Tuần hoàn bàng hệ cửa chủ là gì

Tăng áp tĩnh mạch cửa biểu hiện bằng tình trạng lách to, báng bụng, xuất huyết tiêu hóa… Trong đó, xuất huyết tiêu hóa là một biến chứng nguy hiểm và đe dọa tính mạng người bệnh.

Định nghĩa tăng áp tĩnh mạch cửa

Tĩnh mạch cửa [hay tĩnh mạch gánh] được hình thành bởi sự kết hợp giữa tĩnh mạch mạc treo tràng trên, mạc treo tràng dưới và tĩnh mạch lách. Tĩnh mạch mạc treo tràng trên được hình thành từ các nhánh phụ từ ruột non, đại tràng, đầu tụy và có thể từ dạ dày qua tĩnh mạch mạc nối phải. Tĩnh mạch lách bắt nguồn từ rốn lách và hợp với tĩnh mạch vị ngắn tại đuôi tụy hình thành tĩnh mạch lách chính. Tĩnh mạch mạc treo tràng dưới đem máu từ phần trái của đại tràng, trực tràng đưa máu vào tĩnh mạch cửa qua vị trí hợp lưu với tĩnh mạch lách và tĩnh mạch mạc treo tràng trên. Lưu lượng máu qua hệ tĩnh mạch cửa bình thường 1000 – 1200 ml/ngày tương ứng với 75% lượng máu gan.

Áp lực tĩnh mạch cửa bình thường nằm trong khoảng 5- 10mmHg.

Khi áp lực trong hệ tĩnh mạch cửa vượt quá ngưỡng cho phép, máu sẽ theo hệ tuần hoàn bàng hệ phát triển giữa các điểm nối giữa hệ tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ.

Tăng áp tĩnh mạch cửa là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi một quá trình gia tăng chênh áp giữa tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch gan hoặc gia tăng áp lực tưới máu hệ cửa. Bình thường lưu lượng máu hệ cửa cao 1ml/phút với chênh áp hệ cửa thấp [1- 5mmHg] phản ánh kháng lực thấp của tuần hoàn gan đối với lưu lượng máu hệ cửa.

Trong bệnh lý về gan, kháng lực trong gan tăng dẫn đến tăng áp lực hệ cửa tức là PPG > 5mmHg. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa do gia tăng đề kháng với lưu lượng cửa và gia tăng dòng chảy tĩnh mạch cửa ở những bệnh nhân xơ gan là nguyên nhân trực tiếp gây ra dãn tĩnh mạch thực quản dạ dày. Gia tăng đề kháng trong cả cấu trúc [biến dạng hệ thống mạch máu gan bởi những nốt tái sinh và xơ hóa] và động học [gia tăng trương lực mạch máu gan do suy giảm chức năng của màng trong và giảm sinh khả dụng của nitric oxide].[1]

Chẩn đoán tăng áp tĩnh mạch cửa

Phương pháp phổ biến nhất để đo áp lực tĩnh mạch cửa là đo chênh áp tĩnh mạch gan [HVPG]. Phương pháp này được thực hiện qua đường tĩnh mạch cảnh hoặc tĩnh mạch đùi. Bác sĩ đưa một catheter có bóng ở đầu đi đến tĩnh mạch gan dưới hướng dẫn X-quang. Áp lực tĩnh mạch tĩnh mạch trên gan bít [WHVP: wedged hepatic venous pressure] được đo bằng cách làm tắc tạm thời tĩnh mạch gan khi bơm bóng chèn, hoặc đưa catheter nút vào một nhánh nhỏ của tĩnh mạch gan.

Nguyên nhân gây bệnh

– Tắc nghẽn tĩnh mạch cửa trước gan do huyết khối, u bướu
– Nhiễm sán máng, lao
– Bệnh lý gan đa nang
– Bẩm sinh
– Dò động tĩnh mạch gan
– Bệnh van 3 lá, viêm màng ngoài tim
– Sau xơ gan, viêm gan mạn

Các biểu hiện của tăng áp tĩnh mạch cửa

– Lách to, cường lách
– Báng bụng
– Bệnh não gan
– Tuần hoàn bàng hệ kiểu cửa chủ
– Dãn tĩnh mạch dạng đầu sứa trên bụng [caput medusa]
– Chảy máu tiêu hóa do vỡ dãn tĩnh mạch thực quản, dạ dày, trực tràng
– Bệnh dạ dày do tăng áp cửa

Nhóm bệnh nhân nguy cơ

Ở những bệnh nhân xơ gan còn bù [những người không có báng bụng, xuất huyết tiêu hóa do vỡ dãn tĩnh mạch, bệnh não gan], phân tầng nguy cơ bắt đầu bằng việc đánh giá sự hiện diện của dãn tĩnh mạch thực quản. Những bệnh nhân có dãn tĩnh mạch thực quản dạ dày có tỉ lệ chết và nguy cơ cao hơn nhiều so với bệnh nhân xơ gan mất bù nhưng không có dãn tĩnh mạch. Cần phải nội soi dạ dày để xác định sự hiện diện và kích cỡ của búi dãn tĩnh mạch.[3]

Có nhiều yếu tố được sử dụng để tiên đoán nguy cơ xuất huyết tiêu hóa do vỡ dãn tĩnh mạch thực quản dạ dày, những yếu tố này bao gồm:

– Kích cỡ tĩnh mạch: độ 1, độ 2, độ 3.
– Hình dạng tĩnh mạch: có dấu son hay không.
– Đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân: mức độ suy giảm chức năng gan là yếu tố tiên đoán quan trọng của tình trạng XHTH do vỡ dãn TMTQ dạ dày.

