Dđánh giá quá trình giảng dạy ở vnua thế nào năm 2024

Từng học Đại học Ngoại ngữ chuyên ngành Sư phạm và bắt đầu gia sư từ năm 18 tuổi, nhưng phải tới tuổi 25, tôi mới đứng lớp tiếng Anh sĩ số [hơi] lớn lần đầu tiên sau khi tốt nghiệp trái ngành. Trong suốt quãng thời gian “nhúng một ngón chân” vào nghề dạy, đã không biết bao nhiêu lần tôi bỏ cuộc vì nghĩ đây không phải nghề dành cho mình. Thậm chí, ở năm 25, tôi quyết tâm theo đuổi Sư phạm cũng vì lý do bên ngoài chứ không phải xuất phát từ “niềm đam mê” cháy bỏng nào cả.

Với nền tảng như thế, tôi biết mình còn quá nhiều thiếu sót, thiếu tự tin nhưng không biết phải bổ sung từ đâu, bổ sung cái gì, không biết những thứ mình đang thiếu gọi là gì. Tôi hoang mang mất một thời gian dài, nhưng vẫn cố gắng chắp vá những lỗ hổng mình còn thiếu, hoàn thiện mình hơn trong quá trình dạy. Ở thời điểm hiện tại, tôi có thể nói mình đã đúc kết được những kinh nghiệm nhất định, và thực sự cảm thấy gắn bó với nghề.

Nếu được quay trở lại định hướng cho bản thân, giúp tôi vững tin hơn về bức tranh lớn và con đường phía trước, tôi chắc chắn sẽ dốc hết tâm can mình ra để chia sẻ. Vì vậy, bài viết này là dành cho tôi của quá khứ, cho những bạn đang muốn trở thành giáo viên [cụ thể là tiếng Anh] trái ngành, có nhiều lo lắng, suy nghĩ, và tự ti như tôi ngày đó. Trong khuôn khổ bài viết, tôi muốn chia sẻ những nguồn học liên quan tới chuyên môn tiếng và kỹ năng giảng dạy/tổ chức lớp, thay vì những lời khuyên về việc dạy nói chung mà tôi sẽ viết trong một bài blog khác.

1. Giỏi chuyên môn trước rồi mới tới kỹ năng dạy

Thầy giáo dạy Ngữ âm của tôi đã nói: chuyên môn tốt quan trọng hơn là kỹ năng dạy.

Trước tiên, cần hiểu rằng “chuyên môn” không chỉ là việc sử dụng tiếng Anh thuần thục với 4 kỹ năng, mà là kiến thức sâu sắc về cách thức sử dụng, làm sao để cấu tạo được từ, thành cụm, thành câu, cụm này khác cụm kia ra sao, tiếng Anh khác tiếng Việt như thế nào, làm sao để phát âm cho đúng, hiểu được nguyên lý, các bộ phận cấu tạo âm, v.v. Có được chuyên tiếng tốt rồi, ta có thể

  • Giải đáp đc những câu hỏi của học sinh một cách khoa học và tường tận. Càng giải đáp được, học sinh sẽ càng nể, bản thân mình cũng càng tự tin.
  • Biết điểm yếu của mình ở đâu để đo lường, đào sâu nghiên cứu, học hỏi thêm

Điều thứ hai là vô cùng quan trọng, vì chỉ có như vậy, mỗi giáo viên mới không ngừng hoàn thiện mình, tò mò tìm những câu trả lời cho bài giảng của mình thu hút hơn, thú vị hơn, từ đó càng say mê, gắn bó với nghề. Khi học sinh tiến bộ, một giáo viên cần biết nỗ lực của mình đóng góp bao nhiêu phần trong đó. Khi khảo sát những giáo viên tiếng Anh trái ngành trong lớp, một bạn đã chia sẻ với tôi “Em chưa từng học về sư phạm hay ngôn ngữ Anh, cũng không biết tìm đến các khoá học, làm gì cũng theo bản năng nên không biết mình đang làm đúng hay sai. Nếu học sinh không tiến bộ, em sẽ lo lắng là do mình. Nếu học sinh có tiến bộ, em cũng không biết bao nhiêu % là nhờ có mình dạy.”

