Nhịt hụi nghĩa là gì

Clip: Đêm "Soóng Cọ" với người Sán Chỉ ở Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Trở lại Đại Dực, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những đổi thay ở vùng đất miền núi này. Mới từ năm 2017 trở về trước, Đại Dực được biết đến là một xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Tiên Yên. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp truyền thống.

Những mái nhà tranh, vách đất không còn thấy xuất hiện ở Đại Dực. Thay vào đó là nhiều căn nhà khang trang, cùng nhiều công trình văn hóa, giáo dục, sinh hoạt cộng đồng to đẹp không kém gì ở phố.

Khung cảnh yên bình ở thung lũng thôn Kéo Cai, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên [tỉnh Quảng Ninh]. [Ảnh: Nguyễn Quý]

Tôi còn ngạc nhiên thấy cửa hiệu "xăm mắt, nối mi" trong thôn, hỏi thì Bí thư xã Đại Dực, anh Nguyễn Thế Anh, cười, nửa đùa nửa thật: "Con gái Đại Dực bây giờ, nếu không mặc tấm áo xanh truyền thống, nhìn sành điệu không thua gì gái Hạ Long đâu nhé!".

Cũng may, người Sán Chỉ ở Đại Dực vẫn giữ được những phong tục, lề thói cho cộng đồng. Dân tộc Sán Chỉ ở Đại Dực có những nét văn hóa, phong tục riêng của mình: Họ ăn rằm tháng 3, 5, 7 và rằm tháng 8.

Định kỳ hằng năm, người Sán Chỉ ở Đại Dực tổ chức cúng thổ công tại miếu thôn để cầu mùa với sự tham gia đóng góp của người dân trong thôn; trong sinh hoạt hằng ngày, người dân Đại Dực vẫn mặc trang phục Sán Chỉ và sử dụng tiếng Sán Chỉ để giao tiếp.

Một trong những nét văn hóa nổi tiếng và hấp dẫn nhất trong đời sống văn hóa của dân tộc Sán Chỉ là hát Soóng Cọ. 

Đây là điệu hát thường dành cho các chàng trai, cô gái tới tuổi trưởng thành tìm hiểu nhau và những người mà trước đây vì một lý do nào đó mà không lấy được nhau. 

Nay vào dịp lễ hội, họ gặp lại nhau tình tứ. Lời bài hát mộc mạc, đơn giản nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa mang tính giãi bày tâm sự da diết...

Do được bao quanh bởi nhiều đồi, núi nên xã Đại Dực [huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh] có nhiều khe suối lớn nhỏ bắt nguồn từ trên cao đổ về [Ảnh: Nguyễn Quý].

Soóng Cọ, tiếng Pạc và [Bạch thoại] nghĩa là xướng ca. Hát xướng ca là hình thức hát dân gian giống như hát đúm của dân tộc Kinh ở dưới xuôi và miền đồng bằng.

Ông Lỷ Minh Sáng [thôn Phài Giác, xã Đại Dực], người đã có nhiều năm hát và góp công phục dựng Soóng Cọ, kể rằng, nhiều đôi trai gái yêu nhau bắt cặp với nhau ở mỗi hội hát xướng nhưng không lấy được nhau để đến nỗi cả đời vấn vương câu soóng cọ gọi bạn tình. 

Có những cặp đôi may mắn lấy được nhau. Thế nhưng, dù có hát hay đến mấy khi những cặp đôi đã yêu nhau rồi trở thành vợ chồng lại không bắt cặp với nhau đi hát hội tháng ba nữa. 

Ông Nình A Voòng ở thôn Khe Lặc, xã Đại Thành giải thích lí do với tôi rằng hội hát xướng ấy dành cho đôi lứa đang tìm hiểu nhau và những cặp tình nhân lỡ duyên giờ đã đi lập gia đình với người khác.

Bởi vậy, khi đã có vợ, có chồng rồi người ta vẫn đi hát soóng cọ, chỉ có điều hai vợ chồng chẳng bao giờ hát chung. 

Họ thỏa sức đi hát với người yêu cũ mà không bị cấm đoán. Hội hát Soóng Cọ hay ngày hiến tế cho tình yêu được người Sán Chỉ gọi là slặm nhịt hụi là "thế giới cổ tích" của những người luống tuổi, là ngày hiến tế tình yêu đôi lứa, nơi giải tỏa những ẩn ức, những khát khao yêu thương của người Sán Chỉ được thể hiện qua câu Soóng cọ.

