Hậu quả sai sót trong sử dụng thuốc

BÀN VỀ VẤN ĐỀ SAI SÓT VÀ GIẢI PHÁP TRONG SỬ DỤNG THUỐC

Tại châu Âu, ME liên quan đến chăm sóc y tế xẩy ra trên 8-12% trường hợp nhập viện. Một nghiên cứu tổng quan chỉ ra rằng  2 - 4% việc nhập viện liên quan đến sử dụng thuốc.Trong đó, khoảng 70% sai sót được coi là dự phòng được, phần còn lại được coi là những sai sót không thể dự phòng được.

Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, khả năng một bệnh nhân gặp ME trong bệnh viện cao hơn so với các nước phát triển. Mặc dù dữ liệu về ME của nước ta còn hạn chế, kết quả từ một số nghiên cứu bước đầu cho thấy tỷ lệ ME liên quan đến thực hiện thuốc của điều dưỡng dao động từ 37,7 đến 68,6% liều/lượt thuốc. Điều kiện tiên quyết để giảm thiểu ME là xác định được ME, qua đó phân tích được hoàn cảnh và điều kiện dẫn đến sai sót.

Vậy sai sót liên quan đến Thuốc là gì?

Theo Tổ chức y tế thế giới – WHO, sai sót liên quan đến thuốc là một thất bại không có chủ đích trong quá trình điều trị bằng thuốc dẫn đến hoặc có nguy cơ dẫn đến tổn hại cho bệnh nhân.

Thực tế sai sót xảy do người ra y lệnh, đó là vấn đề về khai thác bệnh nhân, chỉ định liều, hàm lượng, đường dùng, thời gian dùng thuốc; Sai sót khi thực hiện y lệnh, điều dưỡng không tuân thủ quy trình, bệnh nhân không phối hợp, nhân viên y tế không thực hiện tốt trong khâu cung ứng, bảo quản, cấp phát.

Để tránh sai sót trên nên xác định nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ bằng cách xây dựng quy trình, hệ thống y tế có vai trò trọng kiểm soát nguy cơ xảy ra sai sót, và phía sau hầu hết các sai sót cá nhân là một hay nhiều lỗi về mặt hệ thống. Nói cách khác, chỉ bằng cách nhìn nhận những thiếu sót của hệ thống chúng ta mới xác định nguy cơ xảy ra sai sót trong tương lai. Trên cơ sở phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sử dụng thuốc, có thể tóm tắt các nguyên nhân gây sai sót sau:

  • Thiếu thông tin về bệnh nhân;
  • Thiếu thông tin về thuốc;
  • Thất bại trong giao tiếp và làm việc nhóm giữa các nhân viên y tế;
  • Nhãn thuốc, bao bì và tên thuốc dễ gây nhầm lẫn;
  • Tiêu chuẩn hóa, bảo quản và phân phối thuốc không an toàn;
  • Dụng cụ, phương tiện chia thuốc không hoàn thiện, không an toàn hoặc không theo tiêu chuẩn;
  • Yếu tố môi trường và mô hình nhân viên không đảm bảo cho sự an toàn.
  • Định hướng, đào tạo liên tục, công tác giám sát chưa đầy đủ và năng lực của nhân viên còn hạn chế;
  • Giáo dục bệnh nhân về thuốc và ME không đầy đủ;
  • Chưa có văn hoá về hỗ trợ an toàn thuốc, thất bại trong học từ các sai sót trước đây hoặc thất bại hay thiếu chiến lược giám sát;

Một trong những ví dụ thường xảy ra sai sót liên quan đến thuốc đó là nhầm lẫn do bao bì nhìn giống nhau, đọc giống nhau:

Nhìn giống nhau, đọc giống nhau

Đọc giống nhau

Nhìn giống nhau

Atropin 0,25mg/ml dạng ống; Adrenalin 1mg/ml dạng ống

Các thuốc có tên đọc gần giống nhau nhưng có mục đích dùng khác nhau và chỉ cần một sai sót trong đánh vần cũng có thể gây tác hại nghiêm trọng cho bệnh nhân. Chẳng hạn thuốc Vincystin 200mg có tác dụng làm loãng đờm và Vincrstin 1mg/2ml là thuốc chống ung thư gây độc tế bào.