Vì vậy, điều đầu tiên là trau dồi chuyên môn của mình với 3 chân trụ trong ngôn ngữ: ngữ pháp, ngữ âm, từ vựng. Hãy thực tập, đặt địa vị của mình là một học sinh và đặt ra những câu hỏi:

  • Trước kia mình có những vấn đề gì về ngữ pháp? Nếu không làm theo bản năng “nghe nó đúng đúng” hay “tiếng Anh là thế,” mình có thể giải thích một cách khoa học hơn không? Nếu không thì mình hỏi ai? Tìm câu trả lời ở đâu?
  • Trước đây mình từng học phát âm như thế nào? Học sinh Việt Nam thường mắc những lỗi ngữ âm gì? Làm sao để sửa?
  • Các từ với hậu tố nào thì là danh từ, động từ, tính từ? Mỗi hậu tố/tiền tố có nghĩa khác nhau như thế nào?

Bạn có thể tự đặt ra rất nhiều câu hỏi cho mình và tìm kiếm câu trả lời từng bước.

Tôi hiểu nếu như bạn có nhiều câu hỏi khi đọc đến đây: “Có bao nhiêu là thứ trong ngữ pháp, ngữ âm, từ vựng, biết bắt đầu từ đâu? Tôi đang cần học nhanh để hành nghề, dành thời gian bao nhiêu cho đủ?” Thú thực, trước đây tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi đâm đầu vào dạy trước, rồi trên đường khó chỗ nào thì vá chỗ đó và điều này hoàn toàn ổn. Ý của tôi chỉ là: tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người mà có những quyết định khác nhau.

Nếu bạn có thời gian để đầu tư học và bồi đắp kiến thức [ví dụ bạn đang học trái ngành nhưng thích dạy tiếng Anh], bạn có thể chia ra giai đoạn nghiên cứu về tiếng, rồi sau đó về kỹ năng dạy, chậm mà chắc. Nếu bạn là giáo viên trái ngành rồi, hoặc muốn và cần đi dạy ngay, thì giữa tổ chức lớp, những hoạt động sáng tạo và chuyên môn tiếng, bạn vẫn nên ưu tiên tìm hiểu kiến thức tiếng hơn.

Để trang bị, tôi sẽ giới thiệu một vài cuốn sách hữu ích dưới đây, giúp bạn bắt đầu tự tìm hiểu kiến thức cho mình.

2. Tìm các tài liệu chính thống [để ý tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản]

Trước đây, nếu có câu hỏi về ngữ pháp, ngữ âm, hay từ vựng, tôi thường Google vì nhanh và tiện. Sau này tôi thấy rằng những nguồn tài liệu này chỉ giải quyết vấn đề tức thời, thay vì theo một hệ thống được đầu tư chất xám và được chọn lọc như sách viết bởi các nhà ngôn ngữ học dành cả đời để nghiên cứu. Ngay cả khi tìm đến sách, tôi cũng từng chỉ biết tới những cái tên quen thuộc như: Cambridge University Press, Oxford University Press, Collins, phục vụ dạy IELTS.

Gần đây, khi tham gia khoá học chuyển đổi tại trường Đại Học Hà Nội, tôi mới biết tới những cái tên của những nhà ngôn ngữ học gạo cội như: Noam Chomsky, Steven Pinker, Michael Halliday, David Crystal, v.v và những nhà xuất bản nổi tiếng khác: National Geographic, Macmillan Publishers, Routledge Language Learning và bắt đầu đọc những đầu sách thuộc những tác giả và nhà xuất bản trên. Một số cuốn sách rất hay tôi được giới thiệu tương ứng với ba mảng Ngữ pháp, Ngữ âm, Từ vựng là:

  • The Cambridge Grammar of the English Language [Rodney Huddleston, Geoffrey K. Pullum – 2002]
  • Introduction to English Phonetics and Phonology [Ulrike Gut – 2009]
  • An Introduction to English Lexicology [Laurie Bauer, 2021]

