Hướng dẫn hoàn chỉnh cho việc tự sát năm 2024

[Cảnh báo: Bài viết có nhắc đến một số chủ đề nhạy cảm như tự sát và các chứng rối loạn tâm lý. Cần cân nhắc trước khi đọc và hãy tự chăm sóc bản thân mình!]

Người đang có ý muốn tự vẫn có thể không cầu xin sự giúp đỡ, nhưng không có nghĩa họ không muốn được giúp đỡ. Hầu hết những người tự tử không muốn chết – họ chỉ không muốn phải khổ sở nữa mà thôi. Phòng chống tự sát bắt đầu bằng việc nhận biết những dấu hiệu cảnh báo và tầm quan trọng của chúng. Nếu bạn nghĩ người thân hay bạn bè của mình đang có ý định tự vẫn, có thể bạn sẽ ngại không muốn nhắc đến chuyện đó. Nhưng việc nói chuyện một cách thẳng thắn về những cảm xúc và ý muốn tự sát có thể cứu được người.

Hiểu về tự sát và phòng chống tự tử

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có khoảng 1 triệu người chết mỗi năm vì tự tử. Cái gì đã khiến nhiều người tự lấy đi mạng sống của mình như vậy? Đối với những người không bị trầm cảm hay tuyệt vọng, thật khó để hiểu được nguyên do. Nhưng một người với ý định tự vẫn thường đau khổ đến mức họ không thể thấy một lựa chọn nào khác. Tự tử là một nỗ lực trong tuyệt vọng nhằm trốn tránh nỗi đau đã trở nên quá mức chịu đựng. Mù quáng trong nỗi hận thù bản thân, sự tuyệt vọng và cô lập, họ không thể thấy biện pháp giải toả nào ngoài cái chết. Nhưng cho dù họ muốn nỗi đau chấm dứt, hầu hết những người đang có ý định tự sát thường cảm thấy mâu thuẫn sâu sắc về việc tự kết thúc cuộc đời mình. Họ mong ước có một giải pháp khác ngoài việc tự tử, nhưng họ không thể tìm được nó.

Những ngộ nhận về tự sát

SAI: Những người nhắc tới việc tự tử sẽ chẳng làm vậy đâu.

Hầu hết những người tự tử hoặc tự tử không thành đều đưa ra gợi ý hoặc cảnh báo nào đó. Đừng bỏ qua những lời đe doạ tự sát. Những tuyên bố như “các người sẽ hối tiếc khi tôi chết đi,” “tôi không thể tìm thấy lối thoát,” – kể cả khi nói với giọng đùa cợt vẫn có thể biểu lộ những cảm xúc muốn tự tử rất nghiêm túc.

SAI: Bất cứ ai cố gắng tự kết liễu đời mình đều bị điên.

Hầu hết những người có ý muốn tự vẫn không hề bị điên hay tâm thần gì cả. Họ hẳn đã rất khổ sở, đau buồn, chán nản hoặc vô vọng, nhưng những nỗi đau tinh thần và phiền muộn cùng cực không nhất thiết phải là dấu hiệu của bệnh tâm thần.

SAI: Nếu một người đã quyết tâm tự sát rồi thì chẳng có gì ngăn họ lại được đâu.

Ngay cả những người bị trầm cảm nặng nhất cũng có những cảm xúc trái chiều về cái chết, lưỡng lự đến giây phút cuối cùng giữa việc muốn sống hay muốn chết. Phần lớn những người có ý định tự tử không hề muốn chết; họ chỉ không muốn đau đớn nữa mà thôi. Động lực để chấm dứt tất cả, dù có mạnh mẽ đến đâu, cũng không kéo dài mãi mãi được.

SAI: Những người tự sát là những người không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ.

Những nghiên cứu về nạn nhân của nạn tự tử đã chỉ ra hơn nửa số họ đã tìm kiếm hỗ trợ y tế trong vòng 6 tháng trước khi mất.

SAI: Nói về tự tử có thể khiến người ta xem xét thực hiện việc đó.

Bạn không gieo vào đầu những người có ý định tự tử những ý nghĩ tuyệt vọng bằng cách nói về việc tự vẫn. Điều ngược lại mới đúng – nhắc đến chủ đề tự sát và bàn luận về nó một cách cởi mở là một trong những việc hữu ích nhất bạn có thể làm.

