Làng du lịch Chí Linh của Lê an

LÀNG DU LỊCH CHÍ LINH: Trả lại tài sản cho du khách đánh rơi.

Ngày 1-5, ông Lê Ân, Giám đốc Làng du lịch Chí Linh (phường 10, TP. Vũng Tàu) cho biết, đã trả lại tài sản là 3,15 triệu đồng cùng một thẻ ATM và một điện thoại di động cho một du khách nước ngoài bị đánh rơi khi đến Làng du lịch Chí Linh tắm biển.

Trước đó, ngày 29-4, du khách Boun Phet (quốc tịch Lào) đến Làng du lịch Chí Linh tắm biển và bỏ quên một điện thoại di động trong phòng tắm nước ngọt. Sau đó, du khách này đi tìm thì đánh rơi một cái bóp, trong đó có 3,15 triệu đồng cùng 1 thẻ ATM trên bãi biển. Một tài xế nhặt được chiếc điện thoại đã bàn giao cho Làng du lịch Chí Linh để tìm người trả lại, còn cái bóp do nhân viên Làng du lịch Chí Linh nhặt được. Sau khi xác minh, Làng du lịch Chí linh đã giao lại toàn bộ số tài sản trên cho người mất. Trước đó, ngày 19-8-2012, nhân viên Làng du lịch Chí Linh cũng nhặt được và trả lại chiếc bóp của một vị khách người Campuchia, bên trong có 700 ngàn đồng, hơn 100USD, một số tiền Campuchia…

Theo Báo BRVT.

Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ là một trung tâm du lịch lớn, còn có các khu công nghiệp dầu khí tập trung, các nhà máy điện khí, điện đạm lớn, có cụm cảng biển nước sâu...

Cũng tại đây đã ra đời Khu du lịch Làng sinh thái Chí Linh, hẳn sẽ còn hấp dẫn hơn với du khách trong nước và quốc tế. Ðây cũng sẽ là một địa điểm nghỉ ngơi, giải trí của người lao động đang làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng lân cận.

Khu du lịch Làng sinh thái Chí Linh nằm trên địa phận phường 10, cách trung tâm TP Vũng Tàu ba km.

Từ đường 51C (nơi có dải phân cách đường hai chiều là hoa và cây cảnh) rẽ ra biển, đi bằng xe ô-tô chỉ mất 5 phút là đến làng. Cổng làng được tạo dáng như một cổng làng Việt cổ. Qua cổng chính, ai đến đây đều cảm nhận được ngay một môi trường sống thân thiện với biển cả mênh mông, với những khu đồi cát thoai thoải được phủ xanh bằng các loại cây phi lao, anh đào và nhiều loại cây cảnh khác...

Toàn khu du lịch sinh thái này rộng khoảng 14 ha, có nhiều phòng ngủ dành cho đông người, nhiều biệt thự nhỏ xây cách nhau chạy dọc theo bờ biển gần nửa km; có nơi vui chơi giải trí, có đường dạo thăm quang cảnh trong làng.

Công ty TNHH một thành viên Lê Hoàng là chủ Dự án công trình này. Anh Lê Ân là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty. Dự án công trình Khu du lịch Làng sinh thái Chí Linh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiền khả thi ngày 12-8-1998, được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và Chính phủ thông qua dự án khả thi để cấp phép xây dựng từ năm 1999.

Giá trị đầu tư dự án, dự toán 350 tỷ đồng. Rất tiếc mới đầu tư được hơn 50 tỷ đồng xây dựng một số cơ sở hạ tầng, một số nhà nghỉ, nơi vui chơi, thì chủ dự án bất ngờ gặp sự cố kinh doanh ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Vũng Tàu cũng là nơi do anh Lê Ân làm Chủ tịch HÐQT.

Họa vô đơn chí! Ðang lúc loay hoay gỡ rối trả nợ bằng cách thế chấp toàn bộ tài sản để được Nhà nước cho vay 97 tỷ đồng trả tiền gửi cho khách hàng gửi tiền rút trước hạn, thì cơn bão số 9 (2006) ập vào Vũng Tàu. Làng du lịch sinh thái này cũng không tránh khỏi sự tàn phá dữ dằn, nhà bị tung hết mái; đường điện, cột điện bị đứt gãy; vườn hoa, cây cối bị đổ nát tan hoang.

Ðược Nhà nước, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và một số bạn bè giúp đỡ, Lê Ân đã thoát hiểm. Từng đợt, anh đã thanh toán hết nợ cho Nhà nước cả gốc và lãi để nhận lại tài sản thế chấp. Và để anh trở về với làng sinh thái này tiếp tục xây dựng mới nhiều công trình khang trang to đẹp hơn.

