5 rào cản của thị trường tái chế nhựa ở Việt Nam

Công nghiệp

Việt Nam là quốc gia có lượng rác thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 thế giới, mức độ ô nhiễm nhựa đứng thứ 17 toàn cầu. Để giải quyết vấn nạn này, các nhà quản lý và chuyên gia cho rằng, việc phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa là bước đi tất yếu không chỉ giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường mà còn mở ra cơ hội kinh tế hàng tỷ USD nhưng qua 40 năm, đến nay ngành công nghiệp này vẫn đang loay hoay tìm đường phát triển.

Ngành tiêu dùng nhanh lên “ngôi vương” suốt nhiều thập kỷ tại thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp liên tục sản xuất và mở rộng phát triển, lượng tiêu dùng tăng nhanh chóng mặt nhưng suốt nhiều thập kỷ qua chúng ta lại chưa tìm ra giải pháp bền vững để xử lý vấn đề “hậu kì” sau tiêu dùng. Vì thế, các bãi rác luôn trong tình trạng quá tải, thậm chí phải tốn hàng nghìn tỷ đồng cho việc xử lý rác. Đó cũng là lý do suốt nhiều năm liền, Việt Nam luôn nằm trong top đầu các nước thải rác nhựa ra biển nhiều nhất thế giới.

Một báo cáo được công bố cuối năm 2021 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc [UNEP] cho biết, tính trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, số lượng rác thải nhựa mỗi ngày đưa ra môi trường lên đến 80 tấn.

Đáng nói, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, rác thải nhựa chiếm từ 50 - 80% lượng rác thải ra biển, với khối lượng khoảng từ 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm [tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới].

Lâu nay, rác thải vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt thủ công, tiêu tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng và chiếm dụng nhiều diện tích cho việc xây dựng bãi chôn lấp mà hiệu quả lại không cao. Chưa kể, những chất hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại… bị chôn vùi trong đất mà hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy hoặc nếu đem đốt lại thải khói độc ra môi trường.

Ngay như ở nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn [huyện Sóc Sơn, Hà Nội], một trong những nhà máy có công nghệ xử lý rác được đánh giá tốt nhất ở Việt Nam, rác thải túi nylon, chất hữu cơ, dầu thải, bông băng y tế, sắt vụn được thu gom về đây cũng không được tái chế, tái sử dụng mà chủ yếu chôn lấp.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng

Để giải quyết vấn nạn rác thải nhựa, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp tái chế và xác định đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để giảm chất thải ra môi trường.

Bởi việc tái chế sẽ giúp chuyển hướng khối lượng lớn chất thải ra khỏi các bãi thải, bãi chôn lấp và đường bờ biển dài hiện nay của nước ta. Đồng thời, các giải pháp tái chế phi tập trung gần với các nguồn phát sinh chất thải có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng đến nền kinh tế tuần hoàn bằng cách quản lý chất thải như một nguồn tài nguyên có giá trị.

Thực tế, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi mỗi năm có khoảng 3,9 tấn rác thải nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam nhưng chỉ có 33% tổng lượng rác thải được tái chế.

Điều nghịch lý, dù rác thải trong nước đang ngập ngụa, nhức nhối nhưng Việt Nam lại là nước nhập phế liệu đứng thứ 2 trên thế giới. Tính riêng năm 2021, ngành nhựa phải nhập khẩu 11 tỷ USD hạt nhựa nguyên sinh và 8 tỷ USD nhựa thành phẩm, bán thành phẩm. Điều này đã đẩy đến một nghịch lý là phải nhập khẩu phế liệu về để tái chế, tái sử dụng nhưng trong nước lại bỏ đi nguồn nguyên liệu dồi dào có thể tái chế từ rác thải, thêm vào đó là rất nhiều chi phí khác để xử lý số rác thải này. Vì thế, nếu có ngành công nghiệp tái chế đạt chuẩn, Việt Nam có thể tiết kiệm được hàng chục tỷ USD mỗi năm, thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo thiết bị tái chế và tạo việc làm cho hàng triệu lao động trong nước.

Tìm về thôn Xà Cầu [xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa], một trong những nơi nhập khẩu phế liệu lớn tại Hà Nội, chúng tôi “ngã ngửa” khi nghe lí do nhập khẩu rác tại đây là để giảm giá thành cạnh tranh.

Anh Nguyễn Công Cường, chủ cơ sở thu gom, tái chế Cường Dậu cho biết, nhập khẩu rác vì giá thành rẻ

Anh Nguyễn Công Cường, chủ cơ sở thu gom, tái chế Cường Dậu cho biết: “Chúng tôi thường nhập phế liệu từ các khu đô thị, dân cư của Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, lượng hàng phế liệu trong nước không đủ cộng thêm giá thành cao, chúng tôi phải nhập phế liệu của nước ngoài về. Mua rác thải của nước ngoài giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng trong nước, nhất là mua trực tiếp tại cảng. Nếu yêu cầu họ vận chuyển về tận nhà sẽ mất phí vận chuyển nhưng tính ra vẫn rẻ hơn so với mua hàng trong nước”.

Một nguyên do khác khiến các hộ gia đình ở đây nhập phế liệu từ nước ngoài về là hàng đã được phân loại, gọn gàng, không mất nhiều thời gian trong khâu phân loại lại, có thể trực tiếp sơ chế.

Sau khi các container vận chuyển rác về làng, các hộ dân sẽ tiến hành phân loại, chia màu, bóc tem nhãn. Sau đó, người dân sẽ cho vào máy ép thành từng khối cao khoảng 50 - 60cm. Nhiều loại chai nhựa, ống nhựa khác thì được cho vào máy nghiền nát thành những mẩu vụn để tái chế.

“Ở đây, mỗi nhà làm một loại phế liệu, một công đoạn. Có nhà chỉ thu gom, có nhà lại chuyên sơ chế. Làm xong, mỗi nhà lại bán cho một cơ sở khác nhau, người thì bán trực tiếp sang Trung Quốc, người thì bán cho cơ sở tái chế trong nước, chủ yếu là Hưng Yên”, anh Cường cho biết.

Thôn Xà Cầu hiện có 179 hộ dân làm nghề thu gom, tái chế rác thải. Mỗi ngày có hàng trăm tấn rác thải từ chai nhựa, tivi, tủ lạnh, bao bì… được thu gom, tập kết và xử lý ngay chính tại nơi người dân sinh sống.

Hình ảnh rác thải nhựa xếp đống khắp trong nhà, ngoài sân, từ đường làng ngõ xóm cho đến cánh đồng đã trở nên quá quen thuộc với mỗi người dây nơi đây. Thời gian trôi qua, thôn Xà Cầu dần trở thành thung lũng được bao quanh đủ mọi thứ rác thải phế liệu với những mùi hôi thối khó chịu.

