Biện pháp tiếp cận thông tin là gì

Hỏi: Những biện pháp nào được Luật Tiếp cận thông tin quy định nhằm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân?

Trả lời:

Bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân đặt ra yêu cầu cho Nhà nước và các tổ chức, cá nhân phải thực hiện tổng thể các biện pháp, từ bảo đảm nguồn nhân lực tới tăng cường, nâng cấp cơ sở dữ liệu thông tin, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, quy trình văn thư, lưu trữ và xử lý thông tin giữa đầu mối tạo ra thông tin và đầu mối cung cấp thông tin Để chuẩn hóa các biện pháp này và tăng cường trách nhiệm cho các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin trong việc triển khai thi hành Luật, tại Điều 33 Luật Tiếp cận thông tin quy định các biện pháp sau đây:

- Các biện pháp bảo đảm về tổ chức bộ máy và nhân lực, gồm xác định đơn vị, cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin; bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân [Khoản 1 và Khoản 4 Điều 33]. Trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, việc bố trí đầu mối tiếp nhận yêu cầu, cung cấp và ra quyết định cung cấp thông tin có ý nghĩa quan trọng. Năng lực của cán bộ phụ trách cung cấp thông tin là một trong những điều kiện bảo đảm cho việc đáp ứng tốt hơn yêu cầu tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức; giảm thời gian và chi phí cho công dân trong việc yêu cầu cung cấp thông tin; giúp công dân có thể thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả và thuận tiện hơn quyền tiếp cận thông tin của mình, để từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sinh sống, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nhất là đối với việc tiếp cận kịp thời những thông tin có tính chất thương mại.

- Các biện pháp bảo đảm về cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, quản lý thông tin, gồm: vận hành cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin màcơ quan có trách nhiệm cung cấp theo quy định của Chính phủ; tăng cường cung cấp thông tin thông qua hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước và phương tiện thông tin đại chúng; bố trí hợp lý nơi tiếp công dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng cơ quan; củng cố, kiện toàn công tác văn thư, lưu trữ, thống kê; trang bị phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin và điều kiện cần thiết khác để người yêu cầu có thể trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu tại trụ sở cơ quan nhà nước và qua mạng điện tử [Khoản 2, 3, 5 và Khoản 6 Điều 33].

Các biện pháp nêu trên thuộc trách nhiệm của tất cả các cơ quan nhà nước - chủ thể cung cấp thông tin. Mỗi cơ quan nhà nước cần coi các biện pháp nêu trên như các biện pháp để bảo đảm thi hành tốt các quy định của Luật Tiếp cận thông tin tại chính cơ quan mình mà không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ trong việc ban hành các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin, từ đó, mới có thể đưa Luật tiếp cận thông tin đi vào cuộc sống.

Để cụ thể hóa các biện pháp quy định tại Luật, Nghị định số 13/2018/NĐ-C ngày 23-1-2018 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin được xây dựng theo hướng quy định chi tiết từng biện pháp nêu trên để các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin thực hiện được thống nhất, thuận tiện, hiệu quả.

Video liên quan

Chủ Đề