Khúc hát trên Đồi Tình

Tôi đã có cả một ngày đêm đẫm mình trong những làn điệu Soóng Cọ ở Đại Dực. Bí thư Nguyễn Thế Anh là người hào hứng đưa tôi đi nhất. 

Anh cùng nhóm người bản địa dẫn tôi tới thác Nặm Văm, tới Đồi Tình, đỉnh Thông Châu…ở đâu chúng tôi cũng có thể "ngả bàn đèn" ra hát Soóng Cọ.

Đồi Tình là nơi trai, gái Sán Chỉ xã Đại Dực [huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh] thường hẹn hò, hát giao duyên Soóng Cọ [Ảnh: Nguyễn Quý].

Đồi Tình là một quần thể gồm hơn 200ha rừng thông mã vỹ, gần 3ha đồi hoa sim, hoa mua. Đây là nơi trai, gái Sán Chỉ thường hẹn hò, hát giao duyên Soóng Cọ vào buổi tối. 

Trong khi đó, đỉnh Thông Châu nằm trên độ cao gần 1500m, là ranh giới 3 xã: Đại Dực [Tiên Yên], Húc Động [huyện Bình Liêu] và Quảng An [huyện Đầm Hà].

Trên đỉnh Thông Châu có mặt bằng rộng gần 6ha với bạt ngàn hoa sim và hoa mua, từ đây có thể nhìn ra biển khu vực Đầm Hà và toàn xã Đại Dực.

Giữa khung cảnh rừng núi, sông hồ ấy, chị Trần Thị Phấu cất lên tiếng hát: "Chị chặu kít mùng dì kín sậy/ Chịu quá tài mùn dì qua lầy/ Quá chải tài mùn chịu dì kín/ Quá chải ngò sặm nhặt dì sậy". [Nhện dăng tơ dăng sợi nhớ/ Sáng dăng cửa chính chiều dăng bờ rào/ Dăng trên cửa chính sáng chiều nhìn thấy/ Dăng trong lòng muội ngày nhớ đêm mong].

Chị Phấu ngồi hát Soóng Cọ trên Đồi Tình [Ảnh: Nguyễn Quý].

Người phụ nữ Sán Chỉ 34 tuổi mới đầu còn cười ngượng, sau thì cả ánh mắt và giọng hát ngân nga đều thả về phía khoảng trời trước mặt, dường như không còn ai xung quanh chị nữa.

Những bài hát cổ xưa truyền lại giờ không còn nhiều, số ít người trẻ ở Đại Dực còn hát được đã chọn cho mình một lối ứng xử khác đối với Soóng Cọ. 

Người ta dùng lời hát tự sáng tác để mời nhau, mời trà, mời rượu, chúc nhau. Họ còn hát tùy cơ ứng biến, thậm chí hát cả trong những buổi giao lưu, kỷ niệm.

Ông Lỷ Minh Sáng chép lại những bài hát cổ để dạy cho lớp trẻ các câu lạc bộn hát Soóng Cọ trong xã. Dù cả 9 thôn của xã đều có các câu lạc bộ hát Soóng Cọ, nhưng ông Sáng vẫn mơ hồ lo ngại về sự mai một của điệu hát truyền thống dân tộc ông.

Hát giao duyên Soóng Cọ là điệu hát thường dành cho các chàng trai, cô gái tới tuổi trưởng thành tìm hiểu nhau [Ảnh: Nguyễn Quý].

"Lớp trẻ bây giờ ngày càng ít quan tâm tới lễ hội và hát Soóng Cọ, sức tôi không còn nhiều, nhưng còn chút sức lực nào, tôi vẫn cố gắng truyền dạy cho các cháu, duy trì được nét văn hóa đặc sắc của quê hương, dân tộc mình" – ông Sáng nói.

Buổi tối hôm ấy, chúng tôi lại kéo nhau tới sân nhà văn hóa xã. Buổi giao lưu Soóng Cọ thường kỳ một quý một lần chỉ có vài bộ bàn ghế kê ra sân rộng, trên bàn đặt mấy ca nước lá, không rượu không hoa, nhưng thu hút rất đông người dân tới xem.

