Ví dụ về chức năng của dư luận xã hội

Dư luận xã hội đang trở thành hiện tượng phổ biến và gây bàn tán trong xã hội. Dư luận xã hội vừa có tác động tích cực vừa tác động tiêu cực đến cuộc sống con người. Để hiểu rõ về dư luận xã hội cũng như những tính chất của dư luận xã hội, Luật Dương Gia xin gửi đến bạn đọc những thông tin bổ ích qua bài viết Dư luận xã hội là gì? dưới đấy:

Dư luận xã hội là những ý kiến phán xét, đánh giá của một nhóm người, một tập thể hay toàn xã hội trước vấn đề có tính thời sự đem đến thu hút, sự quan tâm của nhiều người và được thể hiện thông qua nhận định hay hành động cụ thể của con người.

Đối tượng của dư luận xã hội

Những vấn đề được cộng đồng xã hội quan tâm tới chính là đối tượng của dư luận xã hội. Trong thực tế, con người có nhu cầu mạnh mẽ về lợi ích vật chất và tinh thần nên các sự kiện hiện tượng xã hội có tính thời sự, cập nhật trình độ hiểu biết của công chúng, được công chúng quan tâm có khả năng trở thành đối tượng của dư luận xã hội.

Đối tượng của dư luận xã hội là những vấn đề có tầm quan trọng và có tính cấp bách, đòi hỏi phải có ý kiến phán xét, đánh giá và đưa ra những phương hướng cụ thể. Đó có thể là vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, hay đạo đức.

Chủ thể của dư luận xã hội

Chủ thể của dư luận xã hội là cộng đồng người hay nhóm người mang dư luận xã hội. Dư luận xã hội bao gồm mọi luồng ý kiến của đa số cũng như ý kiến của thiểu số.

Các tính chất của dư luận xã hội

– Tính khuynh hướng

Tính khuynh hướng của dư luận xã hội là ý kiến đánh giá của cộng đồng xã hội đối với sự kiện mang tính thời sự bao gồm tán thành, phản đối hay lưỡng lự. Cũng có thể phân chia dư luận xã hội theo các khuynh hướng như tích cực, tiêu cực; tiến bộ hoặc lạc hậu… Ở mỗi khuynh hướng, thái độ tán thành hoặc phản đối lại có thể phân chia theo các mức độ cụ thể như rất tán thành, tán thành, lưỡng lự, phản đối, rất phản đối.

Tính khuynh hướng cũng biểu thị sự thống nhất hay xung đột của dư luận xã hội. Xét theo các mức độ tán thành hoặc phản đối được nêu ở trên, nếu đồ thị phân bố dư luận xã hội có dạng hình chữ U thì biểu thị sự xung đột khi trong xã hội có hai loại quan điểm mâu thuẫn, đối lập nhau về cùng sự vật, hiện tượng. Nếu đồ thị có dạng hình chữ J biểu thị sự thống nhất khi trong xã hội chỉ có một loại quan điểm có tỉ lệ số người ủng hộ cao

– Tính lợi ích

Để trở thành đối tượng của dư luận xã hội, các sự kiện, hiện tương xã hội đang diễn ra phải được xem xét từ góc độ chúng có mối quan hệ mật thiết với lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau trong xã hội. Tính lợi ích của dư luận xã hội được nhìn nhận trên hai phương diện là lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần.

Lợi ích vật chất được nhận thức rõ nét khi các hiện tượng diễn ra trong xã hội có liên quan chặt chẽ đến hoạt động kinh tế và sự ổn định cuộc sống của đông đảo người dân.

Lợi ích tinh thần được đề cập khi các vấn đề, các sự kiện đang diễn ra đụng chạm đến hệ thống các giá trị, chuẩn mực xã hội, phong tục tập quán, khuôn mẫu hành vi ứng xử văn hóa của cộng đồng xã hội hoặc của cả dân tộc.

– Tính lan truyền

Dư luận xã hội được coi như biểu hiện của hành vi tập thể do đó cơ sở của nó là hiệu ứng phản xạ quay vòng, mà khởi điểm từ cá nhân hay nhóm xã hội nhỏ sẽ gây nên các chuỗi kích thích của các cá nhân khác, nhóm xã hội khác. Để duy trì chuỗi kích thích này luôn cần các nhân tố tác động lên cơ chế hoạt động tâm lý của các cá nhân hay nhóm xã hội. Đối với dư luận xã hội, các nhân tố tác động đó có thể được coi là các thông tin bằng hình ảnh, âm thanh sống động, trực tiếp và có tính thời sự. Dưới tác động của các luồng thông tin này, các nhóm công chúng khác nhau sẽ cùng được lôi cuốn vào quá trình bày tỏ quan tâm của mình thông qua hoạt động trao đổi bàn bạc, tìm kiếm thông tin, cùng chia sẻ trạng hái tâm lý của mình với người xung quanh.

