Mười năm cõng bạn đi học ở Thanh Hóa

Đôi bạn 10 năm cõng bạn tới trường cùng nhau vào ĐH với trên 28 điểm 3 môn

[NLĐO]- Một cái kết đẹp, như cổ tích của đôi bạn thân 10 năm cõng bạn tới trường Minh và Hiếu lại được viết lên khi cả hai sẽ cùng bước vào giảng đường đại học khi có điểm số rất cao, 28,10 và 28,15 điểm 3 môn, trong kỳ thi THPT năm 2020.

  • Miệt mài cõng bạn đến lớp suốt 3 năm

  • Cậu học trò nghèo 5 năm cõng bạn đến trường

  • Ngàn ngày cõng bạn đến trường

  • 6 năm cõng bạn đến trường

Câu chuyện về tình yêu thương và lòng hiếu học của đôi bạn thân 10 năm cõng bạn tới trườngNgô Minh Hiếu và Nguyễn Tất Minh, học sinh Trường THPT Triệu Sơn 5 [huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa] đã làm tan chảy bao con tim.

Đôi bạn Hiếu - Minh đã viết nên một câu chuyện đẹp về lòng yêu thương và sự hiếu học

Suốt 10 năm qua, không quản nắng mưa, Nguyễn Tất Minh đến trường bằng đôi chân của Ngô Minh Hiếu, và giờ đây ước mơ thi đậu vào các trường như mong muốn của Hiếu và Minh đã thành sự thực.

Trong thì thi THPT Quốc gia năm 2020, đôi bạn này đã có điểm thi rất cao. Hiếu thi khối B với số điểm 28,15 [Toán: 9,40; Hóa: 9,75; Sinh: 9,0], còn Minh đậu khối A với điểm số 28,10 [Toán: 9,60; Lý: 9,25; Hóa: 9,25]. Ước mơ của Minh sẽ thi đậu vào Khoa công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, còn mơ ước của Hiếu sẽ trở thành bác sĩ giỏi để có thể chữa bệnh cứu người khi đăng ký thi vào trường Đại học Y Hà Nội.

Những ngày qua, ngôi nhà nhỏ ở vùng quê chiêm trũng thuộc xóm 1, xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa - nơi Nguyễn Tất Minh sinh ra và lớn lên - có rất nhiều người dân lui tới hỏi thăm, chúc mừng khi hay tin Minh đạt điểm số rất cao trong kỳ thi vừa qua.

Nguyễn Tất Minh tới đây sẽ bước sang một ngã rẽ mới khi không còn "đôi chân" của Hiếu bên cạnh mỗi ngày

Khác với những đứa trẻ khác, ngay từ khi lọt lòng mẹ, Minh đã bị tật nguyền khiến đôi chân và cánh tay phải cứ co quắp và càng lớn nó lại càng teo tóp lại. Dù dị tật nhưng Minh rất ham học, đòi tới trường bằng được. Thương bạn, Ngô Minh Hiếu đã tự nguyện làm "đôi chân" cõng bạn ròng rã suốt 10 năm tới trường.

Mặc dù đạt được điểm số rất cao, thế nhưng Nguyễn Tất Minh cho biết vẫn rất tiếc nuối vì chưa đạt được điểm cao hơn như kỳ vọng. Tuy nhiên, Minh cũng rất vui vì với em mỗi kỳ thi là một kỷ niệm, vì thế em muốn lưu giữ những kỷ niệm đó. "Với em, có được kết quả học tập như ngày hôm nay, em rất biết ơn các thầy cô giáo và đặc biệt là bạn Hiếu, người đã thay "đôi chân" đưa em đến trường mỗi ngày suốt 10 năm qua"- Minh chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Lý, mẹ của Minh, cho biết khi hay tin Minh đạt điểm số cao, vợ chồng chị rất vui sướng và tự hào. Chị bảo, ước mơ trước đây của Minh là được trở thành bác sĩ giống như Hiếu, nhưng rồi vì hoàn cảnh thực tại của mình, Minh đã chuyển sang học khối A và mơ ước thành kỹ sư tin học [IT].

Minh và mẹ bên các tấm giấy khen, bằng khen mà Minh đạt được trong suốt quá trình học tập

"Vui, hạnh phúc lắm, nhưng chặng đường phía trước của con cũng rất gian nan, bởi từ nay Minh không còn được Hiếu làm "đôi chân" đưa đón hàng ngày. Chắc chắn bố sẽ ra cùng để đưa đón Minh đến trường rồi kiếm một công việc nào đó để làm để trang trải cuộc sống, cố gắng mua cho con một chiếc xe lăn điện"- mẹ Minh nói.