Tôi như một gã "ta ba lô" lạc vào thế giới cổ xưa của một vùng đất cổ tích còn nghèo về vặt chất, nhưng lại sở hữu những khối tài sản "kếch xù" về thiên nhiên, văn hóa tinh thần. Chợt nghĩ tới ý tưởng của Bí thư Đại Dực Nguyễn Thế Anh, về một ngôi làng du lịch cộng đồng dưới chân núi Thông Châu. Tại sao không nhỉ?

Chuyên mục thực hiện theo Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về Dân tộc - tôn giáo năm 2021

Ở Quảng Ninh, người Sán Chỉ [tập trung ở 2 huyện Tiên Yên và Bình Liêu] còn lưu giữ nghệ thuật diễn xướng dân gian hát soóng cọ rất đặc sắc. Trong mỗi cuộc hát soóng cọ ở Quảng Ninh, bao giờ người ta cũng hát để thỉnh một nữ thần về chứng kiến, đó là nữ thần nghệ thuật của họ.

Trai gái Sán Chỉ xã Đại Thành, huyện Tiên Yên hát sóng cọ trên rừng. Ảnh: Phạm Long.

“Soóng cọ” theo tiếng Sán Chỉ có nghĩa là “xướng ca”, “hát đối”, “hát giao duyên” giống như hát Sli - lượn của các dân tộc Tày, Nùng hay hát ví của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Khi hát, người Sán Chỉ sử dụng ngôn ngữ địa phương và trang phục truyền thống, không chỉ tạo được nét văn hoá đặc trưng mà còn góp phần truyền bá ngôn ngữ, khuyến khích mọi người tìm hiểu những cái hay, cái đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc mình và học tập. 

Điều này có liên quan mật thiết đến quan niệm về cái đẹp của người Sán Chỉ mà nhân vật Làu Slam là đại điện.Truyền thuyết dân gian ở xã Húc Động, huyện Bình Liêu, kể rằng: Làu Slam là con gái thứ ba trong một gia đình người Sán Chỉ. Cô được chim thần dạy cho nhiều bài hát rất hay. Cô đã đi khắp nơi để hát và dạy mọi người hát. Đi đến đâu, già, trẻ, gái, trai đều đến nghe cô hát. Giọng hát của cô trong hơn tiếng chim vang xa đến nỗi con chim bay một quãng đường 7 đêm đi kiếm ăn rồi vẫn còn nghe được lời hát. Lời hát làm cho người ốm khỏe lại, nghe xong con người thấy yêu đời hơn, mạnh khỏe hơn, cây lúa trên nương trổ bông trĩu hạt, con cá dưới nước lờ đờ không bơi, con chim trời ngẩn ngơ quên hót. Cô đi mãi đến nỗi mệt lả người, chết đi và hồn hóa vào cây thông bốn mùa reo hát.

Để tưởng nhớ nàng sơn nữ tài hoa mà yểu mệnh, người Sán Chỉ tôn Làu Slam làm nữ thần thi ca nghệ thuật. Trước mỗi cuộc hát, người ta thường hát màn mời nữ thần nghệ thuật của mình về chứng kiến, vừa là nhập hồn vào người sống để có được trí nhớ, trí thông minh trong lối hát ứng đối. Mỗi người nhớ một ít, họ chép lại tất cả những bài mà nữ thần Làu Slam đã hát với rất nhiều chủ đề khác nhau, nhiều đến nỗi người ta hát 36 đêm không hết. Những bài đó, người Sán Chỉ đem về hát với nhau, gọi là soóng cọ, có nghĩa là xướng ca.