Cũng cần để ý tới tác giả và năm xuất bản, bởi ngôn ngữ sử dụng hoặc kiến thức trong sách đã cũ, hoặc khó hiểu đối với người đọc hiện đại. Đọc sách và tự học sẽ giúp giáo viên hiểu sâu, thấm kiến thức theo tốc độ của mình. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian, được chỉ dẫn bởi những người đi trước có kinh nghiệm và biết được những khái niệm cơ bản, tôi sẽ khuyên:

3. Tìm tới các chương trình đào tạo:

Tôi đã làm một video về 3 khoá học giúp tôi trở thành giáo viên tiếng Anh trái ngành tại đây:

Trong đó, tôi cực kỳ đề cử CELTA là khoá học đầu tiên vì:

  • Bạn được học tất cả các kỹ năng từ nghiên cứu và tìm kiếm tài liệu, tổ chức bài, quản lý lớp học, kinh nghiệm dạy trực tiếp cho học sinh ở hai trình độ là bắt đầu và khá [beginner & intermediate].
  • Có được CELTA, bạn sẽ dễ xin việc hơn, uy tín hơn, lương cao hơn so với việc không có. Nếu không có bằng hay chứng chỉ, năng lực của bạn có thể vẫn giỏi, nhưng chẳng ai làm chứng được cho điều đó.

Chỉ có một điểm cần cân nhắc duy nhất là khoá học có rất rất nhiều thông tin [tất cả những người tham gia đều gần như dừng lại cuộc sống của mình trong 1 tháng chỉ đề học, thực hành dạy, và làm bài tập liên tục], chủ yếu tập trung vào 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết và cách truyền đạt. Vì vậy, người học phải tự tìm hiểu kiến thức nền tảng, chuyên môn trước [như mục 1]. Dù đây không phải điều kiện tiên quyết nhưng nếu không có kiến thức trước sẽ vất vả hơn.

Thông tin về các khoá học nhắc đến trong video:

CELTA: //apollo.edu.vn/teach/cambridge-celta

Mr. Vũ English Class: //www.facebook.com/vuclass

Master of TESOL [Hanu]: //uc.hanu.vn/index.php/vn/chuong-trinh/484-lo-trinh-khoa-hoc-master-of-tesol-and-flt-cho-cac-doi-tuong-hoc-vien.html

4. Sử dụng giáo trình dạy

Trước đây, vì nghĩ rằng giảng dạy là một nghề rất nhàm chán và lười biếng khi cứ ngày ngày lặp đi lặp lại một giáo án, hay chỉ cần in bài tập cho học sinh làm là xong, tôi đã nghĩ mình sẽ tìm kiếm những tài liệu, hoạt động “độc, lạ, sáng tạo” khiến lớp học trở nên vui vẻ và hào hứng hơn. Tôi đã sai bét. Ở giai đoạn đầu, việc chưa chắc kiến thức và kỹ năng dạy, lại thêm ý muốn “nghĩ ra ngoài cái hộp” [think outside the box] chỉ khiến tôi thêm đau đầu mà học sinh lại không đạt được kết quả như mong muốn.

Sau này tôi mới thấm, với một giáo viên mới bắt đầu, dù trái ngành hay không, chọn lựa và sử dụng giáo trình hữu dụng cho học sinh và người dạy vừa giúp giáo viên “dễ thở” hơn và vừa đảm bảo hiệu quả học tập. Kết quả cuối cùng vẫn là để học sinh đạt được mục đích của họ. Thêm nữa, sáng tạo chỉ đến khi những nguyên tắc cơ bản được đảm bảo. Như câu nói của Pablo Picasso:

Hãy nắm vững các quy tắc như một chuyên gia, rồi bạn có thể phá vỡ chúng như một nghệ sĩ. [Learn the rules like a pro, so you can break them like an artist].