Giải pháp hạn chế sai sót liên quan đến thuốc.

Đối với người ra y lệnh [bác sỹ], tránh sai sót do ra y lệnh:

  • Khai thác đầy đủ thông tin về người bệnh, mã bệnh nhân, đánh dấu người bệnh có tiền sử dị ứng
  • Hạn chế ra y lệnh miệng, xây dựng quy trình ra y lệnh miệng với yêu cầu chỉ được phép ra y lệnh miệng trong các trường hợp thực sự cần thiết không còn lựa chọn nào khác.
  • Hạn chế ra y lệnh bằng viết tay, thực tế một số bác sỹ cho đơn thuốc theo trí nhớ với tên thuốc thuộc lòng bằng cách viết tay. Cả hai thói quen này có khả năng sai sót rất cao do trên thị trường hiện nay có quá nhiều loại thuốc. Mỗi loại thuốc có thể có nhiều tác dụng phụ, và nhiều dạng liều khác nhau, tất cả thông tin này thay đổi theo thời gian. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ [FDA] hàng tháng ra thông báo về thay đổi vể liều lượng và thông tin an toàn của trên 20 loại thuốc. Do vậy, khi bác sĩ dựa vào trí nhớ để kê thuốc những thay đổi này thường có nguy cơ bị quên, đặc biệt với những thuốc khoảng cách giữa liều an toàn và liều độc rất hẹp. Ví dụ, Digoxin một sai lầm nhỏ thay vì dùng liều 0,5 mg bác sỹ nhầm lẫn 5mg có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, khi cho đơn thuốc bằng cách viết tay đối với một số trường hợp chữ quá khó đọc dễ dẫn đến sai sót.
  • Tăng cường sử dụng phần mềm quản lý dược, đảm bảo an toàn hơn cho bệnh nhân khi kê đơn, các đơn thuốc này rõ ràng dễ đọc. Ngày nay, một số phần mềm hỗ trợ và trở thành công cụ không thể thiếu trong thực hành kê đơn của bác sỹ, giúp bác sỹ chọn lựa thuốc có cùng hoạt chất với các biệt dược phong phú về nguồn gốc, giá thành, những lưu ý về chuyên môn như tương tác thuốc, tác dụng phụ…Tuy nhiên khi sử dụng phần mềm kê đơn vẫn cần phải lưu ý để tránh sai sót, ví dụ một số thuốc có tên gọi được cấu tạo bởi các chữ cái phần đầu giống nhau nếu không chú ý người sử dụng có thể chọn nhầm với thuốc khác không có trong chủ định kê đơn.

     Đối với người thực hiện y lệnh [điều dưỡng].

  •  Xây dựng quy trình thao tác chuẩn của quá trình thực hiện y lệnh, có kiểm tra giám sát, đánh giá rút kinh nghiệm, tuân thủ quy trình. Thực hiện 5 đúng khi dùng thuốc: đúng người bệnh, đúng thuốc,đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời gian.

Đối với nhân viên y tế thực hiện trong giai đoạn cấp phát, bảo quản và sử dụng.

  • Xây dựng quy trình thao tác chuẩn SOP về:
  • Cấp phát thuốc nội trú ngoại trú
  • Kiểm soát thuốc
  • Bảo quản thuốc
  • Kiểm nhập thuốc
  • Hủy thuốc hỏng vỡ
  • Sử dụng phần mềm quản lý dược
  • Giám sát tồn kho, trống kho, tránh thiếu thuốc
  • Lưu ý cảnh báo đặc biệt, hạn sử dụng, thuốc ít dùng.

Đối với người bệnh.

