Đọc hiểu thư gửi các bậc cha mẹ học sinh Trường THPT Lương thế Vinh

Kính gửi toàn thể các vị phụ huynh của trường Lương Thế Vinh!

Trước hết tôi xin thay mặt nhà trường cảm ơn các vị vì các vị đã tin tưởng để gửi gắm con mình vào học tại trường THPT Lương Thế Vinh. Các vị hãy luôn tin rằng sự thành công của các con là mục tiêu chung của chúng ta. Bởi vậy không lẽ gì mà chúng ta không tìm được tiếng nói chung trong công việc giáo dục các con em mình.

1. Kính thưa tất cả các vị, trước đây trường Lương Thế Vinh có tiếng là chỉ học và học, học như một lò luyện thi. Tôi không biết tại sao lại có những nhận xét đó nhưng cá nhân tôi thấy không phải là vậy. Lương Thế Vinh có số tiết học Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh/1 tuần [theo khối] nhiều hơn các trường Quốc lập và các trường Dân lập khác. Theo tôi đó không phải là áp lực mà đó là sự giảm tải. Số lượng tiết học/ tuần nhiều hơn các trường khác mục đích là để thầy cô có nhiều thời gian giảng lý thuyết và luyện tập bài tập cho các con. Đảm bảo việc học sâu hơn.

Ngoài ra, thời gian trước đây chúng tôi đã luôn tìm cách đảm bảo các hoạt động ngoài giờ lên lớp bằng cách tổ chức các hoạt động ngoại khóa phong phú và cô đọng. Hiện nay, chương trình ngoại khóa nhằm xây dựng kỹ năng mềm được thực hiện một cách uyển chuyển. Nếu các vị phụ huynh để ý sẽ thấy mấy năm gần đây Lương Thế Vinh đã xây dựng nhiều chương trình sinh hoạt ngoài giờ cho các con hơn, có thể nói hiện nay trường chúng ta là một trường có những hoạt động ngoài giờ lên lớp nhiều nhất. Tuy vậy, không vì thế mà chất lượng giáo dục của trường giảm. Kết quả thi QG và thi vào 10 đã chứng minh điều đó.

• Kết quả khối THPT: – Năm học 2013 – 2014: Điểm TB: 18,09 đứng thứ 2 trong các trường THPT không chuyên trên địa bàn TP Hà Nội. – Năm 2014 -2015: Điểm TB: 19,67 đứng đầu trong các trường THPT không chuyên trên địa bàn TP Hà Nội. Là trường duy nhất tại TP Hà Nội đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100% nhiều năm liền. – Năm 2015 -2016: + Điểm Toán TB: 7,25 xếp thứ 2 toàn TP Hà Nội. + Điểm Lý TB: 7,15 xếp thứ nhất toàn TP Hà Nội. + Điểm Hóa TB: 6,63 xếp thứ 2 toàn TP Hà Nội. + Điểm Văn TB: 6,79 xếp thứ nhất toàn TP Hà Nội. + Điểm Anh TB: 6,30 xếp thứ 3 toàn TP Hà Nội.

• Kết quả khối THCS

– Năm 2015 – 2016: + Điểm TB môn Văn: 7,29 + Điểm TB môn Toán 8,20

Tổng: 15,50 xếp thứ 8/623 trường THCS trên toàn TP Hà Nội. Đứng thứ 3 trong quận Cầu Giấy.

2. Về chất lượng giáo dục chúng ta có thể căn cứ vào thống kê của Sở Giáo Dục và của Phòng Giáo Dục như trên. Tuy nhiên tôi chắc chắn rằng không phải tất cả các vị phụ huynh đều hài lòng. Kỷ luật nghiêm túc của nhà trường khiến không phải chỉ học sinh thiếu kỷ luật sợ hãi mà còn gây cho một số phụ huynh có con hay mắc lỗi khó chịu vì các vị thường phải đến trường gặp cô chủ nhiệm hoặc Ban giám hiệu nhà trường. Xin các vị phụ huynh lưu ý, việc rèn giũa kỷ luật, rèn thói quen học tập cho học sinh được thực hiện hoàn toàn là vì mục đích giáo dục. Tất nhiên chúng tôi hiểu rằng không phải ai cũng có thể hiểu nó một cách sâu sắc nhưng việc đó không phải là việc chúng tôi không cố gắng thực hiện nó đến cùng. Việc tương tác giữa phụ huynh và giáo viên là việc quyết định sự thành công trong việc thay đổi các con.