Một buổi sáng nhìn ra biển Vũng Tàu lặng sóng, chúng tôi cùng Lê Ân ngồi nói chuyện dưới "vòm nhà nghinh phong", Lê Ân tâm sự: Cuộc đời tôi ba chìm bảy nổi, chín cái lênh đênh.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Quảng Nam. Lớn lên trong vùng tạm chiếm, phải trốn quân dịch vào Nông trường cao-su Lộc Ninh (Bình Phước) kiếm việc làm thợ may. Tiếp đó là những năm tháng phiêu dạt nhọc nhằn, làm nhiều nghề từ mở cửa hàng may, vừa làm chủ vừa làm thợ; sửa chữa, buôn bán xe đạp, xe máy; buôn bán ngoại tệ; thuốc tây; kinh doanh và chạy xe đò; tiến lên kinh doanh địa ốc, mở ngân hàng tư nhân... Cho đến năm 1990 ra Vũng Tàu bắt đầu một cuộc lập nghiệp mới. Ðầu tiên mua lại một hợp tác xã tín dụng bị vỡ nợ, tôi tự nguyện xin trả hết nợ để được nâng cấp lên thành Ngân hàng TMCP Vũng Tàu, có chi nhánh đại diện ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Nhưng sự đời là thế! Dù người thông minh hay may mắn đến mấy, cũng có lúc gặp rủi ro, có lúc phải khoanh tay bó gối ngẫm nghĩ lại chặng đường mình đã qua. Ðiều mà anh trải nghiệm được qua những tháng năm lập thân lập nghiệp là phải có lòng tin, phải biết coi "thất bại là mẹ thành công", biết đứng lên làm tiếp cái gì và tránh làm cái gì. Bước vào tuổi 71 rồi, mong muốn cao nhất của anh là đứng vững được trên mảnh đất Chí Linh này, hết lòng làm cho làng sinh thái trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo ở Vũng Tàu.

Nhiều năm nay, Công ty Lê Ân đã chi hàng chục tỷ đồng để làm đường điện, trạm biến áp, hệ thống đèn cao áp chiếu sáng cho đường làng Chí Linh. Mới đây chi thêm ba tỷ đồng làm xong nhiều km đường nhựa cao cấp nối liền quốc lộ 51C vào đến bãi tắm và chạy chung quanh làng.

Làng sinh thái Chí Linh đã đón hơn 10 nghìn lượt khách từ TP Hồ Chí Minh, từ các nơi khác về vui chơi, giải trí trong dịp Tết Nguyên đán 2008.

Ngoài ra, anh đang triển khai giai đoạn 2 Làng Cô nhi viện Nghĩa Ân ở xã An Hải, huyện Long Ðất (cái tên có ẩn ý nói về tình nghĩa của Lê Ân) Làng Cô nhi viện này có thể đón hơn 500 cháu mồ côi cơ nhỡ, gia đình khó khăn về nuôi dưỡng. Lê Ân cũng đang xin chính quyền mở một trường dạy nghề cho những cháu khuyết tật. Toàn bộ kinh phí đầu tư vào hai công trình từ thiện này khoảng vài trăm tỷ đồng, hoàn toàn do Lê Ân tài trợ. Trong nhiều năm qua, anh còn chi hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đoàn kết, nuôi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng quà các cháu gia đình nghèo vào những dịp Tết, lễ.

Ngay tại làng sinh thái này, Công ty Lê Ân đã giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho hàng trăm lao động của địa phương, góp phần làm "sáng - xanh - sạch - đẹp" cả một vùng ngoại ô xóm chài trước đây không lâu còn mang vẻ hoang sơ.

Làng sinh thái Chí Linh qua cảm nhận của những người đến thăm, thấy nó vừa hiện đại, vừa dân dã, gần gũi với những người có thu nhập trung bình và thấp. Với số buồng ngủ đã có, đủ cho hai trăm khách lưu nghỉ, người có nhiều tiền ở biệt thự, ăn đặc sản; người thu nhập thấp ở nhà nghỉ bình thường, ăn giá bình dân; nếu đông quá thiếu phòng ngủ, có thể ngủ dân dã qua đêm để ngắm trăng thanh, hưởng gió mát, dạo chơi trên đường làng, trên bãi cát dài.

Hôm đến thăm Làng du lịch sinh thái Chí Linh, tại phòng lễ tân, tôi được nghe chị quản lý báo cáo với anh Lê Ân rằng: Có một quận ở TP Hồ Chí Minh yêu cầu cho đăng cai thuê toàn bộ làng du lịch sinh thái vào hai ngày thứ 7 và chủ nhật để nghỉ tập thể và tổ chức hội diễn ca nhạc, thể thao. Anh trả lời: Ðược, cứ ký hợp đồng. Ở Vũng Tàu có nhiều khách sạn có sao sang trọng, nhưng lấy đâu ra mặt bằng như ở đây để đốt lửa trại, thi đấu bóng, thi kéo co và ca múa tập thể. Tuy nhiên, phải để dành một số phòng khách quen thường xuyên đến nghỉ cuối tuần.

Từ cách suy nghĩ, cách tổ chức du lịch, có thể nhận rõ quan điểm làm du lịch của anh Lê Ân không hoàn toàn vì lợi nhuận cao, mà có tấm lòng phục vụ cộng đồng, trong đó luôn chú ý đến người nghèo. Tấm lòng của anh, kiểu kinh doanh du lịch của anh mang đậm dấu ấn một doanh nhân, một con người có tấm lòng nhân ái, một con người lạc quan, yêu đời, kiên cường vượt qua những thử thách cam go để có những cống hiến đầy ý nghĩa cho đời.