Liên hệ thực tiễn xây dựng, phát triển thành phố hồ chí minh hiện nay

Thành phố Sài Gòn – Gia Định vinh dự được Quốc hội của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính thức đặt tên là Thành phố Hồ Chí Minh [TP HCM] vào ngày 02/7/1976. Xuyên suốt gần 40 năm qua, với vai trò là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM luôn phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, kiên cường, phấn đấu không ngừng với tinh thần “Cùng cả nước. Vì cả nước”, vượt qua khó khăn, thách thức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với vinh dự được mang tên Bác và danh hiệu “Thành phố Anh hùng”, “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.
Những thành tựu của TP HCM đạt được trong 40 năm qua có thể khái quát thành 3 nhóm thành tựu về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và quản lý, phát triển đô thị bền vững.


Những cung đường mới mở hoà nhịp cùng sự phát triển của TP HCM.

Về phát triển kinh tế
Trong 40 năm qua, kinh tế Thành phố đã trải qua những bước thăng trầm, nhưng xu hướng chung là không ngừng phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân giai đoạn 2001 – 2005 là 11%, giai đoạn 2006 – 2010 là 11,2%/năm, bằng 1,2 lần tốc độ tăng trưởng chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hơn 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước[1]. Trong 3 năm gần đây, 2011 – 2013, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Thành phố đạt 9,6%[2], chênh lệch 1,71 lần so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước [5,6%]. Đóng góp của TP HCM cho quá trình phát triển kinh tế của cả nước ngày càng to lớn thể hiện không chỉ qua tỷ trọng GDP của Thành phố so với cả nước mà Thành phố còn đóng góp khoảng 30%[3] nguồn thu ngân sách cả nước. Trong việc thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, Thành phố nỗ lực kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng [CPI] so với cả nước, cụ thể giai đoạn 2008 – 2010, CPI của Thành phố là 11,01% so với 11,51% của cả nước, giai đoạn 2011 – 2013, CPI của Thành phải là 6,9% so với 9,15% của cả nước.

Một niềm tự hào của Thành phố mang tên Bác trên lĩnh vực kinh tế là Thành phố luôn sáng tạo, đề xuất và chủ động thực hiện các đề án thí điểm, từ đó phát hiện và phát triển những cơ chế, chính sách kinh tế mang tính chất đột phá, làm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế cả nước. Mô hình khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam được triển khai thực hiện tại Tân Thuận, Quận 7 để thu hút vốn đầu tư của nước ngoài là kết quả nghiên cứu từ năm 1988 – 1989, được chấp thuận cho thí điểm và năm 1991 tìm được đối tác để triển khai trên thực tế với sự ra đời của pháp nhân kinh tế Chương trình Khu Công nghiệp Xuất khẩu Tân Thuận. Năm 1996, Thành phố là địa phương đầu tiên đề xuất thành lập Quỹ đầu tư phát triển đô thị và thí điểm phát hành trái phiếu đô thị trước khi có khung pháp lý về trái phiếu của chính quyền địa phương. Thành phố đã chủ động nghiên cứu, tích cực chuẩn bị điều kiện vật chất cần thiết và phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000 tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM [nay là Giao dịch Chứng khoán TP HCM [HOSE] đã trở thành một bước ngoặt lịch sử, đánh dấu sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam tại TP HCM…

Ông Lê Thanh Hải – Ủy viên Bộ Chính Trị
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Về đảm bảo an sinh xã hội
Ngay từ những buổi đầu giành được độc lập, tự do cho dân tộc, Bác đã dạy: “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”[4]. Thành phố mang tên Bác đã đi đầu trong việc thực hiện lời Bác dạy là phải cho “Dân được ăn no, mặc đủ” khi là địa phương khởi xướng nhiều phong trào, nhiều mô hình chăm lo đời sống cho nhân lao động, đặc biệt là người dân nghèo, sau đó phong trào đã lan tỏa và phát triển mạnh mẽ trên khắp cả nước, trở thành những chương trình mang tính chất Quốc gia và vẫn còn đang tiếp tục thực hiện cho đến hiện nay. Điển hình nhất là phong trào xây dựng Nhà tình nghĩa – Tặng nhà tình thương bằng sự đóng góp công lao động, kinh phí của toàn xã hội và Chương trình “Xóa đói giảm nghèo”.