Rác thải được người dân phân loại hoàn toàn thủ công, chỉ với đồ bảo hộ là chiếc găng tay. Anh Phan Hùng Thu, một người từ nơi khác về làm nhân công cho cơ sở thu gom, tái chế tại thôn Xà Cầu chia sẻ: “Một tháng làm việc ở đây tôi thu nhập được khoảng 10 triệu đồng. Công việc chính của tôi là phân loại, phơi, rửa rồi xay thành các hạt nhựa. Các hạt nhựa này sẽ được bán cho những đơn vị chuyên làm nhựa tái chế. Trước khi làm, chúng tôi phải học cách phân loại phế liệu. Khó nhất là phân loại nhựa, có đến hàng chục loại, có người học, làm đến cả năm vẫn còn nhầm. Cả ngày sống trong cảnh chai lọ, rác thải bao quanh nên lúc nào tôi cũng thấy ê ẩm, nôn nao khắp người nhưng cũng phải cố chịu chứ không làm nghề này thì không biết làm nghề gì”.

Tại cơ sở của anh Cường, mức lương trung bình, anh trả cho công nhân từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Anh vẫn thường nói với các công nhân rằng: "Đây là cái nôi tập kết phế liệu, bãi rác khổng lồ. Nếu mà không có những cơ sở như chúng ta thì không biết Hà Nội để rác ở đâu cho xuể".

Ông Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, "Xã đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình thu gom, xử lý rác thải từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu".

Một trong những vấn đề nhức nhối của các cơ sở thu gom, tái chế nơi đây là không có chỗ xử lý phế liệu thải bỏ, không dùng đến. Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, địa phương đã phối hợp với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp thị trấn Bắc Sơn - Urenco Bắc Sơn thực hiện dự án "Biến rác thải nhựa sinh hoạt thành năng lượng" để xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn thôn Xà Cầu. Đặc biệt, UBND xã Quảng Phú Cầu đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình thu gom, xử lý rác thải từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu theo quy định. Theo đó, người dân sẽ bỏ ra một phần chi phí nhất định để hỗ trợ việc vận chuyển những rác thừa đó đi. Với kinh phí bình quân khoảng 300 triệu đồng/tháng tương ứng khối lượng khoảng 50 tấn, Công ty CP Công nghệ cao Hòa Bình sẽ chịu trách nhiệm xử lý những rác thải mà không tái chế được.

Thế nhưng, theo anh Nguyễn Công Cường, chủ cơ sở thu gom, tái chế Cường Dậu thì số lượng mà đơn vị này vận chuyển đi vẫn chưa thấm vào đâu. “Chúng tôi không muốn phải đốt bỏ những phế liệu không dùng đến này ra môi trường vì rất độc hại nhưng không biết đổ đi đâu. Với số lượng 6 xe container mỗi tháng của công ty môi trường là không xuể được”, anh Cường nói.

Na Uy hiện là quốc gia đi đầu trong phong trào tái chế chất thải nhựa với 97% chai nhựa đước tái chế. Một chai nhựa ở Na Uy có thể trải qua hơn 50 lần tái chế. Vậy tại sao một chai nhựa của chúng ta lại đang tốn rất nhiều chi phí, nhân lực để xử lý, từ đốt, chôn lấp, thậm chí là vứt ra đại dương… mà không tái chế.

Trả lời câu hỏi trên, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh cho rằng, vì ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam còn “non trẻ”.

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh

Ông cho biết, ngành thu gom, tái chế rác thải đã xuất hiện và phát triển khoảng 40 năm nay, hình thành nên mạng lưới hàng nghìn cơ sở tái chế trên khắp cả nước, tập trung gần những thành phố lớn. Hàng nghìn cơ sở tái chế này, suốt gần nửa thế kỷ qua đã góp công sức rất lớn cho bức tranh toàn cảnh về quản lý chất thải rắn. Phế liệu nhựa, giấy, kim loại từ sinh hoạt, từ các nhà máy, khu công nghiệp và cả nguồn phế liệu nhập khẩu được tập kết về các các cở để chế tạo ra sản phẩm mới.

Ước tính, có hàng triệu người đang làm việc trong khu vực thu gom và tái chế rác thải phi chính thức, là lực lượng lao động rất lớn. Điều này đặt ra nghịch lý khi có lực lượng “hùng hậu” như vậy nhưng Việt Nam vẫn thuộc top đầu các nước thải rác nhựa ra biển nhiều nhất thế giới, chưa kể đến ô nhiễm trắng xuất hiện từ núi rừng cho tới đô thị.

Theo ông Vượng, ngành tái chế còn “non trẻ” bởi không có sự hướng dẫn hay hỗ trợ, đầu tư đổi mới, nâng cao quy trình. Thành ra, suốt hàng chục năm, ngành này chỉ mở rộng quy mô chứ chưa có nhiều sự thay đổi mang tính tăng cường hiệu quả.

Đối với lượng rác thải phát sinh, ngành tái chế chỉ thu gom rác thải có giá trị tái chế đủ để tạo ra nguồn lợi kinh tế. Rác thải, phế liệu không có giá trị hoặc khó tái chế sẽ không được thu gom mà thải bỏ ra môi trường.

Mặt khác, tái chế ở các cơ sở phi chính thức cũng là nguồn phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Đó là khí thải bốc mùi khó chịu, là dòng nước bẩn xả trực tiếp xuống sông, hồ chưa qua xử lý.

Ô nhiễm thứ cấp đe dọa đến sức khỏe của chính những người dân sinh sống và làm việc tại các cơ sở thu gom, tái chế, cũng là “điểm yếu” khiến họ chịu sự lên án, chỉ trích từ dư luận. Nhiều ý kiến gay gắt đòi cấm, đòi bỏ các cơ sở đó nhưng nếu không làm tái chế, người dân chẳng biết làm gì để sinh sống.

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh cho rằng, ngành tái chế còn “non trẻ” bởi không có sự hướng dẫn hay hỗ trợ, đầu tư đổi mới, nâng cao quy trình

Theo ông Vượng, hàng năm Việt Nam phải nhập khoảng 8 triệu tấn nhựa nguyên sinh làm đầu vào cho sản xuất. Tuy nhiên, chỉ riêng nhựa nguyên sinh không thể đáp ứng được đầu vào cho ngành công nghiệp nhựa, bởi nhiều thị trường đang đặt ra tỷ lệ tái sinh bắt buộc trong mỗi sản phẩm nhựa. Mặt khác, nhựa nguyên sinh cũng có giá thành cao, khiến doanh nghiệp nhựa bị đội chi phí, mất sức cạnh tranh.

“Tái chế rất khó”, ông Vượng, người có hàng chục năm làm nghề tái chế nhận định.