Ví dụ, bạn có thể tham khảo những giáo trình đã được thiết kế để đảm bảo khung dạy như CELTA như Mindset for IELTS với các yếu tố:

  1. Warm-up
  2. Prediction/Example
  3. Vocabulary/Grammar
  4. Practice
  5. Post activity

Sau đó, tự điều chỉnh theo độ phù hợp của từng lớp. Đặt và trả lời những câu hỏi đánh giá tình hình như: mức độ hiểu từ vựng, làm bài của học sinh, phản ứng của học sinh đối với các phần như thế nào, đã có kiến thức nền trước chưa, làm sao để cung cấp kiến thức nền, bổ sung những phần còn yếu?

Nếu muốn sáng tạo và điều chỉnh, tôi thường chọn 1 phần trong số cả 5 con số ở trên. Ví dụ buổi 1 tôi cần chú trọng warm-up để giúp học sinh hứng thu hơn, buổi 2 tôi nhận thấy học sinh cần biết nhiều từ vựng hơn, tôi sẽ có thêm hoạt động ở phần Vocabulary. Cứ như vậy, mỗi lần bài giảng lại được cải thiện một chút.

5. Tận dụng những kiến thức trái ngành của mình

Có thể bạn cảm thấy tự ti vì chưa được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng giảng dạy so với các bạn được đào tạo chính quy. Điều đó đúng. Cả tôi và bạn đều phải nỗ lực để bù đắp lại những lỗ hổng của mình. Nhưng ngược lại, chúng ta cũng có những tài sản rất giá trị: kiến thức trái ngành. Những kiến thức này và thời gian bỏ ra có chúng không hề uổng phí, thậm chí góp phần làm nội dung bài dạy thêm sinh động. Tôi vẫn thường chia sẻ với học sinh về trải nghiệm đi du học trong bài đọc về văn hoá, về trải nghiệm làm nhà hàng của tôi trong bài học về ngành khách sạn, về kiến thức Khủng hoảng kinh tế và bong bóng nhà đất ở Mỹ vào năm 2008 tôi học ở môn kinh tế vĩ mô trong bài dạy liên quan. Những người bạn dạy học trái ngành của tôi cũng đều có những câu chuyện thú vị như vậy để chia sẻ với học sinh. Đây cũng chính là mục đích và chân lý của việc học toàn diện [holistic education]: chia sẻ kiến thức chéo.

Một người bạn còn chia sẻ với tôi một góc nhìn khác rất thú vị nữa:”Mình tốn thêm thời gian, công sức, tiền bạc để chuyển ngành, đấy là một cái giá không rẻ và mình sẽ bớt “take for granted” [xem nhẹ] cái cơ hội này hơn.” Câu nói này cực đúng với tôi. Mỗi khi có ai đó chẹp miệng và nói rằng tôi đã tốn 4-5 năm ra nước ngoài “chỉ để” quay trở lại và làm việc theo đúng cái ngành mà tôi đã quyết định học ban đầu, tôi chỉ mỉm cười và tự biết rằng: nếu không có khoảng thời gian và kinh nghiệm đó, tôi vẫn sẽ mơ mộng về những khả năng, con đường khác mà tôi có thể đi, và một ngàn lẻ một câu hỏi thay vì hài lòng và tập trung với nghề dạy.

Chuyển ngành là một quyết định lớn và gây hoang mang vì bạn có thể chưa biết mình muốn gì, chưa biết phải bắt đầu từ đâu, mình có làm được không, mình thiếu sót điều gì. Do đã trải qua tất cả những suy nghĩ đó, tôi hy vọng có thể gợi mở, phác hoạ một bức tranh lớn, giúp bạn lựa chọn và quyết định bước đi đầu tiên hoặc bước đi tiếp theo, tuỳ theo hoàn cảnh của bạn thông qua bài viết này. Với tôi, nghề giáo là một nghề cao quý và là một thế giới muôn màu muôn vẻ luôn làm tôi bất ngờ và háo hức. Tôi mong bạn có thể tìm thấy niềm vui và sự phát triển nếu đây là con đường bạn quyết định sẽ đi trong tương lai.

Chủ Đề