Đã qua 1000 lần xin lỗi con nợ mẹ năm 2024

Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm, năm nhân khẩu mà chỉ trông chờ vào tám sào ruộng khoán chân đê. Vụ được mùa cũng chỉ có 1 tạ/sào. Năm nào đến tháng giáp hạt, mẹ đều phải chạy ăn từng bữa nhưng vẫn thiếu.

Nhà tôi ở ven biển nhưng vì không có vốn đóng thuyền to để đi đánh bắt hải sản như nhiều nhà khác trong làng, bố tôi chỉ đi phụ cho các chủ thuyền. Đi biển nên thu nhập rất bấp bênh. Trời mưa thuận gió hòa thì không sao, những hôm biển động, thuyền không ra khơi được, cả nhà phải chịu ăn cơm với muối mà vẫn đói.

Rồi bố mẹ bàn với nhau rằng mẹ sẽ đi buôn cá từ các chủ thuyền trong làng. Vốn liếng của mẹ là đôi bông tai bà ngoại mua cho mẹ ngày cưới, mẹ cất kỹ trong rương phòng khi dùng đến. Nhiều lần chị em tôi ốm, trong nhà không có tiền, mẹ định bán đi nhưng bố ngăn lại vì đó là của hồi môn của mẹ, vả lại bố mẹ vẫn có thể xoay xở được. Bây giờ thì cả bố và mẹ đều cần dùng đến đôi bông tai.

Mẹ mua đồ nghề là những mẹt, những thúng, rồi thùng nhựa, ghế nhựa lỉnh kỉnh. Chiếc xe đạp cũng được bố mang ra cửa hàng nhờ người ta tân trang cho chắc chắn.

Vì mới vào nghề nên mối hàng của mẹ chưa nhiều, chỉ là những nhà người quen, họ hàng thân thích, vì nể nên họ nhường bán cho mẹ. Dù vậy, sáng nào mẹ cũng phải lụi cụi dậy từ 3g-4g sáng để chuẩn bị đồ nghề kịp ra bãi đón thuyền về. Nếu chậm hơn, các chủ thuyền sẽ đổ hàng cho các “con buôn” khác để còn kịp tiếp tục ra khơi, mẹ sẽ không lấy được hàng.

Từ ngày mẹ đi buôn cá, bố còn lênh đênh trên những chuyến thuyền ra khơi, chị em tôi đã tự biết chăm sóc lẫn nhau. Tôi là chị cả nên sớm biết nấu cơm, giặt giũ, trông em và kèm em học mỗi buổi tối để mẹ có thời gian đi chợ và làm những việc nặng nhọc hơn. Từ ngày đó, bữa cơm của cả nhà được cải thiện dần. Mỗi buổi chợ, bao giờ mẹ cũng dành ra mớ cá biển hay mớ tép trắng (chỉ ở biển mới có) về nấu canh chua hay rang lên ăn dần. Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng đầy đủ hơn trước.

Tôi còn nhớ lần đó tôi đang học lớp 5. Vốn có khiếu ca hát nên tôi được chọn vào đội văn nghệ của trường cùng ba bạn khác đi thi Tiếng hát hoa phượng đỏ cấp huyện. Buổi sáng hôm diễn ra buổi thi ở thị trấn, vì nhà xa trường nên tôi phải đi sớm cho kịp giờ tập trung đội văn nghệ để các thầy cô chở đi.

Tôi không kịp ăn cơm với cá kho mẹ đã chuẩn bị trước khi đi chợ. Khoảng 9g sáng, sau khi chúng tôi vừa thi xong phần thi đơn ca, đội văn nghệ của trường đang tập trung ở một khu trống trong hội trường để chuẩn bị cho phần thi tập thể. Vừa lúc ấy, tôi thấy mẹ đang ngó nghiêng ở cổng hội trường. Rồi như nhìn thấy chúng tôi, mẹ tiến nhanh lại, trên tay là mấy cái bánh nếp bọc lá chuối khô - món mà tôi thích nhất. Mấy đứa bạn tôi cũng quay ra.

“Ôi, mẹ Thủy kìa!”. Các bạn học sinh trường khác đứng ngay cạnh cũng quay sang, tò mò. Nhìn dáng mẹ tất tả, cái khăn bông mẹ bịt mặt buông thõng xuống cổ, chiếc quần còn dính đầy vẩy cả, mặt tôi chợt nóng bừng vì xầu hổ. Mẹ đưa gói bánh cho tôi: “Sáng nay con không ăn. Mẹ mua cho con và các bạn đây”. Tôi không đưa tay ra nhận gói quà của mẹ.