Sự khó của tái chế đến từ khâu phân loại. Chỉ tính riêng nhựa, mỗi loại nhựa đã có hàng trăm sản phẩm khác nhau, cần các cách xử lý khác nhau chứ không thể trộn chung lại được. Hàng chục loại nhựa ứng với hàng nghìn mẫu nhựa khác nhau, thách thức những công nghệ phân loại tiên tiến nhất.

Thực tế, lý do các cơ sở thu gom, tái chế tại Việt Nam nhập khẩu một lượng rác lớn vì rác thải nhập khẩu được xử lý, phân loại, đóng thành từng khối lớn, rất dễ để đưa vào dây chuyền quy mô lớn.

Rác thải nhựa ở Việt Nam cần được phân loại kỹ, loại bỏ tạp chất để có thể dễ dàng "tái sinh"

Trong khi đó, rác thải nhựa ở Việt Nam vẫn còn tạp nham, không được phân loại kỹ, dính đủ loại tạp chất, chỉ phù hợp để tái chế ở quy mô nhỏ, tự phát. Đây còn là nguồn cơn của biết bao chuyện buồn ngành tái chế, khi bị lên án về chất lượng sản phẩm, về việc xả thải ra môi trường…

Ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam còn nhỏ lẻ, dễ gây ra nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng

Đặc điểm cơ bản của các cơ sở tái chế tại Việt Nam là công nghệ sản xuất mang tính thủ công, nguyên vật liệu đầu vào hầu hết là phế liệu không được làm sạch, đa số các cơ sở sản xuất đều không có biện pháp kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải và bảo hộ lao động cần thiết. Do vậy, các cơ sở tái chế gây ra nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng.

Các công đoạn như làm sạch, xay tạo hạt… đều trực tiếp xả thải ra nguồn nước, gây ô nhiễm hóa chất và ô nhiễm vi nhựa trầm trọng. Thậm chí, nhiều rác thải khó tái chế còn được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp bừa bãi.

“Rác sinh hoạt chủ yếu là rác hữu cơ nên rất dễ bốc mùi khi để ngoài môi trường lâu ngày và rất khó để xử lý vấn đề mùi. Việt nam hiện tại chưa có quy chuẩn nào quy định về vấn đề mùi của rác thải. Các sản phẩm nhựa sẽ bị giảm khả năng tái chế khi bị vứt chung với rác hữu cơ do các hạt nhựa của sản phẩm đã bị ám mùi rác hữu cơ, không thể mất đi dù đã trải qua quá trình tái chế. Những sản phẩm tái chế từ đồ nhựa lẫn trong rác hữu cơ thường có giá thành rất rẻ”, ông Vượng nói.

Khó khăn của ngành công nghiệp tái chế còn xuất phát từ chính tâm lý người tiêu dùng. Theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế thế giới [WEF] với hơn 11 nghìn người, bao gồm 70% người tiêu dùng và 30% đại diện doanh nghiệp cho thấy, tại tất cả các khu vực trên thế giới, 84% người tham gia cho biết, tái chế là “rất quan trọng”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy lượng rác thải không được tái chế vẫn còn chiếm tỷ lệ rất cao và nhiều người tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng cho hoạt động tái chế rác thải hoặc hỗ trợ tái chế rác thải như phân loại tại nguồn, xử lý sơ…

Ở những khu vực kinh tế phát triển như Bắc Mỹ, Tây Âu, người tiêu dùng cho biết rào cản lớn nhất đối với việc tái chế rác thải là sự “bất tiện”. Mặt khác, nhiều người cũng cho biết họ thiếu sự tin tưởng vào các chương trình tái chế.

Thực tế, ở một số quốc gia phát triển, hoạt động tái chế được thực hiện bằng cách phân loại, đóng gói rồi xuất sang các nước đang phát triển. Tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ngành công nghiệp tái chế phụ thuộc rất nhiều vào lượng phế liệu nhập khẩu này vì nguồn phế liệu trong nước chưa thể đáp ứng nhu cầu sản xuất, tái chế ở quy mô lớn.

Trong khi đó, tại các khu vực kém phát triển như Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ - La tinh… rào cản chính của hoạt động tái chế là người tiêu dùng không biết phải làm thế nào để tham gia các chương trình tái chế.

Thực trạng này cũng được ghi nhận tại Việt Nam khi nhiều người tiêu dùng thành lập những nhóm “sống xanh”, cùng nhau thực hành thu gom, phân loại, xử lý sơ rác thải nhưng không biết đem đi thu gom ở đâu, cuối cùng phải bán lại cho đồng nát, ve chai hoặc vứt bỏ ra bãi rác.

Rác thải nhập khẩu được xử lý thuận lợi hơn cho tái chế

45% người tham gia khảo sát cho biết sẽ chọn các loại bao bì thay thế, bao bì được thiết kế lại theo hướng dễ tái chế và tái sử dụng, nếu giải pháp này thực sự hiệu quả trong việc giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa dùng một lần.

22% cho biết sẽ chọn bao bì bền vững nếu giá cả rẻ hơn. 15% kỳ vọng vào sự thuận tiện và 12% sẽ lựa chọn nếu bao bì có thiết kế bắt mắt và sang trọng hơn so với đồ dùng một lần.

Kết quả trên cho thấy, những rào cản tâm lý của người tiêu dùng khi tham gia và sử dụng sản phẩm tái chế. Vì thế, văn hóa tiêu dùng bền vững cũng cần được nâng cao để người tiêu dùng đón nhận sản phẩm tái chế một cách tích cực hơn.

Bên cạnh đó, thị trường là yếu tố quan trọng nhất để phát triển một ngành công nghiệp. Nếu không có thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp dù có được đầu tư bao nhiêu, sản xuất hiện đại, tiên tiến thế nào cũng không thể tồn tại.

GS. Huỳnh Trung Hải - Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Theo GS.TS Huỳnh Trung Hải - Đại học Bách Khoa Hà Nội, hiện nay, các doanh nghiệp tái chế [chính quy/phi chính quy] ở Việt Nam chưa thực sự được hỗ trợ bởi một khung pháp lý phù hợp, đặc biệt là trong các vấn đề giám sát sản xuất, giám sát hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp. Ngược lại, các doanh nghiệp này còn gặp nhiều khó khăn với các cơ quan quản lý do sự nhạy cảm của ngành nghề.

Có một thực tế, hoạt động tái chế chủ yếu của Việt Nam gần như không có sự hỗ trợ của các ngành công nghiệp phụ trợ. Đại đa số các thiết bị, máy móc và hóa chất đều là tự chế tạo [không phải hàng loạt] hoặc nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng thấp, không hoặc rất khó kiểm soát, dẫn đến sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Để thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế nói riêng, kinh tế tuần hoàn nói chung, yếu tố quan trọng đầu tiên là tạo ra và vận hành một cơ chế chính sách khuyến khích các hoạt động có lợi cho môi trường, cho xã hội và trừng phạt nghiêm khắc những hành động gây hại.