Theo giải thích của Nghệ nhân Ưu tú Sằn A Sẹc [còn gọi là Trần Văn Sẹc, cư trú ở thôn Kéo Cai, xã Đại Thành, huyện Tiên Yên], soóng cọ đã hình thành, tồn tại và phát triển cùng quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc Sán Chỉ. Soóng là xướng, cọ là ca. Soóng cọ có nghĩa là ca hát, hát đối, hát giao duyên. Đây là một hình thức diễn xướng bao gồm những khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt [mỗi khổ thơ gồm 4 câu, mỗi câu 7 tiếng]. Soóng cọ cũng là lối hát đối đáp, giao duyên, do từng đôi nam, nữ, hay một tốp nam, tốp nữ hát đối đáp trong ngày hội xuân, trong lễ cưới, khi lao động sản xuất, lúc nông nhàn, bên bếp lửa hay dưới ánh trăng khuya. Nếu hát trong nhà thì phải hát theo trình tự, còn khi hát ở ngoài trời có thể ứng tác, lời ca phù hợp với hoàn cảnh cụ thể hoặc theo các bài bản giai điệu bắt buộc. Hát soóng cọ đòi hỏi người hát phải hiểu biết, phải nhanh trí, thông minh, tài ứng khẩu, giỏi đặt lời mới cho các bài ca. Trước kia, có quy định như thế bởi hát soóng cọ gắn liền với phong tục “Slặm nhịt hụi” – ngày hiến tế của tự do tình yêu - rất đặc thù của người Sán Chỉ, đáng tiếc là nay đã không còn nữa.

Ngày hiến tế tình yêu xuất phát từ quan niệm hôn nhân của người Sán Chỉ. Thuở trước, chuyện hôn nhân đôi lứa chủ yếu là do bậc sinh thành định đoạt. Có thể người phụ nữ Sán Chỉ sẽ bị gả bán từ năm 12-13 tuổi, chưa hề biết đến luyến ái nam, nữ. Vì thế, nhiều cặp vợ chồng ăn ở với nhau, gọi là vợ chồng nhưng không có tình yêu. Xuất phát từ sự khát khao yêu thương trong cảnh ấy, người Sán Chỉ xưa đã tự tổ chức ra một ngày gọi là Slặm nhịt hụi. Sẵn có vốn dân ca của dân tộc mình, người Sán Chỉ ứng tác thành lời ca, tiếng hát nói nên cảm xúc, tâm trạng và suy nghĩ của mình và đem hát trong ngày hội để tìm người tâm đầu ý hợp kết thành tình nhân. Đến hội năm sau, họ lại gặp nhau và chỉ trong những ngày hội đó, họ mới được thoải mái hát ca, tâm tình, ở bên nhau mà không bị cười chê.

Trên thực tế, nữ thần nghệ thuật của người Sán Chỉ ban đầu chỉ hát đơn ca nhưng làn điệu sóong cọ thì dần dần được phổ biến dưới dạng hát tập thể, hát đối đáp. Với thể thức đối đáp, Soóng Cọ được thể hiện với hai tốp nam và nữ. Khi cất lên những câu hát đầu tiên, các bên hát bắt buộc phải có những lời hát mời. Nếu không gặp cố nhân mà gặp sơn nữ mới quen, nhiều chàng trai dân tộc liền buông lời tán tỉnh rất tình tứ, kiểu như: “Shặn thìn vằn màu cái sằn thàu/ Cặm lò khầy mà sắt cại dàu/ Cặm lò khuây mà sát cại tắng/ Hắm phòng sịn nui sắt cại dàu” [Mùa xuân mây mù trải khắp đầu rừng/ Chú cuội cưỡi ngựa ra phố du xuân/ Chú cuội cưỡi ngựa ra phố đón xuân/ Mới gặp tiên nữ cũng ra phố].

Sau các hồi hát chung, các cặp hát hợp nhau hoặc có những ý tình riêng có thể tách ra hát riêng và họ có thể hát tới sáng. Hội hát diễn ra vào mùa xuân nên nhiều câu ca được đặt trong không gian rực rỡ của hoa đào, hoa mận: “Dặn mòi sình/ Sláu nhạ sệch chín dằn mòi chài/ Dằn mòi sình sâu thào vạ phát/ Dằn mòi sình sấu lầy vạ hoi” [Tạm dịch như sau: “Mời muội hát đi/ Tay ta cầm viên sỏi mời muội gieo xuống/ Mời muội hát cho đến khi hoa đào nở/ Mời muội hát đến khi hoa mận khai”]. Bởi thế, rất dễ tìm thấy trong lời hát những hình ảnh về hoa mùa xuân. Sơn nữ du xuân chơi hoa và hoa xuân cũng là biểu tượng cho những cô sơn nữ mảnh mai, xinh đẹp đang e ấp: “Kín mòi hèn lầu thầu tày tày/ Mằn mòi cù ná sái vạ quậy/ Sái vạ mào kín thầu xoòng xép/ Thầu lìn mào kín sáu vạ quậy” [Tạm dịch: “Thấy muội đi đường cúi đầu/ Hỏi muội đi đâu chơi hoa về thế?/ Phơi hoa, sao không thấy muội cài trên máy tóc/ Hái hoa, sao không thấy muội cầm trên tay”].