Chương trình “Xóa đói giảm nghèo” là một sáng tạo trong cách làm của Thành phố để giúp người nghèo nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo như cho vay vốn để tự tổ chức sản xuất, làm ăn, hỗ trợ giáo dục, học nghề… Chương trình được đề ra từ Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ V vào tháng 10/1991. Từ tháng 2/1992, Ban Thường vụ Thành ủy khóa V chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình “Phấn đấu thu hẹp và từng bước xóa hộ đói nghèo” ở nông thôn, đến tháng 11/1992, tổ chức sơ kết và mở rộng ra toàn địa bàn thành phố, trong đó mục tiêu của giai đoạn 1992 -1995 là xóa hộ đói, cơ bản giải quyết cái ăn hàng ngày, chống tái đói. Đến năm 1996, “Xóa đói giảm nghèo” trở thành một Chương trình có nội dung ở tầm quốc gia khi đã là một phần nội dung quan trọng của văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII.
TP HCM cũng luôn là địa phương đi đầu trong việc thăm hỏi, ủng hộ đồng bào ở các địa phương khác bị thiên tai. Không dừng lại ở hoạt động thăm hỏi, ủng hộ địa phương khác lúc phải xử lý hậu quả của thiên tai, Thành phố còn chủ động hỗ trợ các tỉnh, thành phố khác còn nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo thông qua hoạt động kết nghĩa, ký kết hợp tác kinh tế – xã hội với 35 tỉnh, thành phố[5] trong cả nước trên nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực trong việc xây dựng và phát triển các tỉnh cũng như thành phố, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, hạn chế di dân lên Thành phố.


Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 1065/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Về quản lý, phát triển đô thị bền vững Thành phố nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của công tác quy hoạch; xác định tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch; gắn nhiệm vụ quy hoạch sát với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Thành phố.

Thời gian qua, Thành phố đã tập trung xây dựng, tạo bước đột phá, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch – kiến trúc đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.

Là một trong những thành phố lớn nhất cả nước, ngay sau ngày giải phóng với bao thách thức đặt ra để ổn định tình hình kinh tế – xã hội, TP HCM đã chú trọng tới công tác quy hoạch để cải tạo và phát triển đô thị. Viện Quy hoạch TP HCM đã được thành lập ngày 28-04-1977 theo Quyết định 340/QĐ-UB của UBND TP HCM. Trong suốt những năm 80, với sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ thành phố Leningrat-Liên Xô kết nghĩa, Viện Quy hoạch bên cạnh việc nghiên cứu giải quyết bài toán quy hoạch cải tạo đô thị, đã tập trung nghiên cứu các phương án phát triển thông qua các đồ án quy hoạch tổng mặt bằng thành phố. Bước sang thập niên 90, cùng cả nước bước vào thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã tập trung mọi nỗ lực cho công tác quy hoạch cải tạo và phát triển Thành phố nhằm tạo nền tảng vững chắc cho những kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội theo mô hình một đô thị tập trung – đa cực. Tổng mặt bằng đầu tiên của TP HCM được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 1993 đã tạo ra một thời kỳ mới để TP HCM cất cánh. Với trọng trách đã được Bộ Chính trị giao cho thông qua ba Nghị quyết riêng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM, để tiếp tục khai thác mọi tiềm năng và thế mạnh của thành phố cũng như đáp ứng công cuộc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Thành phố đã tiếp tục tiến hành 2 lần điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố vào các năm 1998 và 2010 và triển khai phủ kín quy hoạch trên địa bàn thành phố thông qua hệ thống các đồ án quy hoạch chi tiết [Quy hoạch phân khu 1/2000].

