Đánh giá đại học quân sự hà nội

Trong Đề án Quy hoạch phát triển Học viện Kỹ thuật Quân sự đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: mục tiêu đến năm 2030, trở thành trường đại học nghiên cứu trong tốp đầu về khoa học kỹ thuật và công nghệ của đất nước, tốp 700 các trường đại học tiên tiến, hàng đầu trên thế giới, v.v. Để đạt được mục tiêu đó, Học viện đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế trên bảng xếp hạng quốc tế.

Học viện Kỹ thuật Quân sự là trường đại học kỹ thuật đa ngành hàng đầu của Quân đội và đất nước. Sứ mệnh của Học viện là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển, sản xuất chế thử, chuyển giao công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, góp phần phát triển nền khoa học - công nghệ quân sự Việt Nam. Quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường hội nhập quốc tế1; đặc biệt, từ năm 2021, thực hiện Đề án “Quy hoạch phát triển Học viện Kỹ thuật Quân sự đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Học viện đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên, mở rộng hợp tác quốc tế, đầu tư xây dựng cơ sở kỹ thuật phục vụ huấn luyện và thực hành theo định hướng phát triển thành trường đại học nghiên cứu, hoạt động theo mô hình nhà trường thông minh. Nhờ đó, vị thế của Học viện trên bảng xếp hạng quốc tế SCImago liên tục tăng lên. Theo kết quả công bố tháng 3/2022, Học viện Kỹ thuật Quân sự [Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn] đứng thứ 740 trên thế giới, tăng 46 bậc so với năm 2021, 89 bậc so với năm 2020. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu, cần tiếp tục đẩy mạnh và phát huy hơn nữa.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và kiểm tra Học viện

Để hướng tới được đứng trong các bảng xếp hạng quốc tế toàn diện như QS hay Times Higher Education, Học viện còn gặp phải không ít khó khăn do đặc thù của một nhà trường quân đội, đòi hỏi tính bảo mật thông tin cao. Trong khi đó, các tiêu chí đánh giá chất lượng của các bảng xếp hạng này đều dựa trên những thông tin được công bố công khai kèm theo quy trình thẩm định, đánh giá chặt chẽ. Mặt khác, nguồn ngân sách đầu tư để nâng cao tiềm lực về con người và hệ thống cơ sở kỹ thuật phục vụ công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học còn chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ. Trước thực tế đó, để thực hiện thắng lợi Đề án, khẳng định vị thế trên các bảng xếp hạng quốc tế, Học viện xác định cần tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp sau.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ phát triển Học viện theo mô hình trường đại học nghiên cứu đạt trình độ khu vực và quốc tế. Để thực hiện tốt nội dung này, cùng với làm tốt công tác quán triệt, giáo dục về nhiệm vụ, xây dựng động cơ, trách nhiệm cho các đối tượng, cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án “Quy hoạch phát triển Học viện Kỹ thuật Quân sự đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, hết sức coi trọng việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện mục tiêu Đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ từng khoa, viện, cơ quan, đơn vị; gắn các chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng năm học với lộ trình thực hiện Đề án theo các giai đoạn, tạo động lực để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và vị thế trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Hai là, đẩy mạnh đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo theo hướng mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa Quân đội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng một số lực lượng của Quân đội tiến thẳng lên hiện đại, Học viện chú trọng mở thêm các hướng đào tạo chuyên sâu đáp ứng sự phát triển của khoa học - công nghệ trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như: công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo, blockchain, thông tin vô tuyến 5G. Đồng thời, mở rộng quy mô đào tạo sau đại học, tăng tỷ lệ các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu, nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh, bám sát tiêu chí trường đại học nghiên cứu. Để nâng cao hiệu quả, Học viện thường xuyên rà soát, đổi mới, cập nhật nội dung chương trình đào tạo theo hướng tăng tính linh hoạt, đảm bảo sự liên thông cao giữa trình độ đại học và sau đại học; tích cực sử dụng chương trình đào tạo, giáo trình của các trường đại học tiên tiến trên thế giới; tăng dần tỷ lệ các học phần chuyên ngành giảng dạy bằng ngoại ngữ, khuyến khích học viên viết và bảo vệ luận văn, luận án bằng ngoại ngữ. Chủ động đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, tăng cường vai trò tự học, tự tích lũy kiến thức, gắn kết học tập với nghiên cứu. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển sinh; thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của người học; nâng cao chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, nhất là về ngoại ngữ và chất lượng luận văn, luận án theo hướng có công bố quốc tế và sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn. Chủ động từng bước tự đánh giá năng lực của Học viện và các chương trình đào tạo lưỡng dụng theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA2; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành tự đánh giá trên 50%, đến năm 2030 trên 75% các chương trình đào tạo đại học và sau đại học. Tích cực làm công tác chuẩn bị để kiểm định chất lượng Học viện và chất lượng chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế khi được Bộ Quốc phòng cho phép.