Nhân đây tôi có vài ý kiến nhỏ như sau với mong muốn chúng ta cùng làm tốt hơn nữa việc giáo dục các con chúng ta:

a. Mong phụ huynh bớt chút thời gian mỗi ngày để chia sẻ với các con, hỏi han tình hình của con sau một ngày lao động và học tập. Thấy có điều bất thường nên hỏi kỹ hơn và liên lạc với cô chủ nhiệm trên tinh thần lắng nghe bằng hai tai. Nên gần gũi chia sẻ với các con để chúng có thể kể chuyện với mình những điều khiến chúng vui, những điều làm chúng buồn. Như vậy, có thể giải quyết kịp thời khi có sự cố. Mong các vị đừng đổ lỗi cho nhà trường khi chưa thật sự phân tích cho con hiểu những mong muốn của mình, hãy biết kết hợp với GVCN và với nhà trường trong việc giáo dục con em mình. Tránh để tình trạng con phản ứng với cách giáo dục của nhà trường.

b. Ngoài việc đòi hỏi về cố gắng học tập xin các vị hãy biết đòi hỏi con cái thói quen lao động, thói quen giúp đỡ bố mẹ. Xin các vị cũng kể cho con những khó khăn trong công việc, sự mệt mỏi của một ngày để các con quen dần với sự cần phải chia sẻ khó khăn. Đừng cho con quá nhiều điều kiện dù có thể. Nên nhớ vượt giàu khó hơn vượt qua nghèo khổ. Ngày xưa, thanh niên quyết phải cố gắng học tập để đồi đời, để có một cuộc sống tốt hơn. Nhưng bây giờ, sự vượt qua những điều kiện sống đầy đủ để thành công là điều khó hơn nhiều. Chúng ta hãy dạy con biết lao động. Tôi đã từng nói với nhiều học sinh như sau: “Bố mẹ đi làm và để được nhận lương [quyền lợi] thì đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với công việc của mình. Bây giờ các con cũng có những quyền lợi [được nuôi ăn miễn phí, quần áo, giày dép mua thoải mái, đi ăn hàng cũng thoải mái, đi xem phim vô số…] thì các con cũng phải có trách nhiệm với người cho các con những quyền lợi đó. Các con kể cho cô, các con có trách nhiệm gì?”. Và đã có nhiều trường hợp thì ngay cả bố mẹ cũng không trả lời được câu hỏi này. Muốn các con thành công, hãy biết đòi hỏi đúng mực.

c. Hãy dạy các con biết cách chịu áp lực và vượt qua nó một cách đúng đắn.

d. Dạy các con biết chấp hành kỷ luật nếu muốn tự do, chịu kỷ luật như là một cách tôn trọng danh dự.

e. Dạy con cách trung thực nhất là khi có lỗi, cần biết nhận lỗi và nhận một cách đúng lúc. Điều này quyết định khả năng thành công trong sửa lỗi cho các con.

f. Phụ huynh cần phải hiểu đôi lúc kỷ luật nặng cũng là biện pháp giáo dục.

g. Tôi mong muốn phụ huynh cùng kết hợp nhà trường để các con không chỉ thực hiện đúng nội quy, thực hiện đúng những điều cấm kỵ trong việc sử dụng facebook khi còn học trong nhà trường mà phải ý thức và giữ gìn ngay cả khi đã ra khỏi trường. Phụ huynh cần cùng nhà trường nhắc nhở con, thậm chí nghiêm cấm các con văng tục chửi bậy trên FB và trong cuộc sống hàng ngày. Hãy để các con hiểu, cần phải giữ hình ảnh của mình trong mắt người khác và làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp.

