Ca sĩ minh phúc sinh năm 1949 tại là ai?

Vưu Văn Tâm

 

Tháng tư năm 2019, giới thưởng ngoạn văn nghệ phải ngậm ngùi chia tay với một tài năng âm nhạc, ca nhạc sĩ Minh Phúc. Anh qua đời sau một thời gian khá dài chống chọi với căn bệnh quái ác. Báo chí và mạng Internet đăng tải khá nhiều những bài viết thật hay, thật giá trị về anh cùng với tài hoa và giọng hát. Chị ca sĩ Julie cũng góp một bài viết thật bùi ngùi về tình bạn, tình người và tài năng thiên phú của “chàng ca sĩ điển trai má hồng, môi đỏ, mắt to .. đẹp, như cô gái đẹp”. Anh nổi tiếng trong phong trào nhạc ngoại quốc và nhạc ngoại quốc dịch lời Việt từ những năm 60, 70 tại Sài-Gòn.

Đi ngược về những ngày xa xưa ấy, tôi còn là đứa con nít mê chơi hơn ham học. Anh luật sư Q. là khách cắt tóc của ba tôi từ lúc anh còn là học sinh trường trung học Petrus Ký. Anh thường ghé ra trò chuyện với ba tôi và một hôm, anh hỏi tôi : – Em có thích nghe nhạc không ? Để anh mang mấy cuốn băng nhạc cho em nghe nha !

Vài hôm sau, anh chạy xe ngang và đưa cho tôi một gói giấy báo vuông vức. Bên trong mảnh giấy báo nham nhở, xấu xí kia là hai cuốn băng akai “Nhạc Trẻ số 2” và “Tình Ca Nhạc Trẻ số 1” với hình bìa màu sắc tươi trẻ và in ấn đẹp mắt. Cuốn băng nào cũng hấp dẫn, dù bài bản với tôi khá xa lạ nhưng những âm điệu tươi trẻ đã hớp hồn tôi từ những dòng nhạc đầu tiên. Ca khúc “Rồi mai đây” với lời ca đẹp quá, âm điệu lãng đãng, dịu dàng như lời chia tay ngày bãi trường, như một cuộc tình học trò thời mới lớn, và đặc biệt hai giọng ca, một nam một nữ quyện vào nhau, như thầm thì, như kể chuyện ..

Rồi mai đây khi mình xa nhau nhớ đến nhau hoài Rồi mai đây khi tình bay xa nhớ đến hôm này Còn mãi mãi những gì mình chất chứa trong lòng

Còn cho nhau chút dư hương, đừng tiếc nhau gì vấn vương [*]

Tên công an khu vực đi ngang nhà, ghép tội tôi nghe nhạc “Ngụy” và tịch thu hai cuốn băng của anh Q. Khi đó, má tôi còn đi làm tại bệnh xá của phường và may mắn quen biết được “vài tên tuổi bên ủy ban” nên “xin” lại được hai cuốn băng mang về một cách suôn sẻ.

Những tháng đầu tiên định cư ở Tây Đức, tôi nhận được mấy cuốn băng nhạc gửi từ California của một người bạn thân hồi bên trại tị nạn Phi-Luât-Tân. Bạn tôi vẫn nhắc trong thư những tháng ngày oi ả trên đảo Palawan, hai đứa thường chụm đầu vào chiếc máy cassette nhỏ xíu hồn nhiên nghe nhạc, mà quên đi những chuyện thường nhật xảy ra trên đảo và quên luôn nổi lo âu ngày đi định cư còn xa thăm thẳm ..
Cầm trong tay cái tape nhỏ xíu “Nhạc Trẻ 2” và khi nghe đến bài “Rồi mai đây”, lòng tôi như chùng xuống. Biết bao là kỷ niệm từ miền ký ức cứ vọng về. Tôi nhớ anh luật sư Q. với mái tóc bồng bềnh, nhớ những ngày đói cơm thiếu áo, mấy lần đi vượt biển gian truân, và nhất là những ngày còn đạp xe đi học .. để rồi cất tiếng hát khe khẽ hòa cùng hai giọng ca Minh Xuân và Minh Phúc :

Ngày xa nhau mưa buồn giăng mau, cất bước âu sầu Ngày xa nhau tâm hồn thương đau, khói thuốc không màu Mình nhớ mãi chuỗi ngày nào đó đã xa rồi

Mình chia tay gió bay bay, còn đó khung trời xám mây [*]

Năm 1988, trong dịp đi Aarhus, một thành phố lớn ở Đan-Mạch, tôi nhìn thấy trong một tiệm bán thực phẩm Á-Châu chưng bày cuốn băng nhạc Minh Phúc và Minh Xuân trong tủ kính. Không chần chừ, không cần biết mọi người đi chung phải chờ đợi mình, tôi chạy vội vào mua với giá tiền tương đương 18 Đức Mã ! Cuốn băng đẹp từ hình ảnh đến nội dung vì hai tiếng hát ấy sau bao năm vẫn quyện vào nhau như chim liền cánh, như cây liền cành ..

