Cách tính lãi chậm thanh toán hợp đồng kinh tế năm 2024

Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thầm số 01/2020/KDTMPT ngày 10/01/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa có nội dung như sau:

“Công ty P và Công ty Quang G giao dịch mua bán sắt thép theo Hợp đồng 171/HĐCP1-14N. Đến ngày 05/3/2018, Công ty Q còn nợ tiền mua hàng Công ty P số tiền 999.999.454 đồng. Công ty P đã nhắc nhở Công ty Q nhiều lần về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng nhưng Công ty Q nhiều lần hứa và cam kết trả nợ nhưng đến nay vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Công ty P khởi kiện với yêu cầu Công ty Quang G thanh toán tiền nợ gốc là 999.999.454 đồng và tiền lãi phát sinh với mức là 1,25%/tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng của các bên.”

Tòa án nhân dân Thành phố Cần Thơ quyết định áp dụng mức lãi suất cho giai đoạn thi hành án theo lãi suất quá hạn trung bình liên ba ngân hàng trên thị trường (Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam).

Thông thường các bên khi giao kết hợp đồng chỉ thỏa thuận về tiền phạt vi phạm, bồi thường hợp đồng ít khi nhắc đến tiền lãi do chậm thanh toán. Khi xảy ra tranh chấp, nếu có yêu cầu tiền lãi trên số tiền chậm trả Tòa án có thể áp dụng Điều 306 Luật Thương mại 2005 để làm căn cứ tính lãi.

Trong quá trình xét xử các vụ án kinh tế thường có 02 giai đoạn áp dụng lãi suất chậm trả như sau: Khi trước ngày xét xử sơ thẩm thì Tòa án thường áp dụng mức lãi suất như đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc lấy mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank để giải quyết vụ án nếu các bên không có thỏa thuận về lãi suất quá hạn.

Điều 306. Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán

"Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác."

Như vậy, Tòa án Nhân dân Thành phố Cần Thơ quyết định mức lãi suất 1,25%/tháng là phù hợp với quy định của Luật Thương mại 2005, và áp dụng mức lãi suất này để tính lãi chậm thực hiện nghĩa vụ từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ cho đến thời điểm xét xử sơ thẩm là hoàn toàn hợp lý.

Trong giai đoạn kể từ ngày xét xử đến khi thi hành án xong thì việc tính lãi suất phải được áp dụng theo quy định tại Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, áp dụng mức lãi suất được các bên thỏa thuận và phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự 2015 cho khoản tiền chậm thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

Điều 13. Quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án

“1. Khi giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án thì Tòa án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định (Phần quyết định) như sau:

  1. Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. “Mức lãi suất hai bên thỏa thuận” hướng dẫn tại khoản 1 điều này là mức lãi suất nợ quá hạn các bên thỏa thuận trong hợp đồng hoặc tại Tòa án. Trường hợp, các bên không có thỏa thuận về mức lãi suất nợ quá hạn thì mức lãi suất nợ quá hạn bằng 150% mức lãi suất trong hạn.”

Tuy nhiên, đối với bản án phúc thẩm trên Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ quyết định bị đơn phải trả lãi theo lãi suất quá hạn trung bình liên ba Ngân hàng trên thị trường tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

Theo quan điểm của tác giả, Quyết định này của Tòa án là chưa phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật. Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 thì nếu hợp đồng có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền. Như vậy, đối với trường hợp này, mức lãi suất áp dụng cho khoản tiền chậm trả khi có bản án sơ thẩm đến khi thi hành án xong là mức lãi suất đã được các bên thỏa thuận, tức 1,25%/tháng ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

Mặc dù, đã có các quy định về mức lãi suất trong quá trình giải quyết vụ án kinh tế nhưng việc áp dụng các quy định này còn chưa chặt chẽ và đồng bộ, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]

Lãi chậm thanh toán được tính như thế nào?

Số tiền phải trả sẽ được tính theo công thức: Lãi chậm trả = Số tiền chậm thực hiện nghĩa vụ x thời gian chậm trả x Lãi suất chậm trả. ​

Lãi chậm trả tối đa bao nhiêu?

Điều 357 BLDS 2015 quy định lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của BLDS (không vượt quá 20%/năm); nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của BLDS 2015 (lãi suất 10%/năm) ...

Lãi suất quá hạn là gì?

Lãi suất quá hạn là tỷ lệ phần trăm nhất định sinh ra từ giao dịch cho vay giữa các bên khi bên vay chưa trả được nợ cho bên cho vay. Cụ thể, lãi suất sẽ được tính theo tỷ lệ phần trăm nhân với số tiền gốc chưa trả trong thời gian quá hạn mà chưa trả.

Thế nào là thanh toán chậm?

Trả chậm là hình thức mua bán trong đó người mua chỉ trả tiền mua sau thời hạn nhất định tính từ khi nhận hàng. Với phương thức thanh toán của mua trả chậm là thanh toán một lần nhưng không phải thanh toán ngay.