Ngành tái chế chủ yếu được thực hiện bởi lực lượng lao động phi chính thức. Một chuyên gia môi trường quốc tế từng nhận định rằng, Việt Nam rất may mắn khi có đội ngũ những người thu mua “đồng nát”. Đó là lực lượng hùng hậu để giúp phân loại rác hiệu quả. Đa số họ là phụ nữ, người lớn tuổi, thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thế nhưng, xưa nay, họ chưa từng được công nhận, được hỗ trợ và bảo vệ thích đáng.

Ngành tái chế phát triển được 40 năm thì bà Nguyễn Thị Mến [62 tuổi, ở thôn Dương Tảo, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội] gắn bó với nghề thu mua đồng nát cũng nghót nghét hơn 36 năm. Cuộc đời của bà cũng thăng trầm theo cái nghề đồng nát cùng sự phát triển của ngành tái chế.

Bà Nguyễn Thị Mến đã gắn bó với nghề đồng nát 36 năm

Lóc cóc trên chiếc xe đạp cũ mèm, tiếng rao "Ai nhôm, đồng, sắt vụn, chai, dép, hỏng bán không?"... của bà Mến bao nhiêu năm nay đã len lỏi khắp các ngõ ngách từ thôn, làng đến thành thị. Nhắc đến bà, người dân thôn Dương Tảo lại xót xa thương cảm: “Suốt bao nhiêu năm, một mình bà ấy phải đi nhặt đồng nát để nuôi 3 con với một người chồng tai biến cùng người mẹ chồng bị thần kinh. Nhìn khổ mà cũng nể phục bà ấy quá”.

Nói về cơ duyên đến với nghề đồng nát, bà Mến nghẹn ngào: “Thời ấy, nhà rất nghèo, tôi không được học hành, không biết chữ lại vướng con nhỏ nên không biết làm gì để kiếm sống. Thế rồi, có một người bạn mách đi buôn đồng nát, tôi đi làm và thấy kiếm được tiền trang trải cuộc sống nên cứ làm từ đó đến giờ”.

Niềm vui của bà Mến khi bán được hàng

Bà Mến bắt đầu đi thu mua đồng nát từ năm 1986. Bà kể, khi đó, cả huyện Thường Tín chỉ có một mình bà đi thu mua. Các cơ sở thu gom thời đó cũng rất hiếm. Bà phải mang hàng lên tận Hà Đông mới có cơ sở thu mua. Quãng đường đó tính cả đi và về cũng ngót nghét 40km.

“Thời đó, ít người thu mua đồng nát nên tôi mua được nhiều hàng lắm. Ngày nào cũng chở đầy xe đạp. Chỉ thương con trai phải dãi nắng dầm mưa theo mẹ nhưng không có ai để gửi, cũng không có nhà trẻ, không biết làm thế nào nên đành phải chở con đi cùng. Hai mẹ con cứ lóc cóc đạp xe khắp nơi như thế”, bà Mến bộc bạch.

Phế liệu mua về, bà Mến thường phân thành 8 loại: sắt, nhựa giống, nilong, tải rách, vỏ bao xi măng, nhôm, đồng và giấy vụn. Bà bảo, làm nghề này phải biết phân loại rác. Thời gian đầu đi thu mua không biết phân biệt các loại, thu mua hết cả các loại nhựa chết, đến cửa hàng loại ra không mua, có hôm bị lỗ. Lỗ vài lần rồi bà cũng có kinh nghiệm phân loại.

Từ quãng thời gian làm nghề, bà Mến chia sự phát triển của ngành đồng nát thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ những năm 1986 đến 1995, thời điểm này rất ít người đi làm nghề, cả huyện Thường Tín khi đó chỉ có lác đác vài người mua đồng nát. Giai đoạn thứ 2 là từ sau năm 1995 đến bây giờ, nhiều người buôn đồng nát hơn, các cơ sở thu mua nhiều hơn, hoạt đồng sầm uất, sôi động hơn trước rất nhiều.

“Trước đây, ít người đi thu mua nên mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 200 nghìn đồng. Số tiền đấy vừa đủ để nuôi cả gia đình. Từ ngày có nhiều người đi thu mua, tôi kiếm được ít hơn, đi cả ngày may ra được 100 nghìn đồng”, bà Mến nói.

Bà Mến lý giải, những năm gần đây, thu nhập ít hơn không phải vì ít hàng hơn mà vì giá các cơ sở thu gom mua hàng vào rẻ hơn trước đây. Còn lượng hàng phế liệu thu gom vẫn rất nhiều.

Cụ thể, thời đó, hàng mua giá cao hơn, ví dụ 1kg nhựa mua vào 7 nghìn đồng/kg, bán ra 9 nghìn đồng/kg. Bây giờ mua vào chỉ 4 nghìn đồng/kg, bán ra 7 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, giờ cơ sở thu mua mọc lên nhiều, xung quanh khu bà Mến sống đã có đến gần chục cơ sở, không cần phải lặn lội đạp xe lên tận Hà Đông bán hàng như trước nữa.

Từ cuộc đời bà Mến đã tái hiện lại hành trình phát triển của một ngành công nghiệp tái chế. Trong 40 năm qua, ngành có sự thay đổi lớn qua các năm. Từ khi cả huyện chỉ có một mình bà Mến thu mua và cũng rất ít ỏi cơ sở thu mua, đến nay, số lượng người thu gom phế liệu đã lên đến hàng vạn người. Dù số lượng người làm nghề đồng nát tăng theo cấp số nhân nhưng vẫn luôn có việc làm. Như thế đủ thấy, “sự tăng trưởng” của rác thải phế liệu qua các năm không hề thuyên giảm mà vẫn liên tục gia tăng chóng mặt.

Nhớ lại quãng thời gian đằng đẵng 36 năm làm nghề, bà Mến luôn thấy biết ơn người bạn năm đó đã giới thiệu, chỉ dẫn cho bà làm nghề này. Nếu không có nghề đồng nát thì bà cũng không biết phải làm gì để nuôi con, nuôi chồng và người mẹ già bị bệnh suốt bao nhiêu năm. Đến giờ, ở cái tuổi 60, ngồi hồi tưởng lại, bà vẫn nghẹn ngào…

Giống như cuộc đời của bà Mến, nhiều người làm nghề đồng nát khác cũng thăng trầm không kém. Cuộc sống của họ với bao niềm vui, nỗi buồn nhưng đó là kế sinh nhai.

Mỗi vòng xe của họ là sự háo hức, mỗi tiếng rao là sự nhẫn nại… và hành trình mưu sinh của những người phụ nữ đó ẩn chứa những buồn tủi, cay đắng như chính sự long đong, vất vả của cái nghề đồng nát. Họ cặm cụi len lỏi vào những ngõ hẻm, góc phố thu mua những đồ dùng cũ kỹ mà người ta thải bỏ. Phương tiện hành nghề đơn giản chỉ là đôi quang gánh hay chiếc xe đạp. Mỗi ngày, họ rong ruổi trên khắp các chốn đô thành, thu nhập chỉ vài chục nghìn đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí khác. Giữa sự ồn ã của chốn thị thành, đằng sau những bước chân nặng nhọc, những vòng bánh xe, những tiếng rao đó là nỗi cực nhọc của những người phụ nữ tần tảo kiếm tiền sinh nhai.