Ba là, nâng cao chất lượng hoạt động khoa học - công nghệ. Là một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia, Học viện có tiềm lực mạnh về nghiên cứu khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao3 cùng hệ thống cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm được trang bị cơ bản, hiện đại. Phát huy tiềm lực, thế mạnh đó, Học viện tập trung quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ theo hướng: giảng viên gắn với xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, đội ngũ nhà khoa học đầu ngành. Chú trọng cơ cấu nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nhóm nghiên cứu mạnh được xác định phát triển thành nhóm đạt trình độ quốc gia, hướng tới phát triển một số nhóm nghiên cứu đạt trình độ quốc tế; đồng thời, tập trung xây dựng và phát triển các hướng khoa học mạnh, kết hợp hài hòa, hợp lý các lĩnh vực nghiên cứu. Về nghiên cứu ứng dụng, tiếp tục tăng cường các hoạt động nghiên cứu theo hướng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong bảo quản, khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, cải tiến và nâng cao tính năng kỹ - chiến thuật của vũ khí, trang bị hiện có; tập trung vào các nhiệm vụ hiện đại hóa các lực lượng: Hải quân, Phòng không - Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử và các chuyên ngành về an toàn thông tin và tác chiến không gian mạng, tự động hóa chỉ huy, v.v. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn khoa học, phát triển khoa học liên ngành; ưu tiên đầu tư cho các nghiên cứu tạo ra sản phẩm công nghệ cao được đăng ký văn bằng sở hữu trí tuệ, phát minh sáng chế. Về nghiên cứu cơ bản, đẩy mạnh thực hiện theo hướng phát triển công nghệ nền phục vụ công nghiệp quốc phòng, như: kỹ thuật điện tử, điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật rô bốt, hóa lý kỹ thuật, kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật, kỹ thuật xây dựng công trình đặc biệt; chú trọng nâng cao chất lượng, số lượng công bố khoa học trên các tạp chí, kỷ yếu, hội nghị quốc tế uy tín trên thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu Học viện.

Bốn là, chủ động hội nhập, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 806-NQ/QUTW, ngày 31/12/2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Đề án “Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Học viện tăng cường hợp tác quốc tế sâu, rộng cả trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nhất là trên những lĩnh vực Học viện có thế mạnh. Chú trọng hợp tác với các nước có công nghệ nguồn về vũ khí, trang bị quân sự, có khả năng chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng. Bám sát tình hình thực tiễn, Học viện tiếp tục đề xuất Bộ Quốc phòng cho phép từng bước tham gia một số diễn đàn khoa học, đào tạo trong khu vực và thế giới; tham gia vào các dự án mua sắm vũ khí, trang bị cho Quân đội; xây dựng mạng lưới cộng tác viên, nâng cao hiệu quả hợp tác với đội ngũ giáo sư, nhà khoa học đầu ngành của các trường đại học uy tín trên thế giới; ưu tiên phát triển hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học có công bố chung. Chủ động nguồn và khai thác tốt các chỉ tiêu đi đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ ở nước ngoài; tích cực cử cán bộ đi hợp tác nghiên cứu kết hợp với thỉnh giảng tại các cơ sở đào tạo uy tín ở nước ngoài, nâng cao uy tín về học thuật của Học viện. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng môi trường, cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển quan hệ hợp tác quốc tế và xác lập hệ thống đối tác chiến lược trên các lĩnh vực là thế mạnh của Học viện.

Cùng với tập trung thực hiện tốt các giải pháp trên, Học viện tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế để Học viện được tham gia đánh giá ngoài, làm cơ sở công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế. Tăng cường kinh phí hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện; đầu tư và cho phép Học viện tham gia Đề án “Xây dựng, phát triển nguồn học liệu mở của các cơ sở giáo dục đại học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì; hỗ trợ phát triển Tạp chí Khoa học và Kỹ thuật của Học viện thành tạp chí khoa học trực tuyến có trong cơ sở dữ liệu SCOPUS4,… tạo điều kiện thuận lợi để Học viện sớm đạt được mục tiêu Đề án, khẳng định vị thế trong khu vực và quốc tế.

Đại tá, GS,TS. TRẦN XUÂN NAM, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự
____________________

1 - Nghị quyết số 20/NQ-TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương [Khóa XI] về phát triển khoa học và công nghệ; Kết luận số 51-KL/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 [khoá XI] về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, v.v.

2 - Bộ tiêu chuẩn kiểm định nhằm đánh giá chất lượng đào tạo của các trường đại học tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

3 - Hiện nay, Học viện có trên 90% cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học; trong đó, 56% tu nghiệp ở nước ngoài, trên 50% tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, 10% giáo sư, phó giáo sư.

4 - Cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học của các tạp chí chuyên ngành phản biện mở hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học đời sống, khoa học xã hội, khoa học vật lý và khoa học sức khỏe.

Chủ Đề