Để hạn chế sai sót người bệnh, những người thân trong gia đình hoặc những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân cần được hướng dẫn và giải thích đầy đủ về các thuốc mà người bệnh sử dụng trong quá trình điều trị. Ví dụ, lý do tại sao người bệnh phải sử dụng từng loại thuốc, thời điểm, thời gian, và cách thức dùng từng loại, các phản ứng phụ, cách phát hiện và hành động cần thiết khi chúng xảy ra. Giáo dục để tăng cường ý thức của cộng đồng trong việc dùng thuốc đúng góp phần quan trọng để hạn chế sai sót liên quan đến thuốc

Như vậy, để hạn chế tối đa sai sót liên quan đến thuốc trong quá trình điều trị phải chuẩn hóa tất cả các giai đoạn liên quan, xây dựng quy trình thực hiện quy trình và giám sát thực hiện.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Hiểu đúng về thuốc điều trị bệnh do vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng ở trẻ em

DS. Ngô Thị Thanh Tịnh - Theo Bệnh viện Tai Mũi Họng TW

Những sai sót khi dùng thuốc

Sai sót khi dùng thuốc bao gồm: sử dụng không đúng thuốc, sử dụng không đúng liều, sử dụng không đúng đường dùng, sử dụng không đúng thời gian. Dù sai sót ở bất kì khâu nào đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.

Sử dụng không đúng thuốc hay dùng nhầm thuốc: Đây có thể được xem là sai sót nghiêm trọng nhất. Mỗi loại thuốc, ứng với mỗi loại dược chất được thiết kế và chỉ định cho một nhóm đối tượng bệnh lý nhất định. Những biến đổi do thuốc gây ra có thể được xem là có lợi khi sử dụng ở nhóm người bệnh này nhưng lại có thể gây hại cho nhóm người bệnh khác đặc biệt là đối với nhóm chống chỉ định của thuốc.

Dùng thuốc không đúng liều: Khi thiết kế và phát triển thuốc, các nhà nghiên cứu dựa trên “cửa sổ điều trị” của thuốc để xác định liều sử dụng. Trong đó, cửa sổ điều trị là một vùng nồng độ của thuốc mà tại đó, giá trị thấp nhất là ngưỡng nồng độ có tác dụng và giá trị cao nhất là ngưỡng độc. Khi liều lượng của thuốc nằm ngoài vùng cửa sổ điều trị thì thuốc hoặc sẽ không có tác dụng hoặc sẽ gây độc cho cơ thể.

Sử dụng thuốc không đúng đường dùng hay sử dụng không đúng cách: Mỗi loại thuốc được thiết kế dưới dạng bào chế riêng và được dùng với một đường dùng nhất định. Ứng với các đường dùng khác nhau, các đặc tính lý hóa và thành phần của thuốc và tá dược cũng được thiết kế khác nhau với các tiêu chuẩn nhất định [độ pH, độ nhớt, độ vô khuẩn, giới hạn vi sinh vật,…] để phù hợp nhất và an toàn nhất đối với đường dùng đó.

Dùng thuốc không đúng thời gian chỉ định: Là sai sót thường gặp trong việc sử dụng thuốc. Mặc dù ít gây ra những tác hại nghiêm trọng và rõ ràng như những sai sót khác. Tuy nhiên, việc dùng thuốc không đúng theo chỉ định có thể mang lại những rủi ro và nguy cơ biến chứng cho người sử dụng.

Trẻ đang được điều trị tích cực tại bệnh viện sau khi bị sử dụng sai đường dùng thuốc.

Hậu quả luôn có thể xảy ra

Tác động ngược đến quá trình điều trị: Việc dùng không đúng thuốc gây ra tác động ngược đến việc chữa bệnh. Chẳng hạn, gần đây, việc cấp thuốc đẩy lưu thai bị cấp phát nhầm cho một sản phụ, khiến thai nhi bị tử vong sau đó là một trường hợp đáng tiếc đã xảy ra.

Làm bệnh nặng hơn: Khi sử dụng sai đường dùng thuốc như thuốc uống thành thuốc tiêm... thì tai biến hoàn toàn có thể xảy ra và gây hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như trường hợp tai biến của bệnh nhi 8 tháng tuổi sau khi bị tiêm nhầm kali đường uống vào đường tĩnh mạch ngay trong tháng 1/2018 tại Hà Nội khiến bệnh nặng hơn và phải cấp cứu lên bệnh viện tuyến trên.