Các vị hãy nhìn xem, bọn trẻ thật đáng yêu biết nhường nào!

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 2 [Đề thi học kì 2] - Ngữ văn 11

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU [4,0 điểm]

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

     Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quanh mình, đang diễn ra hàng ngày…, để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng. Hãy làm sao để chúng nói chuyện, trao đổi, tâm sự… nhiều hơn với người thân trong gia đình chứ đừng suốt ngày đuổi theo những ảo ảnh trên mạng.

    Trong tình hình hiện nay các mạng xã hội trên Internet mang lại nhiều nguy hiểm cho con trẻ chúng ta… Xin các vị hãy quan tâm điều này nhiều hơn, đã có rất nhiều trẻ em trở thành hư đốn, thậm chí phạm pháp vì quá mê say với thế giới ảo.

[Trích thư của PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - gửi đến các phụ huynh nhân dịp đầu năm học mới 2013, Nguồn //tuoitre.vn, 5/9/2013]

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.

Câu 2. Những từ ngữ nào nói lên sự gắn bó giữa con cái với cha mẹ trong lời tâm sự của PGS Văn Như Cương?

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: "Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quanh mình, đang diễn ra hàng ngày…, để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng.

Câu 4. Viết đoạn văn ngắn [từ 8 cho đến 10 dòng] bày tỏ suy nghĩ biện pháp khắc phục hiện tượng “quá mê say với thế giới ảo” của một bộ phận giới trẻ hiện nay được gợi ra từ phần đọc hiểu.

II. LÀM VĂN [6,0 điểm]

Cảm nhận của anh chị về đoạn thơ

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá, nhìn không ra.

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,

Ai biết tình ai có đậm đà?

[Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử]

Từ đó bình luận quan niệm về tình yêu của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Lời giải chi tiết

Phần I. Đọc hiểu

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

Câu 2. Những từ ngữ nói lên sự gắn bó giữa con cái với cha mẹ trong lời tâm sự của PGS Văn Như Cương: nói chuyện, trao đổi, tâm sự, quan tâm

Câu 3.

- Biện pháp tu từ: hoán dụ [đắm mình]

- Tác dụng: tạo nên cách diễn đạt giàu hình ảnh mang ý nghĩa tâm sự chân thành để cảnh báo tác hại của sống ảo đối với con cái của các vị phụ huynh.

Câu 4. Viết đoạn văn ngắn [từ 8 cho đến 10 dòng] bày tỏ suy nghĩ biện pháp khắc phục hiện tượng “quá mê say với thế giới ảo” của một bộ phận giới trẻ hiện nay được gợi ra từ phần đọc hiểu.

1. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận. Cần đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nói được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một hiện tượng đời sống xấu: biện pháp khắc phục hiện tượng quá mê say với thế giới ảo”

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; tập trung suy nghĩ biện pháp khắc phục hiện tượng quá mê say với thế giới ảo”. Cụ thể:

- Nêu cách hiểu mê say với thế giới ảo

- Tìm được những nguyên nhân, tác hại của thế giới ảo

- Biện pháp khắc phục:

+ Bản thân tuổi trẻ cần sống thật với cuộc đời, đam mê học tập, sáng tạo.

+ Nhà trường, gia đình cần quan tâm hơn nữa đến các bạn trẻ.

+ Xã hội cần phải có những giải pháp hữu hiệu hơn bởi hiện nay chúng ta chưa có những biện pháp thực sự hữu dụng và không theo kịp được với trào lưu của giới trẻ…

4. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

5. Chính tả, dùng từ đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ đặt câu.

II. Làm văn

1. Mở bài:

– Giới thiệu Hàn Mặc Tử và bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.