Cách nay chừng hai năm, tôi thấy anh Minh Phúc đăng tin tìm chị ca sĩ Xuân Thu. Tôi có ghi cho anh số điện thoại của chị Thu và nhắc anh nếu gọi mà không gặp được thì nhớ để lại lời nhắn, chắc chắn chị Thu sẽ gọi lại cho anh. Vài tháng sau đó, tôi lại đọc một dòng nhắn tin tương tự như vậy nữa. Tôi liên lạc với anh lần nữa. Anh xin lỗi rối rít và cho biết vì lý do sức khỏe và dùng quá nhiều lượng thuốc nên anh hay quên. Thêm nữa, tuổi tác của anh cũng không còn trẻ nữa !

Các đồng nghiệp và thân hữu của anh có tổ chức hai đêm ca nhạc đầy ắp tình yêu thương để tương trợ anh nhưng cũng không thể giữ được anh trước lưỡi hái tử thần. Anh ra đi vào một ngày tháng tư u buồn, giống như 44 năm trước, anh chị đã âm thầm từ giã cái Sài-Gòn ngập tràn mộng mị. Từ nay, anh sẽ thoát khỏi những cơn đau hành hạ thân xác, chỉ thương tội chị Minh Xuân còn lại một nổi cô đơn.

Tiễn anh đi xa, tôi xin mượn vài dòng thơ nhắn gửi và cảm ơn anh thật nhiều đã mang tiếng hát lời ca cho cuộc sống này thêm nhiều thi vị ..

Vàng rơi sợi nắng mong manh Đưa người đi trước, mai anh có chờ Hẹn nhau tao ngộ bên trời

Bắt cầu Ô Thước, đẹp đời Chức Ngưu [**]

Vĩnh biệt anh, ca nhạc sĩ Minh Phúc, vệt nắng mong manh cuối trời !

18.05.2019

[*] Nhạc phẩm “Rồi mai đây”, nhạc Tây Ban Nha, lời Việt của Trường Kỳ
[**] ý thơ Rany Angot và Mao Dang

Nhạc sĩ Minh Phúc cùng gia đình gởi lời cảm tạ đến mọi người.

Các MC gồm Trần Quốc Bảo, Giáng Ngọc và Nam Lộc lần lượt dẫn chương trình đêm ca nhạc tương trợ này.

Ca nhạc sĩ Minh Phúc là một khuôn mặt xông xáo trong làng Nhạc Trẻ Sài Gòn trước năm 1975. Anh sinh năm 1949, biết đàn Bass, Guitar và Keyboard, từng chơi trong ban nhạc The Top 5 và ban Black Caps chung với Tùng Giang, Tuấn Ngọc, Paolo và cộng tác với vũ trường của Jo Marcel và chơi nhạc ngoại quốc cho các Club Mỹ thời đó.

Theo lời của anh Kỳ Phát, Chủ bút tờ Trẻ Magazine ở Quận Cam và cũng là người đã đặt lời Việt cho nhiều ca khúc ngoại quốc thời trước năm 1975 thì anh đã từng nhờ Minh Phúc nghe các băng nhạc ngoại quốc và ký âm thành bản nhạc và soạn hòa âm để thu băng lời Việt trong những cuốn băng Thế Giới Nhạc Trẻ, và được giới trẻ yêu nhạc thời đó đón nhận nồng nhiệt.

Minh Phúc gia nhập quân đội và ở trong ban Tâm Lý Chiến của binh chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Anh cùng giọng ca nữ Minh Xuân kết hợp thành một đôi song ca nam nữ rất ăn ý và trình diễn thành công. Cặp đôi Minh Xuân- Minh Phúc trở nên nổi tiếng trong giới nhạc trẻ những năm đầu thập niên 70 tại Sài Gòn.

Vào những năm 1967 cho đến năm 1975, nhiều ca khúc ngoại quốc của Pháp và Mỹ nổi tiếng thế giới với giai điệu quyến rũ, hòa âm tân kỳ, nhịp điệu sôi động, đã trở thành món ăn ca nhạc hấp dẫn giới trẻ tuổi. Vì dòng nhạc trẻ trung sôi động và được giới trẻ yêu thích cho nên báo chí thời đó gọi là Nhạc Trẻ để phân biệt với những ca khúc Việt Nam thường có nhịp điệu chậm buồn, chú trọng vào lời ca nhiều hơn.

