Báo chí và dư luận xã hội là gì

Dư luận xã hội là hiện tượng tâm lý bắt nguồn từ một nhóm người, biểu hiện bằng những phán đoán, bình luận, quan điểm về một vấn đề nào đó kèm theo thái độ cảm xúc và sự đánh giá nhất định, được truyền từ người này tới người kia, nhóm này sang nhóm khác. Khái niệm “dư luận xã hội” xuất hiện lần đầu tiên trong triết học chính trị bằng tiếng Anh và tiếng Pháp ở thế kỷ XVIII. Hiện nay, định nghĩa về dư luận xã hội của các nhà khoa học còn nhiều điểm rất khác nhau. Tựu chung lại, có thể hiểu dư luận xã hội: Dư luận xã hội [hay công luận] là một hiện tượng xã hội đặc biệt biểu hiện thái độ, tình cảm, nhận thức, quan niệm và xu hướng hành động của nhóm xã hội đối với vấn đề đặt ra trong cuộc sống có động chạm đến lợi ích, mối quan tâm của họ.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội nhiều thông tin bịa đặt, sai sự thật, thông tin giật gân…trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, xã hội đang từng ngày, từng giờ tác động đến nhận thức, thái độ cũng như tình cảm của quần chúng nhân dân. Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị cả ở trong và ngoài nước luôn dựa vào đó xuyên tạc, bóp méo sự thật, sử dụng mạng xã hội loan tin công kích, chống phá Đảng và Nhà nước. Các luận điệu xuyên tạc này tạo ra những dư luận trái chiều, tiêu cực, thậm chí là không đồng tình, không ủng hộ chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Gần đây nhất là sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 – 11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lợi dụng sự kiện này, các thế lực thù địch, phản động tung ra những luận điệu đả phá, xuyên tạc mối quan hệ hợp tác, ngoại giao giữa hai nước. Sau Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện thì các thế lực thù địch bôi nhọ mối quan hệ này “không thực chất”, có những bài viết, bình luận miệt thị, cho rằng mối quan hệ chỉ “theo chiều hướng tiêu cực”. Do đó, trong công tác đấu tranh chống phá hoại tư tưởng giai đoạn hiện nay, việc nắm bắt và định hướng dư luận xã hội cần được nhanh chóng triển khai bởi cả hệ thống chính trị trong đó có lực lượng Công an. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định: “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”.

Để thực hiện tốt công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội theo tinh thần của Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”, lực lượng Công an cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, làm tốt công tác nắm tình hình nhằm phát hiện các biến cố của đời sống xã hội trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế…và diễn biến phức tạp có liên quan đến hoạt động phá hoại tư tưởng trên từng địa bàn, từng lĩnh vực cụ thể. Trên cơ sở đó, thông tin định hướng dư luận trong đảm bảo an ninh trật tự phải đảm bảo các yêu cầu nhanh chóng, chính xác, kịp thời để quần chúng nhân dân có cái nhìn khác quan, đúng đắn về sự việc, không để các đối tượng thù địch lợi dụng, xuyên tạc, lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân gây dư luận tiêu cực, đi ngược với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Hai là, tham mưu, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong xã hội đặc biệt là đội ngũ trí thức, học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, học sinh, sinh viên và toàn thể quần chúng nhân dân, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Ba là, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc định hướng dư luận xã hội. Công tác định hướng dư luận xã hội cần phát huy sức mạnh của cơ quan truyền thông và sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong một thể thống nhất. Lực lượng công an cần chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông nhằm thực hiện các hoạt động tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội. Các thông tin cần cung cấp liên quan tới chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt việc tốt…đặc biệt là các thông tin về phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Thực tiễn công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch chỉ ra rằng âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là nhất quán nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Để thực hiện âm mưu này, tùy thuộc vào từng giai đoạn lịch sử, tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước các thế lực thù địch cụ thể hóa bằng các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn nhằm từng bước tác động tới đông đảo các tầng lớp nhân dân. Do đó, công tác phối hợp giữa lực lượng công an và các cơ quan báo chí trong việc cung cấp các thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch nhằm định hướng dư luận là vô cùng cần thiết.

Bốn là, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, các tổ chức có liên quan phát huy vài trò của các chuyên gia, nhà khoa học, chức sắc tôn giáo, những người có uy tín…trong việc cung cấp thông tin định hướng dư luận. Chú trọng phát huy ảnh hưởng, uy tín, năng lực, khả năng thuyết trình, diễn thuyết của những người này để quần chúng nhân dân có cái nhìn khách quan, nhận thức đúng đắn về bản chất vấn đề, tránh để các đối tượng kích động, lôi kéo, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Công tác đấu tranh với âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một cuộc chiến lâu dài, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của tất cả các tầng lớp nhân dân. Việc thực hiện tốt các biện pháp nêu trên trong việc nắm bắt và định hướng dư luận xã hội sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay.

Chủ Đề