Nguồn: SAVE – Suicide Awareness Voices of Education [Tiếng nói Giáo dục Nhận thức về Tự sát]

Suicide by Enal Magirite

Những dấu hiệu tự sát

Phần lớn những người muốn tự vẫn đều đưa ra các dấu hiệu hoặc cảnh báo về ý định của mình. Cách tốt nhất để phòng chống việc tự sát là nhận biết những dấu hiệu này và biết cách phản ứng nếu bạn phát hiện ra chúng. Nếu bạn tin rằng bạn bè hoặc người thân của bạn muốn tự vẫn, bạn có thể tham gia phòng chống tự sát bằng cách chỉ ra những giải pháp thay thế, thể hiện rằng bạn quan tâm đến họ, và kéo một bác sĩ hoặc nhà tâm lý học vào cuộc.

Những dấu hiệu cảnh báo quan trọng nhất bao gồm nói về việc giết hoặc làm hại bản thân, nói hoặc viết nhiều về cái chết hoặc việc chết, và tìm đến những thứ có thể dùng để tự tử như vũ khí hoặc dược liệu. Những dấu hiệu trên còn nguy hiểm hơn nếu người này mắc một chứng rối loạn tâm trạng nào đó như trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực, nghiện rượu, đã từng tự tử không thành trước đó, hoặc có tiền sử gia đình về tự vẫn.

Xem tất cả những lời nói và hành vi muốn tự tử là nghiêm túc. Đây không chỉ là dấu hiệu cho thấy một người đang nghĩ đến việc tự tử – nó còn là một lời kêu cứu.

Một dấu hiệu cảnh báo tế nhị hơn nhưng không kém phần nguy hiểm là sự tuyệt vọng. Các nghiên cứu cho thấy sự tuyệt vọng là một dự báo mạnh mẽ về việc tự tử. Những người cảm thấy vô vọng có thể nói về những cảm xúc “không thể chịu được,” dự đoán một tương lai ảm đạm, và tuyên bố họ chẳng còn gì để trông chờ vào cả.

Những dấu hiệu khác chỉ ra một người có ý định tự tử bao gồm tâm trạng thay đổi cực kì thất thường hoặc những sự đổi thay đột ngột trong tính cách, ví dụ như từ hoạt bát trở nên lầm lì hoặc từ ngoan ngoãn trở nên ương ngạnh. Một người đang có ý định tự vẫn cũng có thể mất hứng thú với những hoạt động thường ngày, lơ là vẻ ngoài của mình, và có nhiều thay đổi trong thói quen ăn uống, ngủ nghỉ.

Mẹo phòng chống tự sát

1: Nếu bạn thấy lo lắng, hãy nói ra

Nếu bạn phát hiện những dấu hiệu cảnh báo tự sát ở một người thân thiết, bạn có thể đang tự hỏi nói về việc này có phải là ý tưởng hay hay không. Nhỡ bạn nhầm thì sao? Nhỡ họ nổi giận thì sao? Trong những tình huống như vậy, cảm thấy khó chịu hay sợ hãi là bình thường. Nhưng bất cứ ai nói đến việc tự tử hay có những dấu hiệu đáng báo động khác cần được giúp đỡ ngay – càng sớm càng tốt.

Nói về tự sát với một người khác

Nói chuyện với bạn bè hoặc người thân về những cảm xúc và ý nghĩ tự sát của họ là cực kì khó khăn đối với bất cứ ai. Nếu bạn không chắc chắn một người đang muốn tự vẫn hay không, tốt nhất là hỏi họ. Bạn không thể khiến một người nảy sinh ý muốn tự tử bằng cách thể hiện sự quan tâm. Thực ra, cho một người có ý định tự sát cơ hội để diễn tả cảm xúc của mình có thể giải toả nỗi cô đơn và những cảm xúc tiêu cực bị đè nén, và tránh được một nỗ lực tự tử.

Cách để bắt đầu một cuộc hội thoại về việc tự sát:

  • Gần đây mình rất lo cho bạn.
  • Dạo này, mình để ý thấy có một vài thay đổi ở bạn và tự hỏi bạn đang sống thế nào.
  • Mình muốn hỏi thăm bạn vì gần đây bạn không có vẻ là chính mình cho lắm.

Những câu hỏi bạn có thể đưa ra:

  • Bạn bắt đầu cảm thấy như thế này từ khi nào vậy?
  • Có chuyện gì xảy ra khiến bạn cảm thấy như thế đúng không?
  • Cách tốt nhất mình có thể giúp đỡ bạn bây giờ là gì?
  • Bạn đã nghĩ đến chuyện tìm kiếm trợ giúp chưa?