Những ca khúc ngoại quốc đó đã được tuyển chọn và được đặt lời ca Việt Nam và trình diễn và thu băng để phổ biến sâu rộng hơn và có một số ca khúc ngoại quốc lời Việt đã trở thành quen thuộc. Và cho đến hôm nay, thập niên 2000 vẫn còn nhiều ca sĩ trong nước trình diễn và thu băng trở lại các bản đó.

Một số ca nhạc sĩ nổi tiếng trong dòng sinh hoạt Nhạc Trẻ thời Sài Gòn trước năm 1975 khi sang hải ngoại vẫn còn tiếp tục nổi tiếng như Nam Lộc, Trung Nghĩa, Tuấn Ngọc, Đức Huy, Khánh Hà, Thanh Lan, Trường Kỳ, Tùng Giang, Kỳ Phát, Jo Marcel…

Minh Phúc và Minh Xuân theo lớp người di tản sang Mỹ cuối tháng 4 năm 1975 và định cư tại Miền Nam Cali. Hai người tiếp tục con đường ca nhạc, cộng tác với vũ trường Diamond trong nhiều năm và thu băng một số ca khúc.

Minh Phúc và Minh Xuân- cặp song ca này là vợ chồng- đã vắng bóng trong giới ca nhạc hơn mười năm nhưng họ vẫn còn liên lạc với những bằng hữu ca nhạc tại Quận Cam. Cho nên khi nghe tin Minh Phúc bị ung thư vòm họng thì bạn bè ca nhạc xúm nhau tổ chức cho anh một đêm nhạc tương trợ.

Số người tham dự đông đảo Đêm Tương Trợ Ca Nhạc Sĩ Minh Phúc nói lên sự mến thương của giới ca nhạc sĩ dành cho đồng nghiệp và những người yêu ca nhạc dành cho một nghệ sĩ. Chính Minh Phúc cũng xúc động nghẹn ngào vì không ngờ có kết quả tốt đẹp như vậy.

MC Nam Lộc đã ân cần giới thiệu Minh Phúc, Minh Xuân và hai người con trai lên sân khấu. Mặc dầu bị bệnh cổ họng, nói khó khăn nhưng Minh Phúc cố gắng bày tỏ lời cám ơn đến với mọi người.

Mấy chục ca sĩ, mỗi người lên sân khấu hát một bài tạo nên một chương trình ca nhạc phong phú. Trong số ca nhạc sĩ có Thanh Lan, Jo Marcel, Khánh Hà, Hương Lan, Thế Sơn, Diễm Liên, Hồ Hoàng Yến, Như Mai, Tuấn Anh, Kiều Nga, Vi Vân, Ngọc Trọng, Nguyên Khang, Công Thành& Lynn, Lynda Trang Đài…

Ban nhạc có Trung Nghĩa [Guitar], Lê Huy [Keyboard], Tuyên [Bass], Peter [Trống].

Đặc biệt ca sĩ kiêm ông bầu ca nhạc Jo Marcel năm nay 77 tuổi đã hát một bản nhạc Pháp, giọng vẫn còn hay làm khán giả vỗ tay tán thưởng.

Lâu lắm mới có một đêm tụ họp nhiều khuôn mặt ca nhạc sĩ nổi tiếng hải ngoại trong một đêm tương trợ đồng nghiệp và ấm áp tình thương.

Mỗi nghệ sĩ rồi sẽ già đi, sẽ tới lúc về chiều, giã từ sân khấu,cho nên giúp bằng hữu rồi biết đâu mai này sẽ tới phiên mình bạn bè cũng góp sức tương trợ.

Trong cộng đồng Việt Nam tại Quận Cam có rất nhiều sinh hoạt hội đoàn từ chính trị, thương mại, văn hóa, xã hội. Nhưng Đêm Tương Trợ Ca Nhạc Sĩ Minh Phúc là một buổi đặc biệt với bữa tiệc âm nhạc phong phú, với những khuôn mặt nghệ sĩ và nồng nàn tình thương. Ca nhạc sĩ Minh Phúc cũng giữ kỷ niệm đẹp đó làm món quà tinh thần để cố gắng vượt qua chứng bệnh nan y và vui với cuộc đời gắn bó ca nhạc của mình.

Trần Chí Phúc / SBTN

Video liên quan

Chủ Đề