Cô Nguyễn Thị Hảo [56 tuổi, ở xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên] đã làm nghề đồng nát hơn 20 năm, một ngày làm việc của cô bắt đầu từ 6h sáng

Cô Nguyễn Thị Hảo [56 tuổi, ở xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên] đã làm nghề đồng nát hơn 20 năm. Cô kể, một ngày làm việc bắt đầu từ 6 giờ sáng. Cô và người bạn thân cùng làng là cô Xuân đạp xe lên Hà Nội thu mua đồng nát. Trung bình mỗi ngày, hai cô kiếm được hơn 100 nghìn đồng.

“Có tuổi rồi, đạp xe đi xa cũng ngại mà không có việc gì làm nên đành chấp nhận. Chồng đi làm được đồng nào thì chạy thận nhân tạo cho bố chồng, còn toàn bộ chi phí sinh hoạt trong nhà đều do tôi kiếm được từ nghề đồng nát này. Đi đường xa, tôi và bà Xuân thường rủ nhau đi cùng vì lúc hỏng xe hoặc hôm mua được nhiều thì có người chở đỡ. Gia cảnh bà Xuân cũng éo le lắm. Bà ấy là trụ cột kiếm tiền chính trong gia đình, chồng nát rượu, không đi làm, lại thường xuyên đánh đập, đuổi bà ra khỏi nhà. Có hôm trời mưa tầm tã mà phải cầm túi quần áo đứng ngoài cửa, tội lắm. Cũng may có cái nghề này, chứ không chẳng biết sống thế nào”, cô Hảo chia sẻ.

Những đồng tiền gom góp hằng ngày từ chai nhựa, giấy vụn mà gia đình có thêm đồng ra đồng vào trong chi tiêu, đủ để tạo động lực giúp các cô, các chị vượt qua khó khăn, vất vả. Cuộc sống của họ đơn sơ và cũng lắm chông gai, họ tích góp niềm vui từ những bìa giấy loại, những mảnh sắt vụn hay mỗi bì nilon...

Cô Hảo và cô Xuân thường đi cùng nhau, để đề phòng rủi ro đi đường xa và đỡ đần những lúc mua được nhiều hàng

Họ rất tự ti về bản thân và cả cái nghề đồng nát của mình. Chị Trần Thị Loe quê ở Nam Định theo chồng lên Hà Nội làm công nhân. Chị thường tranh thủ những ngày cuối tuần đi thu mua đồng nát. Chị bảo: “Chẳng ai thích đi làm nghề này cả. Đến con cái cũng xấu hổ không dám khoe với bạn bè mẹ chúng nhặt đồng nát nhưng cũng không còn việc gì khác để làm. Ráng làm để nuôi con ăn học, hi vọng sau này chúng có nghề đàng hoàng, chứ không bố mẹ nào muốn con cái tiếp nối làm nghề đồng nát cả”.

Những người làm nghề đồng nát đang phải đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông, nguy cơ mắc bệnh về hô hấp, bệnh ngoài da… rất cao. Nhiều người cho rằng thời buổi này dân đồng nát dễ làm ăn lắm, mua 1 - 2 là bán được 10. Thực ra vào nghề mới biết, cả ngày đạp xe tê cứng chân, "đắt hàng" lắm mới lãi được 100 - 200 nghìn đồng. Những người đi thu mua lẻ chỉ mong kiếm đủ sống.

Bà Đoàn Vũ Thảo Ly - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng [CECR]

Theo bà Đoàn Vũ Thảo Ly - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng [CECR], phụ nữ làm nghề đồng nát đang gặp nhiều thách thức như thiếu hướng dẫn, chính sách cụ thể về phân loại rác, thiếu dụng cụ kỹ thuật để phân chia các loại rác; Bảo hộ lao động không bảo đảm; Điều kiện lao động ô nhiễm, độc hại; Phương tiện lao động thô sơ; Kỹ năng thương thảo giá cả còn hạn chế…

Hàng triệu người làm nghề đồng nát đã, đang là lực lượng chính trong việc thu gom, phân loại rác thải, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường. Chính họ cũng là đối tượng yếu thế trong xã hội. Ước tính khối lượng phế liệu do mạng lưới đồng nát thu mua lên tới 30% tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị.

Theo nhận định của ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, nếu chúng ta không kịp thời có cơ chế hỗ trợ cho những lao động hành nghề đồng nát thì chỉ khoảng ít năm nữa thôi, Việt Nam sẽ không còn lực lượng này. Vì thế, ông đề xuất cần có cơ chế hỗ trợ như chế độ bảo hiểm, bảo hộ lao động… cho lực lượng lao động phi chính thức này.

Dự án máy bán dung dịch tự động CyclePacking, hạn chế bao bì nhựa và thay bằng bao bì nhựa tái chế, đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất; Dự án thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong việc thu gom, phân loại rác thải… đang là những sáng kiến mở đường cho ngành công nghiệp tái chế phát triển.

Trước đây, các sản phẩm dung dịch, hóa chất dùng trong đời sống thường ngày như dầu gội, sữa tắm, nước giặt, dung dịch vệ sinh… thường được đóng thành các can và chai nhựa để bán cho người tiêu dùng.

Video hướng dẫn sử dụng máy bán dung dịch tự động CyclePacking

Những bao bì nhựa đó thường có chất lượng tốt, độ bền cao, vẫn còn nguyên vẹn kể cả khi đã dùng hết dung dịch bên trong. Chính vì lý do này, những năm gần đây, nhiều nhãn hàng đã cung cấp dung dịch đựng trong bao bì mềm nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá bán cho người tiêu dùng. Khách hàng mua dung dịch đựng trong bao bì mềm có thể đem về nhà, đổ vào những chai, can nhựa cũ để tiếp tục sử dụng.

Giải pháp tiêu dùng tưởng chừng như mang tính tiết kiệm này lại tạo ra gánh nặng lớn cho công tác quản lý chất thải rắn. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng My, Phó Tổng Giám đốc Công ty VietCycle, những bao bì mềm này có giá trị tái chế thấp, do đó thường không được thu gom, tái chế.

Xuất phát từ chính thực tế này, đội ngũ VietCycle mới đây đã cho ra đời máy bán dung dịch CyclePacking, với nguyên lý bán dung dịch thông qua rót trực tiếp vào chai, can của người tiêu dùng, thay vì tiêu tốn thêm bao bì.