Bạn có thể nói những điều hữu ích như:

  • Bạn không đơn độc. Có mình đây rồi.
  • Bây giờ bạn có thể không tin đâu, nhưng rồi những thứ bạn cảm thấy hiện nay sẽ thay đổi.
  • Mình có thể không hiểu được chính xác bạn đang cảm thấy như thế nào, nhưng mình quan tâm tới bạn và muốn giúp bạn.
  • Khi bạn muốn bỏ cuộc, hãy tự nói với bản thân rằng bạn sẽ chờ thêm một ngày, một giờ, một phút nữa thôi – bất kể khoảng thời gian nào bạn có thể chịu được.

Levitation suicide … by Manuel Faessler

Khi nói chuyện với một người có ý định tự tử

Nên:

  • Là chính bạn. Để họ biết bạn quan tâm đến họ, rằng họ không đơn độc. Không nhất thiết phải lựa những lời đúng đắn. Nếu bạn lo lắng cho họ, giọng điệu và cử chỉ của bạn sẽ thể hiện điều đó.
  • Lắng nghe. Để họ xả hết những bực tức và nỗi tuyệt vọng. Dù cuộc trò chuyện nghe có tiêu cực đến mấy, việc nó còn tồn tại đã là một tín hiệu tích cực rồi.
  • Tỏ ra cảm thông, không đánh giá, kiên nhẫn, bình tĩnh và chấp nhận. Việc bạn bè hay người thân của bạn đang nói về những cảm xúc của họ là một việc đúng đắn.
  • Cho họ hi vọng. An ủi người đó rằng luôn có trợ giúp và những cảm xúc muốn tự tử chỉ là tạm thời. Để người đó biết họ quan trọng đối với bạn.
  • Nếu người đó nói những điều như, “Tôi thấy thật khổ sở, tôi không thể tiếp tục được nữa,” hãy hỏi họ, “Bạn có đang nghĩ tới việc tự sát không?” Bạn không đang gieo rắc ý tưởng đó vào đầu họ, mà đang thể hiện rằng bạn rất lo lắng, bạn nghĩ họ đang thực sự nghiêm túc, và sẽ không sao hết nếu họ muốn chia sẻ nỗi đau của mình với bạn.

Không nên:

  • Tranh cãi với người có ý định tự tử. Tránh nói những câu như: “Bạn còn rất nhiều điều để sống cho mà,” “Bạn mà tự tử sẽ làm tổn thương gia đình bạn đấy,” hay “Nghĩ tích cực vào.”
  • Tỏ ra kinh ngạc, giảng đạo về giá trị cuộc sống, hay nói rằng tự sát là sai trái.
  • Hứa hẹn sẽ giữ bí mật. Đừng để họ bắt bạn thề phải giữ bí mật. Một mạng sống đang bị đe doạ và bạn có thể cần nói chuyện với một chuyên gia về sức khoẻ tâm lý để giữ cho người đó được an toàn. Nếu bạn đã hứa sẽ giữ bí mật những cuộc nói chuyện rồi, bạn có thể sẽ phải phá vỡ lời hứa đó.
  • Đưa ra cách sửa chữa những vấn đề của họ, hay cho lời khuyên, hay làm họ cảm thấy cần phải lí giải vì sao họ muốn tự sát. Mức độ tồi tệ của những vấn đề không quan trọng, cái chính là chúng đang làm tổn thương bạn bè, người thân của bạn đến đâu.
  • Tự đổ lỗi. Bạn không thể “sửa chữa” chứng trầm cảm của người khác. Niềm hạnh phúc [hoặc sự thiếu hụt nó] của bạn bè, người thân của bạn không phải trách nhiệm của bạn.

Chuyển thể từ: Metanoia.org

Mẹo phòng chống tự sát

2: Phản ứng nhanh nhạy khi có biến

Nếu bạn bè hay người thân của bạn nói rằng họ đang nghĩ đến cái chết hoặc tự sát, việc đánh giá mức độ nguy hiểm tức thời họ đang gặp phải là rất quan trọng. Những người có nguy cơ tự tử cao nhất trong tương lai gần có một KẾ HOẠCH cụ thể, cùng với PHƯƠNG TIỆN thực hiện, THỜI ĐIỂM thực hiện, và Ý ĐỊNH thực hiện kế hoạch đó.

Những câu hỏi sau đây có thể giúp bạn đánh giá mức độ rủi ro tức thời:

  • Bạn có kế hoạch tự tử không? [KẾ HOẠCH]
  • Bạn có đủ dụng cụ để thực hiện kế hoạch đó không [thuốc, súng, v..v…]? [PHƯƠNG TIỆN]
  • Bạn có biết thời điểm thực hiện kế hoạch không? [THỜI ĐIỂM]
  • Bạn có ý định tự tử không? [Ý ĐỊNH]

Nếu một người có vẻ sắp thực hiện ý đồ tự vẫn, hãy gọi đến trung tâm khủng hoảng địa phương, quay số 911, hoặc đưa người đó đến phòng cấp cứu. Loại bỏ súng ống, dược liệu, dao, và những vật dụng có thể sát thương khác khỏi khu vực xung quanh nhưng không được bỏ người đang có ý định tự tử lại một mình trong bất cứ trường hợp nào.

