm, tâm hồn Liên ánh lên một vầng sáng êm dịu, đó là hào quang của quá khứ phản chiếu - khi thầy Liên chưa mất việc, Liên còn ở Hà Nội, được thưởng thức quà ngon, lạ, bấy giờ mẹ Liên nhiều tiền, Liên được đi chơi Bờ Hồ, uống những cốc nước lạnh xanh đỏ. Vùng sáng rực và lấp lánh của kỉ niệm cùng ấn tượng Hà Nội nhiều đèn quá! Là thứ ánh sáng dịu êm vừa đủ tiếc nhớ khi Liên đối diện với hiện tại tối tăm, vừa như muốn thắp lên ước mơ cho cuộc đời nghèo khổ. Quầng sáng ấy thật đẹp, thật đáng để nâng niu.

Nhà văn Thạch Lam.

3. 

Chừng ấy người trong bóng tối vẫn luôn mong đợi một cái gì tươi sáng hơn cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ bằng một thói quen thường nhật: Cố thức để được nhìn chuyến tàu đi qua phố huyện. Đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya.

Đoàn tàu đi qua phố huyện chỉ trong chốc lát, nhưng nó vẫn luôn là niềm mong đợi của những người dân nơi đây, vì nó mang theo một thế giới khác hẳn với cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt quẩn quanh, nghèo khổ của họ. Cùng với âm thanh, chuyển vận của đoàn tàu - tiếng còi trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi, rồi tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi, tiếng hành khách ồn ào khe khẽ, tiếng còi đã rít lên và tàu rầm rộ đi tới - là sự xuất hiện của các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường, là những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh và các cửa kính sáng. Đoàn tàu đã mang theo một thế giới giàu sang, đông đúc, nhộn nhịp đi qua phố huyện. Khác với vệt sáng, quầng sáng, khe sáng, hột sáng hay chấm sáng… thấp thoáng trong đêm đen dày đặc của phố huyện, ánh sáng của đoàn tàu đã xuyên thủng màn đêm chiếu ánh cả xuống đường.

Đoàn tàu đã vụt qua phố huyện trong chốc lát để rồi đi vào trong đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt, nhưng hai chị em Liên còn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre với một niềm lưu luyến, bâng khuâng: Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Ánh sáng của đoàn tàu cùng ánh sáng của thế giới trong mơ tưởng của Liên đã dệt nên một vùng sáng lấp lánh, thắp lên mong muốn thoát khỏi cuộc sống tù hãm, tăm tối của những con người nghèo khổ. Trong vùng ánh sáng đẹp đẽ ấy, nhà văn Thạch Lam gửi gắm tấm lòng trân trọng, nâng niu những khát vọng đổi đời của con người.

Trong văn chương, ánh sáng và bóng tối thường được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật nhằm chuyển tải những tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.

Trong truyện ngắn "Chữ người tử tù", nhà văn Nguyễn Tuân từng tạo dựng được một cảnh tượng xưa nay chưa từng có trên nền tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Đó là cảnh Huấn Cao cho chữ:

Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián.

Trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa.

Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong môt chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tièn kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò thì run run bưng chậu mực...

Sự tương phản giữa bóng tối của buồng giam chật hẹp, hôi hám của nhà tù tỉnh Sơn với ánh sáng của một bó đuốc tẩm dầu, ánh sáng của một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ và đặc biệt là ánh sáng của tài hoa, khí phách và thiên lương của Huấn Cao cùng ánh sáng của tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quản ngục là dụng ý của Nguyễn Tuân để khẳng định sức mạnh của cái đẹp. Ở đây, cái đẹp, cái thiện, cái cao cả đã chiến thắng và tỏa sáng; bóng tối dơ dáy của ngục tù đã nhường chỗ cho ánh sáng của cái đẹp, cái cao khiết.

Trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" nhà văn Thạch Lam cũng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về những hình ảnh tương phản ánh sáng - bóng tối. Trong mỗi hình ảnh mang tính biểu tượng đó, nhà văn đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía niềm xót thương đối với những kiếp người sống cơ cực, quẩn quanh, tăm tối ở phố huyện nghèo trước Cách mạng. Đồng thời, ông cũng biểu lộ sự trân trọng ước mong đổi đời tuy còn mơ hồ của họ. Ánh sáng và bóng tối thực sự là những hình ảnh, những chi tiết nghệ thuật đặc sắc góp phần thể hiện giá trị nhân đạo của truyện "Hai đứa trẻ".

Video liên quan

Chủ Đề