Từ những kinh nghiệm trong công tác thực hiện quy hoạch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM đã sớm quan tâm tới công tác quản lý đô thị, coi đây là công cụ sắc bén để cải tạo phát triển đô thị trên cơ sở các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt. Tại Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ VII năm 2000, vấn đề nâng tầm quản lý đô thị theo hướng văn minh, hiện đại đã được đặt ra. Đây cũng là cột mốc đánh dấu vấn đề quản lý và phát triển đô thị trở thành một nội dung trong công tác quản lý Nhà nước và được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành sát sao của lãnh đạo Thành phố. Đặc biệt, từ Đại hội lần thứ VIII của Đảng bộ Thành phố năm 2005 đến nay, quản lý và phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố, trong đó đặt ra những mục tiêu trong trung hạn, dài hạn mà Thành phố phải vươn tới để phát triển đô thị bền vững.

Để xây dựng một vùng đất trở thành đô thị hiện đại, văn minh đòi hỏi khoảng thời gian tương đối dài. Tại TP HCM, từ thập niên 90 thế kỷ 20 đến nay, công tác quản lý và phát triển đô thị đã đạt được một số thành tựu bước đầu khá quan trọng tạo tiền đề cho việc phát triển bền vững của Thành phố trong những thập niên kế tiếp, nổi bật nhất là: “Thành phố nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của công tác quy hoạch; xác định tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch; gắn nhiệm quy hoạch sát với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Thành phố” [6]. Có thể nói rằng, sự thay đổi, phát triển trong tư duy quản lý đô thị của Thành phố đều xuất phát từ việc nhận thức rõ hơn vai trò của quy hoạch trong quản lý và phát triển đô thị.

Có thể nhìn nhận một số thành tựu bước đầu khá quan trọng tạo tiền đề cho việc phát triển bền vững của Thành phố trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị như sau: Công tác lập quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch

Ngay từ những năm bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường, TP HCM đã triển khai nghiên cứu quy hoạch chung xây dựng thành phố và được phê duyệt vào năm 1993. Song song đó, TP HCM triển khai thực hiện quy hoạch chung xây dựng 22/24 quận – huyện, quy hoạch chi tiết và đã huy động mọi nguồn lực cho công tác lập quy hoạch, kể cả tiến hành phân cấp cho các quận-huyện để nhanh chóng có đủ cơ sở pháp lý quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, phục vụ việc đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn toàn Thành phố.

Tại TP HCM cho đến nay đã thực hiện 3 đồ án quy hoạch chung xây dựng Thành phố tuy tên gọi khác nhau nhưng đã đóng vai trò quan trọng mang tính định hướng chiến lược trong phát triển không gian của TP HCM từ đó, không gian phát triển Thành phố ngày càng được mở rộng, có sự kết nối với vùng và khu vực tạo tiền đề cho Thành phố phát triển, cụ thể:

– “Đồ án quy hoạch tổng mặt bằng TP HCM đến năm 2020” được nghiên cứu thực hiện và được phê duyệt năm 1993 theo Quyết định số 20-TTg ngày 16/01/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể xây dựng TP HCM. Đây là đồ án được lập trước khi Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 322-BXD/ĐT ngày 28/12/1993. Lần đầu tiên từ sau ngày thống nhất đất nước, cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, TP HCM đã xác định định hướng tổ chức không gian phát triển đô thị với tính chất là một trong những trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, tài chính ngân hàng…trên cả nước. Đồ án làm cơ sở cho việc lập quy hoạch chung các quận – huyện, các khu đô thị mới và Quy hoạch chương trình cải tạo và xây dựng mới nhiều khu vực đô thị.

