Đội tuyển anh được mệnh danh là gì

  • Nguyễn Long
  • Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ London

23 tháng 6 2018

Đội tuyển anh được mệnh danh là gì

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Người hùng và niềm hy vọng số 1 của tuyển Anh Harry Kane đã tỏa sáng đúng lúc

Dù cho nhiều năm trở lại đây không còn nằm trong top các đội mạnh nhất trong các giải đấu lớn do FIFA tổ chức, nhưng tuyển Anh vẫn là đội bóng luôn dành được tình cảm yêu mến từ các fan hâm mộ ở Anh nói riêng cũng như trên toàn thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam.

Trên huy hiệu đội tuyển bóng đá Anh có thể dễ dàng nhận ra hai biểu tượng cực kỳ tiêu biểu của người Anh và đã tồn tại từ rất lâu đời rồi. Đó là hoa hồng và ba chú sư tử.

Hoa hồng ở đây là biểu tượng của Hoa hồng Tudor, tượng trưng cho hòa bình, có từ sau thời chiến tranh hoa hồng giữa hai dòng họ nhà Plantagenet là Lancaster (biểu tượng hoa hồng đỏ) và York (hoa hồng trắng).

Chính vì vậy, biểu tượng hoa hồng Tudor mang màu sắc đỏ trắng ra đời sau chiến tranh kiến thúc là sự kết hợp giữa biểu tượng của hai nhà cho thấy sự hòa giải và đoàn kết của dân tộc.

Trái lại, hình tượng Tam Sư đã xuất hiện ở Anh từ thế kỷ 11, dưới triều đại của vua Richard I Lionheart, và đã được lựa chọn là biểu tượng của Hoàng gia Anh nhằm thể hiện sức mạnh tối cao và sự thịnh vượng của đất nước.

Hai hình ảnh đặc trưng của người Anh này đã tồn tại từ lâu, và kể từ năm 1949 đến nay chính thức xuất hiện trên huy hiệu của tuyển Anh với mục đích thể hiện sự đoàn kết cũng như là sức mạnh đồng thời kỳ vọng vào đội tuyển Anh luôn thi đấu dũng mãnh.

Ngôi sao phía trên của huy hiệu cũng là biểu trưng mà người Anh vẫn luôn tự hào: biểu trưng cho chức vô địch World Cup mà Anh đã giành được vào năm 1966 ngay trên sân nhà.

Kể từ đó đến nay, trải qua rất nhiều lứa cầu thủ, trong đó đã từng có thế hệ vàng của những Beckham, Paul Scholes, Owen, Lampard, Gerrard…, nhưng tuyển Anh vẫn chưa có cơ hội được khắc lên trên ngực thêm một ngôi sao nào nữa.

Kết quả tốt nhất họ từng đoạt được kể từ đó đến nay chỉ là tứ kết của World Cup.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Huy hiệu của đội tuyển bóng đá quốc gia Anh

Điều gì đã thay đổi?

Trong một vài năm gần đây, đặc biệt là sau khi thế hệ vàng của đội tuyển từ giã sự nghiệp, Anh chưa bao giờ được coi là một đối trọng, một ứng cử viên vô địch như ngày xưa nữa.

Có thể nói, hơn bao giờ hết đây là lúc cần phải có sự thay đổi và đội hình mà Gareth Sougthgate mang tới Nga năm nay chính là minh chứng tiêu biểu nhất cho sự đổi thay này.

Với tuổi đời trung bình tương đối trể 26 tuổi và 17 ngày đồng thời số lần chinh chiến trung bình cho đội tuyển cũng là thấp nhất so với tuyển Anh ở các kỳ World Cup khác (trung bình là hơn 20 trận tính đến thời điểm trước khi bước vào giải).

Bên cạnh đó, có 18 trên 23 gương mặt tới Nga năm nay không có tên trong danh sách đến Brazil bốn năm về trước - gồm Jordan Henderson, Phil Jones, Welbeck, Rahem Sterling và Gary Cahill.

Một sự "thay máu" triệt để!

Thậm chí người đội trưởng năm nay là tiền đạo Harry Kane cũng sẽ có lần đầu tiên tham dự World Cup và mang trên mình trọng trách gánh vác hàng công của tuyển Anh, được trợ giúp bởi các "máy chạy" như Sterling, Lingard hay Rashford.

Huấn luyện viên cũng là một người đã gắn bó với các đội trẻ được vài năm rồi, những cầu thủ mà Southgate dẫn dắt năm nay đều đã từng được ông chỉ bảo ở các tuyển trẻ trước đây cho thấy một mối liên hệ đặc biệt và lâu năm giữa cầu thủ và huấn luyện viên.

Vậy kết quả đã diễn ra như thế nào?