Chẩn đoán nội soi:

Nội soi thực quản dạ dày tá tràng: là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán chảy máu tiêu hóa do vỡ dãn tĩnh mạch và cho phép tiến hành can thiệp cầm máu qua nội soi.

Chẩn đoán trên nội soi dựa vào 1 trong 3 tiêu chuẩn:

– Chảy máu từ tĩnh mạch dãn [thành tia hoặc đang rỉ máu]
– Dấu nút tiểu cầu-fibrin [platelet fibrin plug] hay cục máu đông tại búi dãn
– Có dãn tĩnh mạch và không tìm thấy chỗ chảy máu khác

Dấu hiệu dự báo xuất huyết trên nội soi: chấm đỏ, sọc đỏ, vết đỏ lan tỏa

Phân độ dãn tĩnh mạch thực quản trên nội soi:

– Độ I: tĩnh mạch có kích thước nhỏ, mất đi khi bơm hơi
– Độ II: tĩnh mạch chiếm dưới 1/3 kích thước thực quản, không mất đi khi bơm hơi
– Độ III: tĩnh mạch chiếm trên 1/3 kích thước thực quản, giãn to thành từng búi

Biến chứng của tăng áp tĩnh mạch cửa

Xuất huyết tiêu hóa trên do tăng áp lực tĩnh mạch cửa là một trong những nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên thường gặp. Đây là một biến chứng nguy hiểm và đe dọa tính mạng trên bệnh nhân xơ gan và đứng hàng thứ 2, sau xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng, với tỉ lệ là 14%. Tỉ lệ xuất hiện dãn tĩnh mạch thực quản mới là 5% sau một năm và 28% sau ba năm. Dù đã có những tiến bộ về điều trị nhằm cải thiện tỉ lệ tử vong và tái xuất huyết, nhưng tỉ lệ tử vong trong 6 tuần vẫn còn cao chiếm từ 10% – 20% và tỉ lệ tái xuất huyết trong 1 năm là 60%.

Điều trị tăng áp tĩnh mạch cửa

Do đó, nội soi thực quản dạ dày tá tràng để tầm soát dãn tĩnh mạch thực quản dạ dày được khuyến cáo ngay khi bệnh nhân được chẩn đoán xơ gan. Bệnh nhân xơ gan còn bù, không có dãn tĩnh mạch thực quản dạ dày qua nội soi tầm soát và tổn thương gan còn diễn tiến [còn uống rượu, điều trị viêm gan siêu vi C không hiệu quả…], nên nội soi lặp lại mỗi 2 năm. Nếu không có tổn thương gan diễn tiến [đã bỏ rượu, điều trị hết viêm gan siêu vi], không có yếu tố nguy cơ [béo phì], nên nội soi lặp lại mỗi 3 năm.[2]

Nội soi dạ dày tá tràng tầm soát dãn tĩnh mạch thực quản dạ dày. Ảnh: Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa.

Với bệnh nhân xơ gan mất bù [đã có biến chứng như bụng to, chảy máu tiêu hóa do dãn tĩnh mạch thực quản] nên được nội soi tại thời điểm phát hiện và lặp lại mỗi năm.

Nếu bệnh nhân xơ gan đã chảy máu do vỡ dãn tĩnh mạch, kết hợp chẹn bêta không chọn lọc với cột thắt tĩnh mạch qua nội soi là lựa chọn tốt nhất để phòng ngừa thứ phát xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản dạ dày.

Trường hợp chảy máu tiêu hóa tái phát nhiều lần dù đã phối hợp nội soi cột thắt búi tĩnh mạch và điều trị bằng thuốc chẹn bêta, phương pháp can thiệp mạch máu như TIPS hoặc BRTO sẽ là lựa chọn ở bệnh nhân xơ gan child A và child B.

Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa [BVĐK Tâm Anh TP.HCM] và Khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy [BVĐK Tâm Anh Hà Nội] là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc các vấn đề về gan từ nhẹ đến nặng [gan nhiễm mỡ, viêm gan cấp tính, mạn tính, xơ gan, ung thư gan…]. Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa – Ngoại khoa – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh về gan với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
    • Hotline: 1800 6858
  • TP.HCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
    • Hotline: 0287 102 6789 – 0287 300 6858
  • Fanpage: //www.facebook.com/benhvientamanh
  • Website: //tamanhhospital.vn

Chủ Đề