– “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2020” được nghiên cứu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực, được phê duyệt năm 1998 theo Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10/7/1998 của Thủ tướng Chính về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP HCM đến năm 2020. Lần điều chỉnh này được thực hiện khi TP HCM đón nhận những làn sóng đầu tư nước ngoài khá lớn từ các quốc gia trên thế giới và nhất là từ các nước trong khối ASEAN làm cho nhu cầu về mở rộng không gian phát triển đô thị nói chung và tiến về hướng Đông Nam – hướng ra phía biển nói riêng đã trở thành nhu cầu cấp bách. Về mặt chuyên môn, tham gia thực hiện Đồ án có khá nhiều chuyên gia đầu ngành thuộc Bộ Xây dựng và chuyên gia tại TP HCM nên đã khẳng định được khung giao thông chính của TP HCM, trong đó nổi bật ý tưởng phát triển đô thị mới về phía Nam với việc Quy hoạch tuyến đường Nguyễn Văn Linh và Khu đô thị mới Nam Thành phố. Trục đường Nguyễn Văn Linh vừa đóng vai trò tuyến đường vành đai quan trọng, vừa là trục đường xương sống để phát triển một chuỗi, một hành lang đô thị trên diện tích 3600 ha ở phía Nam Thành phố. Lần điều chỉnh quy hoạch chung này cũng quy hoạch các khu đô thị mới như Khu đô thị Nam Thành phố, Khu Đại học Quốc gia TP HCM, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao và hàng loạt các khu chế xuất – khu công nghiệp… để tạo không gian cho Thành phố phát triển kinh tế – văn hóa và phát triển đô thị có sự quản lý, kiểm soát của chính quyền thành phố. Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng – Khu “Khu đô thị kiểu mẫu” của cả nước và trục đường Nguyễn Văn Linh đã là minh chứng cho sự đột phá của TP HCM trong công tác quản lý phát triển đô thị. – “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025” được phê duyệt năm 2010 theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đồ án này tiếp tục khẳng định những định hướng phát triển xuyên suốt trong thời gian qua, phát triển thành phố về phía Nam hướng ra Biển Đông và có những điều chỉnh, khắc phục những hạn chế của các đồ án trước. Đồ án đã tạo dựng và khẳng định được không gian phát triển bền vững cho Thành phố thích ứng với những thách thức về biến đổi khí hậu.

Đến thời điểm này, công tác lập quy hoạch toàn Thành phố đã cơ bản hoàn thành để thực sự trở thành công cụ quản lý quá trình phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của Thành phố với một hệ thống các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của 22/24 quận-huyện và gần 800 các đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 [quy hoạch phân khu 1/2000]. Hệ thống các đồ án này đã phủ kín các khu vực đã, đang và dự kiến cải tạo phát triển đô thị đáp ứng những yêu cầu đặt ra nhằm triển khai thực hiện Đề án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP HCM đến năn 2020, tầm nhìn đến năm 2025 mới được phê duyệt.

Đặc biệt, đối với những khu vực cần tập trung nghiên cứu cải tạo phát triển và kêu gọi đầu tư, Thành phố đã tổ chức thi tuyển quốc tế để lựa chọn các nhà tư vấn có đủ năng lực và tầm vóc thực hiện nghiên cứu lập quy hoạch đô thị. Đó là các đồ án quy hoạch đô thị tại Khu đô thị mới Nam thành phố năm 1994 – Công ty SOM từ Mỹ, Khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 2003 – Công ty SASAKI từ Mỹ và Khu trung tâm hiện hữu mở rộng 930 ha năm 2007 – Công ty NIKKEN SEIKKEI từ Nhật Bản.

Bên cạnh đó, tại các trục giao thông quan trọng mới đầu tư xây dựng như các đại lộ Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng… Thành phố cũng đầu tư cho việc tổ chức nghiên cứu xây dựng các đồ án thiết kế đô thị.
Trong thời gian qua, để bảo đảm quyền lợi của người dân sống ở khu vực quy hoạch, Thành phố đã ban hành nhiều văn bản pháp lý như Nghị quyết 16/2012 /NQ-HDND của Hội đồng nhân dân Thành phố về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng của Thành phố đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đồng thời rà soát, kiểm tra tính khả thi, tiến độ thực hiện các đồ án đã được phê duyệt và có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các dự án chậm triển khai, chậm tiến độ kéo dài như thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất…