Máy bán dung dịch tự động CyclePacking nhận được sự hưởng ứng từ người tiêu dùng

Bà My cho biết, máy CyclePacking hoạt động tương tự như máy bán nước tự động, với sản phẩm là các loại dung dịch sử dụng trong gia đình. Người sử dụng có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc mã QR và máy có thể trả lại tiền thừa sau mỗi giao dịch.

Một điểm đặc biệt, chiếc máy CyclePacking là máy bán dung dịch tự động đầu tiên trên thế giới được tích hợp thêm tiện ích cung cấp vỏ chai, vỏ can do VietCycle sản xuất từ nhựa tái chế.

Dự án CyclePacking là một trong 3 mũi nhọn chiến lược của công ty VietCycle nhằm thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua xây dựng kênh phân phối và cung ứng bền vững, khuyến khích tái chế, tái sử dụng. Dự án đặt mục tiêu giảm 90 triệu bao bì nhựa và 54 triệu kg khí thải carbon đến hết năm 2027.

Một số tổ chức quốc tế như UNDP, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ [USAID]… cũng đang xem xét đồng hành và tài trợ với VietCycle trong dự án này.

Có giải pháp tốt, có sự đồng hành của nhiều đơn vị hàng đầu, tuy nhiên đội ngũ VietCycle vẫn trăn trở về vấn đề thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng.

Máy bán dung dịch tự động CyclePacking

Để khuyến khích khách hàng sử dụng máy bán dung dịch tự động, bà My cho biết sẽ mở rộng truyền thông, tổ chức những chương trình khuyến mãi, tặng quà cho người tiêu dùng, đồng thời mong muốn có thêm sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế, máy bán hàng CyclePacking có thể là giải pháp giúp nhiều doanh nghiệp thực thi công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất [EPR], cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm đối với môi trường và xã hội.

Năm 2022, VietCycle sản xuất 5 máy thí điểm và đặt tại các khu dân cư, mua sắm ở Hà Nội. Hoạt động thí điểm bao gồm cả đặt máy bán hàng và truyền thông tại cộng đồng. Mỗi điểm đặt máy dự kiến sẽ giúp giảm 1.000 chai nhựa hoặc bao bì đa lớp bị thải bỏ/tháng, từ đó giảm đáng kể lượng cacbon thải bỏ từ quá trình khai thác - sản xuất - tiêu dùng và xử lý bao bì thải bỏ.

Dự án máy bán hàng tự động này đã đoạt giải Nhất cuộc thi Tìm kiếm mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải nhựa thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn PlastiNOvation.

Dự án “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các hoạt động phân loại, tái chế bền vững” thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cùng đơn vị tài trợ là Tổ chức Bảo tồn Đại dương được triển khai tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội từ năm 2020 đến nay với sự tham gia tích cực của các cấp Hội Phụ nữ.

Các hoạt động đã và đang được triển khai trong giai đoạn 1 của dự án với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm và hiệu quả của các cấp Hội Phụ nữ như: Mô hình thu gom, phân loại, tái chế rác thải giá trị thấp từ hộ gia đình; Chương trình hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho 200 phụ nữ thu gom phế liệu ảnh hưởng bởi COVID-19 với tổng số tiền 800 triệu đồng; Chương trình đổi rác tái chế lấy quà tặng…

Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án, sau khi khảo sát nắm bắt các thông tin về an toàn lao động và vệ sinh môi trường, ngày 9/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Nam Từ Liêm phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng tổ chức tập huấn cho phụ nữ tham gia thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa tại địa bàn; Qua đó nâng cao nhận thức về an toàn lao động, vệ sinh môi trường cho nhóm phụ nữ tham gia quá trình thu gom đồng nát.

Bà Lê Thị Bích Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Nam Từ Liêm

Theo bà Lê Thị Bích Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Nam Từ Liêm, mục tiêu của dự án giai đoạn II và chương trình tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về an toàn lao động, vệ sinh và bảo vệ môi trường cho nhóm phụ nữ tham gia quá trình thu gom; Đồng thời, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên về truyền thông sức khỏe, an toàn môi trường xã hội cho nhóm phụ nữ thu gom rác thải và phế liệu. Các chuyên gia đã truyền đạt, hướng dẫn, chia sẻ về kết quả khảo sát, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, kỹ năng thương thảo giá, kỹ năng truyền tải thông tin hiệu quả, thông tin tổng quan các văn bản pháp luật về chất thải rắn sinh hoạt, thách thức trong vấn đề thu gom phân loại rác thải tại nguồn...

Bà Đoàn Vũ Thảo Ly - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng [CECR] cho biết: “Phụ nữ hộ gia đình, hộ kinh doanh là người trực tiếp tiếp xúc với rác và hơn 90% tham gia phân loại rác tại nguồn, thu gom. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình phụ nữ tham gia vào thu gom, phân loại, tái chế rác giá trị thấp tại cấp cơ sở. Thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ, khuyến khích phụ nữ tham gia quản lý chất thải nhựa, đặc biệt là ở giai đoạn phân loại và thu gom; Tổ chức và tập hợp lại nhóm lao động này lại thành các hợp tác xã, hiệp hội, tổ đổi công, câu lạc bộ về thu gom rác thải, có tư cách pháp nhân để cải thiện điều kiện lao động, sức khỏe, có cơ hội nhận hỗ trợ từ các cấp.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ quận đã công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ thu gom phế liệu với 23 thành viên gồm 13 cán bộ Quận hội và cơ sở cùng 10 nữ thu gom ve chai của 10 phường. Câu lạc bộ có nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân thực hiện phân loại rác thải góp phần bảo vệ môi trường và hướng dẫn các phụ nữ lao động thu gom đồng nát đảm bảo an toàn lao động khi thực hiện công việc.

Mô hình thu gom phế liệu của chị em phụ nữ huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội

Các thành viên câu lạc bộ đã được hướng dẫn thảo luận để lập kế hoạch triển khai hoạt động “Dấu vân tay xã hội” tại các phường nhằm tăng cường nhận thức về an toàn lao động cũng như trao đổi thảo luận để giải quyết những khó khăn của công việc thu mua đồng nát.

Bằng những mô hình, cách làm sáng tạo cộng với phương pháp, hình thức tập huấn phong phú, đa dạng, những dự án trên đã góp phần nâng cao nhận thức cũng như huy động được sức mạnh của tập thể, cá nhân, doanh nghiệp và phụ nữ chung tay giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp đồng thời đảm bảo an toàn lao động trong công tác thu gom phế liệu.