Với Ngô Minh Hiếu, người 10 năm tình nguyện cõng bạn tới trường, cũng có hoàn cảnh rất khó khăn, mẹ Hiếu làm công ty may, còn bố hằng ngày đi làm phụ hồ tận Hà Nội, Bắc Ninh. Ngay sau buổi thi cuối cùng, Hiếu đã lên đường ra Bắc Ninh để làm phụ hồ cùng bố. Hiếu bảo, tranh thủ để kiếm tiền để khi đậu đại học thì có thêm tiền trang trải cho bố mẹ bớt khổ.

Hiếu cho biết, ước mơ vào trường y là để chữa bệnh cho người nghèo, cho những hoàn cảnh thiếu may mắn trong cuộc sống và đặc biệt, nếu làm bác sĩ Hiếu sẽ có cơ hội chữa lành chân cho Minh.

Ông Nguyễn Tài Quyển, Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 5, cho biết nhà trường không bất ngờ khi biết tin Minh và Hiếu thi đạt số điểm cao, bởi theo ông thành quả đó là cả một quá trình cố gắng học tập của 2 em. "Minh là học sinh cá tính, dù được đặc cách vào trường do là người tật nguyền nhưng em ấy không đồng ý và tự thi vào trường. Lúc đầu vào lớp 10 của trường, em nằm trong top những học sinh có điểm cao nhất và đến giờ thi tốt nghiệp cũng vậy. Nhà trường rất tự hào khi có một học trò nghị lực như vậy" - thầy Quyển chia sẻ.

Cũng theo thầy Quyển, nhà trường cũng lo lắng khi Minh bước vào một môi trường mới, xa nhà và sẽ không có bạn Hiếu bên cạnh đưa đón hằng ngày, nên thầy Quyền đã liên hệ với một số cựu học sinh của trường hiện đang là sinh viên Trường Đại học Bách Khoa để trợ giúp Minh trong những ngày sắp tới.

Tuấn Minh

Những tưởng con đường đến lớp của Minh sẽ không thể bước tiếp, nhưng rồi, Hiếu xuất hiện như một “thiên thần” tiếp lửa trái tim Minh. Hành trình nguyện làm đôi chân cõng Minh đến trường của Hiếu nay đã tròn 10 năm với biết bao kỷ niệm đáng nhớ.

Khoảng 18 năm về trước, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Tất Mây và Hoàng Thị Lý ở xóm 1 [xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn], một trong những đôi uyên ương trai tài, gái sắc, cần cù chịu khó được hàng xóm hết mực yêu quý.

Ở xóm nghèo ngày ấy, làm ruộng là cái nghề truyền thống bao đời để lại. Anh Mây và chị Lý cũng vậy, họ cần cù chịu khó đến mức ai thấy cũng “ganh tỵ”, ngưỡng mộ. Ngày vợ có tin vui, anh Mây càng chăm chỉ lao động để chờ đón cậu quý tử của gia đình chào đời.

Thế nhưng, tai ương bắt đầu ập đến gia đình chị. Ngày chị sinh, không may mắn như những đứa trẻ khác, cậu con trai đầu lòng của anh chị bị dị tật, đôi chân và 1 tay co quắp. Chị Lý buồn bã nhìn chồng mà rưng rưng nước mắt. “Khi biết con sinh ra bị dị tật, vợ tôi buồn lắm. Đó là đứa con đầu lòng của chúng tôi. Nhìn con lúc ấy chỉ biết nghẹn ngào, vì thương con mà vợ tôi đã phải trải qua vô vàn gian khổ.”, anh Mây tâm sự.

Số phận không may mắn đã khiến đôi chân của con trai không được bình thường, với hy vọng lớn lên con sẽ mạnh mẽ, minh mẫn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, anh Mây quyết định đặt tên cho con là Nguyễn Tất Minh.

Không giống như lứa bạn cùng trang lứa, Tất Minh lớn lên trong sự thiếu thốn đủ bề. Em càng lớn thì đôi chân của em càng teo và co quắp, cánh tay phải của em cũng không thể phát triển được. Nhiều lần gia đình đưa Tất Minh đi thăm khám nhưng đây là dị tật bẩm sinh nên không thể làm gì hơn được.

Thương con, vợ chồng anh Mây lăn ra làm việc để bù đắp lại những gì thiếu thốn. Từ miếng cơm, manh áo, mỗi khi lấy lương thì chị Lý lại dành giụm để mua cho con những bộ quần áo mới. Thế nhưng, có một món đồ hết sức giản đơn mà suốt 18 năm qua chưa một lần anh chị dám nghĩ đến. Đó chính là đôi dép cho Minh.