Cải tạo đô thị đi đôi với nâng cao chất lượng sống của người dân và bảo tồn di sản văn hóa – lịch sử – kiến trúc của Thành phố
Từ năm 1994, nhiều chương trình chỉnh trang, cải tạo đô thị đã được triển khai như Chương trình cải tạo vệ sinh môi trường của Thành phố, trong đó bao gồm nhiều dự án như dự án vệ sinh môi trường thành phố tại lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ – Bến Nghé – Kênh Đôi – Kênh Tẻ… Việc thực hiện các dự án này cho đến nay đã từng bước mang lại cho Thành phố một diện mạo mới khi các nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch đã được giải tỏa, hệ thống thoát nước được nâng cấp, dòng nước các kênh đã từng bước trong xanh trở lại. Để Thành phố khang trang hơn, tươi đẹp hơn, hàng ngàn người dân sống tại các khu vực cần chỉnh trang, nâng cấp đô thị đã ủng hộ chủ chương, chấp nhận giải tỏa, di dời để chuyển đến các khu ở mới. Nhận thức được sự hy sinh to lớn của người dân cho quá trình phát triển của Thành phố, lãnh đạo Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác này, trong đó có Nghị quyết số 18-NQ/TU nêu rõ: “Chính sách đền bù phải đảm bảo tái tạo lại được nơi ở mới, cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ cho những người có nhà ở hợp pháp, hợp lệ, đang sinh sống ổn định. Chính sách phải đảm bảo được lợi ích hài hòa giữa người dân bị thu hồi đất, nhà đầu tư và Nhà nước”. Tuy nhiên, khi quy định theo pháp luật về bồi thường đất chưa đủ đảm bảo thực hiện mục tiêu trên, Thành phố đã có sáng kiến thành lập Quỹ hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Quỹ 156 ra đời năm 2006 để triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho người bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống. Đến nay, nhiều chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ thể chế hóa trong quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Thành phố đã hạn chế những tranh chấp gay gắt, căng thẳng giữa chủ đầu tư và người dân. Thành phố không phát sinh những điểm nóng về khiếu nại, tố cáo trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng đến trật tự, an ninh chính trị trên địa bàn.

Song song với việc tập trung phát triển đô thị, thành phố cũng tập trung nghiên cứu bảo tồn các di sản văn hóa – lịch sử – kiến trúc trên địa bàn. Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo bảo tồn kiến trúc và cảnh quan đô thị gồm nhiều chuyên gia và đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu đề xuất các quy định cần thiết nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống các công trình kiến trúc và cảnh quan đô thị cần bảo vệ. Cũng xuất phát từ tầm nhìn này, Thành phố tổ chức thi tuyển quốc tế để lập Đồ án quy hoạch phân khu TL 1/2000 và Quy chế quản lý kiến trúc khu trung tâm hiện hữu mở rộng TP HCM.

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, từng bước xây dựng thành phố văn minh – hiện đại.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị.

Ngay từ năm 2000, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ VII đã xác định: “Ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật gắn với việc xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư, phát triển đô thị mới và tái bố trí dân cư, các công trình giao thông, cấp – thoát nước búc xúc; các dự án thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế”. Định hướng này vừa phù hợp với năng lực tài chính của Thành phố vừa tạo tiền đề cho việc phát triển đồng bộ hệ thống giao thông làm nền cho các hoạt động kinh tế – xã hội khác phát triển. Sự tập trung chỉ đạo của lãnh đạo thành phố với việc phát triển hạ tầng giao thông, năng động tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư như đề xuất các mô hình đổi đất lấy hạ tầng, bán quyền thu phí… đã giúp cho Thành phố hoàn thành nhiều công trình vừa mang tính chất công trình hạ tầng giao thông vừa là điểm nhấn trong kiến trúc cảnh quan của Thành phố như cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, đường hầm sông Sài Gòn và những tuyến metro đầu tiên của Thành phố cũng đang được gấp rút thi công…

Phát triển hệ thống trung tâm đô thị và các khu đô thị mới để xứng tầm với một đô thị đặc biệt.
TP HCM đã chú trọng phát triển hệ thống các trung tâm đô thị. Đến nay, hệ thống các trung tâm đô thị Thành phố bao gồm Trung tâm tổng hợp chính của Thành phố tại khu nội thành cũ trên địa bàn quận 1, 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh có quy mô 930 ha, đồng thời mở rộng Trung tâm tổng hợp chính mới sang khu Thủ Thiêm [Quận 2] có diện tích 737 ha. Từ bài học kinh nghiệm phát triển đô thị theo hướng bền vững, Thành phố đã quy hoạch các khu đô thị có quy mô lớn [không manh mún], tạo điều kiện phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ và cung ứng dịch vụ đô thị cho người dân từng. Bên cạnh khu đô thị Nam Sài Gòn có diện tích 2.975 ha với trung tâm là Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, thành phố đã quy hoạch và phát triển thêm 3 khu đô thị mới khác là khu đô thị cảng Hiệp Phước [3.900 ha], Khu đô thị mới Thủ Thiêm [657 ha] và Khu đô thị mới Tây Bắc [6.000 ha]. Ngoài ra, Thành phố còn có 11 dự án khu đô thị mới quy mô từ 200 ha trở lên và 44 dự án khu dân cư, khu đô thị mới có quy mô nhỏ hơn 200 ha, với tổng diện tích đất khoảng 23.370 ha. Các khu đô thị mới đã và đang được đầu tư phát triển, góp phần đáng kể vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành phố.