Quá hay thiếu liều: Việc sử dụng không đúng liều có thể gây nguy hiểm, không chỉ khi sử dụng quá liều [do gây độc cho cơ thể] mà còn có thể gây những hậu quả khôn lường ngay cả khi sử dụng liều lượng thấp hơn so với chỉ định. Cụ thể, đối với việc sử dụng thuốc kháng sinh với liều thấp hơn liều được chỉ định, nồng độ kháng sinh trong cơ thể sẽ nằm dưới ngưỡng có tác dụng và không có tác dụng ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn, khiến các vi khuẩn bắt đầu quen dần với thuốc và xuất hiện hiện tượng kháng thuốc. Điều này hết sức nguy hiểm và làm cho kháng sinh mất tác dụng đối với các loại vi khuẩn đã kháng thuốc ngay cả khi được sử dụng đúng liều sau này.

Ảnh hưởng đến nồng độ của thuốc: Việc duy trì đúng thời gian dùng thuốc giúp cho nồng độ thuốc trong cơ thể luôn nằm trong vùng cửa sổ điều trị và luôn có tác dụng trong suốt quá trình chữa bệnh. Nhưng khi dùng thuốc sai thời điểm, sẽ có những khoảng thời gian nồng độ thuốc nằm dưới ngưỡng tác dụng [dùng trễ so với thời gian chỉ định] hoặc trên ngưỡng độc [dùng sớm hơn so với thời gian chỉ định] và gây nguy hiểm cho người sử dụng, đặc biệt là đối với thuốc chữa các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường... Ví dụ như trong trường hợp sử dụng thuốc chống tăng huyết áp, do nồng độ thuốc sẽ giảm dần theo thời gian, nếu không sử dụng thuốc đúng thời gian để cung cấp một liều lặp lại cho cơ thể, sẽ có những thời điểm mà nồng độ thuốc trong cơ thể nằm dưới ngưỡng có tác dụng và nguy cơ xảy ra tái phát tăng huyết áp là rất cao trong khoảng thời gian này.

Thực hiện đúng nguyên tắc dùng thuốc tránh sai sót

Những sai sót này có thể xảy ra ở bất kì đâu như ở nhà, ở nơi cấp phát thuốc và thậm chí ngay cả tại các cơ sở y tế. Do đó, cả cán bộ y tế và người sử dụng cần thực hiện đúng những nguyên tắc để dùng thuốc an toàn, hợp lý.

Đối với cán bộ y tế: Để hạn chế các sai sót có thể xảy ra khi sử dụng thuốc, một hệ thống nguyên tắc khi dùng thuốc đã được xây dựng và áp dụng tại các cơ sở cấp phát thuốc và khám chữa bệnh. Đó là bộ nguyên tắc 3 kiểm tra, 5 đối chiếu và nguyên tắc 5 đúng. Trong đó, 3 kiểm tra bao gồm tên bệnh nhân, tên thuốc, liều thuốc; 5 đối chiếu là số giường, nhãn thuốc, chất lượng thuốc, đường dùng thuốc và hạn dùng thuốc nhằm đảm bảo 5 đúng gồm đúng thuốc, đúng người bệnh, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời gian. Các bộ quy tắc này được xem là kim chỉ nam cho cán bộ y tế để hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra cho người bệnh.

Đối với người sử dụng: Người sử dụng thuốc cũng cần hình thành thói quen kiểm tra tên thuốc, hạn sử dụng, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cũng như nắm được những chỉ định, chống chỉ định của thuốc và nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ, dược sĩ nếu có bất kì thắc mắc gì liên quan đến thuốc mình đang sử dụng. Bên cạnh đó, các thông tin về thuốc cũng như chỉ định của bác sĩ cần được ghi chép rõ ràng để tránh việc dùng nhầm thuốc hoặc các sai sót khi sử dụng thuốc có thể xảy ra.


Video liên quan

Chủ Đề