Tuyển Anh có trận đấu chính thức mở màn vào ngày 18/06 với đội tuyển Tunisia trong khuôn khổ bảng G World Cup 2018. Họ giành chiến thắng với tỷ số 2-1 với một cú đúp của niềm hy vọng số một của đội tuyển Harry Kane.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Pha ra chân đá nối quý hơn vàng của Kane ở phút 90' +1' mang về 3 điểm quý giá cho đoàn quân của Gareth Southgate

Nếu như chỉ nhìn vào thống kê của trận đấu thì chúng ta nghĩ rằng tuyển Anh đã thi đấu rất chật vật trước một đối thủ yếu hơn rất nhiều và chỉ đến các phút cuối cùng của trận đấu Anh mới có thể ấn định được chiến thắng.

Thực tế, nếu bạn là người theo dõi cả trận đấu thì có thể thấy được không phải Tunisia có thể gây được khó khăn trước đội tuyển Anh mà chính họ là người "tự bắn vào chân mình".

Không thể phủ nhận, tuyển Anh đã có một thế trận lấn lướt, kiểm soát bóng tốt, tạo được ra rất nhiều cơ hội và cũng thiếu đi một chút quyết định chính xác từ trọng tài.

Tuy nhiên, việc các chân sút tuyển Anh đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội, đặc biệt là trong hiệp thi đấu thứ nhất, là điều không thể bàn cãi.

Nếu chỉ cần chắt chiu hơn thì ngay trong hiệp 1, Lingard đã có thể có một cú hat-trick cho riêng mình; hay bàn thua của họ cũng đến từ một tình huống khá "ngớ ngẩn" của Kyle Walker.

Rất nhiều fan hâm mộ sẽ tự cho rằng "non nớt" là nguyên nhân chính của sự việc này, tuy nhiên với các fan yêu mến Tam sư thì một giải đấu tầm cỡ thế giới như thế này chắc chắn sẽ không có chỗ sự ngây thơ này nữa.

Nếu như đối thủ trong trận vừa rồi là các ứng cử viên cho chức vô địch như tuyển Đức, Pháp hay Brazil thì những tình huống sơ hở của hàng thủ hay các pha phung phí cơ hội của hàng công liệu vẫn đủ để đem về chiến thắng không?

Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG.

Những người hâm mộ tuyển Anh luôn mong rằng các cầu thủ hãy "grow up" (trưởng thành) ngay trong các trận đấu tới để rồi người Anh hay những người yêu mến tuyển Anh sẽ được sống lại những giây phút hào hùng của những năm 66.

Cựu trung vệ của Manchester United, Rio Ferdinand nhận xét sau trận đấu trên đài BBC rằng: "Nếu tuyển Anh chơi đúng thực lực, chắt chiu cơ hội hơn, sẽ chẳng có đối thủ nào muốn đối đầu với chúng ta cả."

Hãy còn các trận đấu quan trọng khác nữa mới có thể thực sự đánh giá được năng lực của đội hình hiện tại của tuyển Anh, mà tiêu biểu là trận đấu cuối cùng bảng G gặp đội tuyển Bỉ sẽ là một liều thuốc thử thực sự trước khi Anh có thể tiến vào vòng knock-out và chạm trán các đối thủ mạnh hơn nữa.

*Một chi tiết nhỏ rất hay trong trận đấu giữa Anh và Tunisia tối hôm 18/06:

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tuyển Anh ăn mừng ở phút 90' +1' trong trận gặp Tunisia

Đây là tình huống sau khi Harry Kane với cú đá nối quý hơn vàng từ cú đánh đầu của Harry Mcguire ấn định tỷ số 2-1 cho Tam Sư.

Toàn bộ 11 cầu thủ Anh đã lao về phía cột góc bên trái để ăn mừng bàn thắng với thủ quân của họ, duy chỉ có hai người không ăn mừng là thủ môn Pickford và hậu vệ Trippier.

Nếu như Pickford ở tận gôn nhà đứng khá xa điểm ăn mừng, thì Trippier chủ nhân của đường phạt góc là điểm khởi đầu cho bàn thắng này chắc hẳn sẽ phải là một trong những người ra ăn mừng bàn thắng chứ?

Vấn đề là theo luật của FIFA, khi các cầu thủ của đối phương ngoại trừ thủ môn rời khỏi sân của mình thì đội kia sẽ được quyền tiến hành giao bóng. Điều này đã lý giải vì sao Trippier (áo đỏ phía xa trong ảnh) không tham gia ăn mừng với các đồng đội mà chọn đứng lại bên phần sân của Tunisia để đội bóng Bắc Phi không thể tiến hành giao bóng.

Một hành động quá tuyệt vời của hậu vệ sinh năm 1990 cho thấy tuyển Anh sẽ làm mọi cách để bảo toàn thành quả của mình, và sẽ không thể chủ quan sơ hở dù trận đấu chì còn vài tích tắc.