Mấy đứa bạn tôi thì vẫn vô tư “xin bác” rối rít rồi cầm bánh chia cho tôi. Tôi lẳng lặng không nói gì. Lúc đó, chẳng hiểu sao tôi lại thấy giận mẹ đến thế. Tại sao mẹ lại vào đây? Sao mẹ không ngồi ở chợ bán nốt hàng mà phải nhờ người trông hộ? Trước đây tôi vẫn không ăn sáng, nhịn một bữa có sao nào? Sao mẹ lại không biết điều này? Nước mắt tôi trào ra. Mẹ nhìn tôi, thoáng chút ngạc nhiên, khó hiểu. Rồi mẹ vội quay đi. Đến lượt các bạn tôi đứng ngây ra, ngơ ngác. Chúng không còn cười nói vô tư như hồi nãy.

Về nhà, tôi giận mẹ và vẫn không nói gì. Mẹ cũng không hỏi về kết quả thi của tôi. Tối đó, tôi đã khóc. Tôi không rõ lý do vì sao. Vì tôi vẫn còn ấm ức với chuyện lúc sáng? Hay vì tôi đã nhận ra mình có lỗi với mẹ? Tôi không rõ. Đêm đó, tôi chợt giật mình vì có tiếng nấc thổn thức. Tôi choàng tỉnh.

Ánh trăng non đầu tháng mờ mờ chiếu qua khung cửa sổ. Tôi nhìn sang bên cạnh, hai đứa em trai đang ngon giấc, không thấy mẹ đâu. Hoảng hốt, tôi nhỏm người. Ôi, mẹ tôi đang ngồi ngay bậc cửa. Đầu mẹ nghiêng dựa vào cửa, đôi vai rung lên từng hồi. Mẹ tôi đang khóc. Tôi đã làm mẹ buồn?! Sống mũi tôi cay xè, cổ họng nghẹn đắng, mắt tôi nhòe đi. Tôi không dám đến gần bên mẹ… Lần đầu tiên, một con bé lớp 5 là tôi đã biết ân hận khi làm mẹ buồn.

Rồi mọi chuyện qua đi. Chị em tôi lớn dần. Nhiều lần, chúng tôi cũng đã mắc lỗi với mẹ và vẫn được mẹ tha thứ, nhưng với tôi câu chuyện hôm đó sẽ còn ám ảnh mãi…

Bây giờ, kinh tế gia đình đã khá hơn trước rất nhiều. Mẹ tôi không còn đi buôn cá từ năm năm nay. Dù không nói ra song cả bố và ba chị em tôi đều hiểu: có được như vậy một phần lớn nhờ tài xoay xở buôn bán của mẹ.

Đối với riêng tôi, kỷ niệm buồn hơn chục năm về trước vẫn còn đó. Nó như một lời nhắc nhở để tôi biết sống tốt hơn, không bao giờ để bố và mẹ phải phiền lòng. “Mẹ ơi, con vẫn còn nợ mẹ một lời xin lỗi. Nhưng xin mẹ hãy để con nói điều ấy bằng chính những việc con làm cho gia đình, cho bố mẹ, mẹ nhé!”.

Mời bạn viết Những lời của con

Cha mẹ cho chúng ta một cuộc đời, cho chúng ta những bệ phóng để vươn đến trời cao... Cha mẹ cũng luôn là bờ vai yên bình nhất để chúng ta dựa vào những khi thất bại, những khi mệt mỏi trong dòng đời đua chen...

Mỗi ngày trôi qua đều có thể là món quà dâng tặng cha mẹ nếu chúng ta biết cách báo đáp chữ hiếu, thể hiện tình cảm của mình.

Tuổi Trẻ Online mong sẽ là nhịp cầu bắc tấm lòng của những người con đến cha mẹ thông qua nội dung Những lời của con trong chuyên mục Nếp nhà. Hãy gửi cho chúng tôi những câu chuyện, những kỷ niệm, những điều xúc động về cha mẹ mà bạn muốn gửi tặng đấng sinh thành - những người đã cho bạn vóc hình hôm nay. Đó cũng có thể là những tâm tư mà bạn khó có thể nói trực tiếp bằng lời...

Bài viết xin gửi về [email protected] hoặc [email protected] với tiêu đề: Những lời của con. Xin vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt. Lưu ý, độ dài bài viết không quá 800 chữ (gửi kèm hình nếu có thể).