“Càng lớn, hai bàn chân của Minh càng co quắp vào trong, không thể đi được giày, dép. Mỗi lần nhìn lũ bạn có dép mới, giày mới lại càng thương con. Ngày nhỏ nhiều lần nó tủi thân lắm. Nhưng giờ lớn, cháu nó biết rồi. Tôi có thể làm mọi thứ vì con, có thể không được nhiều nhưng sẽ sắm cho con những gì con muốn. Nhưng với đôi dép, tôi chưa bao giờ có cho con. Đó là một thiệt thòi của cháu”. Anh Mây tâm sự.

Không bao lâu, Tất Minh tròn 8 tuổi. Số phận không may mắn đã đành, cậu bé ấy một lần nữa ngấn lệ khi phải đứng trước nguy cơ nghỉ học. Vì gia đình khó khăn nên bố mẹ Minh phải đi làm thuê ở xa. Thương con nhưng cực chẳng đã, vợ chồng anh Mây đành để con ở nhà. Con đường tới lớp chỉ vỏn vẹn 1km nhưng với Minh nó trở nên dài vô tận. Và rồi, Ngô Văn Hiếu đã xuất hiện như một thiên thần thắp lửa trái tim Minh, tiếp thêm niềm hy vọng để Minh tiếp tục đèn sách.

Thấy Minh không có người đón đưa đi học, Hiếu – cậu bé mới tròn 8 tuổi đã chạy thẳng đến nhà Minh rồi xin phép được cõng Minh đến trường mỗi ngày. Hành trình cõng bạn suốt 10 năm cũng bắt đầu từ đó.

Hiếu kể, “Em còn nhớ rất rõ ngày đó. Thấy Minh phải nghỉ học vì không có ai đưa đón em thương lắm. Lúc đó em cũng chỉ nghĩ có người cõng thì bạn ấy sẽ tiếp tục đi học. Vậy là em đến xin bố mẹ Minh để được cõng bạn ấy đi học”.

Kể từ đó cho đến nay, dù trời nắng hay mưa, đều đặn ngày hai lần Hiếu vẫn sang nhà đưa đón, cõng Minh đến trường. Suốt 10 năm nguyện làm “đôi chân” cho Minh, tình bạn ấy đã trở thành một câu chuyện cổ tích giữa đời thường khiến thầy cô, bạn bè thán phục.

10 năm, một hành trình với biết bao kỷ niệm giữa đôi bạn tri kỉ. “Em còn nhớ cái hôm đi học về. Hôm ấy trời mưa to lắm, mà đường thì toàn đất đá trơn chứ không như bây giờ. Đang trên đường cõng Minh đi học về thì trời đổ mưa to. Gần đến cánh đồng thì em trượt chân ngã. Lúc đó em chỉ sợ Minh bị sao thôi, vì Minh bị tật không chủ động ngã như em được. Về đến nhà hai đứa lấm lem bùn đất” Hiếu nhớ lại kỷ niệm khó quên.

Việc đưa đón, cõng minh đến lớp dần trở thành một thói quen đối với Hiếu. Có những hôm Minh báo ốm không thể đi học nhưng vì thói quen Hiếu vẫn sang nhà để đưa đón Minh. Nhờ tình bạn, sự giúp đỡ cao quý mà suốt 12 năm học Minh đều đạt thành tích cao trong học tập.

Nói về Hiếu, Minh cho biết: “Em rất may mắn khi có được một người bạn như Hiếu. Hiếu đối với em không chỉ là một người bạn mà còn gắn bó như một phần của cơ thể. Nếu không có Hiếu em đã phải dừng bước trên con đường đến lớp. Hiếu chính là niềm hy vọng và là động lực để em cố gắng học tập thật tốt”.

Tình bạn, tình thương mà Hiếu dành cho Minh suốt nhiều năm qua khiến bạn bè, thầy cô và bà con lối xóm ai thấy cũng khâm phục. “Cháu Minh và cháu Hiếu là một trong những tình bạn hiếm thấy. Phải nói về tính nhân hậu, yêu thương của Hiếu. Một cậu bé mới chỉ 8 tuổi khi nhìn thấy bạn bị khuyết tật không thể đến lớp mà có thể nảy sinh ý tưởng cõng bạn. Tôi thực sự kính nể cháu”. Cô Nguyễn Thị Lợi [hàng xóm], chia sẻ.