– Nêu vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp đoạn thơ quan niệm về tình yêu của Hàn Mặc Tử

2. Thân bài:

a. Khái quát về bài thơ đoạn thơ:

[Về hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, nội dung, nghệ thuật, vị trí đoạn thơ…]

b. Cảm nhận đoạn thơ:

Thí sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần đáp ứng các yêu cầu sau: Về tình yêu trong đoạn cuối bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ:

- Hàn Mặc Tử rơi vào thế giới ảo mộng:

+ Hình ảnh "khách đường xa" có thể là người đang sống ở thôn Vĩ cũng có thể chính Hàn Mặc Tử đang tưởng tượng mình là khách về chơi thôn Vĩ. Nhưng dù hiểu thế nào thì điệp ngữ "khách đường xa" cũng khơi gợi nên khoảng cách xa xôi, mờ mịt giữa người với người.

+ Hình ảnh "áo em trắng quá" là hình ảnh đậm nét nhất, rực rỡ nhất, tinh khiết nhất nhưng cũng gây tuyệt vọng nhất.

+ Cụm từ "nhìn không ra" là một cách cực tả sắc trắng, trắng một cách kì lạ, bất ngờ [giống như cách viết "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc"].

+ Không gian thực hư ảo bởi trí tưởng tượng của thi nhân. Nhen lên trong lòng thi nhân một thứ tình cảm rất khó xác định, khó nắm bắt: "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/Ai biết tình ai có đậm đà?" Cảnh vật và con người chìm sâu vào không gian hư ảo, ma mị như đang ở một thế giới rất khác… cõi chết.

=> Ranh giới giữa sống và chết, giữa thực và hư quá đỗi mong manh. Thi nhân cảm nhận rõ nét khoảng cách xa xôi cái hư ảo ngày càng rõ của tình yêu, hạnh phúc.

- Một tình yêu tuyệt vọng của thi nhân.

+ Ẩn chứa sâu trong khung cảnh sương khói mờ ảo ấy là sự bất lực, nỗi tuyệt vọng của thi nhân.

+ Cảnh vật từ khổ một đến khổ ba biến đổi rõ rệt: từ tươi sáng tràn đầy sức sống đến hiu hắt đượm buồn với cảnh sông nước rồi hư ảo mờ nhòe ở khổ thơ cuối cùng. Tâm trạng thi nhân cũng thay đổi theo cảnh: từ hi vọng đến dự cảm chia tay hoài nghi đến tuyệt vọng.

+ Đại từ phiếm chỉ "ai" xuất hiện trong câu hỏi tu từ "Ai biết tình ai có đậm đà?" mang nét nghĩa mơ hồ. Câu hỏi tu từ không chỉ thể hiện sự hồ nghi về tình yêu mà còn là sự hồ nghi về tình đời tình người. Trong hoàn cảnh của bản thân hiện tại, chỉ có tình người, tình đời mới níu nhà thơ lại với trần gian. Thế mà cái tình kia sao quá đỗi mong manh.

- Bình luận quan niệm về tình yêu của tác giả

Thí sinh cần bình luận hợp lý, thuyết phục. Có thể theo huớng sau:

+ Với Hàn Mặc Tử, tình yêu nhuốm màu bi kịch nhưng vẫn trong sáng, thánh thiện. Bởi tình yêu đơn phương vô vọng của một thi sĩ lãng mạn 1930- 1945. Nhà thơ khao khát sống để yêu và được yêu nhưng không thành và bệnh tật nan y đã giày vò thân xác. Tình yêu của thi sĩ còn gắn với tình đời, tình quê.

+ Thông qua hình tượng thơ độc đáo, sáng tạo, nhà thơ gửi gắm thông điệp gần gũi mới mẻ về tình yêu; góp phần định hướng cho tuổi trẻ có tình yêu đẹp.

3. Kết bài:

- Khái quát lại vấn đề.

Loigiaihay.com

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 11 - Xem ngay

Video liên quan

Chủ Đề