Nếu bạn bè hay người thân của bạn có ý định tự sát, cách tốt nhất để giúp họ là lắng nghe và đồng cảm với họ. Để họ biết họ không đơn độc và bạn quan tâm đến họ. Tuy nhiên, đừng nhận trách nhiệm phải chữa lành cho họ. Bạn có thể đề nghị được giúp đỡ, nhưng bạn không thể khỏi giùm họ được. Họ phải tự cam kết với bản thân rằng họ sẽ phục hồi.

Cần rất nhiều can đảm để giúp đỡ một người có ý định tự tử. Chứng kiến một người thân thiết vật lộn với những ý nghĩ muốn tự kết liễu cuộc đời mình có thể làm dậy nên nhiều xúc cảm nặng nề. Trong khi giúp đỡ một người có ý định tự vẫn, đừng quên tự chăm sóc bản thân. Tìm đến ai đó bạn tin tưởng – một người bạn, người thân, linh mục, hay chuyên viên tư vấn – để nói về cảm xúc của bạn và nhận sự giúp đỡ.

Cách giúp đỡ một người có ý định tự sát:

  • Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp. Làm tất cả những gì có thể trong khả năng của bạn để người đang có ý định tự vẫn có được sự giúp đỡ họ cần. Gọi một đường dây hỗ trợ khủng hoảng để có được những lời khuyên và lời giới thiệu. Khuyến khích người đó gặp một chuyên gia sức khoẻ tâm lý, giúp họ tìm một trung tâm điều trị, hoặc đưa họ đến bác sĩ khám.
  • Theo dõi quá trình chữa bệnh. Nếu bác sĩ có chỉ định thuốc, đảm bảo rằng bạn bè hay người thân của bạn uống thuốc như chỉ định. Hãy coi chừng tất cả những tác dụng phụ có thể có và bảo đảm rằng bạn sẽ thông báo cho bác sĩ biết nếu tình trạng của người đó có vẻ xấu đi. Thường sẽ mất nhiều thời gian và lòng kiên trì để tìm được đúng thuốc hoặc liệu pháp phù hợp cho một người cụ thể.
  • Nắm thế chủ động. Những người muốn tự tử thường không tin họ có thể được giúp đỡ, nên bạn có thể phải chủ động đề nghị giúp đỡ họ. Nói, “Hãy gọi cho mình nếu bạn cần nhé” là quá mù mờ. Đừng chờ đợi họ gọi cho bạn hay thậm chí là trả lời điện thoại của bạn. Hãy qua thăm họ, tiếp tục gọi, và mời họ đi chơi.
  • Ủng hộ những thay đổi tích cực về cách sống, như ăn uống đúng mực, ngủ đủ giấc, và ra ngoài để hoà mình với ánh nắng và thiên nhiên ít nhất 30 phút mỗi ngày. Việc tập luyện cũng cực kì quan trọng vì nó sẽ giúp tiết ra endorphin, giải toả căng thẳng, và tăng cường an sinh cảm xúc.
  • Lên kế hoạch dự phòng. Giúp người đó phát triển một tập hợp các bước họ hứa sẽ làm theo trong một cuộc khủng hoảng. Trong đó phải ghi rõ bất cứ cái gì có thể kích hoạt ý muốn tự tử, như ngày giỗ, rượu bia, hoặc sự căng thẳng từ những mối quan hệ. Hãy thêm cả số điện thoại lien lạc của bác sĩ, chuyên viên trị liệu của họ, cũng như những người bạn hoặc người thân có thể giúp họ trong một tình huống khẩn cấp.
  • Loại bỏ những phương tiện có thể dùng để tự sát, như thuốc viên, dao, dao cạo râu, hay súng ống. Nếu người đó có khả năng cao sẽ dùng thuốc quá liều, khoá tất cả dược liệu lại hoặc chỉ đưa cho người đó liều đủ dùng theo nhu cầu.
  • Tiếp tục ủng hộ người đó về lâu dài. Kể cả khi một cơn khủng hoảng đã qua, hãy giữ liên lạc với người đó, thi thoảng hỏi thăm hoặc đến nhà họ. Sự ủng hộ của bạn rất quan trọng để bạn bè hay người thân của bạn tiếp tục phục hồi.