Những ngày này, cũng đều đặn ngày 2 lần đưa đón, cõng Minh vào lớp như thường lệ. Nhưng với Hiếu đó là những ngày “đếm ngược”. Chỉ còn không bao lâu nữa, cả hai sẽ phải tạm xa nhau để chuẩn bị cho một hành trình mới, đó là cánh cửa bước vào Đại học. Hiện, Minh và Hiếu đang là học sinh lớp 12A6 của trường THPT Triệu Sơn 5. Thời gian tới, hai em sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Trong kỳ thi thử vừa qua, cả Minh và Hiếu đều đạt kết quả cao và lọt Top những học sinh giỏi của trường.

Thầy Nguyễn Đình Tuấn – Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6, cho biết: “Hai em Hiếu và Minh có một tình bạn rất đáng khâm phục. Không chỉ thế hai em còn là những học sinh giỏi của trường trong suốt nhiều năm qua. Trong kỳ thi thử vừa qua, cả hai em đều đạt số điểm rất cao, hơn 26 điểm. Tôi hy vọng, với tinh thần và phong độ như hiện tại, hai em sẽ thi đỗ vào những trường mong muốn”.

Nói về ước mơ, Minh bật mí, “em đã có dự định thi vào Đại Học Bách Khoa từ năm lên lớp 10. Khoa Công Nghệ thông tin là khoa em sẽ đăng ký dự thi. Vì đây chính là nghề phù hợp với em nhất, nếu đậu bách khoa em sẽ có cơ hội được thực hiện ước mơ của mình là một kỹ sư Công nghệ thông tin”.

Khác với Minh, vốn là cậu học trò đam mê môn Sinh, Hiếu dự định sẽ thi vào trường Đại học Y Hà Nội. “Em mơ ước sẽ trở thành bác sĩ. Em thấy trong cuộc sống có rất nhiều hoàn cảnh rất đáng thương, những căn bệnh hiểm nghèo nhưng không có cơ hội được chữa trị. Là bác sĩ, em sẽ có cơ hội được giúp đỡ, được cứu sống biết bao mảnh đời bất hạnh.” - Hiếu chia sẻ về ước mơ của mình.

Suốt nhiều năm gắn bó với nhau, những tháng ngày cuối của thời học sinh, biết bao kỷ niệm buồn vui chốc lát lại ùa về khiến đôi bạn không giấu được những giọt nước mắt. Khi được hỏi về thời gian sắp tới, Hiếu tâm sự: “Việc đầu tiên của cả hai chúng em đó là thi đậu vào Đại học. Nếu đậu đại học em chỉ mong muốn một điều là được ở cạnh Minh để tiện chăm sóc cho cậu ấy.”

Ước mơ là vậy nhưng với Minh em không giấu hết được những nỗi niềm. Mới đây thôi, trong một lần đi làm đá, bố của em đã bị tai nạn lao động gãy xương đùi. Hiện cả gia đình đang phải sống dựa chủ yếu vào hơn 3 triệu tiền lương từ công việc phụ may của mẹ. “Em thương bố mẹ em lắm. Mai này nếu thi đậu vào đại học thì bố mẹ lại thêm phần vất vả. Em sẽ cố gắng thật tốt để không phụ lòng tin yêu của bố mẹ và thầy cô, bạn bè”, Minh tâm sự.

Nhận định về kỳ thi sắp tới, thầy Nguyễn Tài Quyển - Hiệu trưởng trường THPT Triệu Sơn 5, chia sẻ: “Công tác trong ngành hơn 30 năm, đây là trường hợp đầu tiên tôi bắt gặp. Tình cảm giữa hai em dành cho nhau trên cả tuyệt vời. Không chỉ đạo đức tốt, hai em còn là những hạt giống trong các kỳ thi của trường. Tôi tin hai em sẽ đậu vào những trường mà các em mơ ước”.

Nick Vujicic - nhà diễn thuyết nổi tiếng thế giới, khi sinh ra đã không có tứ chi, từng có câu nói: “Nỗi sợ hãi là khuyết tật lớn hơn cả việc không tay, không chân”. Câu chuyện tình bạn của Minh và Hiếu cũng vậy, hy vọng bằng ý chí và nỗ lực suốt nhiều năm qua, hai em sẽ sớm vượt qua “sợ hãi” như những gì các em đã làm để sớm thực hiện được ước mơ của mình.

Nội dung: Tuấn Kiệt

Ảnh: Hoàng Đông

Thiết kế: Minh Quân

Xuất bản: 4:30:07:2020:15:58

Video liên quan

Chủ Đề