Thực hiện chiến lược kinh tế biển của cả nước, dự án nạo vét luồng Soài Rạp đã được khánh thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 2 vào ngày 21/6/2014. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng, tác động rất lớn đến khối lượng hàng xuất nhập khẩu qua cụm cảng TP HCM. Việc tàu có trọng tải lớn vào lấy hàng tại Cảng Hiệp Phước tạo điều kiện di dời các cảng sông Sài Gòn ra khỏi nội thành nhanh hơn, góp phần giảm ùn tắc giao thông cũng như ô nhiễm môi trường, tạo động lực phát triển Khu đô thị cảng Hiệp Phước, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế – xã hội TP HCM hướng ra biển Đông. Phát triển các loại hình nhà ở để đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp dân cư đô thị

Sau giải phóng [giai đoạn 1975-1985] Thành phố chủ yếu quản lý và khai thác quỹ nhà hiện có để phân phối, chủ yếu xây dựng và sửa chữa một số khu nhà chung cư, phục vụ cán bộ, công nhân viên chức. Đến giai đoạn 1986-1990, hoạt động xây dựng nhà ở mới bắt đầu khởi sắc, Thành phố đã xây dựng được 25.200 căn hộ mới [trong đó 50% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và 50% là vốn của dân]. Giai đoạn 1991-1995, nhà ở thành phố phát triển nhanh chóng với khoảng 72.000 căn hộ mới [hơn 85% là nguồn vốn của dân]. Con số này đã tăng lên đến 443.000 căn hộ mới trong giai đoạn 1996-2000 [hơn 90% là vốn của dân]. Bước sang giai đoạn 2001-2010, bình quân mỗi năm Thành phố đã tiếp tục xây dựng mới khoảng 55.000 căn hộ/năm. Nhờ đó, diện tích bình quân đầu người của thành phố đã tăng từ 10,3 m2/người vào năm 2000, lên đến 14,2m2/người vào năm 2010 và 16,4 m2/người vào năm 2013. Tính đến 6/2014, Thành phố đã giải tỏa di dời 10.833 hộ sinh sống trên và ven kênh rạch [đạt 72% theo chỉ tiêu kế hoạch là 15.000 hộ đến năm 2015], thuộc Chương trình di dời, nâng cấp và chỉnh trang đô thị của Thành phố.

Với chủ trương phát triển nhà ở theo dự án có quy mô và đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật, nhiều khu nhà mới khang trang trên địa bàn Thành phố đã được xây dựng, thay thế dần các khu nhà lụp xụp, nhà trên và ven kênh rạch, các khu nhà, chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp. Nhà ở phát triển đa dạng về kiểu dáng, về không gian kiến trúc cũng như nâng cao tính thẩm mỹ về nội thất và ngoại thất. Bên cạnh các loại hình nhà ở cao cấp như biệt thự, nhà vườn, các loại hình như nhà liên kế và nhất là loại nhà chung cư đã được Thành phố quan tâm và khuyến khích phát triển. Nhiều mẫu nhà chung cư cao tầng đã được xây dựng với kiến trúc đẹp, hiện đại, góp phần đa dạng hóa các loại hình nhà ở. Hàng loạt các cao ốc chọc trời trong khu trung tâm đã được mọc lên; Nhiều tuyến phố mới đã được hình thành, hoặc tuyến phố cũ đã được cải tạo chỉnh trang, góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố sau 40 năm thống nhất đất nước.