Người phụ nữ trẻ này có ý định tự vẫn bằng cách nhảy từ tòa nhà xuống và có người đến cứu giúp kịp thời. Ảnh: via mirror.co.uk

Những yếu tố rủi ro

Theo Bộ Y Tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kì, ít nhất 90 phần trăm những người tự sát mắc một chứng rối loạn tâm lý hoặc nhiều hơn, như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, hoặc nghiện rượu. Cụ thể, chứng trầm cảm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tự sát. Những người có ý định tự tử gặp khó khăn trong việc tìm giải pháp cho nỗi thống khổ của họ một phần là vì những suy nghĩ lệch lạc do chứng trầm cảm gây ra.

Liên hệ giữa thuốc chống trầm cảm và tự sát

Ở một số người, thuốc chống trầm cảm làm tăng – chứ không phải giảm – sự trầm cảm và những cảm xúc hay ý nghĩ tự sát. Do nguy cơ này, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kì [FDA] khuyên rằng bất kì ai đang dùng thuốc chống trầm cảm nên được theo dõi để phát hiện sự tăng cường trong ý nghĩ và hành vi tự tử. Việc theo dõi là đặc biệt quan trọng nếu đây là lần đầu người đó dùng thuốc hoặc liều lượng thuốc vừa mới được thay đổi. Nguy cơ tự sát là cao nhất trong hai tháng đầu sử dụng thuốc chống trầm cảm.

Những yếu tố rủi ro thường gặp bao gồm:

  • Bệnh tâm lý
  • Lạm dụng rượu bia hoặc ma tuý
  • Đã từng tự tử không thành
  • Tiền sử gia đình về tự sát
  • Mắc bệnh nan y hoặc cơn đau mãn tính
  • Vừa trải qua mất mát hoặc biến cố
  • Sự cô lập khỏi xã hội, sự cô đơn
  • Có tiền sử sang chấn tâm lý hoặc bị lạm dụng

Tự sát ở thanh thiếu niên và người cao tuổi

Ngoài những rủi ro thường gặp, cả thanh thiếu niên và người cao tuổi đều có nguy cơ tự tử cao hơn.

Tự sát ở thanh thiếu niên

Tự sát ở trẻ vị thành niên là một vấn đề nghiêm trọng đang lớn dần. Những năm niên thiếu có thể rất căng thẳng và đầy sóng gió về mặt cảm xúc. Các thanh thiếu niên phải đối mặt với nhiều áp lực để thành công và hoà nhập. Họ có thể vật lộn với những vấn đề về tự trọng, tự nghi ngờ bản thân, hay cảm thấy mình bị xa lánh. Đối với một số em, điều này dẫn đến việc tự tử. Trầm cảm cũng là một yếu tố rủi ro lớn dẫn đến tự sát ở thanh thiếu niên.

Những yếu tố rủi ro khác dẫn đến tự sát ở thanh thiếu niên bao gồm:

  • Bị lạm dụng khi còn nhỏ
  • Một biến cố gần đây
  • Thiếu một mạng lưới hỗ trợ
  • Tiếp xúc với thông tin về những vụ tự sát học đường khác
  • Có sẵn súng ống
  • Môi trường xã hội hoặc học đường đầy thù địch

Những dấu hiệu cảnh báo tự sát ở thanh thiếu niên

Những dấu hiệu cảnh báo khác cho thấy một thanh/thiếu niên có thể đang nghĩ đến việc tự tử:

  • Thay đổi thói quen ăn uống, ngủ nghỉ
  • Rút lui khỏi bạn bè, gia đình, và những hoạt động thường ngày
  • Hành vi bạo lực hoặc chống đối, bỏ nhà ra đi
  • Sử dụng ma tuý, rượu bia
  • Lơ là vẻ ngoài của mình một cách lạ thường
  • Chán nản triền miên, khó tập trung, học lực giảm sút
  • Than thở thường xuyên về những triệu chứng thể chất, thường có liên quan đến xúc cảm, như đau bụng, đau đầu, mệt mỏi, v..v…
  • Không chấp nhận lời khen hay quà thưởng

Nguồn: American Academy of Child & Adolescent Psychiatry [Học viện Tâm thần học Thanh thiếu niên Hoa Kì]

Tự sát ở Người cao tuổi

Tỉ lệ tự sát cao nhất nằm trong nhóm tuổi từ 65 trở lên. Một yếu tố dẫn đến việc này là chứng trầm cảm không được phát hiện và chữa trị ở người cao tuổi.

Chủ Đề