– Tính bền vững tương đối và tính dễ biến đổi

Dư luận xã hội vừa mang tính bền vững tương đối vừa mang tính dễ biến đối, thuộc tình này của dư luận xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Với những sự kiện, hiện tượng hay quá trình quen thuộc, dư luận xã hội thường rất bền vững

Tính biến đổi của dư luận xã hội thường được xem xét trên hai phương diện sau:

Thứ nhất: Biến đổi theo không gian và môi trường văn hóa. Hệ thống các giá trị, chuẩn mực xã hội đang tồn tại trong nền văn hóa của cộng đồng người quyết định sự phán xét, đánh giá của dư luận xã hội về các sự kiện, hiện tượng hay quá trình xã hội. Với cùng một sự việc, sự kiện xảy ra, dư luận xã hội ở các cộng đồng người khác nhau lại thể hiện sự phán xét đánh giá khác nhau.

Thứ hai: Biến đổi theo thời gian: Cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều giá trị văn hóa, chuẩn mực xã hội, phong tục tập quán có thể bị biến đổi ngay trong cùng một nền văn hóa-xã hội dẫn đến sự thay đổi trong cách nhìn nhận, đánh giá của dư luận xã hội.

Phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể, dư luận xã hội còn biến đổi theo đối tượng của phán xét, đánh giá khi công chúng phát hiện thêm các mối liên quan giữa đối tượng ban đầu với các sự kiện, hiện tượng, quá trình diễn ra kèm theo nó. Mặt khác, xuất phát từ các phán xét, đánh giá bằng lời, dư luận xã hội có thể chuyển hóa thành các hành động mang tính tự phát hoặc có tổ chức để thể hiện thái độ đồng tình hay phản đối của mình.

Dư luận xã hội về những vấn đề của đời sống xã hội có thể ở trạng thái tiềm ẩn, không bộc lộ bằng lời [dư luận của đa số im lặng]. Trong những xã hội thiếu dân chủ, dư luận xã hội đích thực thường tồn tại dưới dạng tiềm ẩn. Trong xã hôi cũng có những dư luận xã hội tiềm ẩn về những sự việc, sự kiện sắp tới chưa xảy ra.

– Tính tương đối trong khả năng phản ánh thực tế xã hội của dư luận xã hội

Sự phản ánh của dư luận xã hội có thể đúng hoặc sai do đó không nên tuyệt đối hóa khả năng nhận thức từ dư luận xã hội. Chân lý của dư luận xã hội không phụ thuộc vào tính chất phổ biến của nó. Không phải lúc nào dư luận của đa số cũng đúng hơn của thiểu số. Cái mới lúc đầu thường chỉ có một số người nhận thấy, do đó dễ bị đa số phản đối. Đối với những vấn đề trừu tượng, phức tạp, dư luận của giới trí thức, của những người có trình độ học vấn cao thường chín chắn hơn so với những người có trình độ học vấn thấp.

Chức năng của dư luận xã hội

Chức năng đánh giá:

dư luận xã hội đánh giá hành vi xã hội, các chuẩn mực xã hội, các quá trình xã hội. Dư luận xã hội đánh giá các hành vi đó đúng hay sai, tốt hay xấu. Những chuẩn mực xã hội mà dư luận dự vào để đánh giá có thể là những điều luật hoặc là chuẩn mực chung của đông đảo công chúng. Sự đánh giá này thường khác nhau trong các nhóm xã hội khác nhau cũng như trong những khoảng thời gian khác nhau.

Chức năng giáo dục:

dư luận xã hội khi phán xét đánh giá [khen hoặc chê] nó có tác dụng khuyến khích cái tốt, ngăn ngừa cái xấu, giữ gìn và bảo vệ cái đúng, cái đẹp phê phán cái tiêu cực. 

Chức năng điều hòa:

dư luận xã hội góp phần sắp xếp, điều chỉnh các quan hệ xã hội cho đúng mục đích và chuẩn mực. Trên cơ sở đánh giá các sự kiện, hiện tượng, dư luận xã hội nêu ra các chuẩn mực chỉ ra những việc nên làm hay nên tránh hoặc điều chỉnh hành vi cách cư xử của con người. Đặc biệt khi có những biến cố xã hội lớn đụng chạm trực tiếp và mạnh mẽ đến cộng đồng, dư luận xã hội hình thành nhanh chóng và rộng rãi, tạo ra sức mạnh lớn chỉ hướng cho hoạt động của quần chúng, cổ vũ cho những hành vi phù hợp với lợi ích chung lên án những hành vi không phù hợp.

Chức năng kiểm soát:

dư luận xã hội còn có khả năng kiểm soát thông qua sự phán xét, đánh giá có tác dụng giám sát hoạt động của các tổ chức xã hội, các cơ quan nhà nước có phù hợp với lợi ích xã hội hay không. Mọi hoạt động của con người trong xã hội có sự đánh giá giám sát của xã hội cho nên buộc mọi người phải tuân theo chuẩn mực xã hội.

Chức năng tư vấn:

thông qua nội dung của mình dư luận xã hội góp ý kiến kiến nghị và giải đáp những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm giúp cho các tổ chức Đảng cơ quan nhà nước giải quyết những vấn đề quan trọng trong xã hội vì vậy xã hội càng phát triển, trình độ văn hóa của nhân dân càng cao, dân chủ càng mở rộng thì sức mạnh của dư luận xã hội càng lớn có tác dụng đến xã hội và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

Video liên quan

Chủ Đề