Vai trò của Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh
Có thể nói rằng 40 năm xây dựng và phát triển TP HCM cũng chính là chặng đường giới KTS [KTS] đã đồng hành và nỗ lực đóng góp tâm sức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của Thành phố. Cách đây 30 năm, năm 1981, trước nhu cầu cấp thiết của công cuộc tái thiết sau chiến tranh, Hội KTS TP HCM được thành lập. Với trí tuệ, tài năng và trách nhiệm công dân, các Công dân – Kiến trúc sư đã tập hợp dưới “mái nhà chung” là Hội KTS Thành phố đoàn kết, chung tay, sáng tạo tạo dựng từ những khu đô thị mới hiện đại, những công trình văn hóa, công cộng khang trang, hoành tráng cho tới những công việc bé nhỏ về quy mô song to lớn về ý nghĩa nhân văn như xây dựng nhà ở giá thành thấp cho công nhân, nhân dân lao động, cải tạo nhà ở ven kênh rạch cho người nghèo… Tất cả nhằm tới một mục đích là cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho toàn thể nhân dân Thành phố. Ngày hôm nay, TP HCM đã đẹp hơn, và hiện đại hơn. Thành phố ghi nhận những đóng góp thiết thực của giới KTS TP HCM nói riêng và đông đảo KTS đến từ nhiều vùng, miền trên cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới nói chung.

Đồng thời, Thành phố cũng ghi nhận và khẳng định vai trò của Hội KTS TP HCM, Hội KTS Việt Nam đã nhiệt tình, công tâm giúp đỡ Chính quyền Thành phố rất nhiều trong công tác phản biện xã hội và nghề nghiệp, đã giúp Thành phố lựa chọn những ý tưởng sáng tạo độc đáo trong quy hoạch kiến trúc đô thị, những giải pháp hữu hiệu nhất trong đầu tư xây dựng, mang lại hiệu quả to lớn trong thực tiễn xây dựng phát triển Thành phố.

TP HCM đang có nhiều cơ hội phát triển để trở thành đô thị hấp dẫn, thành phố sống tốt. Song cũng đứng trước những tồn tại, thách thức không nhỏ nảy sinh trong quá trình phát triển đô thị. Chính vì thế, đòi hỏi giới KTS phải nỗ lực lao động nhiều hơn nữa để cống hiến cho Thành phố những ý tưởng sáng tạo hơn, đẹp đẽ hơn để TP HCM thực sự trở thành một thành phố của sáng tạo, một thành phố đáng sống.
Thay lời kết

Năm 2014 là năm chuẩn bị khởi động cho các hoạt động kỉ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đồng thời, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, Thành phố đang tập trung xây dựng các công trình có ý nghĩa lớn, nhằm góp phần khẳng định những thành tựu của Thành phố trên con đường xây dựng, phát triển và thể hiện tình yêu nước của nhân dân Thành phố. Đến nay, Thành phố đã lấy ý kiến của các bộ, ngành trung ương có liên quan, tiếp thu các ý kiến của nhân dân về một việc có ý nghĩa vô cùng to lớn – xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tượng đài sẽ khắc họa một cách chân thực, thần thái, vóc dáng, phong cách trí tuệ, vẻ đẹp tinh thần cùng nhân cách cao cả của Người. Công trình mang ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác tới đông đảo nhân dân Thành phố.

Phát huy truyền thống cách mạnh vẻ vang, kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, nỗ lực phấn đầu không ngừng, TP HCM sẽ vượt qua muôn vàn khó khăn thách thức để trở thành một Thành phố văn minh, hiện đại, giàu bản sắc và phát triển bền vững như kỳ vọng mà nhân dân cả nước đã tin tưởng giao phó.

Chú thích 1. Tờ trình số 285-TTr/TU ngày 22 tháng 6 năm 2012 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về Đề án tổng kết Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị khóa X về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 2. Nguồn: Phụ lục một số chỉ tiêu kinh tế -văn hóa- xã hội cơ bản của Thành phố Hồ Chí Minh 3. Nguồn: Đề án thí điểm chính quyền đô thị, tháng 2 năm 2014. 4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 152 -153, 5. Báo cáo số 16/BC-UBND ngày 16/01/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội thành phố 2011 – 2013 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến năm 2015, trang 33.

6. Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ VIII của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

Video liên quan

Chủ Đề