Để “gỡ rối tơ vò” trong phát triển ngành công nghiệp tái chế, các chuyên gia cho rằng, cần đồng bộ các giải pháp từ cơ chế chính sách, sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp, đến thay đổi thói quen tiêu dùng, thải bỏ rác của người dân…

Trước vấn nạn rác thải nhựa trong nước, Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa với nhiều quyết sách như: Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030…

Đặc biệt, trong năm 2020, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường với các điều khoản sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Trong đó, luật bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; Khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

Chương trình “Hồi sinh Rác thải Nhựa” được thực hiện bởi Unilever Việt Nam và hai đối tác chiến lược VietCycle và Duy Tân hướng đến thúc đẩy mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong Quản lý Rác thải Nhựa thông qua phân loại rác tại nguồn, thu gom và tái chế rác thải nhựa.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Mặc dù đã có những nền tảng chính sách quan trọng được ban hành, tuy nhiên, theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, để phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa, cần cụ thể hóa và tháo gỡ những vướng mắc trong chính sách như phân loại rác tại nguồn, tiêu chuẩn thiết kế sản phẩm theo hướng sinh thái; Quy định tỷ lệ nguyên liệu tái sinh bắt buộc; Sản xuất cho tái chế; Tiêu dùng bền vững…

Thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ 25/8/2022. Nghị định này sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, đại diện Tổng Cục môi trường xác nhận với báo chí, một số nội dung quy định xử phạt tại Nghị định này chưa áp dụng ngay, như việc xử phạt các trường hợp không phân loại rác tại nguồn sẽ được thực hiện theo lộ trình chậm nhất vào ngày 31/12/2024.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, cần sớm đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể và trong thời gian chờ lộ trình cũng cần phải tuyên truyền và triển khai một số mô hình thí điểm tốt để người dân biết, cùng nhau thực hiện; Thay đổi dần thói quen của người dân đến khi chế tài chính thức được áp dụng sẽ vừa được lòng dân, công nhân vệ sinh môi trường bớt vất vả, môi trường cũng dần trong lành hơn.

Riêng về tiêu chuẩn thiết kế sản phẩm theo hướng sinh thái, một số nhà sản xuất nước giải khát đã đưa ra các giải pháp như chuyển sang sử dụng chai nhựa trong suốt, thay vì những chai nhựa màu mang tính đặc trưng cho nhiều thương hiệu. Chai nhựa trong suốt có giá trị cao hơn do không phải trải qua quy trình kỹ thuật phức tạp. Những thay đổi này cho thấý, cộng đồng doanh nghiệp đang chủ động đón đầu xu thế bền vững.

Tuy nhiên, rào cản đến từ việc chưa có những quy định rõ ràng trong thiết kế bao bì, dẫn đến việc các doanh nghiệp “nhìn nhau”, chưa thực sự tiến hành giải pháp mạnh tay hơn. Vì thế, một bộ quy chuẩn về quy cách thiết kế bao bì là đặc biệt cần thiết. Những quy chuẩn về diện tích tem mác, loại keo dán, mực in… thực tế đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng rất hiệu quả.

Cùng với đó, một số vấn đề liên quan đến kinh tế xanh cần phải nhanh chóng triển khai như thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Chuyên gia ngành tái chế nhận xét, Nghị định 06/NĐ-CP đặt lộ trình đến năm 2025 mới bắt đầu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon là quá muộn. Ngoài ra, câu chuyện Bộ Tài chính hay Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm xây dựng sàn giao dịch này cũng là vấn đề nhận được nhiều quan tâm, cần sớm làm rõ.

Các chuyên gia cũng đề xuất, Việt Nam cần ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về việc tái sử dụng, định danh cụ thể với từng loại sản phẩm để người tiêu dùng có thể tiếp cận và hiểu rõ việc tái sử dụng. Bên cạnh đó, khuyến khích áp dụng giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại thu gom, vận chuyển tái chế và xử lý chất thải rắn.

Thực tế, vấn đề nhức nhối nhất khi phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa là rác nhập khẩu đang chiếm khoảng 80% đầu vào của ngành này.

Theo ông Vượng, công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất [EPR] trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt này.

EPR yêu cầu các doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu gom, tái chế hoặc đóng phí tái chế bắt buộc đối với một số loại rác thải phát sinh từ sản phẩm của doanh nghiệp. Công cụ EPR mang hàm ý bắt buộc doanh nghiệp thay đổi thiết kế sản phẩm theo hướng dễ thu gom, tái chế; Thiết lập các cơ sở phục vụ hoạt động thu gom, tái chế cũng như bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động này.

Song song đó, các quy định như phân loại rác bắt buộc tại hộ gia đình, thu phí rác thải theo khối lượng… trong luật mới cũng hướng tới việc tạo ra nguồn “rác thải sạch” làm đầu vào cho ngành tái chế.

Một số doanh nghiệp đã và đang có những bước chuẩn bị tương đối bài bản cho việc thực thi công cụ này, có thể kể đến nhóm thành viên Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam [PRO Việt Nam] như Coca Cola, Mondelez Kinh Đô… Đây là nhóm doanh nghiệp phải thực thi EPR sớm nhất, kể từ năm 2024.

Theo đó, hành động mạnh dạn phá bỏ “thông lệ” sử dụng màng co nắp chai của doanh nghiệp giải khát như LaVie; Coca Cola; Nestlé; Pepsi… nhận được sự đồng tình từ phía người tiêu dùng bởi màng co nắp chai là miếng nilon nhỏ, có giá trị quá thấp nên rất khó để thu gom.

Một số thành viên của PRO Việt Nam cũng rót hàng tỷ USD vào ngành tái chế, cho thấy những tiềm năng hiện hữu của ngành công nghiệp này. Điển hình là Công ty CP sản xuất nhựa Duy Tân, một “ông lớn” ngành nhựa Việt Nam đã đầu tư hơn 60 triệu USD, xây dựng nhà máy tái chế có quy mô 65.000m2 tại huyện Đức Hòa [tỉnh Long An] để sản xuất chai nhựa tái chế PET cho ngành đồ uống và một số sản phẩm được làm từ nhựa tái chế [không dùng cho thực phẩm] như chai đựng dầu gội, sữa tắm từ HDPE và tương lai là một số sản phẩm gia dụng từ nhựa PP. Hiện nhà máy đã nhận được nhiều đơn hàng từ các đối tác lớn như Unilever, LaVie...

Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35 - 50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%, đáp ứng được 50% nguyên liệu cho ngành sản xuất nhựa và hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.

Để tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để tái chế chất thải nói chung và tái chế nhựa nói riêng. Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ Môi trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế nhựa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất chỉ từ 2,6 - 3,6%/năm, mức cho vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án…

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, cần cải thiện sự minh bạch về dữ liệu trên thị trường nhựa, để tạo thuận lợi cho việc đầu tư vào thị trường Việt Nam, đặc biệt cho khu vực tư nhân.

“Động lực để doanh nghiệp tuân thủ, thậm chí là thực hiện vượt cả những quy định pháp luật đến từ áp lực của xu thế tiêu dùng bền vững. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sản phẩm, dịch vụ họ sử dụng không chỉ có chất lượng và giá cả mà còn phải có trách nhiệm xã hội”, ông Vượng nhận định.