Ở đây, mỗi câu hát được cất lên là tâm tình, trải tấm lòng mình với người bạn hát đối cùng, có thể là người bạn mới gặp trong ngày hội nhưng cũng có thể là những người bạn từ thời thanh niên, thầm yêu trộm nhớ. Bởi vậy, lời hát thường không kém thiết tha sâu lắng. Có một bài hát tạm dịch như sau: “Chàng đến muộn, em mong đợi chàng/ Con ngựa chân ngắn nên chàng đến muộn/ Bao nhiêu hoa đẹp người ta hái hết rồi/ Chàng đến muộn, hoa đẹp không còn nữa/ Cánh chim phượng hoàng bay qua đầu rừng/ Trăng đã lặn phía tây, giờ sao mọc lại được?…”.

Qua đêm hội, đến ngày hôm sau, trên những con đường về thôn, bản, những đôi trai gái vẫn còn lưu luyến, bịn rịn chưa muốn xa nhau. Cái tương tư vấn vít cõi lòng của họ để vận vào câu hát: “Chìu chău kết mung dì kết sậy/ Chìu qua tài mùn dì qua lầy/ Quá chài tài mùn chịu dì kín/ Quá chài làng sặm nhạt dì sậy” [Tạm dịch: “Con nhện kết tổ vừa kết sợi/ Sáng nhện treo tổ ở cửa đại, chiều treo ở bờ rào/ Treo ở cửa đại khiến sớm chiều thấy/ Treo ở lòng chàng, nhớ ngày đêm]. Nhớ thương là vậy, nhưng sau khi giã hội, ai về nhà nấy, không được tơ vương, tự ý hẹn hò, không được can thiệp vào đời sống gia đình riêng của nhau gây đổ vỡ gia đình. Theo bà con Sán Chỉ, nếu vi phạm các nguyên tắc trên thì cả hai người sẽ bị con ma làng làm hại, bị hai họ phế truất ra khỏi dòng họ, bị cả làng, bản, xã chê cười... Bởi vậy, có một nguyên tắc bất thành văn của ngày hội “Slặm nhịt hụi” cấm kỵ việc hát với người cùng làng, cùng bản làng, cùng họ hàng huyết thống. 

Người Sán Chỉ luôn biết ơn nữ thần nghệ thuật đã sáng tạo ra những khúc dân ca tình tứ cho con cháu sau này. Ảnh: Phạm Long.

Ca từ của soóng cọ bao gồm những khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt [mỗi khổ thơ gồm 4 câu, mỗi câu 7 tiếng], có nội dung cô đúc, tinh tế. Soóng cọ ban đầu, thời nữ thần Làu Slam là những bài hát ngợi ca quê hương, tình yêu đôi lứa nhưng càng về sau nội dung đề tài, sức hàm chứa của câu hát càng phong phú, bao trọn nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và tình cảm của con người. Thông qua lối hát soóng cọ, trước đây, người trẻ có thể giao lưu học hỏi lẫn nhau; đôi lứa đang yêu thì dùng lời hát thể hiện tâm tư, tình cảm. Bây giờ, người già trong thôn, bản dùng lời hát để răn dạy con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, kinh nghiệm đối nhân xử thế.

Tuy tập quán hiến tế cho tình yêu tự do [“slặm nhịt hụi”] nay không còn nữa nhưng hội soóng cọ của người Sán Chỉ vẫn được duy trì và ấn định tổ chức vào vào một ngày duy nhất trong năm, thường là vào ngày trăng tròn của tháng cuối xuân, khi tiết trời trở nên ấm áp, cũng là lúc nông nhàn. Hội soóng cọ ở huyện Bình Liêu, nơi tập trung đông đồng bào Sán Chỉ được tổ chức vào 16/3 Âm lịch, được người dân nơi đây gọi là Ngày hội tháng Ba. Hiện nay, ngày hội này trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của huyện mà trong đó, hát soóng cọ là linh hồn của ngày hội.

Huỳnh Đăng

Video liên quan

Chủ Đề