Nhìn ra thế giới, một số nước Châu Âu đã có những cách làm sáng tạo, đơn giản, tiết kiệm và vô cùng hiệu quả trong việc nâng tỉ lệ tái chế lên 90%.

Cụ thể, năm 2019, EU đã chính thức thông qua chỉ thị quy định 90% chai nước giải khát bằng nhựa phải được thu hồi và tái chế vào trước năm 2030. Đây được xem là mục tiêu tham vọng, tác động tới không chỉ EU mà cả những đối tác thương mại của khu vực này.

Tuy nhiên, một thành viên của EU là Phần Lan đã vượt qua mục tiêu này từ năm 2020, với 93% vỏ chai nhựa và vỏ lon nhôm được thu hồi sau khi sử dụng. Con số ấn tượng này không phải nhờ một sáng kiến đột phá về chính sách hay công nghệ mà nhờ vào một hệ thống đã vận hành suốt hơn 70 năm, ăn sâu vào cuộc sống của người dân. Đó là hệ thống đặt cọc - hoàn trả.

Có khoảng 5 nghìn máy đặt cọc - hoàn trả vỏ chai, lon trên khắp đất nước Phần Lan, tức là tỷ lệ khoảng 1 máy trên 1 nghìn người dân. Những chiếc máy này đặt tại hầu hết cửa hàng và kiot bán đồ uống, khiến việc “trả lại” vỏ chai, vỏ lon trở nên thuận tiện.

Khoảng 0,11 - 0,4 euro là khoản tiền người dùng phải “cọc” khi mua đồ uống, tùy thuộc vào loại bao bì được sử dụng. Đây cũng là khoản tiền người tiêu dùng nhận lại được khi “trả” bao bì cho các máy đặt cọc - hoàn trả.

Ăn sâu vào đời sống của người dân, việc trả lại bao bì trở thành một phần tất yếu. Bất kỳ vỏ chai, lon nào bị vứt bừa bãi trên đường phố cũng sẽ nhanh chóng được người khác nhặt lại để hoàn trả và lấy tiền cọc.

Ước tính, mỗi người dân Phần Lan trả lại khoảng 373 vỏ bao bì đồ uống mỗi năm, gồm 251 lon nhôm, 98 chai nhựa và 24 chai thủy tinh. Khoảng 360 triệu euro là khoản tiền được chi trả cho hoạt động đặt cọc - hoàn trả tại Phần Lan mỗi năm.

Một điểm đặc biệt là hệ thống này được vận hành bởi Palpa, một công ty tư nhân phi lợi nhuận, duy trì hoạt động bằng thu gom, tái chế và không nhận tài trợ từ chính phủ Phần Lan. Đây là minh chứng rõ nét về một hệ thống tái chế có thể tự “sống” theo cơ chế thị trường.

Theo quy trình nhiều năm nay, vòng đời của một sản phẩm nhựa, đơn cử là túi ni lông sẽ đi từ nhà máy sản xuất, ra thị trường đến tay người tiêu dùng rồi vào thùng rác và ra bãi rác. Sau đó sẽ được chôn lấp hoặc đốt bỏ. Quy trình đó “yên ổn” tuần hoàn suốt nhiều thập kỷ, cho đến khi các bãi rác đồng loạt trong tình trạng quá tải, người dân phản ứng mạnh mẽ bởi mùi hôi thối bốc ra từ bãi rác ùn ứ. Tuy nhiên, họ cũng chỉ đơn thuần bức xúc, phản ánh, yêu cầu chính quyền cơ quan chức năng phải giải quyết, trong khi chính họ lại không làm bất cứ điều gì. Họ quay trở về nhà và lại tiếp tục quy trình đó: mua - sử dụng - vứt trong thùng rác - ra bãi rác. Không hề có điều gì thay đổi. Nếu cứ tiếp diễn như thế, chắc chẳng ai dám nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Nói như thế để thấy rằng, trách nhiệm xử lý rác thải nhựa không chỉ thuộc về những nhà quản lý, cơ quan chức năng mà là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta. Trách nhiệm đó bắt đầu từ ý thức tiêu dùng sản phẩm nhựa đến hành động phân loại rác từ mỗi gia đình.

Như lời ông Vượng nói: “Có thể thời gian đầu, việc phân loại rác sẽ khiến chúng ta cảm thấy phiền hà nhưng nếu không xử lý triệt để vấn đề rác thải bây giờ thì chỉ ít năm nữa thôi, rác sẽ ngập đến tận cửa nhà và chẳng ai chịu được cái mùi hôi thối ấy. Nếu ví đất nước như một ngôi nhà thu nhỏ thì chẳng vị khách nào muốn đến thăm nhà khi trước cửa nhà họ đầy rác. Thế giới đang đánh giá thước đo văn minh của một đất nước dựa trên cách họ xử lý rác thải”.

Các đơn vị bắt tay triển khai chương trình tuyên truyền "Hồi sinh rác thải nhựa"

Đồng quan điểm, bà An cho rằng: “Ngành tái chế chỉ phát triển được khi phân loại rác được thực hiện tốt. Để tăng cường nhận thức, thay đổi thói quen của người dân, cần đẩy mạnh tuyên truyền “đến nơi đến chốn” về tác hại của rác thải nhựa, tầm quan trọng của việc phân loại, tái chế. Việc tuyên truyền ấy phải bắt đầu từ chính những người trẻ, để họ tác động ngược đến những người lớn trong gia đình. Nhật Bản thành công trong “cuộc chiến” với rác thải là nhờ họ đã tuyên truyền giáo dục đậm nét việc giữ gìn vệ sinh không gian chung cho các em nhỏ. Đến đại học, 12 năm liền học sinh được đào tạo, hướng dẫn tự giữ gìn vệ sinh trường học, đã hình thành lên một tầng lớp có ý thức kỉ luật cao trong bảo vệ môi trường”.

Trong các mục tiêu hướng đến thì mục tiêu quan trọng nhất khi phát triển ngành công nghiệp tái chế suy cho cùng chính là giúp Việt Nam sạch rác. Nhật Bản tuyên bố chiến tranh với rác từ năm 1971 và đến năm 1990 đất nước họ sạch rác. Có lẽ, cũng đã đến lúc, Việt Nam cần tuyên bố “chiến tranh” với rác thải nhựa. Cuộc chiến ấy cần xác định là cuộc chiến lâu dài, trường kì. Chỉ khi có sự chung tay của cả cộng đồng, từ ý thức trách nhiệm trong tiêu dùng, phân loại rác của mỗi người dân, đến sự hưởng ứng, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, sự chặt chẽ của hệ thống quy phạm pháp luật cùng cam kết hành động mạnh mẽ của các cơ quan quản lý thì tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ giải quyết được vấn nạn rác thải nhựa trong tương lai gần.

Chủ Đề